Trên trời còn có trời, trên Thần còn có Thần, trên Phật còn có Phật cao hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong văn hóa tín ngưỡng Á Đông, vị Thần Tiên nào là mạnh nhất? Có lẽ mọi người nghĩ đến trước tiên là Ngọc Hoàng Đại Đế. Còn nói đến Phật thì có lẽ mọi người sẽ nghĩ đến Phật Tổ Như Lai. Thực ra trong phả hệ Thần Phật Á Đông, hai vị Thần Phật nói trên không phải là mạnh nhất. Vậy vị nào mạnh nhất?

Những phát hiện mới nhất về thiên văn học như kết cấu thiên thể vòng tròn lớn (Big Ring) có đường kính 1,3 tỷ năm ánh sáng, và vòng cung lớn (Giant Arc) ở gần đó với chiều dài 3,3 tỷ năm ánh sáng, đã lật đổ mọi tri thức khoa học về vũ trụ hiện nay.

Trước khi tìm hiểu về những phát hiện mới này, chúng ta hãy cùng nhau xem Thần thoại nói thế nào về vũ trụ và các vị Thần.

Bất kể là Ngọc Hoàng Đại Đế hay là Phật Tổ Như Lai, các Ngài đều có sư phụ. Có thể có người nói, sư phụ của các Ngài là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn. Cách nói này đều không đúng, vì Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn cũng có sư phụ.

Có người có thể nói, nếu thế thì Hồng Quân Lão Tổ chính là sư phụ của các Thần Phật nói trên. Cách nói này cũng vẫn không đúng, vì Hồng Quân Lão Tổ cũng có sư phụ.

Sáng Thủy Nguyên Linh

Sư phụ của Hồng Quân Lão Tổ xuất hiện trong tiểu thuyết “Hồng hoang”, tên là Sáng Thủy Nguyên Linh. Tuy nhiên cả Phật giáo và Đạo giáo đều cho rằng, Sáng Thế Nguyên Linh là Thần linh do người hiện đại sáng tác ra, và bị cả Phật giáo và Đạo giáo phủ nhận.

Theo phổ hệ Thần Tiên trong “Hồng hoang”, ban đầu khi sinh ra vũ trụ, có Nguyên Linh Tiên thiên Hỗn nguyên, trải qua thời gian lâu dài, linh khiếu khai mở, dần có thần trí. Thế là Nguyên Linh này bắt đầu lơ mơ ngao du trong vũ trụ. Một thời gian nào đó, Nguyên Linh đến núi Tây Côn Luân, có được Thần khí Tạo hóa nguyên sơ của vũ trụ.

Sau đó lại trải qua thời gian tu hành không biết là bao nhiêu thế kỷ, cuối cùng Nguyên Linh công đức viên mãn, Đạo Pháp đắc thành.

Đây chính là sinh linh đầu tiên trong vũ trụ, là thủy tổ của vạn vật, gọi là Sáng Thủy Nguyên Linh.

Sau khi tu hành đắc Đạo, một lần đi du ngoạn, Sáng Thủy Nguyên Linh phát hiện ra 4 sinh linh có hình dáng khác nhau, nhưng cũng đã bắt đầu khai linh khiếu. Dường như là để hoành thành ước định hoặc sứ mệnh thần bí nào đó, Sáng Thủy Nguyên Linh không biết tại sao, đã dùng linh lực vô thượng của Thần khí Tạo hóa, lần lượt ban cho 4 sinh linh này, để họ mỗi người tự tu luyện một môn pháp thuật.

Thế là 4 sinh linh này trở thành 4 đồ đệ của Sáng Thủy Nguyên Linh. Đại sư huynh Hồng Quân tu “Huyền thanh khí”, nhị sư huynh Hỗn Côn tu “Huyền linh khí”, tam sư muội Nữ Oa tu “Huyền không khí”, tứ sư đệ Lục Áp tu “Huyền minh khí”.

Bốn đồ đệ tu hành pháp thuật hợp lại chính là “Thanh linh không minh”. Bốn vị đồ đệ này chính là Hồng Quân Lão Tổ, Hỗn Côn Tổ Sư, Nữ Oa Nương Nương, và Lục Áp Đạo Quân mà người đời sau tôn xưng. Sau đó mới có các vị Thần Tiên mà chúng ta biết hiện nay.

Chúng ta hãy cùng xem phả hệ Thần Tiên trong “Hồng hoang” và trong các thư tịch cổ có những điều gì khác nhau.

Hồng Quân Lão Tổ - vị Thần nguyên thủy

Đại đệ tử của Sáng Thủy Nguyên Linh là Hồng Quân Lão Tổ. Lão Tổ có 3 đại đệ tử là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ.

Hồng Quân Lão Tổ. (Chụp video)

Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử mà chúng ta đã quen thuộc, Ngài là đại đệ tử của Hồng Quân Lão Tổ, và cũng được gọi là Đạo Đức Thiên Tôn, chưởng quản nhân giáo (giáo hóa nhân loại). Trong “Tây du ký”, Ngài cư trú trong Ly Hận Thiên, là Hỗn Nguyên Giáo Tổ - Thái Thượng Đạo Tổ, cũng gọi là Thái Thượng Lão Quân. Thái Thượng Lão Quân chỉ có một đệ tử, đó là Huyền Đô Đại Pháp Sư.

Từ khi Bàn Cổ khai thiên tịch địa, trải qua Tam Hoàng Ngũ Đế, cho đến ngày nay. Điều này hầu như ai cũng biết. Nhưng có điều hầu hết mọi người không biết, rằng Bàn Cổ chính là đệ tử thứ 2 của Hồng Quân Lão Tổ.

Bàn Cổ tu “Huyền thanh khí” mà Hồng Quân Lão Tổ truyền cho, đã tu được cảnh giới “Ngọc huyền thanh khí”, và sáng lập Xiển giáo trong “Bảng phong Thần”.

Bàn Cổ theo Hồng Quân Lão Tổ học pháp thuật, sau đó cảm niệm được lực của vũ trụ, thế là tay cầm búa lớn, khai thiên tịch địa. Người đời sau cảm ơn công lao khai thiên tịch địa của ông nên tôn Bàn Cổ là Nguyên Thủy Thiên Tôn. Các đệ tử nhân gian của Nguyên Thủy Thiên Tôn nhiều vô kể.

Giải mã Thần thoại (P.4): Bàn Cổ khai thiên tịch địa
Bàn Cổ khai thiên tịch địa. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Dưới đây là một số vị mà chúng ta quen thuộc.

  1. Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn, chính là Văn Thù Bồ Tát mà chúng ta đều biết.
  2. Phổ Hiền Chân Quân, chính là Phổ Hiền Bồ Tát mà chúng ta đều biết.
  3. Từ Hàng Đạo Nhân, chính là Quán Âm Bồ Tát mà chúng ta đều biết.
  4. Cự Lưu Tôn, chính là vị Phật thứ 4 trong 6 vị Phật quá khứ trong Phật giáo - Cụ Lưu Tôn Phật, cũng gọi là Câu Lưu Tôn Phật.
  5. Xích Tinh Tử, chính là Tiên nhân Đạo giáo - Ninh Phong Tử, thời Hoàng Đế ông đảm nhiệm chức Đào Chính.
  6. Quảng Thành Tử, chính là vị Tiên nhân mà Hoàng Đế đã bái sư học Đạo.
  7. Nam Cực Tiên Ông, chính là Ông Thọ (Thọ Tinh Lão Nhân) mà chúng ta vẫn thường nói đến.
  8. Khương Tử Nha, chính là Khương Thượng - Khương Thái Công, người đã phò tá Chu Vũ Vương diệt Trụ Vương kiến lập triều Chu.

Đồ đệ tứ 3 của Hồng Quân Lão Tổ là Thông Thiên Giáo chủ, cai quản Triệt giáo (Tên chính xác là Tiệt giáo), các đệ tử của ông rất nhiều, ví như 24 vị Tinh Tú, Lôi Công Điện Mẫu, Phổ Thiên Tinh Tướng dưới sự cai quản của Ngọc Đế, và những vị khác, đều là môn nhân của Thông Thiên Giáo chủ.

Hỗn Côn Tổ Sư - vị Thần nguyên thủy

Đệ tử thứ 2 của Sáng Thủy Nguyên Linh là Hỗn Côn Tổ Sư, người tu Huyền linh khí. Hỗn Côn Tổ Sư chính là Ngu Cường trong Sơn Hải Kinh. Ngu Cường chính là Côn Bằng trong truyền thuyết, vừa là Thần Biển, vừa là Thần Gió, có 2 loại hình thái là hình con cá lớn và hình con chim lớn, có thể thay đổi trong 2 hình thái này.

Trong các điển tịch như Lã Thị Xuân Thu, Liệt Tử, đều có ghi chép về Ngu Cường. Cũng có nghĩa là, Hỗn Côn Tổ Sư không phải là hình tượng hư cấu trong tiểu thuyết hiện đại Hồng Hoang, trong các thư tịch và truyền thuyết cổ đại cũng có ghi chép.

2 đại đệ tử đắc ý nhất của Hỗn Côn Tổ Sư là Đại đệ tử Tiếp Dẫn Đạo Nhân, và Nhị đệ tử Chuẩn Đề Đạo Nhân, 2 vị đệ tử này đã sáng lập ra Tây phương giáo, làm Đại giáo chủ và Tiểu giáo chủ.

Đại đệ tử Tiếp Dẫn Đạo Nhân chính là Phật Tổ Như Lai mà chúng ta quen thuộc. Nguyên thần của ông hóa thân chuyển thế thành Vương tử Kiều Đạt Ma Tất Đạt Đa ở nước Ca Tỳ La Vệ để khổ tu. Vị Vương tử này là bậc kỳ tài, một mình ở dưới cội bồ đề triệt ngộ đại đạo, đắc đạo thành Phật, được tôn là Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật Thích Ca Mâu Ni có 2 vị Bồ Tát hộ vệ, đó là Văn Thù Bồ Tát “đại trí”, và Phổ Hiền Bồ Tát “đại hạnh”.

Phật Thích Ca Mâu Ni có 2 vị Bồ Tát hộ vệ, đó là Văn Thù Bồ Tát “đại trí”, và Phổ Hiền Bồ Tát “đại hạnh”. (Chụp video)

Theo kinh Phật ghi chép, Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự có sư phụ, nhưng sư phụ của Ngài không phải là Hỗn Côn Tổ Sư, mà là vị Phật cổ, Đăng Nhiên Phật. Đăng Nhiên Phật là Phật quá khứ, Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật hiện tại, còn Phật tương lai là Phật Di Lặc.

Vị Nhị đệ tử Chuẩn Đề Đạo Nhân chính là Bồ Để Lão Tổ trong Tây Du Ký mà chúng ta quen thuộc, cũng chính là Tây Phương Diệu Pháp Tổ Bồ Đề trong Phật giáo. Ngài có 2 vị Bồ Tát hộ vệ, một vị là Đại Thế Chí Bồ Tát “đại dũng”, một vị là Quán Âm Bồ Tát “đại bi”.

Có thể có bạn đọc sẽ thắc mắc: Vị Hỗn Côn Tổ Sư này chẳng phải là Đạo gia đó sao? Đệ tử của Ngài sao lại trở thành Phật gia?

Quả thực đây là một vấn đề lớn, tuy nhiên vấn đề này cũng không khó lý giải. “Hậu Hán thư - Liệt truyện” có ghi chép rằng: “Thời kỳ Đông Hán có thuyết về ‘Lão Tử hóa Hồ’, cũng gọi là ‘Lão Tử hóa Phật’”.

Ý nghĩa là, Sau khi ra khỏi Hàm Cốc quan, Lão Tử đến nước Thiên Trúc, tức là Ấn Độ ngày nay, hóa thân thành Phật Thích Ca Mâu Ni, tiến hành giáo hóa người Thiên Trúc.

“Nam Tề thư” cũng có ghi chép về việc này rằng: “Lão Tử đến Thiên Trúc hóa thành Nhật Tinh, tiến vào trong miệng của Vương hậu Tịnh Diệu. Mùng 8 tháng 4 năm sau, Vương tử giáng sinh từ nách trái của Vương hậu, sau khi chào đời liền bước đi 7 bước. Sau đó Phật giáo hưng thịnh".

Theo cách nói của vũ trụ học hiện đại, Phật và Đạo thực ra là 2 thời không ở cùng một cảnh giới, giống như 2 ngôi sao khác nhau trong hệ Ngân Hà.

Nữ Oa Nương Nương - vị Thần nguyên thủy

Vị đệ tử thứ 3 của Sáng Thủy Nguyên Linh là Nữ Oa Nương Nương tu Huyền không khí. Nữ Oa Nương Nương tính tình cô độc, ít nói, nhưng có tấm lòng rộng lớn, cảm thương trời đất, loài người.

Sau khi sư điệt Nguyên Thủy Thiên Tôn, cũng chính là Bàn Cổ dùng rìu tạo ra trời đất, Nữ Oa Nương Nương thương xót thương sinh vạn vật mà vũ trụ tạo hóa, nên đã dùng nước và đất sét, phỏng theo hình dáng sư đệ Lục Áp nặn thành vô số người nam nữ bằng đất. Sau đó Bà thổi một hơi thở vào và đặt xuống trái đất, thế là nhân loại đã được sinh ra.

Sau này mọi người cảm tạ công đức Nữ Oa tạo con người, nên tôn Bà là Nữ Oa Nương Nương.

Sau này Chuyên Húc đại chiến Cộng Công, Cộng Công chiến bại, nổi giận đâm gãy đổ núi Bất Chu, dẫn đến trời sập đất sụt, nhân loại rơi vào tuyệt cảnh.

Lúc này, Nữ Oa Nương Nương thương xót trời đất và loài người, dùng hết sức luyện ra được ngũ sắc linh thạch, dùng Đạo Pháp vô thượng vá trời chống đất, khiến trời đất được bình an trở lại.

Nữ Oa Nương Nương luyện đá ngũ sắc vá trời. (Tranh Winnie Wang)

Lục Áp Đạo Quân - Thần Nguyên Thủy

Trong bảng Phong Thần có câu rằng:

“Hồng Quân Lão Tổ đệ nhất Tiên
Đệ tử Bàn Cổ - người khai thiên
Có Hồng Quân trước rồi có trời
Lục Áp Đạo Quân vẫn đứng trước”

Vị đệ tử cuối cùng của Sáng Thủy Nguyên Linh chính là Lục Áp Đạo Quân tu Huyền minh khí. Ngài là sư thúc của Nguyên Thủy Thiên Tôn Bàn Cổ, cũng chính là khuôn mẫu để làm ra hình dáng loài người. Nữ Oa Nương Nương đã chiểu theo hình dáng của Lục Áp Đạo Nhân để sáng tạo ra loài người.

Lục Áp Đạo Quân không sáng lập ra bất kỳ gia phái nào, Ngài tự xưng là Tản Tiên, tu Đạo ở núi Tây Côn Luân, là Thần Ly Hỏa, từ lâu đã bay ra ngoài Tam giới rồi, không còn trong Ngũ hành nữa, có thể trên thì không bái Hỏa Vân Tam Thánh Hoàng, dưới thì không để ý đến Dao Trì Vương Mẫu và Thiên Đế, không thuộc quản lý của nhân vương, cũng không có tên trong địa phủ.

Vị Tản Tiên đích thực này tiêu diêu tự tại tùy ý ngao du. Trong 4 đại đệ tử của Sáng Thủy Nguyên Linh, Đạo hạnh của Lục Áp Đạo Quân là huyền ảo nhất, và cũng mạnh nhất. Trong Phong Thần, luôn là Ngài cứu chư Tiên trong nguy nan, hơn nữa lại luôn bảo toàn thân thể trở về.

Ngài cũng đối đãi đặc biệt với Khương Tử Nha. Trên đường chinh phạt Trụ Vương, mỗi lần Lục Áp Đạo Quân xuất hiện đều là những lúc cực kỳ quan trọng, trợ giúp Khương Tử Nha gặp dữ hóa lành.

Trong quá trình Phong Thần, ngoài Hồng Quân Lão Tổ, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Tây Phương Nhị Thánh ra, không ai biết lai lịch của Lục Áp Đạo Nhân.

Có lẽ có độc giả sẽ thắc mắc rằng, Sáng Thủy Nguyên Linh là sư phụ của Hồng Quân Lão Tổ, vậy Sáng Thủy Nguyên Linh có sư phụ không?

Đương nhiên là có. Một thuyết cho rằng, sư phụ của Sáng Thủy Nguyên Linh chính là nguồn của hư vô. Sáng Thủy Nguyên Linh là Nguyên Linh Hỗn Nguyên Tiên Thiên ban đầu khi vũ trụ sinh ra, còn nguồn của hư vô là đã tồn tại trước khi vũ trụ sinh ra, có tồn tại ý thức. Chính là ý thức của nguồn của hư vô đó đã sinh ra Sáng Thủy Nguyên Linh.

Tuy nhiên thuyết nguồn của hư vô và Sáng Thủy Nguyên Linh này đều bị cả Phật giáo và Đạo giáo phản đối, bởi vì trong Phật giáo, vị Thần tối cao trên thế giới chính là Phật Đà, còn trong Đạo giáo, vị Thần tối cao trên thế giới là Tam Thanh, nào có chuyện Sáng Thủy Nguyên Linh.

Nếu vậy thì có vấn đề rằng: Ở trên Phật Đà có thực sự không có Phật cao hơn nữa không? Ở trên Tam Thanh có thực sự không có Đạo cao hơn nữa không?

Bên ngoài vũ trụ có vũ trụ

Ngày 11 tháng 1 năm 2024 nghiên cứu sinh tiến sĩ Anh Quốc là Alexia Lopez trong Hội nghị thứ 243 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ, đã tuyên bố phát hiện ra 1 thiên hà hình vòng tròn khổng lồ (Big Ring), nó lớn đến mức đã thách thức toàn bộ nhận thức nhân loại hiện nay về vũ trụ rằng, trong phạm vi lớn, bất kỳ phương hướng nào trong vũ trụ đều tương đồng.

Tuy nhiên phát hiện vòng tròn khổng lồ (big ring) mới này, bán kính của nó chiếm 3% bán kính toàn bộ vũ trụ có thể quan sát được, hơn nữa bản thân nó có thể là một phần của một kết cấu còn lớn hơn.

Vòng tròn lớn này là một nhóm thiên hà do các thiên hà, cụm thiên hà tổ hợp thành, đường kính khoảng 1,3 tỷ năm ánh sáng, chu vi khoảng 4 tỷ năm ánh sáng. Nếu mắt thường có thể nhìn thấy được,thì nhìn thấy nó lớn gấp 15 mặt trăng trên bầu trời đêm.

Vòng tròn lớn này có hình dạng hoàn toàn khác với nhận thức của nhân loại đối với vũ trụ, nó gần như một vòng tròn hoàn mỹ.

Tuy nhiên sau khi phân tích Lopez phát hiện ra rằng, thực tế nó giống với hình xoắn ốc hơn, hơn nữa mặt cắt ngang của nó vừa vặn hướng về phía trái đất.

Thực tế vòng tròn lớn này là kết cấu thiên thể khổng lồ tương tự thứ 2 mà Lopez phát hiện ra. 3 năm trước, cô phát hiện ra một vòng cung lớn (Giant Arc) ở gần vòng tròn lớn - một kết cấu thiên thể trải dài trên khoảng cách 3,3 tỷ năm ánh sáng.

Vòng tròn lớn Big Ring và Vòng cung lớn Giant Arc. Chụp video

Lopez cho rằng, kích thước khổng lồ như thế này, với hình dáng độc đáo, nhất định là đang nói cho chúng ta một một số điều quan trọng. Đó là điều gì?

Vòng tròn lớn và vòng cung lớn đem lại cho các nhà khoa học ẩn đố cực lớn về vũ trụ học, bởi vì vòng tròn lớn không phải là thiên thể đầu tiên trái ngược với các nguyên lý của vũ trụ học, mà là cái thứ 7. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra kết cấu thiên thể khổng lồ tương tự, ví dụ như Trường thành Sloan (Sloan Great Wall) dài khoảng 1,5 tỷ năm ánh sáng; Bức tường Nam (South Pole Wall) cực dài 1,4 tỷ năm ánh sáng.

Vòng tròn lớn và vòng cung lớn mà Lopez phát hiện ra ở gần còm sao Mục Phu (Bootes), xem ra khá gần.

Don Pollacco - Giáo sư khoa vật lý đại học Warwick, Anh Quốc, cho rằng, khả năng xảy ra tình huống này quả thực là cực kỳ cực kỳ thấp, do đó 2 thiên thể này có khả năng là có liên quan với nhau, và hình thành một kết cấu lớn hơn.

Vấn đề then chốt là, kết cấu khổng lồ như thế này hình thành như thế nào? Sức mạnh nào thúc đẩy hình thành những kết cấu thiên thể khổng lồ như thế này?

Những vấn đề này cho thấy, nhất định còn có nhân tố chưa biết đã khởi tác dụng. Vậy nhân tố này là gì?

Những phát hiện khoa học vũ trụ ngày nay đang lật đổ những quan niệm khoa học về vũ trụ của nhân loại, bởi vì ngoài thiên thể vẫn còn thiên thể, có thể ngoài vũ trụ khả kiến vẫn còn có vũ trụ bất khả kiến.

Thực ra Phật lý và Đạo pháp trong các kinh điển Phật gia và Đạo gia giảng, đều là vũ trụ quan thời kỳ viễn cổ. Như vậy chứng tỏ rằng, ở trên Như Lai nhất định còn có Phật cao hơn, ở trên Tam Thanh còn có Đạo cao hơn. Vậy ở trên nguồn của hư vô còn có vị Chúa tể cao hơn nữa chăng?

Lý Minh - Xinbuxinyouni
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trên trời còn có trời, trên Thần còn có Thần, trên Phật còn có Phật cao hơn