Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (15): Điềm xấu - Bi kịch của Cư Sĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện của của Cư Sĩ có hai điều khiến tôi chú ý: Một là phán đoán của cậu ấy hoàn toàn trái ngược với anh Hàn, hai là cậu ấy có luật sư giỏi bào chữa cho mình.

Chuyện của Cư Sĩ

Cư Sĩ vốn làm nghề lắp đặt máy tính ở thôn Trung Quan, quận Hải Điến, Bắc Kinh. Cậu tiếp quản cửa hàng này từ một người đồng hương, sau đó cả ba chị em Cư Sĩ cùng phối hợp kinh doanh. Lúc đầu việc làm ăn không mấy tiến triển, sau này cả nhà cậu đều tin vào đạo Phật. Họ in đĩa quang Phật giáo cho bạn bè và những cửa hàng nhỏ trong chùa, giá cả chỉ thu theo giá thành chứ không vì lợi nhuận. Vì giá rẻ nên số lượng bán ra khá lớn. Sau này, khách mua đĩa quang lại đến tìm cậu ta nhờ lắp đặt máy tính, do đó việc kinh doanh ngày càng thêm náo nhiệt.

Một người họ hàng thân thích của một thư ký của Phòng Công thương thấy gian hàng có phong thủy đắc địa, liền ép chị em Cư Sĩ phải di dời sang vị trí khác, nhưng ba chị em không đồng ý. Người kia lại lớn tiếng đe dọa, nhưng chị em Cư Sĩ vẫn để mặc ngoài tai. Người kia liền gọi cảnh sát đến tìm lỗi, cảnh sát thấy họ in đĩa, liền lấy danh nghĩa kiểm tra hàng lậu để tịch thu cả nhà cửa và gian hàng, rồi giải ba chị em về đồn. Cô em gái vẫn còn tuổi đi học nói rằng mình không biết gì cả, nên được thả ra. Cư Sĩ và chị gái đều ôm tội vào mình, những mong có thể giải thoát cho người kia, kết quả là cả hai chị em cùng bị tống vào ngục.

Chính quyền ngoài mặt tuyên truyền là mạnh tay trấn áp hàng lậu, nhưng thực tế lại buông lỏng, mặc cho việc vi phạm tràn lan. Khắp thôn Trung Quan đâu đâu cũng có đĩa lậu, bao nhiêu người kinh doanh hàng lậu vẫn cứ bình yên vô sự, còn những ai không hợp tác với chính quyền thì đều bị bắt đi.

Mặc dù Cư Sĩ mang tội danh “xâm phạm bản quyền”, nhưng theo pháp luật thì việc làm của cậu ấy lại không cấu thành tội phạm. Văn bản pháp luật quy định rằng, điều kiện cấu thành hành vi phạm tội là hoạt động vì mục đích lợi nhuận, và có nguồn thu bất chính lớn, hoặc có tình tiết phạm tội nghiêm trọng nào đó, hình phạt từ ba năm tù giam trở lên. Chị em Cư Sĩ sản xuất hơn 20.000 đĩa CD nhưng số tiền kiếm được lại chưa đến 3000 tệ… Theo đó, luật sư có đủ lý lẽ bác bỏ mà kiểm sát viên không thể nói được gì.

“Cậu đã gặp mẹ cậu chưa?” - tôi hỏi.

“Gặp rồi, mẹ vừa nhìn thấy tôi hai mắt đều rơm rớm”. Cư Sĩ nói mà hốc mắt đỏ hoe, cậu chớp chớp đôi hàng mi rồi nuốt nước mắt vào lòng. “Đã lâu lắm rồi, chị gái tôi tóc cũng bạc trắng cả đầu…”

Tôi hỏi cậu ta: “Rõ ràng cậu không có tội, vậy vì sao vẫn đoán là sẽ bị giam giữ nửa năm?”

Cư Sĩ lãnh đạm đáp: “Người ta đã bắt mình rồi, không đời nào công nhận mình vô tội đâu! Anh xem, chúng ta ngồi tù cũng gần 5 tháng rồi, nếu vô tội thì tính là án oan, cảnh sát phải bồi thường cho chúng ta, phải không? Nhưng liệu quan tòa có làm công tố viên phải mất mặt không? Họ nghi ngờ anh có tội, trước tiên cứ bắt anh lại đem tống giam, thời gian chịu án cũng bắt đầu tính rồi. Nếu anh thực sự vô tội thì vẫn phải đút tiền để được giải quyết công bằng. Còn nếu bảo lãnh chờ xét xử, anh dù được tại ngoại nhưng vẫn bị mang tội danh nghi phạm trong một năm, tuy rằng không tính là có tiền án tiền sự, nhưng hồ sơ vĩnh viễn ghi rằng anh từng bị giam giữ hình sự! Nếu may mắn chỉ bị giam giữ ngắn hạn, thì cuối cùng vẫn là tội phạm từ trại lao động cải tạo, cả đời bị người ta coi thường. Anh thấy đấy, pháp luật từ gốc rễ đã coi dân như thù địch, nghi ngờ cũng là chứng cứ bắt người!”

Tôi hỏi rằng sau này ra ngoài thì cậu sinh sống thế nào, Cư Sĩ đáp:

“Tôi vẫn sẽ lắp đặt máy tính như trước, không động chạm đến ai thì không lo bị người ta sờ gáy. Anh có biết chúng tôi đến Bắc Kinh bằng cách nào không? Bố tôi từng làm gác cổng ở thôn Lục Lang, quận Hải Điến (Bắc Kinh), thu nhập mỗi tháng 300 tệ (hơn một triệu đồng Việt Nam). Ông viết thư kể với chị em chúng tôi rằng: ‘Bố quét đường ở chợ rau, mỗi tháng kiếm thêm được 60 tệ, ngày ngày nhặt lá rau trong chợ nên không cần mua rau nữa’. Chị gái hơn tôi hai tuổi, vì để nuôi tôi và em gái ăn học mà chị phải dậy sớm tinh mơ ra ngoài làm việc. Sau này chị đến Bắc Kinh làm bảo mẫu, ngày nào cũng dậy từ nửa đêm giúp bố tôi quét chợ, nhặt lá rau.

Tôi tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc, bèn đến làm thuê trong gian hàng máy tính của người đồng hương ở thôn Trung Quan, Hải Điến. Dạo ấy ngày nào tôi cũng dậy từ giữa đêm giúp bố, rồi sau đó mới đi làm. Mùa đông, gian nhà nhỏ của mấy bố con không có máy sưởi, không có củi lửa, chúng tôi bật chiếc bếp điện nhỏ nấu rau… Sau đó người đồng hương kia về quê, giao lại gian hàng cho ba chị em. Chúng tôi làm được ba năm, kiếm được chút tiền chu cấp cho em gái út học cao đẳng, lại vừa mới đón mẹ lên thì xảy ra sự việc này”.

Câu chuyện khởi nghiệp đầy nước mắt của chị em Cư Sĩ khiến tôi vừa cảm động vừa nể phục. Những người sống dưới đáy xã hội muốn trụ được ở đây thật không dễ chút nào. Họ cần mẫn như con ong, chăm chỉ như cái kiến mà vẫn không đủ ăn, đến khi vừa mới vực dậy được một chút liền bị đám cường hào cưỡng đoạt. Ấy vậy người ta còn khoác lên mình chiếc áo choàng mỹ lệ: trấn áp tội phạm, tẩy chay hàng lậu! Người đời có câu: “Không ở trong chăn thì không biết chăn có rận”, không tận mắt chứng kiến thì không thể biết 'quan - cướp một nhà' là thế nào.

Cư Sĩ hỏi: “Anh thấy tôi có oan không?”

“Oan!”

“Đúng vậy đó. Anh xem, Tiểu Long không oan à? Tiểu Vũ Tử không oan à? Ở đây không ai là không oan hết!”.

Cư Sĩ lại ghé sát tai tôi thầm thì: “Vụ án của anh Lan không oan sao? Vụ án của anh Trần cũng không oan uổng sao?”

“Họ oan vì chuyện gì thế?”

“Họ không oan, mà người bị hại mới oan!”

Tôi đột nhiên đại ngộ, thì ra Cư Sĩ lại hiểu chuyện đến vậy.

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi ngồi trò chuyện chưa được bao lâu thì anh Lan (Đại lao đầu) đưa Cư Sĩ đi lấy phiếu. Sao gọi là “lấy phiếu”? Ấy là đối với những vụ án không thể xử tại tòa, quan tòa thường lựa chọn cách giải quyết kín đáo: Thẩm phán gửi phán quyết đến trại tạm giam cho tù nhân, tù nhân phải đi nhận bản phán quyết, việc này gọi là nhận phiếu. Khi luật sư bác bỏ lời truy tố của công tố viên, tòa án không thể công khai tuyên án trước công chúng, do đó họ thường áp dụng hình thức phán quyết im lặng này để giữ thể diện cho văn phòng công tố.

Cư Sĩ nghe nói sắp được nhận phiếu, liền cao hứng nhảy phắt lên, nhặt lấy đôi giày vải rồi chạy ngay ra ngoài.

Anh Hàn đóng cửa lại, hớn hở chạy vào nói với các bạn tù: “Tên ngốc này đi lấy phiếu rồi, chúng ta đánh cược đi!”

Mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Kết quả là, anh Hàn đoán 5 năm, anh Trần đoán 3 năm, những người còn lại đều đoán con số thấp hơn nhiều.

Bi kịch

Chẳng bao lâu sau Cư Sĩ quay trở về, mọi người reo hò đẩy cậu ta vào trong phòng. Nhưng cậu cứ ngây người đứng đó, sắc mặt nhợt nhạt, tờ phán quyết trong tay cuộn thành một cuộn giấy lỏng lẻo như sắp rơi xuống đất.

“Các cậu xem vẻ mặt đưa đám này, nếu không nhìn kỹ tôi còn tưởng là Giả Chứng Nhi quay lại đấy!” - anh Trần cười bật ra thành tiếng.

Anh Hàn giật tờ phiếu, chỉ vào đó nói: “Xem này, đều 5 năm!”. Vẻ mặt anh Hàn tươi rói như bỏng ngô nở hoa.

Hai chị em nhà này rõ ràng không có tội, vậy mà bị phán những 5 năm! Không khí trong phòng giam lập tức bùng nổ.

Đột nhiên anh Lan xông vào cửa rồi lớn tiếng trách mắng điều gì đó.

Anh Hàn cười tươi ra nghênh đón, anh Lan vỗ đầu nói: “Để cậu quản mà cậu không quản được à? Quản giáo Đinh đang ở phòng giám sát đó!”

Anh Hàn vội nói lời nhã nhặn: “Cư Sĩ vừa mới lấy phiếu về, anh em chúng tôi đều sợ quá”.

“Mấy năm mà kích động đến như thế?”

“Hai chị em họ đều 5 năm” - anh Hàn thành thực đáp.

Anh Lan nghe đến con số 5 cũng không khỏi giật mình kinh ngạc, bèn dặn dò phải chăm sóc Cư Sĩ cho chu đáo.

Nhưng Cư Sĩ thì vẫn đờ đẫn đứng ở đó, Lão Lục mắng thế nào cậu ta vẫn không nhúc nhích.

Lão Lục đột nhiên trở dậy, nhìn chằm chằm vào Cư Sĩ, tay chân ngứa ngáy như muốn động thủ. Tôi vội vàng kéo Cư Sĩ vào, giúp cậu ta cởi giày lên giường. Cư Sĩ vẫn như chú ngốc, mặc kệ cho tôi đẩy đi kéo lại, cậu ta chỉ ngồi đó ngây người lặng lẽ.

Tôi hỏi anh Hàn: “Sao anh đoán giỏi vậy? Làm sao mà cậu ta vừa ra khỏi cửa anh đã biết là 5 năm rồi?”

Lão Lục nói chen vào: “Thì anh Hàn là giáo sư làm quan hệ mà!”

Anh Hàn nói: “Chú mày tưởng rằng cuốn Chân kinh đó của anh chỉ là chuyện cười thôi à? “Chân kinh làm quan hệ” của anh đã giảng rõ: “Cứ lý lực tranh, một tội dã trọng” (dùng lý tranh cãi, vô tội cũng nặng), chú mày đã nhớ kỹ chưa? Hủy hoại chúng ta đều là các vị luật sư giỏi cả! Cứ cho rằng Cư Sĩ trả cho luật sư 15.000 tệ đi, mà không, hai chị em thì chí ít cũng phải trả 20.000 tệ, để rồi bị luật sư làm cho hai người phải 5 năm ngồi tù! Đấy, trắng mắt ra chưa? Luật sư gì mẹ nó! Chú em đúng là đồ đại ngốc!”

Anh Trần tiếp lời: “Ai bác bỏ thì người ấy xúi quẩy, bị phán trọng tội, kết quả là hỏng việc!”

Anh Hàn mắng: “Mẹ kiếp, dám phản bác công tố viên à? Mấy chú em không biết công tố viên cũng là cùng một giuộc với quan tòa sao? Có mà đầu óc bã đậu mới làm như thế!”

Tôi hỏi: “Làm luật sư mà không bào chữa thì làm gì?”

“Chú em quên Chân kinh của anh rồi à? “Hoa tiền sơ thông, trọng tội dã khinh” (bỏ tiền bôi trơn, tội nặng cũng nhẹ). Câu trả lời là: Làm quan hệ! Những luật sư được việc đều biết cách đút tiền cho kiểm sát và quan tòa”.

Anh Trần hỏi: “Luật sư của Cư Sĩ vừa mới hành nghề có phải không?”

Một phạm nhân tiếp lời: “Đúng vậy, là một tiểu cô nương vừa mới tốt nghiệp, lại còn rất xinh đẹp nữa”.

Anh Trần bình luận: “Luật sư cũng như kỹ nữ vậy, kỹ nữ chưa tiếp khách đủ một năm thì không huấn luyện được. Cô luật sư này vừa ra trường, cần rước họa một năm thì mới hiểu sự đời, sau này mới có thể khá khẩm lên được”.

Anh Hàn gọi Cư Sĩ lại và nói: “Nếu cúi đầu nhận tội thì hai chị em chú tối đa chỉ bị phán ba năm thôi. Cái cô luật sư ngốc nghếch này đã không cho người ta mặt mũi, thế thì hỏng bét rồi, hèn chi quan tòa phán vụ án của chú là ‘tình tiết đặc biệt nghiêm trọng’, vậy thì 5 năm thôi!”

Tôi ngồi yên chăm chú lắng nghe, những lời tâm đắc của “giáo sư Hàn” thực sự là huyết lệ chân kinh!

Anh Hàn theo thói quen dùng móng tay nhổ râu. “Anh sớm đã nói rồi mà chú em không tin, chú em thấy mình có ngốc không? Đáng giận nhất là mẹ chú. Tấm bưu thiếp bà ấy gửi cho chú, chú mày lấy ra xem đi, lấy ra đây cho mọi người xem xem! Mẹ chú em viết gì nào? ‘Hãy tin tưởng vào Đảng, tin tưởng chính phủ!’ Ôi giời ơi là giời!”

Mọi người đều la ó, anh Hàn càng nói càng tức giận: “Lúc ấy anh tức đến mức suýt chút nữa xé vụn tấm bưu thiếp này của chú! Mẹ chú mày tin Đảng, đến mức cả con trai con gái đều bị tống vào đây rồi mà vẫn còn tin được!”

“Này! Bảo mẹ chú mày vào Đảng đi!” - Lão Lục cười nhạo.

“Chú mày tưởng rằng Đảng có thể khoan dung cho chú mày sao? Họ mà phán cho chú mày tội nhẹ, thì họ đến đâu mà lĩnh thưởng?” - Anh Hàn hạ thấp giọng nói tiếp: “Anh Lan như thế, họ có dám phán tội nặng không? Quan tòa xoay bút một cái là mười mấy vạn tệ! Họ chỉ mong sao phán nhẹ để được đút nhiều tiền thôi. Những kẻ bị phán tội nặng là ai nào? Không phải cái lũ nghèo túng ngu ngốc các ngươi thì còn là ai nữa?”

“Đây gọi là thành tích, có hiểu không?” - anh Trần ở phía sau đá Cư Sĩ một cái, Cư Sĩ rùng mình rồi lại lặng yên bất động.

Anh Hàn lại dạy: “Đây gọi là ‘thiết diện vô tư’ sao? Họ đều lấy người nghèo làm đệm lót! Còn kẻ thực sự đáng bị phán trọng tội kia thì núp ở sau rèm, không ai dám đụng tới”.

Anh Trần vẫy tay nói: “Anh Hàn chớ giận Cư Sĩ, cậu ta đáng đời, chị gái cậu ta và mẹ cậu ta cũng đáng đời. Tin vào Đảng là như thế đó!”

Một phạm nhân nói với Cư Sĩ: “Nhà anh vừa tin Phật giáo lại vừa tin ĐCSTQ, rốt cuộc nhà anh tin ai đây?”

Lão Lục nói: ""Bất nhị pháp môn' hiểu chưa? 'Chân bước trên 2 thuyền' là không được rồi, 'Tẩu hỏa nhập ma' rồi nhỉ?"

Câu nói của Lão Lục khiến mọi người cười phá lên vui vẻ.

Anh Trần nói: “Anh Hàn, anh đã từng nghe nói đến vụ án của anh Tô ở khu tạm giam số 7 chưa?”

“Cậu nói ra xem nào”.

Anh Trần nói: “Anh Tô mở công ty cùng với cháu ngoại của Trưởng chi nhánh Phòng Công an Hải Điến. Anh Tô nắm phần lớn cổ phần, tiền kiếm được rất khá. Vị cháu ngoại kia muốn tiếp quản công ty nhưng anh Tô không chịu, hắn liền vu cho anh Tô tội lừa đảo. Hỏi anh Tô có phục hay không? Trước phiên tòa họ đều đã mớm lời rồi, nhận tội thì phán án treo, không nhận tội thì phán án thực. Kết quả anh ấy không chỉ không phục mà còn kiện ngược lại, tố cáo vị cháu ngoại kia. Kết quả thế nào? Họ phán anh Tô tội lừa đảo, 7 năm tù giam!”

Nghe đến đây tôi mới bắt đầu lĩnh hội được chỗ diệu kỳ của “Chân kinh” mà anh Hàn truyền dạy. Tôi nói: “Anh Trần, nếu như anh nói với Cư Sĩ sớm hơn thì đáng lẽ cậu ấy không bị đến mức này rồi”.

Anh Trần khinh khỉnh đáp: “Thằng ngốc ấy á? Hắn mà không biết vụ án này sao? Vụ án của các học viên Pháp Luân Công vẫn còn đó, phòng giam nào cũng có! Nhận tội thì thả người, không nhận tội thì lao giáo, phán hình phạt, chẳng lẽ cậu ta không biết sao? Hôm nay họ trừng trị học viên Pháp Luân Công, ngày mai là trừng trị đến các cậu đó!”

Không khí trong phòng đột nhiên yên ắng lạ thường, tôi nheo mắt nhìn, à, thì ra anh Lan vừa ló đầu ra rồi…

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (15): Điềm xấu - Bi kịch của Cư Sĩ