Trương Tam Phong: Xưa nay danh lợi là cát bụi, Thần tích còn lưu lại nhân gian (1/2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm tháng còn tại thế, Trương Tam Phong thường khuyên nhủ người đời hãy rời xa danh lợi, đồng thời cũng lưu lại vô số thần tích ở nhân gian.

Kể từ khi đắc Đạo thành Tiên, Trương Tam Phong tiêu diêu tự tại, tự do hành tẩu giữa nhân gian. Ông không chỉ cứu người giúp đời và hóa giải nguy nan mà còn nhiều lần khuyên thế nhân quay đầu trở về, chớ mê mang trong danh tình lợi, bởi vì “cổ kim danh lợi tổng trần ai” (xưa nay danh lợi chỉ là bụi trần). Ngoài ra, ông còn dẫn dắt những người hữu duyên đến với Đạo và bước chân trên con đường tu luyện.

Phù sinh ảo mộng, quay đầu là bờ

Trương Tam Phong sáng tác rất nhiều thi ca, những tác phẩm như “Đại Đạo luận”, “Huyền cơ trực giảng”, “Huyền yếu thiên”, v.v. được giới tu Đạo và người đời sau tôn sùng. Trong đó, tác phẩm nổi bật nhất của ông là bài đan từ “Vô căn thụ” (cây không rễ).

Đan từ viết:

“Phàm thụ hữu căn, phương năng sinh phát,
Thụ nhược vô căn, tất bất trường cửu.
Nhân sinh tại thế, sinh lão bệnh tử,
Bách lự ưu tâm, bách niên tuế nguyệt,
Chuyển thuấn tức thệ, như thụ chi vô căn dã”.

Tạm dịch:

Phàm cây có rễ, mới thể sinh sôi.
Cây nếu không rễ, tất chẳng lâu dài.
Người sống trên đời, sinh lão bệnh tử,
Trăm mối âu lo, nhọc mệt cái tâm,
Trăm năm tuế nguyệt, chớp mắt lìa đời, giống như cây không rễ vậy.

Đan từ “Vô căn thụ” gồm 24 bài nhỏ, được Trương Tam Phong sáng tác để thức tỉnh thế nhân, giúp họ nhìn thấu ảo mộng nhân sinh, sớm nhận ra kiếp người trôi nổi, từ đó buông bỏ mọi truy cầu vật chất, chân chính bước trên con đường tu luyện.

Bài đầu tiên trong đan từ “Vô căn thụ” viết rằng:

“Vô căn thụ, hoa chính u, tham luyến vinh hoa thùy khẳng hưu?
Phù sinh sự, khổ hải chu, đãng lai phiêu khứ bất tự do.
Vô biên vô ngạn nan bạc hệ, thường tại ngư long hiểm xứ du.
Khẳng hồi thủ, thị ngạn đầu, mạc đãi phong ba hoại liễu chu”

Tạm dịch:

Cây không rễ, hoa ẩn sâu, tham luyến vinh hoa ai chịu dứt?
Kiếp nổi trôi, thuyền bể khổ, đến đi phiêu dạt chẳng do mình.
Không bến không bờ khó neo đậu, thường ở nơi hiểm ác biến hóa.
Quay đầu là bến, chớ để phong ba đánh vỡ thuyền.

Nhân sinh tại thế, một đời theo đuổi phú quý vinh hoa nào khác chi con thuyền nổi trôi trong biển khổ, đâu đâu cũng có hiểm nguy rập rình. Vì vậy, làm người thì nên thoát khỏi vòng danh lợi, tận dụng những năm tháng trên đời mà chuyên tâm tu hành, chớ để đến khi “phong ba đánh tan thuyền" mới nhận ra thì đã quá muộn màng.

Trong hàng ngàn năm qua, các học thuyết Đạo gia vẫn luôn là bí ẩn, những gì được lưu truyền trong dân gian chỉ được viết mập mờ, không rõ ràng, muốn hiểu cần phải dựa vào ngộ, vậy nên không được xã hội tiếp thụ rộng rãi. Nhưng Trương Tam Phong lại sử dụng ngôn ngữ bình dân để truyền tải các đạo lý thâm sâu trong tu luyện, nhờ đó “Cây không rễ” đã trở thành bài ca được yêu thích, có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ tu Đạo sau này.

Ngoài ra, Trương Tam Phong còn viết một số bài thơ khuyên nhủ thế nhân thoát khỏi vòng danh lợi, đừng vì ham muốn vật chất mà liên lụy tấm thân. Ông tâm niệm: “Cổ kim danh lợi tổng trần ai” (danh lợi xưa nay vốn chỉ là bụi trần), những năm sống trên đời phải kịp thời tu hành, sớm đạt được cuộc sống vĩnh hằng.

Trong “Vãn bộ Hàm Dương” ông viết:

“Chân trời nhạn bay thành hàng ngang tầm mây,
Ta cũng ngâm dài trên con đường tới Hàm Dương.
Đường cổ Hàm Dương cỏ chập chờn,
Làm vương hầu trăm đời rồi cũng tàn úa.
Tây hành vạn lý lòng đầy hoài cảm,
Đời người sao được như Thần Tiên?
Mặc kệ thế gian bãi bể nương dâu thế nào,
Thì Thần vẫn thân tùng dáng hạc trường tồn bất tử”

Tháng năm đằng đẵng, những chuyện đã qua như mây tan khói tản, các bậc vương hầu lừng lẫy xưa kia nay chỉ còn lại nấm mồ cỏ khô. Nhưng cho dù tại nơi nhân thế biển xanh đã hóa thành nương dâu, thì hết thảy những gì của Thần giới lại là vĩnh hằng.

Trong bài “Nhật quan tảo khởi quan nhật” ông cũng viết:

“Gà Trời vừa gáy cổng biển mở toang,
Mặt trời mọc sóng biển dâng trào
Nhìn muôn dặm sắc hồng rực sáng
Đỉnh ba núi Tiên phủ một màu xanh
Nghe tiếng sênh hạc Tiên sà xuống
Chỉ thấy mây rồng rước mưa về
Có phi Tiên tay vẫy hươu nai
Người ngẩng mặt trông ngóng Bồng Lai”

Trong miêu tả của Trương Tam Phong về cảnh mặt trời mọc, hai điềm lành là Sênh Hạc và Vân Long lần lượt xuất hiện, trong khi đó phi Tiên vẫy hươu nai, dẫn dắt người tu Đạo bước chân trên con đường thành Tiên.

Trong “Quỳnh hoa thi”, Trương Tam Phong viết:

“Quỳnh chi ngọc thụ thuộc Tiên gia
Vị thức nhân gian hữu thử hoa.
Thanh trí bất triêm phàm vũ lộ
Cao tiêu trường đới cổ yên hà”.

Tạm dịch:

Cành quỳnh cây ngọc thuộc họ Tiên
Chưa thấy nhân gian có hoa này
Thanh khiết không nhiễm mưa sương gió
Ngọn cao thường có ráng mây xưa.

Thông qua miêu tả hoa quỳnh - loài hoa Tiên thanh khiết không tỳ vết, Trương Tam Phong khuyên thế nhân rằng: Làm người thì phải có chính khí, tu dưỡng đạt đến cảnh giới cao khiết, đừng để tấm thân vấy bẩn bụi trần. Ông cho rằng, điều lý tưởng nhất trên đời là “hà nhược đồng du quy động thiên” (sao bằng cùng đi về động thiên). Động thiên chính là nơi Thần Tiên cư ngụ, ẩn dụ cho chốn Thiên giới, Bồng Lai.

Thần tích tại nhân gian

Một trong những sứ mệnh trọng đại của Trương Tam Phong khi còn ở nhân gian là tìm kiếm người hữu duyên, và dẫn dắt họ đến với Đạo, chân chính bước vào tu luyện. Đồng thời ông còn vạch trần những tà thuật, trừng trị kẻ ác, ngăn không cho những thứ bại hoại gây họa loạn thế gian. Trong những năm tháng còn tại thế, Trương Tam Phong đã lưu lại vô số Thần tích ở nhân gian, rất nhiều trong số đó được ghi chép trong “Trương Tam Phong toàn tập” thời nhà Thanh.

Điểm hóa cho Thẩm Vạn Tam

Thẩm Vạn Tam là một đại phú ông nổi tiếng vào đầu thời Minh. Trước khi nổi danh, ông chỉ là một ngư dân bình thường ở vùng Giang Hoài, tư gia ở Chu Trang nơi sông Trường Giang đổ ra cửa biển.

Bức tượng Thẩm Vạn Tam và Tụ bảo bồn. (Gisling/phạm vi công cộng/CC)
Bức tượng Thẩm Vạn Tam và Tụ bảo bồn. (Gisling/phạm vi công cộng/CC)

Một ngày, Thẩm Vạn Tam tình cờ gặp Trương Tam Phong, tướng mạo phi phàm và phong thái tiêu diêu thoát tục của Trương Tam Phong đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Thẩm Vạn Tam thường mời Trương Tam Phong uống rượu, và hết lòng cung phụng ngài. Trong một lần uống rượu, Trương Tam Phong tiết lộ cho Thẩm Vạn Tam biết về thân thế của bản thân mình, và kể lại những chuyện tu Đạo trong quá khứ. Thẩm Vạn Tam nghe xong vô cùng bái phục và gọi ngài là “tổ sư”, đồng thời thỉnh cầu ngài chỉ giáo: “Kẻ ngu muội này nguyện một lòng cứu thế giúp đời, không dám trông mong sẽ giàu có trường thọ”.

Trương Tam Phong hiểu rõ tâm ý của Thẩm Vạn Tam, liền mua dược liệu và chọn ngày hoàng đạo, chuẩn bị truyền cho ông thuật luyện vàng. Nhưng trong quá trình chế luyện lại xảy ra sự cố khiến lò bị thiêu cháy, tiền của cũng mất hết không còn lại gì. Thẩm Vạn Tam hiểu rằng cơ duyên của mình chưa đến, nhưng ông vẫn kiên trì tu Đạo.

Trương Tam Phong thấy ý chí kiên định của Thẩm Vạn Tam thì vô cùng mừng rỡ. Trước khi rời đi, Trương Tam Phong nói với Thẩm Vạn Tam rằng: “Vương khí ở phía đông nam rất thịnh, tương lai ta sẽ gặp lại ông ở phía tây nam”.

Sau đó, Thẩm Vạn Tam làm theo lời dạy của Trương Tam Phong, tự mình luyện ra được vàng kim, trở thành người giàu có nhất thiên hạ. Ông thực hiện lời nguyện ước của mình, hễ gặp những người bần cùng khốn khó, ông lại hào phóng giúp đỡ không ngại ngần.

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nghe nói về Thẩm Vạn Tam, liền ngỏ lời vay ông trăm vạn lượng vàng. Không ngờ Thẩm Vạn Tam có thể giao lại đủ số vàng mà Hoàng đế yêu cầu. Chu Nguyên Chương chấn kinh, liền tìm cớ lưu đày ông và cả gia đình đến Lĩnh Nam, sau lại dời đến Vân Nam ở phía tây nam.

Tại Vân Nam, Thẩm Vạn Tam có cơ duyên gặp lại Trương Tam Phong, đến lúc này ông mới nhận ra lời dự ngôn năm xưa là hoàn toàn chính xác. Sau đó, Thẩm Vạn Tam uống đan dược và bạch nhật phi thăng.

Được Trương Tam Phong chân truyền, Thẩm Vạn Tam khổ luyện kim đan viên mãn phi thăng
Được Trương Tam Phong chân truyền, Thẩm Vạn Tam khổ luyện kim đan viên mãn phi thăng (ảnh: nguồn tổng hợp)

Kết duyên với Thường Ngộ Xuân

Thường Ngộ Xuân là vị đại tướng chủ chốt trợ giúp Chu Nguyên Chương giành được thiên hạ. Vào tháng 6 năm Hồng Vũ thứ hai, Thường Ngộ Xuân dẫn quân tiến công vào Đại Hưng Châu, đánh chiếm Khai Bình, truy đuổi quân Nguyên đang hoảng hốt tháo chạy, cuối cùng giành được thắng lợi vang dội.

Vào tháng 7 năm ấy, khi đại quân đồn trú ở Liễu Châu, Thường Ngộ Xuân đột nhiên mắc bệnh. Ông kể với các tướng lĩnh rằng, vào ngày ông sinh ra có một vị lão nhân đến nhà và lưu lại một bài kệ, trên đó viết:

“Hoàng hoàng vĩ túc,
Kiểu kiểu hổ thần,
Hòa trung ngộ chủ,
Liễu hạ quy Thần”

Tạm dịch:

Huy hoàng ngôi sao Vĩ,
Kẻ bề tôi dũng mãnh như hổ,
Hòa trung gặp chủ,
Dưới Liễu trở về Thần giới.

Trước đó, Chân nhân Trương Tam Phong cũng từng gửi cho Thường Ngộ Xuân một phong thư tương tự. Hôm nay ông vừa đến Liễu Châu liền đổ bệnh, điều ấy nói rõ “mệnh ta không còn được lâu nữa”. Quả nhiên không lâu sau đó, Thường Ngộ Xuân qua đời vì bạo bệnh, hưởng thọ 34 tuổi.

Sử sách ghi chép rằng, Thường Ngộ Xuân là người cương nghị, trí dũng song toàn, sức vóc hơn người. Năm 23 tuổi ông đầu quân theo Lưu Tụ, nhưng vì thấy Lưu Tụ thường hay cướp bóc rất nhiều, không có chí khí, Thường Ngộ Xuân cho rằng ông ta không thể làm nên nghiệp lớn, do đó đã quyết định rút lui.

Một ngày, khi Thường Ngộ Xuân đang nghỉ ở ngoài đồng, ông bỗng mộng thấy một vị Thần nhân mặc áo giáp vàng, tay cầm khiên gọi lớn: “Mau dậy đi, mau dậy đi, quân chủ đến rồi!”

Vừa hay lúc ấy Chu Nguyên Chương cưỡi ngựa đi ngang qua đó. Thường Ngộ Xuân giật mình tỉnh giấc, hiểu được điểm hóa trong mộng, ông bèn thỉnh cầu gia nhập đội quân của Chu Nguyên Chương. Từ đó ông theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc phạt, lập nên nhiều chiến công hiển hách.

(Xem tiếp phần 2)

Theo Lưu Hiểu - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trương Tam Phong: Xưa nay danh lợi là cát bụi, Thần tích còn lưu lại nhân gian (1/2)