Từ cuộc xả súng ở Moscow, nên hiểu thế nào về chủ nghĩa khủng bố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng bố đẫm máu ở Moscow

Một ngày thứ sáu nửa cuối tháng 3 năm 2024, trong hội trường nhà hát ở Krasnogorsk, ngoại ô Moscow, các ghế đã kín người. Sắp đến giờ diễn, khán giả đã ổn định chỗ ngồi chờ đợi vở diễn bắt đầu.

Nhưng kẻ xuất hiện trước lại không phải các diễn viên, mà là một nhóm người mặc trang phục dã chiến, mang súng trường AK bước vào sảnh chính, bắn thẳng vào những người đang tập trung ở cửa khán phòng. Khán giả bắt đầu chen nhau bỏ chạy về phía thang máy, tất cả đều gào thét hoảng loạn.

Nhóm vũ trang sau đó tiến vào khán phòng, tiếp tục nổ súng vào khán giả ở khoảng cách gần. Đạn bay như châu chấu, những chai bom xăng được ném ra tới tấp, lửa bốc đùng đùng, khói bay mù mịt, những vệt đỏ lênh láng, thi thể rải rác khắp trong phòng ngoài sảnh, những người bị thương rên rỉ yếu ớt.

Các tay súng nhanh chóng rời khỏi nhà hát, rồi bỏ trốn trên một chiếc ôtô màu trắng.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau đó đăng thông điệp lên Telegram, tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công, trong tuyên bố có đoạn:

"Các thành viên của chúng tôi đã tấn công cuộc tụ tập lớn của những người Công giáo tại thành phố Krasnogorsk, làm chết và bị thương hàng trăm người, gây thiệt hại lớn cho địa điểm này trước khi rút về căn cứ an toàn".

Trên thực tế, tính đến ngày 26/3 đã có ít nhất 137 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, khoảng 180 người bị thương. Nhiều quốc gia đã gửi lời chia buồn tới Moscow.

Tổng thống Nga Putin nói: “Tất cả thủ phạm, người tổ chức và các thành viên của tội ác này sẽ phải nhận hình phạt công bằng và không thể tránh khỏi. Bất kể họ là ai, bất kể ai chỉ đạo họ, tôi nhắc lại, chúng tôi sẽ xác định và trừng phạt tất cả những người đứng đằng sau những kẻ khủng bố”.

Còn ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga phát biểu: “Bất kỳ ai trả tiền, có cảm tình hay hỗ trợ nhóm khủng bố đều phải chết".

Mọi người đều nhất trí cho rằng đây là một hành động khủng bố cực kỳ tàn bạo. Nhưng khủng bố là gì?

Sự bất đồng trong cách hiểu về chủ nghĩa khủng bố

“Khủng bố” là một từ Hán Việt bắt nguồn từ tiếng Anh là “terrorist”hoặc “terrorism” - “kẻ khủng bố” hoặc “chủ nghĩa khủng bố”, trong đó có tiền tố “terror” nghĩa là sự khiếp sợ, sự kinh hoàng. Còn trong Hán văn 恐怖 thì “khủng” là sợ, còn “bố” vừa là “sợ” vừa là “dọa nạt”. Như vậy, theo định nghĩa khái quát nhất, khủng bố là việc sử dụng bạo lực và nỗi sợ hãi để đạt được một mục đích về mặt ý thức hệ.

Trong cộng đồng quốc tế, khủng bố không có một định nghĩa có tính pháp luật hay hình sự rõ ràng nào. Khái niệm chung về chủ nghĩa khủng bố chỉ đề cập đến những hành vi bạo lực, được dự định để tạo ra sự sợ hãi (khủng bố), nhắm đến mục tiêu tôn giáo, chính trị hay ý thức hệ; và cố tình nhắm vào các mục tiêu hoặc không quan tâm đến sự an toàn của những người không có khả năng tự vệ (ví dụ như nhân viên dân sự trung lập hay dân thường).

Tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS-K nhận trách nhiệm khủng bố ngoại ô Moscow. (Chụp video)

Cách định nghĩa thế nào là khủng bố có nhiều bất đồng vì hai lý do. Thứ nhất, đây là một từ tiêu cực và phủ nhận tính chính danh của cá nhân hay tổ chức khủng bố. Thứ hai, là cách hiểu và đánh giá về nó mang tính chủ quan của từng bên. Chẳng hạn như nước Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì gọi vụ 11/9 là một vụ khủng bố, còn tổ chức Al Qaeda thì coi đó là một hành vi của những “chiến sĩ đấu tranh vì tự do” hoặc muốn “giành lại tự do cho dân tộc đã chịu nhiều bất công”. Một tỷ dụ khác đó là Nelson Mandela đã từng bị chính quyền Nam Phi liệt vào hạng khủng bố, nhưng nay thì được coi là nhà cách mạng đấu tranh vì người da đen v.v.

Để hiểu rõ hơn khái niệm khủng bố, chúng ta cùng quay lại thời điểm khởi nguồn của khái niệm này - cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

Bạo lực cách mạng của phe Jacobin - khởi nguồn của khái niệm khủng bố

Những hành vi mang tính khủng bố đã có từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại, nhưng phải đến thời kỳ của cuộc cách mạng Pháp thì mới chính thức xuất hiện khái niệm này. Từ 27 tháng 6 năm 1793 - 27 tháng 7 năm 1794, ở nước Pháp có Triều đại khủng bố (La Terreur), là một thời kỳ bạo lực xảy ra trong thời Cách mạng Pháp, được kích động bởi cuộc xung đột giữa các phe phái chính trị, những người Girondins và Jacobins, và đánh dấu bằng việc hành quyết hàng loạt các "kẻ thù của cách mạng". Chế độ “độc tài” Jacobin hành quyết bất kể vua, quý tộc hay dân thường. Vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, các nhà quý tộc như Công tước Louis Philippe II, Madame Roland… kể cả nhà hoá học tiên phong Antoine Lavoisier, và chừng 70,000 dân thường bị hành quyết bằng máy chém. Những người này bị xử chém đa số bởi những kết tội vu vơ, suy diễn không cần bằng chứng, chỉ cần tuyên án “phản cách mạng” là xong.

undefined
Các quý tộc bị hành quyết và bêu đầu thời kỳ Triều đại Khủng bố Pháp. (Miền công cộng)

Theo lãnh đạo của câu lạc bộ Jacobin là Maximilien Robespierre thì: "khủng bố không gì khác là công lý được thực thi một cách nhanh chóng, gay gắt và không nhân nhượng". Năm 1795, nhà sáng lập tư tưởng của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại là Edmund Burke đã lên án câu lạc bộ Jacobin, vì đã "thả hàng nghìn con chó săn mang tên những kẻ khủng bố... lên người dân Pháp.”

Hơn hai trăm năm trước khi nước Pháp có Triều đại khủng bố, một người Pháp cực kỳ nổi tiếng là nhà tiên tri Nostradamus đã dự báo về một “Đại vương khủng bố từ trên trời xuống”. Nguyên văn lời ấy như sau:

“Vào năm 1999, tháng 7,
Để Đại vương Angoulmois phục sinh,
Đại vương Khủng bố sẽ từ trên trời xuống,
Đến thời trước và sau khi Mars thống trị thiên hạ,
Nói là để có cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.”

(Trích sách “Các thế kỷ” của Nostradamus)

Ngày nay, lời tiên tri này đã được giải nghĩa, tương ứng với sự việc vào ngày 20/7/1999, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Giang Trạch Dân, đã ra lệnh cho chính quyền Trung Quốc chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp độ một, và bắt đầu một cuộc vận động chính trị bức hại môn tu luyện Pháp Luân Công trên toàn quốc, quả nhiên giống như “Đại vương khủng bố từ trên trời giáng xuống”. Các học viên môn tu luyện này bị bắt cóc, đánh đập, đưa vào trại lao cải, bỏ tù, vu khống, hủy hoại kinh sách, can nhiễu không cho tu luyện v.v. Trung Nam Hải sử dụng mọi công cụ nhà nước bao gồm quân đội, cảnh sát, đặc vụ, báo chí các hình thức… để bức hại. Khí thế như khiến trời sụp xuống, lại che mắt cả thế giới mà hành ác. Đó là nhà nước dùng bạo lực với dân thường để toàn dân kinh sợ.

Tất nhiên, ĐCSTQ sẽ không bao giờ thừa nhận mình là một nhà nước khủng bố.

Như vậy, có rất nhiều tranh cãi để xác định ai là những kẻ khủng bố. Nhưng bỏ qua những biện hộ đầy rắc rối của kẻ thủ ác, câu hỏi đặt ra là: Tại sao bằng trực quan, nhiều người chúng ta có thể lập tức gọi tên sự kiện xả súng ở nhà hát Krasnogorsk, ngoại ô Moscow hôm 23/3 vừa rồi là một cuộc khủng bố? Hoặc ngoại trừ tổ chức Al Qaeda và một số người Trung Quốc đại lục vui sướng khi nước Mỹ gặp tai họa, đa phần nhân loại yêu hòa bình có thể chỉ ra ngay lập tức vụ tấn công 11/9 vào nước Mỹ là một cuộc khủng bố?

Là vì những hành động bạo lực đó nhắm vào dân thường một cách có chủ đích.

Hành vi khủng bố khác với hành động chiến tranh

Trong chiến tranh giữa hai quốc gia, lực lượng quân sự hai bên là nơi xuất phát và chịu nhận bạo lực quân sự. Với sự phát triển của công nghệ, các khí tài quân sự ngày càng có tầm hoạt động rộng hơn, và do vậy có thể tấn công quân địch từ xa. Hoặc các nhóm du kích hay lực lượng đặc biệt có thể len lỏi vào hậu phương kẻ địch để tiêu diệt lực lượng quân sự của họ. Nhưng dầu sao, người ta vẫn phải có sự phân biệt giữa quân đội và thường dân, theo thiển nghĩ, đó là chỗ phân biệt giữa chiến tranh quy ước và hành động khủng bố. Một cuộc tấn công của tên lửa hoặc máy bay không người lái vào cơ sở quân sự hay quân đội của đối phương, đôi khi có thể gây nên thương vong khó tránh khỏi cho thường dân ở gần đó. Nhưng nếu cuộc tấn công này ngay từ ý tưởng và mục đích ban đầu là để nhắm vào dân thường vô tội, khiến đối phương sợ hãi và thủ phạm đạt được mục đích, mà không được gọi là hành động khủng bố thì nên gọi là gì vậy?

Giới nghiên cứu sử học vẫn cho rằng, khởi nguồn của các tổ chức khủng bố Hồi giáo chính là Hội sát thủ của Hasan-i Sabbah hay Sơn Trung Lão Nhân. Từ “assassin” ngày nay xuất phát từ “hashshashin” trong tiếng A Rập, chính là chỉ thành viên của Hội sát thủ này. Nhưng không như các tổ chức khủng bố hiện đại IS hay Al Qaeda, PLO… những assassin thời cổ ở Trung Đông cũng không nhắm vào dân thường, họ chỉ hạ thủ những lãnh đạo cao cấp về chính trị, quân sự, tôn giáo, được các assassin xác định như là nguồn gốc của cái ác.

Ngoài ra, sự tàn sát thường dân vô tội rõ ràng là đi trái ngược với cả những giáo lý Hồi giáo. Kinh Qur’an nêu rõ, không được phép giết người, trường hợp đặc biệt được phép giết người mà không bị trọng tội là:

1) Trong khi kháng cự hoặc chiến đấu chống lại những kẻ lùng giết người đạo mình nhằm cưỡng bách bỏ đạo. Nhưng nếu chiến thắng, phải noi gương thiên sứ Muhammad, tha thứ và đối xử nhân đạo với phần đông kẻ bại trận.

2) Giết những tên sát nhân để trừ hại cho dân lành.

Những cuộc chiến thời cổ ở Trung Hoa cũng đã xác định rất rõ ai là lãnh đạo quân sự thứ thiệt, và ai là kẻ cầm đầu khủng bố. Chẳng hạn như nhà lãnh đạo Thục Hán là Lưu Bị luôn luôn muốn tránh hại cho dân, kể cả nhân dân của phe đối địch. Thậm chí 10 vạn dân Kinh Châu của Lưu Biểu, còn tình nguyện bỏ quê nhà đi theo Lưu Bị, để thoát khỏi đại quân nam chinh của Tào Tháo. Còn gian thần Đổng Trác là lãnh đạo quân Tây Lương, đã mượn tay Lã Bố để giết chóc quan lại Hán triều, cốt để đoạt quyền phế lập; với nhân dân thì lạm sát để thỏa mãn thú tính. Sử chép có lần Đổng Trác mang quân ra ngoại thành Lạc Dương, thấy đám đông nhân dân xem hát, bèn hạ lệnh cho quân sĩ động thủ, giết hết đàn ông, bắt hết đàn bà làm tù nhân mang về Lạc Dương. Các tướng sĩ của ông ta cũng bắt chước theo Đổng Trác ,cưỡng hiếp đàn bà con gái nhà dân, cướp bóc tài sản của nhân dân làm của riêng. Chắc chắn đấy là một tổ chức khủng bố, không phải một tổ chức quân sự.

Cái đẹp chân chính cũng là mục tiêu khủng bố

Vụ khủng bố ở nhà hát Krasnogorsk, ngoại ô Moscow vừa qua là nhắm vào những thường dân vô tội là khán giả xem biểu diễn văn nghệ. Sau vụ khủng bố này, dư luận phương Tây đang bàng hoàng lo ngại. Chính lúc này, xuất hiện một vụ đe dọa khủng bố nhắm vào đoàn nghệ thuật Thần Vận (hay Shen Yun).

Chỉ trong vòng hơn một tuần, ba lời đe dọa đánh bom đã được đưa ra nhắm vào công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.

Lời đe dọa đánh bom đầu tiên là cho trụ sở chính của Shen Yun ở ngoại ô New York. Nó được viết trong một bức thư điện tử đề ngày 18/03 gửi từ một trương mục thư điện tử với tên người gửi được viết bằng tiếng Hoa. Nội dung như sau:

“Tôi đã đặt một quả bom điều khiển từ xa ở chùa Long Tuyền (Dragon Springs)”. Long Tuyền là một khuôn viên, nơi có các cơ sở đào tạo của Shen Yun và vài ngôi chùa theo phong cách nhà Đường.

Lời đe dọa thứ hai vào hôm 22/03 gửi tới một nhà hát ở California khi Shen Yun đang chuẩn bị cho các chương trình biểu diễn cuối tuần. Trong đó viết: “Chúng tôi đã đặt ngẫu nhiên rất nhiều bom bên trong nhà hát. Nếu các vị không muốn chúng tôi cho nổ bom, thì hãy lập tức từ chối cho Shen Yun Performing Arts được biểu diễn ở đây! Nếu buổi biểu diễn được mở màn, thì chúng tôi sẽ trực tiếp cho nổ những quả bom này!!!”. Bức thư còn đính kèm hình hai quả bom đã được đăng trên mạng từ trước.

Email khủng bố đe dọa đã đặt rất nhiều bom trong nhà hát. (Chụp video)

Theo bức thư mà The Epoch Times thu thập được, tên người gửi cũng bằng tiếng Hoa, nhưng nó khác với bức thư đe dọa đầu tiên. Dòng tiêu đề lần này được viết bằng Anh ngữ, “Nhà hát đã bị đặt bom.”

Lời đe dọa thứ ba cũng được gửi vào cuối tuần đó tới một nhà hát ở Vancouver, nhưng các buổi biểu diễn vẫn không bị gián đoạn.

Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Vancouver nói với The Epoch Times rằng: “Tôi có thể xác nhận rằng đã có lời đe dọa đánh bom vào nhà hát chiều hôm thứ Bảy. Một cuộc điều tra đã diễn ra và cho thấy lời đe dọa này là giả”.

Bên cạnh những lời đe dọa đánh bom, thì hai chiếc xe bus của Shen Yun cũng bị phá hoại.

Vì sao có sự việc này? Bà Trần Anh (Ying Chen), phó chủ tịch công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, cho biết: “Shen Yun cho thế giới thấy nền văn hóa Trung Hoa đích thực đã từng sâu sắc, tràn đầy cảm hứng, và huy hoàng như thế nào trước khi ĐCSTQ thâu đoạt quyền lực, đồng thời vẽ nên một viễn cảnh vô cùng trác tuyệt cho Trung Quốc khi một lần nữa được trở về thời kỳ mà ở đó không có sự cai trị của ĐCSTQ. Đây là điều cuối cùng mà ĐCSTQ muốn thể hiện rõ ràng trên các sân khấu khắp thế giới, và vì vậy trong hơn 15 năm qua, họ đã không ngừng làm mọi cách để cản trở Shen Yun.”

Những nỗ lực cản trở của ĐCSTQ đối với Shen Yun là dai dẳng, bao gồm gây áp lực để các nhà hát không hợp tác với Shen Yun; gây áp lực cho chính quyền địa phương để Shen Yun không được cấp phép biểu diễn, chẳng hạn như ở Hàn Quốc; Gần đây là thông qua nhân viên hải quan gốc Hoa của nước Mỹ để cản trở việc tái nhập cảnh của nghệ sĩ Shen Yun. Và mới nhất là cuộc khủng bố tinh thần này. Ai mà biết nó sẽ còn leo thang tới đâu.

Liệu có thể gọi đây cũng là một dạng khủng bố do nhà nước tài trợ?

Kẻ khủng bố giống lấy đá tự ghè vào chân mình

Cách đây sáu thế kỷ, thi hào dân tộc là Nguyễn Trãi đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Kẻ yên dân mới là người nhân nghĩa, người nhân nghĩa có sức mạnh vô địch, còn kẻ khủng bố dân thì sớm muộn cũng thất bại thảm khốc.

Chẳng hạn như Thánh Mahatma Gandhi, không dùng bạo lực mà lãnh đạo nhân dân Ấn Độ giành lại được độc lập từ thực dân Anh hùng mạnh. Trong khi đó, những tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông cận kề xứ Ấn như IS, Al Qaeda gây ra bao thương vong chết chóc nhiều năm nay thì đạt được gì, ngoài sự phản đối của nhân loại yêu chuộng hòa bình, và sự trả đũa của các quốc gia bị khủng bố?

Hay là cuộc khủng bố Pháp Luân Công của ĐCSTQ đặt mục tiêu thành công trong 3 tháng, vậy mà suốt 25 năm nay tương quan lực lượng ngày càng thay đổi, một bên dù chỉ là những người dân có Chân - Thiện - Nhẫn mà ngày càng lớn mạnh; bên kia nắm trong tay nguồn lực của toàn bộ quốc gia khổng lồ nhưng mất đi nhân nghĩa, đang tiến đến diệt vong.

Khủng bố là kiến lập từ hận, không phải từ tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được lòng người. Còn kẻ gieo hận sẽ gặt hận lớn hơn, rốt cuộc chẳng phải là mình tự hại mình sao.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Từ cuộc xả súng ở Moscow, nên hiểu thế nào về chủ nghĩa khủng bố