Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (17): Điềm xấu - Đổ máu giả điên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hoàn cảnh tàn khốc đầy áp lực của trại giam, chỉ vì để giành lại nhân quyền mà có người phải giả điên, giả dại, ăn phân, uống nước tiểu, chịu điện giật, chịu lạnh cóng… Làm được đến như thế mà mặt vẫn không đổi sắc, thật sự còn khó hơn cả Tôn Tẫn giả điên năm xưa.

Khi chương trình TV sắp kết thúc, anh Lan quay về phòng, mọi người cũng yên lặng trở lại.

Anh Lan giang tay ra để người khác cởi áo cho, rồi đổi sang dép lê và ngồi xuống “vùng mù” chỗ bên kia vách ngăn. Nghe anh Hàn báo cáo tình hình của Cư Sĩ, anh Lan nhả khói ra rồi nói: “Dẫn nó lại đây!”

Cư Sĩ bị kéo đến, hai mắt trân trân nhìn vô hồn. Anh Lan đằng hắng một tiếng mà cậu ta vẫn không nhúc nhích. Lão Lục bước đến, giơ tay trái lên nắm lấy tóc cậu ta rồi giật mạnh ra sau, nhưng vẻ mặt cậu ta vẫn không một chút thần sắc như thế.

“Cư Sĩ, anh cho chú ý này: Mai này chú ra tù rồi thì hãy đi xử lý cô luật sư khù khờ ấy. Chú hãy nói với cô ta thế này: Cô khiến tôi rước họa thì phải dùng cả thanh xuân mà trả lại cho tôi…”

Anh Hàn khiến mọi người bò lăn ra cười, ngay cả anh Lan cả ngày mang vẻ mặt lạnh băng cũng phải phì cười. Nhưng nhìn lại, thấy Cư Sĩ vẫn cứ ngây dại đẫn đờ.

Anh Hàn thở dài: “Thôi xong”.

Mọi người ngừng cười, một nỗi buồn nặng trĩu đè xuống trong lòng.

Anh Lan lạnh lùng nói: “Nếu chú mày giả điên để đào thoát ra ngoài thì phải cân nhắc cho kỹ đấy! Bộ dạng thế này, anh đây đã thấy nhiều lắm rồi!”

Lão Lục vung tay một vòng cố hết sức đấm Cư Sĩ một cú… Bốp! Cư Sĩ lảo đảo một cái, sau đó hết thảy lại như cũ.

“Đánh cũng vô dụng, thôi được, mang quần ra đây cho anh!” Anh Lan rút từ trong túi quần ra một cái ghim, tẽ thẳng ra một đoạn đưa cho Lão Lục.

Lão Lục đứng sau lưng Cư Sĩ, dùng đầu cùn của chiếc ghim dùi vào cánh tay phải cậu ta, tay phải Cư Sĩ giật giật nhưng ánh mắt vẫn không thay đổi chút nào.

“Thôi tèo, hồn bay mất tiêu rồi!”, anh Hàn than thở. Còn tôi thì thầm nghĩ: Lẽ nào đây chính là điều mà người ta vẫn nói là “hồn bay phách tán” sao?

“Thôi kệ nó”, anh Lan lấy lại chiếc ghim, cài vào nhãn mác ở mặt trước chiếc quần trong của mình. Vốn dĩ thứ hàng cấm này không được phép cất giữ trong phòng giam.

Đại Lao đầu và Nhị Lao đầu bắt đầu bàn luận. Anh Hàn nói: “Anh Lan, tôi đã từng chứng kiến chuyện vượt ngục ra ngoài”.

Anh Lan nói: “Việc này anh cũng thấy nhiều rồi, ở khu số 8 có thằng bé bị điên, đánh thế nào, tẩn thế nào nó cũng không có phản ứng gì…”

Anh Hàn kể tiếp: “Tôi từng thấy hai người giả điên: Một lần là khi làm đại ca ở trại lao động Thiên Đường Hà, ở đấy có gã bị chúng tôi xử lý quá nặng tay, hắn ta bèn giả điên. Trông hắn ta thực là điên thật nên chúng tôi sợ quá. Hắn ăn cả phân, bị điện giật cũng không sợ, một chút thần sắc cũng không có. Sau đó trại giam quyết định thả hắn ra. Trước khi đi hắn cười với tôi một cái, tôi thấy ánh mắt ấy lại có thần sắc rồi, lúc ấy mới biết hắn ta giả điên. Ấy thế mà trông giống thật quá đi!”

Lão Lục hỏi: “Anh Hàn, sao anh không báo cáo lên quản lý trại giam?”

Anh Hàn nói: “Làm cái chuyện thất đức ấy làm gì? Không phải ai cũng giả điên được. Chú mày giả vờ thử xem nào? Đánh thế nào cũng cứ cười hềnh hệch, đấy, thử đi, xem xem chú mày có làm được không?!”

Thấy anh Lan có phần hứng thú, anh Hàn tiếp tục kể: “Còn có một trường hợp nữa là khi tôi ở Thất Bát Cửu. Đây là Trung tâm Giam giữ Vị thành niên, vì địa chỉ nơi ấy là hòm thư số 789 nên mới gọi là Thất Bát Cửu. Phải nói rằng Thất Bát Cửu ra đòn là tàn nhẫn nhất, các anh em ở đó không sợ trời không sợ đất, đánh cái gã nghèo kiết xác kia đến mức cuối cùng cậu ta phải giả điên, ngày ngày đại náo cả phòng giam, lúc ăn giấy lúc lại uống nước tiểu, nửa đêm bật dậy cười ngặt nghẽo… Sau này giám định kết luận là bị điên, bèn ký tên cho hắn rời đi. Nhưng khi giám đốc trại giam đích thân xuống giám định thì bị lộ tẩy. Vương Sở Nhi hỏi cậu ta: “8+2=?” Cậu ta nói mười mấy số chứ không chịu nói 10, thế rồi Vương Sở Nhi biết được cậu này chỉ giả điên”.

Anh Lan hỏi: “Nếu nói 10 thì thả ra à?”

Anh Hàn đáp: “Vương Sở Nhi nói rồi, nếu cậu ta nói số 10 thì sẽ ký tên cho cậu ta đi!”

Anh Trần nói đùa: “Này, mọi người đã nghe thấy chưa? Sau này người ta kiểm tra các cậu, thì nói 10 đấy nhé!”

Anh Hàn hỏi: “Giả Chứng Nhi, cậu sao rồi?”

Giả Chứng Nhi không quay đầu lại, chỉ đáp: “Tôi không sao, chẳng phải là kết án 11 năm sao? Đã tiêu biết bao nhiêu tiền rồi”.

***

Chuông reo hồi lâu, loa phóng thanh lệnh cho các phòng tắt TV. Mọi người liền trở dậy chuẩn bị trải nệm, nhưng rồi giật bắn mình khi anh Lan rít lên qua kẽ răng: “Ai bảo chúng mày đứng dậy?”

Anh Hàn lập tức ra lệnh: “Mọi người ngồi xuống tại chỗ!”

Anh Lan lạnh lùng nói: “Trực ban đâu, đến cả đây xem nào!”

Nhóm trực ban xúm lại xung quanh, thi nhau xun xoe chào: “Anh Lan”, “Anh Lan”… Trông thật là giống điệu bộ của đám tay chân trước mặt ông trùm trong phim điện ảnh!

Anh Lan lộ ra vẻ đắc ý: “Các Đà chủ cũng lại đây!”

Ba vị “Đà chủ” ấy lần lượt là: Địa Bị Bị Đóa Đóa Chủ (người có nhiệm vụ trải chăn dưới đất), Bản Nhi Bị Bị Đóa Đóa Chủ (người có nhiệm vụ trải chăn trên tấm ván), Tổng Bị Đóa Đóa Chủ (người quản lý tổng các chăn mền).

Anh Lan nói: “Đêm nay các chú phải để mắt tới Cư Sĩ cho anh, tuyệt đối không để xảy ra việc gì nghe không? Cư Sĩ dậy thì các chú phải theo sát, việc trực ban của ai mà xuất hiện vấn đề thì anh sẽ lột ba tầng da đấy nhá!”

“Vâng, thưa đại ca!”

“Được rồi, trải ván đi!”, anh Lan hạ lệnh, đến lúc này mọi người mới được phép nghỉ ngơi.

Tiểu Long nhích đến gần tôi căn dặn: “Đêm qua tôi không tiện nhắc tới, hôm nay cũng chưa có dịp nói riêng với anh. Anh phải nhớ kỹ nhé: Nếu họ không cho gặp luật sư, không cho gặp ngài Đại sứ thì anh đừng ký tên! Lấy tĩnh chế động, lấy bất biến ứng vạn biến”.

Tôi nằm trên ván mà dòng suy nghĩ cứ thi nhau nổi lên. Ngày thứ hai ở nhà lao tôi đã tận mắt chứng kiến hai bản án oan, tầm mắt cũng được mở mang nhiều. Vụ án của Cư Sĩ thật là chấn động tâm can! Hai chị em Cư Sĩ đều lương thiện thật thà, vất vả cực nhọc lắm mới gây dựng được chút sản nghiệp, vậy mà chớp mắt liền bị con cháu nhà quan đoạt mất. Người vô tội bị phán trọng hình, lại bị công an, kiểm sát và tòa án coi là công cụ để lập thành tích chính trị.

Một sinh viên đại học mới hai mấy tuổi như thế, một tín đồ Phật giáo giữ bổn phận như vậy, buổi sáng tinh thần vẫn còn tốt lắm, thế mà đến chiều đã thành ra ngây dại rồi. Chị gái cậu ấy chẳng phải cũng sẽ chịu xung kích như vậy sao? Mẹ cậu ấy cho dù bây giờ không phát điên, nhưng nếu nhìn thấy con trai như thế này thì sẽ ra sao?

Vụ án của Cư Sĩ giống như một tấm gương chiếu vào tôi. “Thỏ chết thì cáo thương”, người đồng cảnh ngộ thì thương cảm cho nhau.

Họ là hai chị em ruột, còn tôi và Dương Nghĩa thì có khác nào huynh đệ đâu. Hai người họ ôm tội trạng vào mình, muốn giải thoát cho đối phương nhưng kết quả lại là cả hai đều bị phán trọng hình. Vốn dĩ có thể giải thoát cho một người, vậy mà... Tôi và Dương Nghĩa nếu cùng bị kết án thì phải làm sao? Tất phải giải thoát cho một người trước đã. Để Dương Nghĩa tự mình gánh vác, chẳng phải cậu ấy sẽ phát điên sao? Vốn dĩ Dương Nghĩa bị liên lụy vì tôi mà! Cho dù ông ấy không điên, thì vợ ông ấy là Hồng Hà chẳng lẽ lại không điên sao?

Nghĩ đến Hồng Hà, tôi đột nhiên cảm thấy xót xa. Phương Minh à Phương Minh, Hồng Hà là em gái của Hồng Vân, người bạn gái mà ngươi yêu tha thiết năm ấy. Đối với Hồng Vân, ngươi đã có lỗi lắm rồi, nay nếu lại làm tổn thương Hồng Hà thêm nữa thì sao ngươi có thể đối diện với hương hồn của Hồng Vân trên trời nữa đây?

Để Dương Nghĩa ra ngoài, còn tôi một mình gánh tội, sau đó sẽ lợi dụng thân phận người Mỹ để giải thoát cho mình, đây là điều lý tưởng nhất. Nhưng ý anh Hàn lại là đẩy tội sang cho Dương Nghĩa để tôi được ra ngoài trước, ra ngoài rồi tôi sẽ có thể mua tội thay cho ông ấy. Chao ôi, cách làm này có bất nhân bất nghĩa lắm không? Hay là thủ trung vậy, làm theo Tiểu Long nói: không lưu lại khẩu cung, lấy tĩnh chế động, gặp luật sư rồi mới bàn bước tiếp theo.

Bất chợt tôi nhớ đến hai phạm nhân giả điên mà anh Hàn kể, tựa như Tôn Tẫn giả điên thời Chiến Quốc vậy. Trong hoàn cảnh tàn khốc đầy áp lực như thế này, chỉ vì để giành lại nhân quyền của bản thân mà họ phải giả điên, giả dại, ăn phân, uống nước tiểu, chịu điện giật, chịu lạnh cóng… Làm được đến như thế mà mặt vẫn không đổi sắc, thật sự còn khó hơn cả Tôn Tẫn giả điên năm xưa.

Nhưng rồi tôi tự nhủ: Mà thôi không nghĩ nữa, mình còn phải nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị cho trận chiến trong đêm…

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (17): Điềm xấu - Đổ máu giả điên