Truyền thuyết Đổng Vĩnh và nàng Tiên thứ bảy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện Đổng Vĩnh và Thất Tiên Nữ là truyền thuyết đã có từ xa xưa, trở thành nguồn cảm hứng lớn cho nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh sau này.

Chuyện kể rằng, vào thời nhà Hán có một thôn làng nhỏ gọi là Đổng Gia Trang, trong thôn có hai cha con nhà nọ, người cha tên là Đổng Thượng, còn người con tên là Đổng Vĩnh.

Vì mẹ sớm qua đời nên Đổng Vĩnh phải sống dựa vào cha. Hai cha con thuê vài mẫu ruộng của Phó viên ngoại để trồng trọt cấy cày, cuộc sống bần hàn nhưng vui vẻ, cha và con ngày qua ngày rau cháo nuôi nhau.

Đổng Vĩnh tuổi còn nhỏ nhưng đã biết thương cha. Ngày ngày, Đổng Vĩnh đều theo cha ra đồng làm việc, tận lực giúp cha làm những việc trong khả năng của mình. Từ gieo hạt, nhổ cỏ, tưới nước, tới cuốc đất, trồng rau, Đổng Vĩnh đều gắng sức giúp cha, không nề hà cả những công việc nặng nhọc.

Sau những giờ làm việc vất vả, ông Đổng Thượng lại tranh thủ dạy con học bài. Trong mái nhà tranh đơn sơ của hai cha con chỉ có một chiếc giường đất và một ụ đất nhỏ dùng làm bàn. Hai cha con thường ngồi ở đó, ông Đổng dùng cành cây làm bút, dạy con viết những dòng chữ đầu đời. Tối đến, nhìn lên bầu trời sao lấp lánh, ông Đổng lại kể cho con trai những câu chuyện lịch sử, câu chuyện về đức hạnh của tiền nhân. Cậu bé Đổng Vĩnh thích nghe nhất là về lòng hiếu thảo của vua Thuấn. Ngày tháng thanh bần là vậy, nhưng hai cha con lại có được niềm vui cho riêng mình.

Có câu nói: “Trời có gió mây bất trắc, người có trẻ già họa phúc”. Chẳng bao lâu sau ông Đổng không may mắc trọng bệnh, hết thảy mọi việc trong nhà đều đổ dồn lên vai Đổng Vĩnh. Đổng Vĩnh vừa phải ra đồng làm việc, vừa tranh thủ về nhà chăm sóc cho cha, có những lúc cậu túc trực bên giường hầu hạ cha đến quên ăn quên ngủ. Ngày qua tháng lại, chút tiền ít ỏi tiết kiệm được cũng tiêu hết sạch, Đổng Vĩnh đành phải tìm Phó viên ngoại hỏi vay.

Phó viên ngoại nhìn cậu bé nghèo hiếu thảo ấy thì vô cùng thương xót, ông ân cần dặn dò: “Đổng Vĩnh à, cháu hết lòng chăm sóc cha như vậy thực là đáng quý. Chút tiền này ta tặng cháu, cháu cứ mang về mua thuốc cho cha. Còn tiền thuê đất trước nay thì cháu không cần bận tâm, ta đều miễn hết cho cháu, sau này không cần trả lại ta nữa. Nếu có việc gì cần cháu cứ đến tìm ta đừng ngại, ta sẽ tận lực giúp cháu”.

Dù được Phó viên ngoại nhiệt tình giúp đỡ lại có con trai hết lòng chăm sóc, nhưng bệnh tình của ông Đổng vẫn không mấy biến chuyển. Chẳng bao lâu sau ông Đổng qua đời, để mặc Đổng Vĩnh khóc thấu trời xanh.

Lúc này trong nhà chỉ còn lại bốn bức tường trống trải. Vì không còn tiền để mai táng phụ thân, Đổng Vĩnh chẳng còn cách nào khác đành phải đến tìm Phó viên ngoại.

Nhìn chàng thiếu niên gầy gò ấy, Phó viên ngoại động lòng thương. Biết rằng nhà họ Đổng không có gia sản, ngay cả đất để làm mộ phần cũng không có, ông liền nói với Đổng Vĩnh: “Vài mẫu ruộng kia, nếu cháu vẫn tiếp tục canh tác thì cứ lấy đó mà canh tác cấy cày. Nếu cháu không có nơi nào để an táng phụ thân, vậy thì cứ chôn cất cha cháu ở bên cạnh mảnh đất ấy là được rồi. Số tiền nợ này coi như ta tặng cháu, sau này cháu cũng không cần phải trả tiền cho ta làm gì, cháu có thể tự lực cánh sinh, lo được cuộc sống của mình là tốt rồi”.

Đổng Vĩnh cảm kích vô cùng, bèn quỳ xuống khấu đầu bái tạ Phó viên ngoại và nói: “Ân tình của lão gia Đổng Vĩnh xin ghi lòng tạc dạ. Nhưng nhớ lại những lời dạy bảo của cha cháu năm xưa, cháu vẫn luôn canh cánh trong lòng, lúc nào cũng tự nhắc bản thân rằng có nợ thì phải trả, nhận ân một giọt báo ân một dòng. Số tiền này và số tiền nợ trước kia, tổng cộng là hơn một vạn, cháu vẫn ghi nhớ không dám sai một đồng. Nay cháu phải về nhà an táng cho cha, giữ hiếu ba năm, sau đó nhất định cháu sẽ quay lại đây. Cháu nguyện bán thân làm nô bộc, làm việc cho ân nhân, lấy đó để hoàn trả món nợ này”.

Câu chuyện Đổng Vĩnh bán mình để có tiền an táng cha được ghi chép trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” thời Minh, hình ảnh được lưu trữ trong Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Sau khi an táng phụ thân, Đổng Vĩnh dựng mái nhà tranh bên ruộng để trông coi mộ phần, giữ hiếu ba năm. Mỗi ngày ngoại trừ những lúc trồng trọt, cấy cày, anh còn đọc sách, viết chữ, đồng thời cũng không quên thường xuyên lễ bái và quét dọn phần mộ của cha.

Ngày lại ngày cứ thế trôi qua. Các bậc phụ lão hương thôn trong làng thấy Đổng Vĩnh có lòng hiếu thảo như vậy, ai cũng khen ngợi anh, cũng có người thi thoảng lại đem tặng anh khi thì bát cơm nóng, khi thì chén canh ngọt.

Ba năm thấm thoắt trôi qua, Đổng Vĩnh nay đã là chàng thanh niên 17, 18 tuổi. Biết kỳ hạn tang hiếu đã mãn. Đổng Vĩnh bèn quét dọn nhà tranh sạch sẽ, sau đó thu xếp đồ đạc rồi đi thẳng đến Phó gia trang để thực hiện lời hứa của mình. Anh thầm nghĩ: “Lời hứa nặng tựa ngàn vàng, Đổng Vĩnh ta tuy rằng chỉ là một thôn phu bần hàn, nhưng đã nói lời nhất định phải giữ lấy lời. Trong tâm ta đã hứa, quỷ Thần đều biết, ta nhất định phải đến làm công trả nợ cho ân nhân, lấy đó để báo đáp ân tình”.

Lúc ấy đã là cuối thu, gió thu lành lạnh, lá thu bay bay, cây cối tiêu điều xơ xác, cảnh vật tàn tạ điêu linh. Đổng Vĩnh tâm tình xúc động, trong lòng cảm thán rằng cha mẹ đều đã qua đời, dẫu muốn tận hiếu thêm nữa cũng không còn cơ hội nữa rồi, giờ chỉ còn lại ta một mình lẻ loi hiu quạnh, thật chẳng khác nào chiếc lá rụng trong gió thu này.

Chính lúc đang cảm khái dâng trào, đột nhiên anh nghe thấy có tiếng khóc văng vẳng đâu đây. Chà, thật kỳ lạ, là ai đang khóc đó? Anh lần theo tiếng khóc tìm đến, thì ra là một tiểu cô nương đang ngồi bưng mặt khóc dưới cây hòe cổ thụ ở đầu thôn.

Đổng Vĩnh thấy tiếng khóc thê lương thì động lòng thương cảm, định bụng đến gần hỏi cho rõ ngọn ngành. Nhưng nghĩ lại: “Ôi, ta chỉ là gã tiểu tử nghèo xơ nghèo xác, bản thân còn không lo được cho mình, há lại có thể giúp được người khác sao? Huống hồ nam nữ thụ thụ bất thân, người ta vẫn nói: Đi qua ruộng dưa không cúi xuống sửa giày, đi dưới cây mận không giơ tay sửa mũ. Dưa dưới ruộng mận trên cành, ngộ nhỡ tình ngay lý gian ai hiểu được đây? Thôi thì ta không nên quản chuyện người khác thì hơn”.

Nghĩ rồi, Đổng Vĩnh quay người rời đi.

Nhưng mới đi được vài bước, lại nghe thấy cô nương kia khóc càng bi thiết hơn, vừa khóc vừa nức nở: “Trời ơi, ta phải làm sao đây? Chẳng lẽ chỉ còn con đường chết thôi sao?”

Đổng Vĩnh vừa nghe thấy thế, trong tâm liền kinh hãi: “Chẳng hay đã xảy ra chuyện gì? Mạng người là trọng, ta không thể thấy chết mà không cứu được”.

Nghĩ rồi, anh liền bước đến bên cạnh, chắp tay chào và hỏi: “Vị cô nương, tại hạ nghe tiếng khóc thống thiết của cô, không biết đã xảy ra chuyện gì? Liệu cô có thể cho tại hạ biết được không? Có lẽ tại hạ có thể giúp được cô cũng chưa biết chừng”.

Cô gái nghe thấy có người hỏi liền đứng dậy chắp tay thi lễ, rồi vừa lau nước mắt vừa đáp: “Cảm ơn chàng đã hạ cố hỏi thăm. Tiểu nữ họ Điền, tên là Thất Thư, nhà xa mãi ở chốn Bồng Lai. Chỉ vì cha mẹ đều đã qua đời nên thiếp phải lặn lội đường xa đến đây nương nhờ người thân. Ai ngờ người thân đâu chẳng gặp được, xung quanh chẳng còn ai thân thích, tiểu nữ giờ chỉ còn trơ trọi một thân một mình, không còn nơi để an thân cũng chẳng có nhà để quay về, vì vậy mới khóc lóc như vậy”.

Đổng Vĩnh thầm nghĩ: “Nên làm thế nào đây nhỉ? Ta cũng một thân cô quạnh, hiện nay lại còn phải bán thân trả nợ. Ta có lòng mà đành bất lực, sao có thể giúp được cô ấy đây?”

Đổng Vĩnh đắn đo mãi một lúc rồi nói với cô gái rằng: “Vị cô nương, tiểu tử họ Đổng tên Vĩnh, là người ở Đổng Gia Trang. Nhưng hiện nay tôi cũng chỉ là kẻ có nhà mà như không có nhà. Tôi phải đi làm việc trả nợ cho nhà chủ, thực sự rất muốn giúp cô, nhưng chỉ tiếc rằng lòng có dư mà lực không đủ, không biết nên làm thế nào đây?”

Cô gái nghe xong, nghĩ ngợi một lát rồi cúi đầu thỏ thẻ: “Tiểu nữ có câu này không biết có nên nói ra hay không. Dù có chút khó nói, nhưng vì trong lúc cấp bách nên đành thổ lộ, chỉ mong chàng đừng chê cười. Thiếp thấy chàng cũng là người trung hậu, còn tiểu nữ thì thân gái dặm trường, ngàn dặm xa xôi tìm đến đây, bên cạnh lại không có thân nhân… Nếu chàng không ghét bỏ, hai chúng ta hãy kết thành phu thê, như thế mới có thể danh chính ngôn thuận, tiểu nữ sẽ theo chàng cùng đi làm việc cho gia chủ. Thiếp biết may vá thêu thùa, biết xe tơ dệt vải, có thể giúp chàng trả nợ. Như thế chàng có người đỡ đần, mà thiếp cũng có được chốn an thân, chẳng phải rất hay hay sao? Không biết ý chàng thế nào?”

Đổng Vĩnh ngẩng đầu nhìn vị cô nương, thấy nàng mi thanh mục tú, khí thái đoan chính, không phải là hạng người dễ dãi. Nhưng lại nghĩ có gì đó không ổn, anh bèn đáp: “Cảm tạ cô nương đã có lòng lo nghĩ cho tại hạ, nhưng việc hôn nhân đại sự không có mai mối cũng không có người làm chứng, e rằng không hợp với lễ nghi”.

Cô gái nói: “Chàng nói rất đúng. Nhưng Thần vốn coi trọng nhân tâm, chàng là bậc trượng nghĩa, Thượng Thiên đều thấu tỏ, hai ta có thể bái Thiên Địa làm chứng. Còn người mai mối thì…”

Cô gái ngập ngừng nhìn bốn phía, rồi chỉ tay vào cây hòe cao lớn kia và nói: “Vạn vật đều có linh, chúng ta hãy nhờ cây hòe làm mối. Chàng và thiếp ở dưới cây hòe này, lấy đất làm hương, chỉ hòe làm mai, kính bái Thiên Địa. Chàng thấy thế nào?”

Đổng Vĩnh nhìn cô gái ấy, thấy nàng nhân phẩm đoan trang, không phải người cẩu thả. Lại nghĩ một lát, cảm thấy cũng chỉ còn cách như vậy mà thôi. Sau đó hai người liền hành lễ ngay dưới cây hòe già, lấy đất làm hương, bái Thiên Địa và nhờ cây hòe mai mối, sau đó phu thê tương bái, hoàn thành hôn nhân đại lễ.

Đổng Vĩnh nói: “Trời cũng không còn sớm nữa, chúng ta mau mau đến Phó gia trang thôi”.

Trên đường, Đổng Vĩnh kể lại mọi chuyện trong gia đình mình cho vợ nghe, Thất Thư vô cùng cảm thán, không khỏi sụt sùi rơi lệ. Bản thân Đổng Vĩnh lúc này cũng ngổn ngang trăm mối, trong lòng thầm nghĩ cuộc gặp gỡ hôm nay thật là duyên kỳ ngộ, duyên kỳ ngộ! Món nợ trên thân vẫn còn chưa trả xong, vậy mà từ trên trời lại rơi xuống một nương tử đẹp xinh như vậy.

Hai người mải nói chuyện chẳng mấy chốc đã đến nhà Phó viên ngoại. Phó viên ngoại nhìn thấy Đổng Vĩnh, liền xua tay nói: “Khoản nợ năm xưa ta không cần đến, tặng lại cho cháu đấy, ta cũng không cần cháu đến làm việc trả nợ nữa đâu”.

Đổng Vĩnh đáp: “Nhờ ân điển của ân nhân mà cha cháu mới được an táng chu đáo, cháu tuy chỉ là kẻ bần hàn nhưng cũng hiểu được đạo lý ‘tri ân tất báo’, trong lòng cháu thời thời khắc khắc đều không quên phải tận tâm tận lực báo đáp ân nhân. Mong ngài thành tựu cho lòng hiếu nghĩa này của Đổng Vĩnh”.

Phó viên ngoại hiểu được tâm tư của Đổng Vĩnh, cũng muốn thành tựu nguyện vọng của người con có hiếu này, vậy nên ông liền gật đầu đáp ứng. Lại nhìn thấy cô gái trẻ bên cạnh chàng, ông hỏi: “Vị cô nương này là ai vậy?”.

Đổng Vĩnh đáp: “Dạ thưa lão gia, đó là thê tử của cháu”, sau đó anh liền kể lại cuộc kỳ ngộ bên đường.

Phó viên ngoại không khỏi kinh ngạc và vui mừng thay cho Đổng Vĩnh. Ông lại hỏi: “Vợ cháu có thể làm những gì?”

Thất Thư bước lên cung kính đáp: “Thưa lão gia, tiểu nữ biết quay tơ, dệt vải, làm các việc may vá thêu thùa”.

Phó viên ngoại nghe vậy, liền nói: “Như thế này đi, cháu hãy để Thất Thư dệt cho ta một trăm tấm lụa mịn, dệt xong coi như đã trả xong món nợ, hai vợ chồng cháu có thể về nhà được rồi”.

Đổng Vĩnh ngập ngừng không biết liệu vợ mình có thể hoàn thành được công việc này hay không, anh vừa mở miệng định hỏi thì nàng đã nhanh nhảu đáp: “Cảm tạ Phó viên ngoại, xin viên ngoại cứ yên tâm, chỉ cần chỉ cho tiểu nữ biết phòng dệt ở đâu, tiểu nữ sẽ làm ngay”.

Từ đó Thất Thư ở lại trong phòng dệt, ngày đêm làm việc không ngơi tay. Con thoi trong tay nàng thoăn thoắt lao đi giữa khung cửi, rất nhanh những thất lụa mịn màng óng ả đã được dệt thành. Đổng Vĩnh thấp thỏm lo vợ làm quá sức, thường đến phòng dệt thăm hỏi và khuyên nàng nghỉ tay. Nhưng Thất Thư chỉ cười rồi lại chuyên tâm làm việc. Sau mười ngày ngắn ngủi, một trăm tấm lụa đã được dệt xong.

Câu chuyện Đổng Vĩnh và Thất Tiên Nữ trong “Nhị thập tứ hiếu đồ”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đổng Vĩnh nhìn một trăm tấm lụa xếp ngay ngắn chỉnh tề, tấm nào cũng mịn màng sáng bóng, màu sắc rực rỡ, hoa văn như có thần. Anh nói: “Nương tử à, làm thế nào nàng lại dệt nhanh đến vậy? Làm thế nào dệt ra được những tấm lụa đẹp như thế? Thật là xuất sắc!”

Phó viên ngoại vừa kinh ngạc vừa vui mừng, ông khen ngợi đôi bàn tay khéo léo của Thất Thư và tiễn hai vợ chồng trở về.

Trên đường về nhà, Đổng Vĩnh trong lòng rất cao hứng, tự hỏi không biết nên cảm tạ nương tử như thế nào mới phải.

Khi đi đến bên cây hòe già, Đổng Vĩnh nhớ lại ngày đầu gặp mặt, nhớ cảnh hai vợ chồng cùng bái Thiên bái Địa, chàng liền bước đến định cảm ơn cây hòe mối mai. Lúc này bỗng nghe thấy tiếng Thất Thư gọi từ phía sau: “Phu quân à, chàng có biết thiếp là ai không?”

Đổng Vĩnh cười: “Làm sao mà ta lại không biết? Nàng là thê tử của ta, là Điền Thất Thư mà”.

Thất Thư cười và nói: “Kỳ thực, thiếp vốn là con gái của Ngọc Hoàng Đại Đế, là công chúa thứ bảy, vì thế mới mượn tên là Thất Thư. Ngọc Hoàng thấy chàng hiếu thảo chân thành nên ra lệnh cho thiếp hạ phàm giúp chàng trả nợ. Hôm nay món nợ đã hoàn trả xong, sứ mệnh của thiếp đã hoàn thành, vậy nên thiếp cũng không tiện lưu lại ở nhân gian nữa, hôm nay xin được cáo biệt chàng từ đây. Thiếp mong phu quân bảo trọng, giữ vững thiện lương, sau này nhất định sẽ có được lương duyên tác hợp”.

Nói rồi, Thất Thư hành lễ cáo từ rồi cưỡi gió bay lên, ngự trên đám mây lành bảy sắc bay về phía tây, trong chốc lát đã không còn bóng ảnh.

Giờ đây bên cây hòe già chỉ còn lại một mình Đổng Vĩnh. Chàng quá sững sờ đứng ngẩn ngơ một hồi lâu, mắt vọng nhìn về phía Thất Tiên Nữ đằng không bay đi, trong lòng vô cùng cảm kích, nhưng cũng không kém phần trống vắng đơn côi. Nghĩ đến lời căn dặn của Thất Nữ, chàng thầm cảm tạ Ngọc Đế, cảm tạ Thượng Thiên, cảm tạ Thần. Chàng lại hướng về phía Thất Nữ bay đi mà chắp tay lạy tạ mãi không thôi.

(Ảnh minh họa: ET)

Truyền thuyết Đổng Vĩnh và Thất Tiên Nữ là câu chuyện cổ xưa được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, từng được ghi chép trong “Sưu Thần Ký”. Đổng Vĩnh hết lòng phụng dưỡng phụ thân, sau khi cha mất lại bán thân để có tiền an táng cho cha, lòng hiếu thảo ấy đã làm cảm động đất trời, khiến ngay cả Thiên Đế cũng sẵn lòng giúp đỡ. Tận hiếu là căn bản lập thế làm người, cũng là truyền thống của các dân tộc Á Đông.

Đổng Vĩnh hiếu thảo làm cảm động đất trời, nhờ đó mới được Thần bảo hộ. Thất Nữ theo lệnh hạ phàm, trợ giúp Đổng Vĩnh trả nợ. Tiên nữ không động lòng phàm, hoàn thành xong sứ mệnh liền cưỡi mây về trời, triển hiện thần tích, trở thành giai thoại thiên cổ trong dân gian.

Đến thời cận đại, câu chuyện trên đã bị cải biến ít nhiều. Thất Tiên Nữ hạ thế là do Ngọc Đế chỉ định hôn nhân, nhưng sau này lại bị cải biên thành Tiên Nữ hạ phàm do thiên giới cô liêu tịch mịch, muốn xuống tìm khoái lạc ở nhân gian, tự mình tư tình với người phàm tục. Phó viên ngoại nhân từ hào hiệp lại bị biến thành lão nhà giàu tâm địa đen tối, điều này hoàn toàn trái ngược với sự thật ban đầu. Cổ nhân coi thành tín nhân nghĩa là cơ bản của đạo làm người, tin rằng chỉ có hành thiện mới có được phúc báo. Do đó người xưa dù bần hàn hay phú quý thông thường đều là bậc thiện nhân.

Theo Tuyết Lỵ và Đông Phong - Sound of Hope
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết Đổng Vĩnh và nàng Tiên thứ bảy