Truyền thuyết dân gian: Thần Thổ Địa đứng dậy rồi!

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Mau đến xem này, mau đến xem này, bức tượng Thần Thổ Địa đã đứng lên rồi!”

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nhiều lần nghe các bậc trưởng bối kể rằng: ở một thôn làng cách chúng tôi hơn mười dặm có bức tượng Thần Thổ Địa “nửa đứng, nửa ngồi”. Đây có lẽ là bức tượng độc nhất vô nhị trên đời, bởi tượng Thần Thổ Địa ở những nơi khác luôn trong tư thế ngồi. Tiếc là sau đó ngôi miếu đã bị phá hủy, bức tượng cũng không còn tồn tại đến hôm nay.

Gần quê tôi có một con sông nhỏ, sống gần con sông ấy là một ngư dân nghèo. Ban ngày ông bận rộn ra đồng cày cấy, tối đến lại ra bờ sông giăng lưới đánh cá, hy vọng kiếm thêm chút tiền trợ giúp gia đình.

Cá trên sông rất nhiều nhưng ông lại gặp nhiều khó khăn khi bắt cá. Một đêm nọ, ông xuống sông giăng lưới rồi trở lại bờ bày lễ vật cúng tế. Cúng phẩm khá sơ sài, chỉ có một chai rượu trắng, nửa cân đậu rang và hai quả dưa chuột, tất cả được xếp đặt cẩn thận trên một chiếc áo trải trên mặt đất làm tế đàn. Ông chắp tay khấn rằng: “Thưa Hà Bá, Giang Thần, tôi là kẻ bần cùng khốn khó, chỉ có chút lễ vật mọn thành kính dâng lên Ngài. Kính mong Ngài nhận của kẻ hèn mọn này ba chén rượu nhạt”.

Nói xong, ông lại quỳ trên đất kính ba chén rượu và khấu đầu lạy ba lần.

Giang Thần không xuất hiện nhưng lại có một con quỷ nước bước ra từ lòng sông. Quỷ nước nói với ngư dân: “Cảm tạ lão huynh đã ban cho rượu ngon. Tôi vùi thân dưới sông này vừa lạnh vừa đói, đã hơn hai năm không ăn uống gì rồi. Nay được uống rượu của anh, ăn món ngon của anh, vậy từ giờ trở đi tôi sẽ lùa cá vào lưới cho anh”.

Người ngư dân thầm nghĩ: “Người có chính khí thì không sợ ma quỷ. Ta đây cả đời chưa làm điều gì trái với lương tâm, cho dù gặp ma cũng không cần phải sợ hãi”.

Nghĩ vậy, ông liền vui vẻ ngồi xuống đàm đạo và uống rượu cùng với quỷ nước.

Đến canh hai, quỷ nước nói: “Tôi sẽ đi lùa cá giúp anh, anh nghe thấy tiếng cá nhảy thì hãy kéo lưới lên nhé”.

Một lát sau, người ngư dân nghe thấy tiếng cá nhảy lên mặt nước, ông bèn kéo lưới lên thì thấy bên trong rất nhiều cá. Từ đó, mỗi tối ông đều mang rượu và đồ nhắm ra bờ sông ngồi hàn huyên với quỷ nước, quỷ nước cũng ngày ngày lùa cá giúp ông.

Chớp mắt đã vài tháng trôi qua. Một ngày, quỷ nước nhấp chén rượu rồi nói với ngư dân: “Tới ngày mai là tôi đã tròn ba năm dưới sông này. Trưa mai người thế thân sẽ đến thay tôi, vậy nên đêm nay là lần cuối cùng tôi được gặp anh”.

Ngư dân ngạc nhiên hỏi: “Cậu thật sự muốn chuyển sinh đến thế sao?”

Quỷ nước đáp: “Ở đây lạnh quá, dù sao cũng đã đến lúc tôi nên chuyển sinh rồi!”

Sáng hôm sau ngư dân ra bờ sông ngồi đợi. Khi mặt trời sắp lên cao tới đỉnh đầu, ông nhìn thấy từ trong nước nổi lên một bộ quần áo sặc sỡ, lềnh bềnh lúc lên lúc xuống sát bên bờ, dễ khiến người đi đường tò mò lội xuống sông. Ngư dân quay người về phía sau, quả nhiên từ phía nam có một thiếu phụ đang bước đến. Người ngư dân đến bắt chuyện và hỏi han thiếu phụ, thì ra hai vợ chồng nàng vừa cãi nhau, vì giận chồng mà nàng bỏ nhà đi, lững thững ra bờ sông một mình. Ngư dân lại dùng hết lời khuyên nhủ, mất một hồi lâu mới có thể khuyên nàng trở về nhà.

Những người già trong thôn thường nói: “Để tìm người thay thế, ma quỷ thường biến ra những thứ kỳ ảo bắt mắt, dẫn dụ người ta xuống sông mò vớt. Khi ấy quỷ nước sẽ lôi họ xuống, dìm họ chết đuối để làm kẻ thế thân cho mình”.

“Nhưng không chỉ có một cách ấy, cũng có trường hợp ma quỷ tìm thế thân trên đất cạn. Thường là vào giờ giữa trưa, chúng biến hóa thành một thiếu phụ ngồi gục đầu bên ngôi mộ mới, khóc lóc ra vẻ rất thương tâm. Khi có người tốt đến khuyên giải, hoặc có kẻ bất lương đến định giở trò đồi bại, thiếu phụ sẽ ngẩng đầu lên hiện ra cái mặt quỷ gớm ghiếc. Người kia sẽ khiếp sợ mà chết, sau đó trở thành kẻ thế thân”.

Ví dụ, vào một ngày nắng nóng những năm đầu 1980, em trai và em dâu tôi kéo chiếc xe đẩy len lỏi giữa các thôn làng để bán rau. Đến trưa hai vợ chồng đang trên đường về nhà, họ nhìn thấy trong khu nghĩa địa cách lề đường vài chục mét có một cô gái trẻ, ngồi cúi đầu bên ngôi mộ mới khóc lóc rất thương tâm. Em trai và em dâu tôi đều mệt lả, cả hai không nói với nhau lời nào, cũng không có ý định khuyên nhủ cô gái kia, chỉ mải miết cắm đầu đi tiếp. Khi vừa đi qua chỗ ngôi mộ một đoạn ngắn, họ không còn nghe thấy tiếng khóc, quay đầu lại nhìn thì đã không thấy cô gái đó nữa rồi. Lúc ấy, ruộng ngô cao chưa đến hai thước, vì cây ngô non khá thấp không đủ che khuất một người, nên hai vợ chồng cũng nhanh chóng hiểu ra: Nếu họ động tâm thì rất có thể đã trở thành thế thân cho quỷ rồi!

Do đó, những bậc cha ông trong nhà tôi thường cảnh báo con cái rằng: Những thứ trôi nổi trên sông dù tốt đến mấy, đẹp đến mấy, hấp dẫn đến mấy thì chớ có tham lam mà vớt lên. Gặp những cô gái khóc lóc bên phần mộ, dù họ xinh đẹp đến mấy, ra vẻ thương tâm đến mấy thì cũng đừng nên động lòng.

Tối hôm ấy, ngư dân lại mang rượu và đồ ăn ngon ra bờ sông đánh cá. Ông bày biện rượu và các món ăn lên tấm vải rồi nâng ly nói: “Người anh em, mời cậu uống chén rượu này”.

Quỷ nước tỏ vẻ bực bội: “Lão huynh à, sao anh lại phá hỏng việc tốt của tôi?”

Ngư dân đáp: “Người anh em, không phải tôi có ý hại cậu, mà ngược lại tôi đang giúp cậu đó. Cậu chưa từng nghe nói sao: Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng tháp. Cậu không bắt ai làm thế thân thì cũng tính là đang cứu người. Làm việc thiện ắt sẽ có thiện báo”.

Quỷ nước nói: “Cảm ơn ý tốt của anh. Dù sao chuyện cũng đã vậy rồi, giờ thì chúng ta uống rượu thôi”.

Cứ như thế, bất giác đã 6 năm trôi qua. Ngày ngày nói chuyện với ngư dân, được nghe rất nhiều lời khuyến thiện của ông, quỷ nước dần dần khởi thiện tâm. Đến khi có cơ hội tìm thế thân, quỷ nước lại tha cho một ông lão và một cậu bé, không bắt họ phải chết thay mình.

Vào đêm trăng tròn, người ngư dân bận việc gia đình nên không ra bờ sông đánh cá. Đêm ấy quỷ nước liền thác mộng nói với ông rằng: “Cảm tạ lão huynh giúp đỡ, những năm qua nhờ anh khuyên nhủ, tôi đã làm được nhiều việc tốt, hành thiện tích đức. Đến nay tôi đã được sắc phong làm Thổ Địa, ngày mai tôi sẽ đến thôn ấy nhậm chức. Vậy nên đêm nay tôi đến đây để nói lời cáo biệt với lão huynh”.

Ngư dân vui mừng nói: “Chúc mừng lão đệ!” Lời vừa thốt lên ông liền tỉnh giấc, thì ra là một giấc chiêm bao.

Trời vừa tảng sáng, ngư dân liền mang vàng hương cùng với các loại cúng phẩm khác đến địa danh mà quỷ nước nhắc tới để tế bái Thổ Thần.

Ngư dân đến trước miếu Thổ Địa đốt pháo mừng và thắp hương lễ bái, thành kính quỳ lạy trước tượng Thần. Vài đứa trẻ đang vui chơi gần đó nghe thấy tiếng pháo liền hiếu kỳ chạy đến xem. Thổ Địa Thần nhận ra bạn cũ, bức tượng đất đang ngồi liền vội vàng đứng dậy nghênh đón. Một đứa bé tình cờ nhìn thấy cảnh ấy, nó hớn hở reo lên: “Mau đến xem này, mau đến xem này, Thần Thổ Địa đã đứng lên rồi!”

Thần Thổ Địa nghe thấy vậy liền dừng lại, bức tượng đất trong tư thế nửa ngồi nửa đứng cũng định lại ở nơi đó. Sau này câu chuyện được lan truyền khắp trong vùng, rất nhiều người đều đến chiêm ngưỡng bức tượng Thần Thổ Địa nửa đứng nửa ngồi này.

Người ngư dân có thiện tâm, làm việc tốt mà không cầu báo đáp, hơn nữa còn giúp quỷ nước tu thành chính quả, bản thân ông cũng vì cứu được ba người mà tích được âm đức, nhận được nhiều phúc báo. Từ khi quỷ nước được làm Thần Thổ Địa, ông cũng không còn ra sông đánh cá nữa. Nhờ có Thần Phật bảo hộ, cho dù là năm thiên tai hay được mùa, gia đình ông đã không còn phải lo cái ăn cái mặc, gia cảnh cũng dần dần trở nên giàu có. Ông sống khỏe mạnh suốt cuộc đời, mãi tới hơn 80 tuổi không bệnh mà bình yên qua đời.

Quả thực “thiện hữu thiện báo”, gieo nhân thiện gặp quả lành, luật nhân quả không sai một ly.

Theo Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết dân gian: Thần Thổ Địa đứng dậy rồi!