Vận nước, phong thủy và giáo dục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ cổ chí kim, thời đại nào, triều đại nào cũng mong muốn và gắng sức xây dựng một nước Nam thái bình, yên ổn, thịnh vượng, và trường tồn ngàn năm, nhưng "con người muốn như thế, nhưng Ông Trời lại không như thế". Vậy thế đạo thịnh suy, vận nước hưng vong có quy luật không? Liên quan đến những yếu tố gì?

Người xưa đã viết rất nhiều về non sông, về vận nước, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là mấy câu sau:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách Trời

(Nam Quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt)

Vận nước như dây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh

(Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn - Pháp Thuận thiền sư)

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu

(Tòng giá hoàn kinh sư - Trần Quang Khải - bản dịch Trần Trọng Kim)

Một năm 2023 ảm đạm đã kết thúc, năm 2024 mới chưa đi hết nửa năm nhưng thế giới đầy biến động, với thiên tai, chiến tranh, xung đột lan tàn. Do tình hình chung toàn thế giới, nên nhìn đâu cũng thấy một màu sắc bi quan trên cả nước ta.

Là một quốc gia còn nghèo, nền kinh tế nhỏ bé, lại trong giai đoạn suy thoái lớn toàn cầu này, có lẽ câu hỏi khi nào nước nhà giàu mạnh sẽ luôn là một câu hỏi chưa thấy lời giải.

Trả lời câu hỏi này không dễ, vì có rất nhiều góc nhìn, cách nhìn, và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng. Bài viết chỉ nhắm vào câu hỏi “Khi nào Việt Nam hùng cường?” để thảo luận dưới một góc nhìn khác, đó là góc nhìn sự tương quan giữa Quốc Gia, Phong Thủy và nền Giáo Dục. Một quốc gia muốn hùng cường ắt phải làm đúng cả 3 khía cạnh trên, và làm thế nào cho đúng mới là vấn đề đáng nói.

Quốc gia và Phong thủy

Từ xưa đến nay, dù đế vương định đô hay người dân chọn đất làm nhà, đều nhờ người hiểu phong thủy xem đất, xem hướng, để hợp Phong thủy. Vậy phong thủy là gì?

Thuyết Phong thủy thực chất là xuất phát từ thuyết Âm dương của Đạo gia, người ta coi là "tiểu Đạo", còn "Đại Đạo" là tu luyện thành Chân nhân, Tiên nhân.

Thuyết Phong thủy cho rằng, vạn vật vạn sự trong vũ trụ cũng tuân theo quy luật vận hành của âm dương mà sinh sôi phát triển. Địa lý, sơn thủy cũng như thế. Sơn thủy một tĩnh một động, hai khí âm dương giao nhau, hình thành long khí. Chân huyệt của long mạch là ở chỗ sơn thủy giao nhau, là nơi tàng phong tụ khí, âm dương phối hợp, sơn thủy hộ vệ.

Phương sĩ nổi tiếng triều Tấn là Quách Phác đã viết Tạng Kinh, trong đó cũng nói rằng, nơi có sinh khí thì địa hình nổi lên, cũng chính là nói long mạch chính là mạch núi. Nơi đất nổi lên chính là long mạch.

Long mạch ắt phải là mạch núi có ngoại hình liên tục kéo dài nhấp nhô, sinh khí quán thông, có đầu có cuối, có cội có nguồn, có cành có nhánh. Mạch núi là sơn long, sông là thủy long. Sơn long chủ quý tiện, thủy long chủ phú bần. Ví như, Bắc Kinh là vùng đất đầu của sơn long, hiển thị khí quan quý.

Mạch núi là sơn long, sông là thủy long. Sơn long chủ quý tiện, thủy long chủ phú bần. (Ảnh pexels)

Quốc gia hay còn được gọi là Sơn Hà, Giang Sơn, nghĩa đen là Núi và Sông, điều này cho thấy một đất nước cùng với Phong Thủy có sự liên hệ vô cùng to lớn. Bởi vì Phong Thủy, nghĩa đen là Gió và Nước, cũng được quyết định cũng bởi 2 thành tố đó là núi và sông.

Trong Phong Thủy thì Long mạch (các dãy núi) có thể phối hợp với nước tạo ra vùng đất hưng vượng để có thể sinh ra vua chúa và các dân tộc hùng mạnh, đây là sự khởi nguồn, là mệnh căn của một đất nước. Nói cách khác, nếu Phong thủy không đủ tiêu chuẩn thì 1 vùng đất sẽ không thể thành một quốc gia. Một đất nước hung vượng chính là vận khí Phong Thủy đang hồi phát mạnh, cũng vậy nếu quốc gia suy yếu hay mãi mà vẫn không hưng lên ắt là Phong thủy đang điêu tàn suy vi.

Phong Thủy và vận khí quốc gia

Lão Tử giảng: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”( tạm dịch: Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên).

Vì thế con người là có vận số, núi sông cũng có vận số, quốc gia cũng có vận số. Vì sao nước ta mãi vẫn không hưng lên được, là vì vận số vẫn còn suy vi. Nhìn vào đâu mà biết vận khí nước ta điêu tàn suy vi?

Điều cốt yếu của phong thủy xoay quanh Long mạch. Đất tốt nghĩa là Long mạch tốt, nó phải kết huyệt, và huyệt kết sinh ra Phong thủy bảo địa, nó là nơi thai nghén ra những vĩ nhân lãnh đạo, những anh tài làm phát triển giang sơn. Nhưng làm thế nào để Long mạch hình thành huyệt kết? Yêu cầu chính là cần phải “Tàng phong, tụ khí”, nghĩa là chắn được gió mạnh và khí lành kết tụ, nghĩa đen là một nơi phải rất thanh tịnh yên tĩnh về mặt năng lượng, về khí, tích tụ lâu năm sẽ sinh ra điều lành.

“Nhân pháp Địa”, phong thủy sẽ bị ảnh hưởng bởi con người, phong thủy bảo địa chủ tĩnh mới tốt, vậy thì con người sống trên mảnh đất đó cũng phải có trường năng lượng thanh tĩnh mới phù hợp.

Vậy thanh tĩnh thế nào mới đúng? Thanh tĩnh không phải là ngồi Thiền, Thiền chỉ là một công cụ. Thanh tĩnh nghĩa là ít dục vọng, không tham lam, khiêm tốn và có sức tập trung cao độ. Những con người có bản chất như thế luôn sẽ là tinh anh ở mọi nơi. Một dân tộc mà có nền văn hóa và phong thái như thế, ăt sẽ hùng bá thiên hạ. Bởi vì xét theo Âm Dương, bản chất thanh tĩnh là thuộc về Thái Âm, chủ về sự hưng vượng và phát triển. Một dận tộc với bản chất đó, khi nghiên cứu và tiếp thu bất kỳ nền khoa học kỹ thuật (thuộc Dương cương) nào cũng sẽ trở thành vĩ đại, vì Âm Dương tương hợp sinh vạn vật.

Nước Nhật, Hàn, Đài,Israel là những ví dụ tốt nhất. Không chỉ có vậy, bạn hãy nhìn toàn cầu, nhìn xem những dân tộc giàu có mạnh mẽ, trường tồn đều là những dân tộc có bản tính Thái Âm. Những nơi chuộng Dương tính, thác loạn ồn ào, chạy theo vật chất hầu như đều là nước nghèo.

Bạn nghĩ nước Mỹ và người Mỹ không thanh tĩnh ư? Hãy nhìn vào văn hóa gốc và nền giáo dục ban đầu của họ sẽ thấy điều khác biệt. Nước Mỹ ngày nay chính vì ngày càng động và chạy theo vật chất nên ngày càng đi xuống thôi.

Vận khí quốc gia và vận khí con người

Hãy nhìn vào nước ta hiện nay, nhìn cái cách mà xã hội đang chạy theo đồng tiền và tung hô giá trị vật chất, từ trẻ đến già, từ trên xuống dưới, từ dân đến quan đều quay cuồng trong vòng quay của cái gọi là “tư lợi cá nhân”, “tiền bạc và quyền lực”, những điều đó đều thuộc về Động, thuộc Dương. Vì năng lượng là Dương nên hình thái nó cũng tương tự. Nhân nào quả nấy, khi người dân chỉ muốn kiếm lợi trước mắt, muốn thành công sớm, không đủ tĩnh và đủ nhẫn để tiến xa, nghiên cứu sâu, thì quốc gia chắc chẳng chẳng hưng thịnh được. Gia Cát Lượng đã viết thư răn dạy con trai rằng: “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi".

Gia Cát Lượng – Nhà cầm quân lỗi lạc và là bậc thầy về phong thuỷ. (Tranh: Zhengjian)

Inamori Kazuo trong quyển “Vương Đạo cuộc đời” đã từng nói đến hai chữ “Đại Nghĩa”, với ý là việc hiểu được một điều mang ý nghĩa lớn lao là rất quan trọng đối với mỗi người. Ông cho rằng người trẻ, tương lai quốc gia, khi đi làm hay đi lập nghiệp gì cũng phải làm theo Đại Nghĩa thì nước Nhật mới trở nên hùng cường được.

Đại Nghĩa hay Chính Nghĩa, hay cái nghĩa lớn, chính là cái Vận Khí mà chúng ta nói bên trên. Khi mà mọi người không chăm chăm chỉ biết học với mong muốn kiếm tiền, thăng quan tiến chức mà khởi sự học hành hay kinh doanh, với suy nghĩ về Đại Nghĩa chung của đất nước, ấy mới là lúc nước ta bắt đầu thoát khỏi vị thế nhỏ bé và dần trở nên vĩ đại. Vận khí quốc gia chuẩn cao nhất là phù hợp với Hạo Nhiên Chính Khí. Một dân tộc có Hạo Nhiên Chính Khí sẽ luôn được ân sủng của Trời cao, sừng sững tồn tại trên đời và được tôn kính dù có qua bao nhiêu khổ ải đi chăng nữa cũng sẽ lại đứng lên lấy lại vinh quang vốn có của nó. Dân Do Thái, Trung Hoa, Nhật, Hàn, Đại Việt thời Lý Trần Lê là những ví dụ tiêu biểu.

“Trời đất có chính khí
Toả ra cho muôn loài
Là sông núi dưới đất
Là trăng sao trên trời
Đầy rẫy cả vũ trụ
Khí hạo nhiên của người
Gặp cảnh đời bình trị
Triều thịnh vang lời vui
Khi cùng, tiết tháo rõ
Sử xanh ghi đời đời.”

(Chính khí ca - Văn Thiên Tường)

Lương sư hưng quốc, nền giáo dục nào cho Việt Nam hùng cường?

Dân tộc ta qua nghìn năm binh lửa vẫn giữ được mảnh đất trung tâm Đông Nam Á của ông cha ấy là vì đâu? Vì cái Chính Khí nó trường tồn bất diệt, nên bao lần nước mất rồi lại giành lại được. Nhưng nhiều năm gần đây, tôi không còn thấy cái chính khí đó nữa, khi nhìn thấy con cháu Hồng Lạc hôn lên ghế sao Hàn, khi người trẻ sướng vui điên cuồng với những trận thẳng nhỏ nhoi trong bóng đá, khi bao nhiêu người ngoài tiền ra không còn thấy điều gì ý nghĩa hơn. Quốc gia suy yếu, thậm chí mất nước mà chính khí còn, thì sẽ lấy lại được, còn người dân quốc giá đó mà đánh mất luôn bản thân và ý nghĩa của cuộc đời thì lấy lại cách nào đây?

Để bồi dưỡng lại cái Chính Khí đó, giải pháp duy nhất là Giáo dục. Và không phải giáo dục hiện nay, chỉ có nền giáo dục dựa trên các giá trị truyền thống cổ xưa, ví dụ như Nho giáo, mới có thể làm được. Việc này dĩ nhiên không phải là công việc của 1 thế hệ, nhưng nếu không làm thì sẽ không bao giờ làm được. Một nền giáo dục với giá trị cốt lõi là Tu Thân, trọng Đức thuộc về Thái Âm chính là điều mà nước ta cần.

Nền giáo dục này chúng ta đã từng có hàng nghìn năm, nó là cái nôi sinh ra Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Chu Văn An... và biết bao hào kiệt cùng nhau làm nên một quốc gia, khiến các triều đại Trung Hoa cũng phải tôn trọng, gọi là “văn hiến chi bang”. Có lẽ ai cũng biết câu “Lương sư hung quốc”, nhưng người thầy gọi là “Lương sư” ấy sẽ chỉ sinh ra trong một nền văn minh trọng đức mà thôi.

Tĩnh Thủy



BÀI CHỌN LỌC

Vận nước, phong thủy và giáo dục