Trước kỳ thi có giấc mộng: Công danh có định số cũng có biến số

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời cổ đại, khi Cống Viện thuộc Lễ Bộ của triều đình công bố bảng danh sách tiến sĩ, bên ngoài bảng danh sách luôn dán 4 tờ giấy vàng, và dùng bút lông chấm mực nhạt viết 4 chữ “Lễ Bộ Cống Viện”, bên trong là danh sách những người trúng tuyển. Tại sao danh sách trúng tuyển lại dùng mực nhạt viết chữ?

Người xưa nói rằng, phàm là người thi đỗ, đều là ở không gian khác đã chú định rồi, dùng mực nhạt để viết, giống như vết tích của quỷ Thần, gọi là ‘quỷ thư’.

Chúng ta cùng xem một số sĩ tử được báo mộng, cho thấy kỳ tích ảo diệu trong mệnh, công danh đã định trước rồi.

Mộng hồ lô kỳ lạ, nhiều năm liền báo trước thời cơ đỗ bảng vàng

Doãn Đình Nhất, một thư sinh triều Thanh đã nhiều lần thi trượt. Có một sự kiện khiến ông suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu ra, đó chính là mỗi lần trước khi tham gia cuộc thi, ông đều mơ thấy Thần Tiên đưa cho ông một cái hồ lô, nhưng đến khi công bố bảng vàng, thì luôn trượt. Giấc mộng này của ông khác với giấc mộng của những người bình thường khác, nó vô cùng chi tiết, rõ ràng, hơn nữa lại liên tục như “phim dài tập”.

Quả hồ lô trong mộng của Doãn Đình Nhất cứ lần sau lớn hơn lần trước, và ông vẫn cứ thi trượt hết lần này đến lần khác. Sau này mỗi lần ông đi thi, thì trong tâm liền nghĩ đến giấc mộng hồ lô khiến ông bất an.

Năm Ung Chính thứ 2, Doãn Đình Nhất tham gia kỳ thi khoa Giáp Thìn. Để tránh quả hồ lô “báo hiệu thi trượt đó”, đêm trước khi vào trường thi, ông ngồi cả đêm không ngủ. Ông muốn làm như vậy để không gặp giấc mộng hồ lô xui xẻo đó nữa.

Không ngờ, hồ lô vẫn được đưa đến. Nó được đưa đến như thế nào?

Đứa nhỏ thư đồng của ông vừa mới ngủ được một lát thì bỗng nằm mơ, hét lên và tỉnh dậy. Thư đồng nói rằng, cậu mộng gặp Thần Tiên đưa cho một quả hồ lô, to lớn bằng thân người Doãn Đình Nhất.

Thư đồng nói rằng, cậu mộng gặp Thần Tiên đưa cho một quả hồ lô, to lớn bằng thân người Doãn Đình Nhất. (Epoch Times)

Doãn Đình Nhất nghe xong thì buồn rầu, lại tức giận, trong tâm thầm nghĩ: “Lại là ngươi, tại sao tránh mà cũng không tránh được”.

Đến ngày công bố bảng vàng, điều bất ngờ ngoài dự tính của Doãn Đình Nhất là ông đỗ thứ 32. Tên của ông đứng sau hai sĩ tử khác là một người họ Hồ, và một người họ Lô. Người họ Hồ đứng thứ 30, người họ Lô đứng thứ 31, và 2 người đó đều là thiếu niên.

Thư đồng nói rằng, cậu mộng gặp Thần Tiên đưa cho một quả hồ lô, to lớn bằng thân người Doãn Đình Nhất. (Epoch Times)

Doãn Đình Nhất ngộ ra rằng, hai người này xếp sát nhau, vừa đúng là “Hồ Lô”. Do đó trong nhiều năm qua, ông phải chờ 2 cậu thiếu niên này lớn lên, cùng đi thi để rồi cùng thi đỗ và xếp sau họ. Khi 2 người này vẫn chưa đi thi thì dẫu ông làm bài như thế nào cũng sẽ vẫn bị trượt. Trong mộng, hết lần này đến lần khác báo trước cho ông thời cơ thi đỗ, vận mệnh là Thiên định, quả thực không mảy may sai lệch.

Các giấc mộng ngầm báo trước

Có sĩ tử thi đỗ nói rằng: Nếu là người thi đỗ, thì nhất định sẽ có giấc mộng kỳ lạ báo trước.

Những trường hợp như thế này, ngoài Doãn Đình Nhất ra, thực tế còn có ở khắp mọi nơi. Trong “Ngọc đường nhàn thoại” có rất nhiều ghi chép, chúng ta cùng xem một số trường hợp sau:

Tể tướng Phạm Chất triều Hậu Chu thời Ngũ Đại Thập Quốc, vào năm Quý Tỵ ứng thí. Sau khi thi xong, ông tự cho rằng ông học hành cũng không có danh tiếng gì, lại là lần đầu tiên dự thi, nên không kỳ vọng là sẽ thi đỗ. Nhưng trong tâm ông vẫn có chút buồn bã và mệt mỏi, ở lữ quán, ông ngủ trưa, và bỗng nhiên có một giấc mộng.

Lúc đó vừa lúc tiến sĩ Minh kinh Tưởng Chi Tài đến thăm, khiến ông tỉnh giấc. Ông kể lại giấc mơ cho họ Tưởng nghe, nói rằng trong mộng, ông bị người nhà cầm một cái bút đỏ chấm loạn lên đầu ông, còn ông thì dắt một con khỉ lớn bằng con lừa.

Tưởng Chi Tài giải mộng cho ông rằng: Nhất định là ông sẽ thi đỗ, hơn nữa thứ bậc liên quan đến số 3.

Phạm Chất hỏi ông tại sao biết? Tưởng Chi Tài nói, bút đỏ có nghĩa là sự tình đã xác định rồi. Con khỉ lớn gọi là vượn (Viên), mà viên cùng âm với Viên - hình tròn, biểu thị một con số. Mà hình tròn thì chu vi gấp 3 lần đường kính (3,1416 lần), do đó viên - tròn biểu thị một con số.

Đến khi công bố bảng vàng, Phạm Chất quả nhiên thi đỗ ở vị trí 13.

Dương Huyền Đồng là nhân sĩ Hà Trung vào những năm Thiên Hựu triều Đường, ông thi khoa cử 10 năm không đỗ. Năm đó lại có kỳ thì, ông do dự chưa quyết có đi thi hay không, không biết tiền đồ của mình như thế nào. Ông mong có một giấc mơ để đoán tương lai, rồi quyết định.

Tối hôm đó, ông thực sự có một giấc mộng, thấy rồng bay trên trời, rồng có 6 chân. Thế là ông quyết định đi thi.

Đến khi công bố bảng vàng, quả nhiên ông đỗ tiến sĩ ở vị trí thứ 6.

Cao Liễn ứng thí, mộng thấy đất trời tối đen, sấm chớp ầm ầm, trong đám mấy đen có một con rồng nhỏ bay ở phía trước mặt ông, từ miệng nó nhả ra một viên đá, và Cao Liễn nhặt được.

Người giải giấc mơ nói: “Sấm chớp ầm ầm trong trời đất tối đen, đó là tượng thay đổi. Viên đá tức là Thạch bằng 10 đấu. Tương lai dự thi, ông sẽ thi đỗ ở vị trí thứ 10”.

Sau này khi kỳ thi hội công bố bảng vàng, một viên thư lại cầm bảng vàng đến, Cao Liễn hỏi họ tên viên thư lại. Thư lại nói ông ta họ Long. Cao Liễn hỏi xem mình thi được vị trí thứ mấy, viên thư lại nói thứ 10. Những dấu hiệu báo trước trong mộng đều ứng nghiệm.

Khi Quách Tuấn ứng thí, ông mộng thấy một lão hòa thượng đi guốc gỗ, loạng choạng bước trên giường. Sau khi tỉnh dậy, trong tâm ông vô cùng u uất, và rất ghét giấc mộng này.

Người giải mộng nói: “Lão hòa thượng tức là “thượng tọa”. Đi guốc gỗ bước trên giường, chính là “đăng cao”. Nhất định ông sẽ đỗ cao”.

Đến khi công bố bảng vàng, quả nhiên ông ở vị trí “thượng tọa”, đỗ trạng nguyên.

Khi Vương Đinh ứng thí, ông trú ở một lữ quán ở Hóa Châu. Ông mộng thấy một mũi tên bắn trúng Vương Thận Trưng. Trước lúc công bố bảng vàng, có người nói với Vương Đinh rằng, tên ông đứng sau cùng. Vương Đinh nói, nếu tôi thi đỗ, thì nhất định là ở vị trí thứ 6.

Sau đó khi công bố bảng vàng, Vương Đinh quả nhiên ở vị trí thứ 6. Có người hỏi ông tại sao biết được thứ bậc của mình. Vương Đinh trả lời rằng:

“Trong mộng, Vương Thận Trưng bị mũi tên bắn trúng. Kỳ thi trước ông ấy đứng thứ 6, một mũi tên bắn trúng ông ấy, điều này nghĩa là năm nay tôi cũng ‘trúng’ vị trí của ông ấy”.

Công danh 2 lần thay đổi, trong mộng báo trước nguyên nhân

Hạng Đức Trinh, tiến sĩ khoa Kỷ Mùi triều Vạn Lịch nhà Minh(năm 1619), vốn tên là Đức Phân, tự Nguyên Hải. Sau này ông có một giấc mộng kỳ lạ, nên đổi tên là Mộng Nguyên, tự Hy Hiến. Ông là người huyện Tú Thủy, phủ Gia Hưng, Chiết Giang, từng làm quan Phó sứ Án sát sứ Sơn Tây, sau làm quan đến chức Lang trung Bộ Hình.

Ban đầu, ông mộng thấy mình đỗ cử nhân khoa Quý Mão. Sau này ông dâm ô 2 tỳ nữ trẻ, nên khoa thi năm đó, ông thi trượt. Thế là ông thề giới cấm tà dâm, dốc sức hành thiện, để chuộc lại lỗi lầm.

Sau này ông lại có giấc mộng, thấy mình đến một nơi, thấy trên tờ giấy vàng có viết họ người thứ 8 là họ Hạng, ở giữa là các chữ nhỏ mờ mờ, ở dưới có một chữ Nguyên. Có một người đứng bên cạnh nói với ông rằng: “Đây là thứ tự của ông trên bảng Trời. Bởi vì gần đây ông đã nỗ lực hành thiện, do đó mới được lên bảng vàng”.

Thế là ông đổi tên thành Mộng Nguyên. Kỳ thi Hương năm Nhâm Tý ông đỗ thứ 29. Đến kỳ thi Hội năm Kỷ Mùi, ông đỗ vị trí thứ 2. Lúc này trong tâm ông nghi hoặc: “Tại sao thứ tự ở trong mộng lại không chuẩn?”.

Đến kỳ thi Đình, ông ở bảng nhị giáp, xếp thứ 5. Ông ngộ ra rằng, từ nhất giáp (có 3 người) đếm xuống, thì vừa đứng là thứ 8. Hơn nữa, tờ giấy vàng dùng trong bảng danh sách thi Đình đó hoàn toàn giống như trong mộng, không sai lệch một ly.

Trên đây là một số trường hợp có những giấc mộng kỳ lạ báo trước kết quả thi cử, đã hiển lộ ra một đạo lý rằng, công danh trong mệnh đều có định số. Tuy nhiên, công danh trong mộng không phải là cố định bất biến, mà tùy vào đức hạnh bản thân mà thay đổi. Hai giấc mộng của Hạng Mộng Nguyên - tiến sĩ triều Minh, và kết quả công danh của ông, mất rồi lại được, đều nghiệm chứng Thiên lý này.

Con người ở thế gian, hành thiện có thể tích được đức, đức tích được nhiều hay ít sẽ quyết định phúc phận bản thân lớn hay nhỏ. Nếu làm những việc tổn đức, nhưng biết hối lỗi sửa chữa, hơn nữa lại làm nhiều việc thiện, tích nhiều đức, thì ắt sẽ chuyển họa thành phúc.

Nguồn tư liệu: “Tử bất ngữ”; “Ngọc đường nhàn thoại”; “Thọ Khang bảo giám”

Dung Nãi Gia - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trước kỳ thi có giấc mộng: Công danh có định số cũng có biến số