Tự thuật của Đạo sĩ 103 tuổi thời hiện đại tiết lộ bí ẩn của tu hành (1/2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong quan niệm của rất nhiều người hiện nay, việc tu luyện chỉ là chuyện Thần thoại, là thứ xa vời không thể với tới. Nhưng vào năm 2015, sau khi ông tọa hóa, những người biết đến ông mới bắt đầu tin rằng tu luyện có thể đắc Đạo, thành Thần.

Ngày 28/7/2015, ông tắm rửa sạch sẽ, khoác lên mình bộ áo bào mới rồi chầm chậm tiến vào rừng sâu. Ông ngồi đó đả tọa, bình thản đợi thời khắc đến. Khi người ta phát hiện thì ông đã tọa hóa viên tịch giữa núi rừng.

Cho đến ngày rời khỏi thế gian, ông đã 103 tuổi nhưng thân thể vẫn còn cường tráng, xương cốt rắn chắc, tiếng nói sang sảng như chuông. Suốt cuộc đời mình ông đã trải qua nhiều thăng trầm: từ một cậu bé nghèo khó phải đi khắp nơi xin ăn, sau này bén duyên cửa Đạo, học y tu hành, “treo hồ lô cứu thế”, sau đó lại trở về ẩn tu giữa thâm sơn cùng cốc.

Ông chính là Đạo sĩ Trương Chí Thuận (1912-2015). Dưới đây là trải lòng của ông về cuộc đời và cơ duyên với Đạo, cũng như những cảm ngộ về tu luyện và thiền, thân mến chia sẻ cùng bạn đọc tứ phương:

Đạo sĩ Trương Chí Thuận (Ảnh: zhangzhishun.com)

Thời thơ ấu cực khổ

Tôi tên là Trương Chí Thuận, Đạo hiệu “Mễ Tinh Tử”, biệt hiệu “Cửu Khúc Hồi Dương Đạo Nhân”. Tôi còn có vài cái tên hoa mỹ khác là “Thảo Thượng Phi” (bay trên cỏ) và “Thủy Thượng Phiêu” (nổi trên nước), cũng có người gọi tôi là “Bát Quái Thần Tiên”.

Tôi là người huyện Trầm Khâu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Quê hương tôi có con sông Dĩnh Thủy, phía đông dòng sông là Trầm Khâu, phía tây là Hạng Thành, quê cũ của Viên Thế Khải. Cha tôi hình như đã từng đi du học, khi tôi còn nhỏ trong nhà có hai con la, một con ngựa đỏ, một con bò và một con lừa. Sau này không rõ vì sao nhà tôi lại đột nhiên nghèo túng đến mức không còn gì cả, cả gia đình buộc phải ra ngoài xin ăn.

Lên 6-7 tuổi, tôi bắt đầu theo cha mẹ đi khắp nơi khất thực. Đồ ăn kiếm được không ngon, nhưng nếu không xin thì lại chẳng có gì bỏ bụng. Lúc ấy, thôn làng mời đoàn hát kịch, trong đó có vở kịch xuất phát từ “truyện Tương Tử”, kể về chuyện Hàn Tương Tử xuất gia thành Đạo. Xem xong tôi nghĩ: Hàn Tương Tử có thể xuất gia từ lúc 7 tuổi, vì sao mình lại không thể? Do đó tôi càng nung nấu ý định xuất gia.

Khi xin cơm, chúng tôi trú trong cái lán bên ngoài chùa. Vì số người hành khất quá nhiều nên họ không cho chúng tôi vào, trong chùa là hòa thượng hay Đạo sĩ tôi cũng không biết nữa. Tôi thường nghe người ta nói: Núi Chung Nam sinh ra Thần Tiên, là nơi đắc địa cho tu Đạo. Tôi nghĩ: Trong địa danh “Chung Nam sơn” có chữ “Nam”, hẳn là núi ở phía nam. Tôi âm thầm chạy về phía nam mấy lần, lần nào cũng bị người ta đưa trở lại. Tuổi thơ của tôi qua đi, nhưng tôi vẫn chưa thể xuất gia.

Thuở nhỏ, điều tôi ghen tỵ nhất là những đứa trẻ khác đều được đi học. Vì trẻ ăn xin không có tiền đóng học phí, tôi bèn đứng ngoài cửa sổ lớp học nghe lén, hễ lớp vừa tan là tôi lại chạy biến. Một ngày thầy giáo gọi tôi lại và hỏi: “Này cháu bé, cháu đừng chạy, ta thấy cháu rất thích học, sao cháu không bảo bố mẹ đưa cháu đến đây?”

Tôi nói rằng, cha mẹ cháu là người hành khất nên không có tiền đóng học phí, ngay cả cơm cũng không có mà ăn. Thầy giáo lấy cho tôi chiếc bánh bao và nói với tôi rằng: “Hay là cháu đừng về nữa, ở trường học đi vậy, thuận tiện làm đỡ vài việc vặt”. Thế là tôi ở lại giúp trường nấu ăn.

Lúc ấy, mỗi ngày tôi đều dậy sớm bận rộn làm các việc cần làm, sau đó ngồi đợi trong phòng học chờ nghe giảng. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất bởi thầy giáo rất tốt với tôi, nhưng niềm hạnh phúc chỉ kéo dài được hai năm.

Vào một đêm nọ, em trai đến trường tìm tôi. Thằng bé đứng ở ngoài đập vào cửa sổ, nói rằng đã ba ngày rồi trong nhà không có gì để ăn. Tôi lấy vài cái bánh bao chuẩn bị về nhà thăm mẹ. Nhưng vừa mở cửa chúng tôi liền gặp bảo vệ thôn. Ông bảo vệ ấy không rõ đã chơi gái ở đâu nên không dám về nhà, nửa đêm liền chạy vào ngủ trong trường. Hai anh em chúng tôi ăn trộm bánh bao của trường, vừa quỳ trước mặt bảo vệ vừa khóc lóc. Ông bảo vệ nói: “Làm thế này không phải giải pháp, ta sẽ giúp các cháu nghĩ kế lâu dài”.

Chẳng bao lâu sau, bảo vệ gọi tôi đi lính. Thời ấy người nghèo phải làm lính, còn kẻ giàu thì moi tiền. Một người đi lính có thể đổi được mười ba gánh gạo và mười đồng bạc. Bởi vì đã mắc lỗi nên tôi chỉ còn cách đi làm lính. Nhưng cuối cùng nhà tôi chỉ được hai gánh gạo và hai đồng bạc, phần còn lại đều bị bảo vệ lấy mất. Lúc đó tôi cũng đã 16-17 tuổi rồi.

Tôi làm lính trong đội vận tải, phụ trách việc đánh xe ngựa vận chuyển đạn dược. Khắp nơi đều chiến tranh, tôi nhút nhát và sợ hãi vô cùng, từ sáng đến tối cứ khóc suốt. Tiểu đội trưởng thấy tôi đáng thương quá, liền bảo tôi trốn đi trước, đợi bộ đội đi qua rồi hãy chạy. Tôi trốn mãi đến đêm mới chui ra, nhưng tôi không dám về nhà nên đã chạy lên núi. Tôi đã ba lần vào chùa của các hòa thượng, nhưng không có vị hòa thượng nào nói chuyện với tôi. Tôi thầm nghĩ: Tôi không làm hòa thượng, tôi muốn làm Đạo sĩ.

Được người dân trong vùng chỉ dẫn, tôi liền đến am Bích Vân trên núi Thiếu Hoa ở phía tây Hoa Sơn. Sư phụ của tôi tên là Lưu Minh Thương, là truyền nhân đời thứ 20 của phái Toàn Chân Long Môn. Lúc đầu sư phụ không thu nhận nên đã đuổi tôi ra ngoài. Tôi không biết phải đi đâu nên cứ khóc suốt ở ngoài cổng.

Lúc này có một Đạo sĩ khập khiễng bước đến, ông hỏi tôi vì sao mà khóc? Tôi nói rằng con muốn xuất gia, đã khấu đầu lạy chỗ này, lạy chỗ kia, nhưng chẳng ai muốn con cả. Vị Đạo sĩ ấy nói: “Con hãy đi theo ta, họ không muốn con, vậy ta sẽ đưa con đến đền của ta”.

Sau này tôi mới biết vị Đạo sĩ ấy là cháu trai của sư phụ tôi, ông xuất gia ở Hoa Sơn. Nhờ ông nói giúp mà sư phụ mới cho tôi ở lại. Tôi đến vào tháng Mười năm đó, đúng ngày 15 tháng Mười năm sau, sư phụ mới cho tôi được chính thức xuất gia.

Bước vào tu luyện

Khi mới xuất gia tôi không được học điều gì về Đạo. Sư phụ không biết chữ, công khóa sớm tối cũng không có, các sư huynh của tôi đã xuất gia bảy, tám năm cũng không biết chút gì, mọi người cả ngày chỉ làm ruộng trên núi. Sau này gặp những Đạo hữu biết niệm kinh đang đi vân du, chúng tôi liền khấu đầu lạy họ, nhờ họ dạy cho một chút. Dù được họ dạy nhưng bản thân tôi lại không biết chữ, chỉ có thể học từng câu, từng câu, rồi lại đối chiếu nhìn vào chữ mà thôi.

Tôi phụ trách việc nấu ăn cho mọi người, hễ làm là làm liền suốt mười mấy năm. Lúc ấy đã dậy khỏi giường rồi thì dù có muốn nghỉ thêm nữa cũng không thể được. Mỗi ngày tôi đều phải dậy từ nửa đêm để nhóm lửa, gánh nước, nấu cơm. Muốn đến chỗ gánh nước thì phải đi bộ 20 phút. Trước tiên tôi gánh bốn gánh, về am bắc nồi, nhóm lửa, cho gạo vào, rồi lại đi gánh thêm hai gánh nữa. Tiếp đó là thắp hương, quét nhà, nấu các món, cho bò ăn, bổ củi, rồi bắt đầu nhào bột mì. Lúc này trời mới tảng sáng, gà mới bắt đầu gáy, tôi gọi mọi người dậy ăn cơm. Mọi người ăn xong thì tôi rửa bát. Sau đó không ngừng có người đến.

Hễ có người đến, sư phụ liền nói: “Chí Thuận, con đi làm cơm, làm mì cho khách đi”. Tôi lại phải nhóm lửa, cán bột, làm mì cho người ta ăn. Có lúc một ngày tôi phải làm tám, chín bữa. Ban ngày tôi bận rộn làm các việc, đến khi trời tối thấy các sư huynh ngồi đả tọa trên giường, tôi cũng bắt chước đả tọa. Tôi sợ nóng, chỉ ở trên giường một đêm là hôm sau khóe miệng sẽ nổi mụn nước, thế là tôi lấy tấm cánh cửa đặt trên nền đất rồi ngồi đả tọa.

Lúc đó tôi không hiểu gì hết, cho dù có cao nhân đến thăm đền thì tôi cũng không biết mà đi hỏi người ta.

Một ngày, khi mới ngồi đả tọa chưa được 5 phút, tôi liền cảm thấy hơi thở càng lúc càng yếu dần. Sau đó, mây mù che phủ khắp núi bất chợt bay lên, tràn ngập không trung và bao tôi lại vào trong. Tôi cũng không biết mình đang ngồi ở đâu, chỉ nhìn thấy mây mù cứ không ngừng bay lên. Mây mù vừa tụ lại thì các khí mạch trên cơ thể tôi cũng dừng lại. Đợi đến khi mây tản đi hết, trong tâm sảng khoái rồi, tôi mới cảm thấy hơi thở quay trở lại.

Tôi hỏi vài vị sư huynh: “Khi đả tọa các anh còn thở nữa không?” Họ nói rằng người ta sao có thể không thở cho được?

Tôi lại đi tìm sư phụ. Tôi hỏi: “Sư phụ, ngài là bậc lão nhân từ bi, nay con có chút chuyện muốn thỉnh giáo”.

Sư phụ đáp: “Con hỏi gì?”

Tôi nói: “Sư phụ, con vừa mới ngồi đả tọa, còn chưa được bao lâu mà trong tâm lại thấy rõ ràng đã không còn hơi thở nữa?”

Sư phụ nói: “Con nói gì vậy, con mới xuất gia được có mấy ngày, người không thở nữa còn có thể sống sao? Ăn nói hàm hồ!”

Sự thực là, sư phụ tôi chưa đạt đến cảnh giới ấy, do đó ông không biết được.

Từ đó về sau mọi người đều biết tôi đã tu được rất cao rồi. Một ngày có Đạo hữu đã tu hành mấy chục năm nói với tôi rằng: “Tiểu Đạo hữu, tôi đến đây nửa tháng rồi, họ đều nói cậu tu được rất cao. Tôi thấy cậu từ sáng đến tối đều không có thời gian đả tọa, thế làm sao mà cậu tu được?”

Làm sao tu được thì tôi cũng không rõ. Sau này tôi mới biết rằng tu Đạo có ba tầng: thượng, trung, hạ. Tôi không được chỉ điểm chút nào, nhưng ngay từ lúc bắt đầu đã tiến tới tầng cao nhất rồi.

Thành Đạo có bốn quan nạn: Vượt qua quan thứ nhất thì trăm bệnh đều tiêu hết. Vượt qua quan thứ hai thì thấy nước bọt trong miệng có một loại vị ngọt khó có thể diễn tả, hơn nữa còn có hương thơm, tất cả mọi người trong phòng đều ngửi thấy được. Vượt qua quan thứ ba thì thân thể có thể phát ra ánh sáng, ở nơi tối tăm đến mấy vẫn có thể nhìn thấy một cây kim đang rơi. Rất nhanh chóng tôi đã vượt qua được ba quan, khi tôi sắp vượt qua quan thứ tư thì bất ngờ xảy ra một việc...

Một ngày cuối tháng 6, sư phụ mời hơn một trăm người đến giúp am gặt lúa. Tôi nói với sư phụ: “Ngày mai đông người, một mình con không xuể tay, liệu con có thể gọi thêm vị sư huynh nào đó giúp con được không?”

Sư phụ nói: “Con cứ từ từ mà làm, mọi người đều bận cả”.

Tôi chỉ còn cách dậy từ nửa đêm để hấp bánh bao, không ngừng gánh nước, bổ củi, nhóm lửa, đun nước, bận rộn đến tận chiều. Tôi quá mệt đến mức ngất xỉu ngay bên cạnh bếp lò trong khi một tay vẫn đang cầm thanh củi, mê man mãi đến trưa hôm sau mới tỉnh dậy. Tỉnh dậy rồi tôi lại đau nhức khắp thân, đi lại khó khăn, tinh hoa trên thân đều tiêu tan cả. Nhưng sư phụ vẫn nói rằng chờ tôi ổn hơn lại làm tiếp, bởi vì không có ai nấu cơm.

Trong tâm tôi rất buồn. Tôi cởi bỏ áo Đạo và mũ Đạo, cầm chiếc kéo quỳ trước mặt sư phụ và nói: “Sư phụ, xin ngài hãy cắt tóc cho con, con không xuất gia nữa”.

Các sư huynh và sư đệ ngày ngày đều ăn cơm do tôi nấu, nay họ đều khóc không muốn để tôi đi. Nhưng tôi nhất định phải đi. Tôi thầm nghĩ: Mình xuất gia trong lúc chạy trốn vì sinh tử, vậy mà không những không thoát được mà lại còn mệt nhọc đến chết, như thế còn chẳng bằng đi ăn xin…

Hành y cứu đời

Sau này, tôi theo một vị Đạo hữu đến Bát Tiên Cung ở Tây An. Tôi phải tĩnh dưỡng hồi phục hơn hai năm thì khi đi đường mới không bị ngất đi.

Những người xuất gia ở Bát Tiên Cung đều biết rằng tôi sẽ thành Đạo trong tương lai. Có vị Đạo hữu đã hơn 90 tuổi, trước khi đi ông nằm sấp trên đất lạy tôi chín lạy, lạy đến mức trong tâm tôi rất khó chịu, bởi lúc ấy tôi chỉ mới hơn ba mươi tuổi.

Tôi nói: “Sư huynh, huynh làm thế này là sao vậy?”

Ông ấy đáp: “Đời này tôi không thể thành Đạo được, chết rồi không biết sẽ chuyển sinh thành gì. Nếu tôi chuyển sinh thành trâu bò súc vật, cậu thành Đạo rồi thì hãy cứu độ tôi”.

Tôi mới 39 tuổi râu đã bạc trắng. Lúc ấy có rất nhiều người bị lôi đi làm lính, ngay cả hòa thượng hay Đạo sĩ cũng đều bị kéo đi. Tôi thầm nghĩ: Giá mà râu bạc trắng thì tốt quá, nếu người bắt lính đến đây, anh ta nhìn thấy bạn ngã xuống đất sẽ cho rằng bạn chỉ là lão già râu bạc phơ, cùng lắm thì cũng chỉ cho bạn vài báng súng rồi không thèm quan tâm đến bạn nữa. Tôi cứ nghĩ như thế, nghĩ như thế, chưa đến vài tháng sau, bộ râu quả nhiên liền bạc trắng.

Khi ở Bát Tiên Cung, tôi chủ yếu đặt tinh lực vào việc học nghề y. Học y là bởi vì lúc nhỏ tôi đã phát nguyện sẽ trị bệnh cho người nghèo.

Trước kia mẹ tôi từng có lần mắc bệnh. Lúc ấy mỗi ngày đi xin ăn về, khi còn chưa bước vào sân tôi đã gọi toáng lên: “Mẹ ơi!”, chỉ sợ sẽ không nghe thấy tiếng mẹ đáp lại. Thầy thuốc trong thôn là một bà lão, vì muốn chữa bệnh cho mẹ mà tôi đã dẫn cả em trai em gái quỳ từ sáng sớm tinh mơ trước cửa nhà bà. Bà chê nhà tôi nghèo không thể trả tiền khám bệnh, mãi đến tận đêm khuya khi được con trai bà thuyết phục thì bà mới đến chữa bệnh cho mẹ tôi. Mẹ tôi bị thương hàn, chỉ trích một chút máu liền hạ sốt. Đối với người thầy thuốc ấy, tôi vừa cảm kích lại vừa hận bà.

Các sư huynh, sư đệ ở Bát Tiên Cung đều giỏi y thuật, ở đó cũng có rất nhiều y thư. “Thập Đạo cửu y” (mười người tu Đạo thì chín người am hiểu y thuật), không ai hiểu về kinh mạch trên thân thể người hơn những người tu Đạo. Bạn muốn học điều gì, chỉ cần dập đầu lạy người ta vài cái là họ sẽ dạy bạn. Những Đạo nhân tu luyện tốt khi vừa gặp mặt liền biết đối phương mắc bệnh gì, nội tạng nào có vấn đề, còn có thể sống được bao lâu. Sư phụ của tôi còn nhìn ra được sau ba năm nữa người kia sẽ mắc bệnh gì. Tôi có một vị ‘lục sư bá’, ông dùng một loại thuốc gọi là “Thiết phiến tản”, thuốc ấy có thể nối chân vịt vào chân gà!

Chúng tôi ở trên núi, hễ gặp được dược liệu thì đều hái mang về. Trong tiệm thuốc của huyện có hơn bốn trăm vị thuốc, chỉ có vài vị trong số đó là chúng tôi chưa từng hái qua. Đối với những loại thuốc mà bản thân không biết, tôi chỉ cần dập đầu lạy người ta hai cái liền được họ chỉ cho cách nhận biết.

Hồi ấy, mỗi khi nghe nói ai mắc bệnh nan y thì cho dù cách xa một trăm hay hai trăm dặm tôi đều lập tức đến trị bệnh cho họ, hơn nữa còn không lấy tiền. Ngài có tiền, vậy thì xin lỗi, mời ngài đi bệnh viện, tôi chỉ chữa cho người nghèo mà thôi.

(Theo lời tự thuật của Đạo sĩ Trương Chí Thuận đăng trên Zhangzhishun.com)
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tự thuật của Đạo sĩ 103 tuổi thời hiện đại tiết lộ bí ẩn của tu hành (1/2)