Vén mở bí ẩn của lịch sử: Chuyện về Thanh Phong nữ hiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số phận của Kiến Văn Đế triều Minh vẫn luôn là ẩn đố trong lịch sử. Người đời sau đưa ra rất nhiều giả thuyết nhưng không một ai biết được tung tích thực sự của ông. Tuy nhiên, một người tu luyện có công năng túc mệnh thông đã vén lên bức màn bí ẩn và kể ra toàn bộ câu chuyện như sau…

Năm Kiến Văn thứ tư thời nhà Minh (năm 1402) là một năm rất nhiều biến động. Yên vương Chu Đệ vì bị Kiến Văn Đế đối xử bạc tình nên đã tức giận khởi binh. Tháng 6 năm ấy, Chu Đệ dẫn quân vượt qua sông Trường Giang tiến thẳng vào kinh đô, bao vây lấy Nam Kinh, từ đó cả đô thành hoàn toàn bị cô lập.

Lính triều đình mở cổng đầu hàng, bất lực nhìn Chu Đệ cùng đoàn quân ồ ạt tiến vào thành. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, cung điện bỗng chìm trong biển lửa. Sau đám cháy người ta tìm thấy ba thi thể đã cháy xém, không cách nào nhận dạng được nữa. Có người tin rằng Kiến Văn Đế đã tự sát cùng hoàng hậu và thái tử, lại có người cho rằng xác chết chỉ là giả, còn Văn Đế thì bỏ trốn và mai danh ẩn tích.

Bản thân Chu Đệ cũng không tin hoàng đế đã chết, vậy nên rất nhiều năm về sau, ông vẫn liên tục cho người đi lùng tìm khắp nơi, thậm chí còn phái thái giám Trịnh Hòa đi thám hiểm Tây Dương để tìm kiếm Văn Đế. Cho đến nay, tung tích Kiến Văn Đế vẫn luôn là bí ẩn của lịch sử.

Minh Thành Tổ Chu Đệ. (Miền công cộng)

Vậy rốt cuộc số phận Kiến Văn Đế ra sao? Ông phải bỏ mạng trong hỏa hoạn hay đã bảo toàn được tính mệnh? Nếu quả thực như thế, vậy thì ai đã giúp Văn Đế vượt qua thời khắc nguy nan ấy?

Một người tu luyện có công năng túc mệnh thông, đã vén màn bí ẩn của lịch sử và kể ra toàn bộ câu chuyện như sau:

Thanh Liên hiệp nữ

Rất nhiều năm về trước, trên con đường tấp nập người qua lại có một bé gái chừng bốn, năm tuổi đang ngơ ngác giữa dòng đời. Cô bé bị lạc khỏi cha mẹ, bơ vơ không nơi nương tựa, cũng không có ai thương xót, chở che. Giữa lúc ấy, bé gái may mắn gặp được một vị Đạo cô là Hoá Huyền Chân nhân đang xuống núi thăm bạn cũ. Đây cũng là duyên phận giữa hai người mà Thượng Thiên đã khéo léo an bài.

Hoá Huyền Chân nhân đưa cô bé đến nơi bà tu hành. Đó là Từ Huyền Đạo quán nằm trên núi Cửu Hoa Sơn, cách thành Nam Kinh vài chục dặm về phía đông. Bà chính thức thu nhận bé gái làm đệ tử và đặt tên cô bé là Thanh Liên. Từ đó, hai sư đồ một già một trẻ sống nương tựa vào nhau.

Cả Hoá Huyền Chân nhân và Thanh Liên đều thích cuộc sống yên bình, tĩnh mịch, yêu cảnh thiên nhiên thơ mộng giữa non ngàn. Từ Huyền Đạo quán nằm giữa núi non, ngoài cửa trồng rất nhiều loại kỳ hoa dị thảo, bốn bề hoa lá, cây xanh rợp bóng, cảnh vật vô cùng huyền diệu và kỳ ảo. Mỗi ngày hai thầy trò đều tận hưởng cuộc sống vùng sơn thủy tươi đẹp mà họ cư trú.

Sư phụ Hoá Huyền đã 70 tuổi, bà am hiểu sâu sắc về thảo dược. Ngoài việc truyền Đạo, dạy công, bà vẫn thường giảng cho Thanh Liên về các loại dược tính. Trong quá trình tu Đạo, Thanh Liên vì tuổi còn nhỏ nên không tránh khỏi việc mắc lỗi. Những lúc như thế, sư phụ lại từ bi giảng giải cho cô bé về nhân quả, đạo lý… cho đến khi cô bé thực sự nhận thức được sai lầm của mình.

Là một Đạo cô có đạo hạnh cao thâm, Hoá Huyền Chân nhân đặc biệt tinh thông các tuyệt kỹ võ lâm với rất nhiều công phu như: Thanh Phong chưởng, Thanh Phong kiếm, thuật khinh công, v.v. Bà tận tâm truyền lại toàn bộ những tuyệt kỹ của mình cho tiểu đệ tử Thanh Liên.

Thời gian như nước qua cầu, chớp mắt đã mười mấy năm trôi qua. Cô bé Thanh Liên ngày nào giờ đã là thiếu nữ 18 tuổi, nàng đã thành thạo toàn bộ các tuyệt kỹ võ công mà sư phụ truyền dạy.

Một ngày, sư phụ gọi Thanh Liên vào phòng và nói: “Ta thấy thanh kiếm Huyền Hoàng treo trên tường cứ đêm đến lại kêu lên mấy lần, điều này nói rõ chủ nhân của Huyền Hoàng kiếm sắp trở lại rồi. Thanh Liên, con hãy thay ta đi tìm ngài ấy và đưa trở về đây”.

Sư phụ dặn đi dặn lại rằng, chủ nhân thanh kiếm Huyền Hoàng chính là hoàng đế đương triều – Kiến Văn Đế. Hiện nay ngài đang gặp nguy hiểm, vì thế Thanh Liên cần phải đặc biệt cẩn thận, tránh chiêu mời họa sát thân ngoài ý muốn.

Kiến Văn Đế (Ảnh: Wikipedia)

Thanh Liên ghi nhớ những lời dặn dò của sư phụ. Sáng sớm hôm sau, cô đeo bảo kiếm Thanh Phong mà sư phụ trao cho, rồi xuống núi. Trên đường có rất nhiều người tị nạn đang lang thang tìm nơi trú ẩn, họ đều là những người chạy loạn khi phiến quân của Chu Đệ tràn vào kinh đô. Thanh Liên liền thi triển thuật khinh công bay lên một ngọn núi gần đó, sau đó điểm huyệt một vị quan quân và tra hỏi ông ta về tình hình trong thành. Thì ra, Tào Quốc Công Lý Cảnh Long đã mở cổng Kim Xuyên đầu hàng, nghênh đón đội quân của Chu Đệ tiến vào thành, còn Kiến Văn Đế thì cho đến nay vẫn không rõ sống chết ra sao.

Thanh Liên là vị cô nương có tấm lòng nghĩa hiệp, cô nhớ lại lời sư phụ dặn dò bèn vội vã tìm đến bãi Hồng Nhạn. Tại đây, cô thấy mấy chục võ sĩ mặc áo giáp đang bao vây bốn người mặc thường phục, trong số họ có một người là hòa thượng, một người là võ sĩ, một trông giống như nhà Nho, và một thanh niên mặc áo xanh có vẻ ngoài vô cùng cao sang, quý phái. Cả ba người kia đang vây quanh bảo vệ cho chàng thanh niên mặc áo xanh này.

Mặc dù hòa thượng và võ sĩ chiến đấu vô cùng dũng mãnh, nhưng quân địch quá đông, cả hai đều bị thương và kiệt sức. Chỉ còn lại nhà Nho là vẫn gắng gượng chiến đấu, thanh kiếm trong tay ông vung lên loang loáng, chỉ một lát đã có mấy chục thi thể nằm la liệt trên mặt đất. Đám quân địch còn lại đều là những võ sĩ thân thủ phi phàm, chúng ỷ thế đông người liền lợi dụng chiến thuật luân phiên giao chiến. Nhà Nho dốc toàn lực vung kiếm đáp trả. Cây thiền trượng của hòa thượng và cây thương của võ sĩ cũng tham gia chiến đấu, cả hai không kém phần dũng mãnh, đến nay đều nhuộm đỏ máu quân thù. Dưới ánh chiều tà, cảnh tượng ấy khiến người ta không khỏi kinh tâm động phách.

Khi Thanh Liên vừa xuất hiện, đám quân địch đứng vòng ngoài đều hét lên yêu cầu cô dừng bước.

Thanh Liên dù chỉ là thiếu nữ mười tám đôi mươi, tuổi đời còn non nớt, nhưng với tâm khẩn thiết cứu người, cô không còn để ý đến bất cứ điều gì khác, chỉ một mực xả thân cứu nguy cho hoàng đế. Chớp mắt đã không còn cô gái trẻ khoác thanh bảo kiếm, mà chỉ thấy một trận lốc xoáy lao đi vun vút, trong nháy mắt toàn bộ vũ khí của các võ sĩ vòng ngoài đều bị đánh hạ xuống đất. Đám quân địch hung hăng sững sờ trước biến cố bất ngờ này, không ai kịp phản ứng và đều lần lượt bị đánh bại.

Ngay sau đó, nhóm người mặc thường phục nhanh chóng cưỡi lên ngựa của quân địch và theo Thanh Liên phóng như bay trên con đường nhỏ dẫn vào núi sâu, biến mất trong làn bụi mờ mịt. Thanh Liên dẫn họ đến Từ Huyền Đạo quán. Lúc này, Hóa Huyền Chân nhân đã khéo léo sắp xếp mọi thứ và đưa họ vào ẩn náu trong một hang động bí mật ở sau núi.

Khi mọi sự đã thực hiện chu toàn, sư phụ mới tiết lộ cho Thanh Liên biết một bí mật đã được giấu kín mấy chục năm qua…

Bí mật thành Nam Kinh

Vào năm đầu Hồng Vũ dưới thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, quốc sư Lưu Bá Ôn vâng mệnh Thái Tổ thiết kế hoàng thành, đến năm sau thì bắt đầu khởi công xây dựng. Lúc này, một vị cố nhân của Lưu Bá Ôn là Chiếu Huyền thượng nhân ở Hàng Châu, sau mười mấy năm xa cách nay lại đột nhiên đến thăm ông.

Tối hôm ấy, Chiếu Huyền thượng nhân dẫn Lưu Bá Ôn lên núi Kê Minh quan sát thiên tượng. Họ phát hiện rất nhiều vì tinh tú trong chòm sao Tử Vi Viên đều nằm tản loạn, rải rác, khi ẩn khi hiện. Những vì tinh tú ấy gồm: 6 sao Lục Giáp, 16 sao Hoa Cái, 9 sao Truyền Xá, 6 sao Thiên Trù, và 6 sao Thiên Lao. Lại thấy các sao Tam Sư, Văn Xương, Thiên Lý, Tứ Thế, Ngũ Đế Nội Tọa, Thiên Trụ, Thiên Sàng, Đại Lý, Ngự Nữ, Nội Trù và một số tinh tú bên ngoài Tam Viên, toàn bộ đều biến mất.

Lưu Bá Ôn vô cùng kinh hãi. Ông biết rằng tinh tú trên trời đã theo sao Tử Vi hạ phàm, 20 năm sau kiếp nạn sẽ ứng vào hoàng tôn, hơn nữa còn liên lụy đến con cháu của chính bản thân mình.

Chiếu Huyền thượng nhân là bậc thế ngoại cao nhân, trước khi đến đây tìm Lưu Bá Ôn, ông đã biết rõ nhân quả của việc này. Ông cùng bàn bạc với Lưu Bá Ôn rằng: Khi xây thành thì hãy chuẩn bị sẵn một đường hầm bí mật để con cháu đời sau dùng đến khi khẩn cấp. Đồng thời, ông cũng cho xây dựng một đạo quán trên núi Cửu Hoa Sơn ở phía đông kinh thành, và để sư muội của ông là Hóa Huyền Chân nhân đến trụ trì. Bí mật này chỉ có ba người biết. Chiếu Huyền thượng nhân an bài ổn thỏa mọi việc, sau đó liền phơi phới rời đi.

Còn Lưu Bá Ôn thì sao? Vào năm Hồng Vũ thứ 8, Lưu Bá Ôn bị tể tướng Hồ Duy Dung phái ngự y dùng độc dược hạ thủ. Vậy là tất cả mọi bí mật và trọng trách nặng nề đều đổ lên một mình Hóa Huyền Chân nhân.

Kiếm báu cứu chủ

Hơn chục năm trước, Thái tử Chu Tiêu dẫn con trai mình là hoàng tôn Chu Doãn Văn (sau này là Kiến Văn Đế) ra ngoài thành săn bắn và du ngoạn sơn hà, đến khi trời tối thì vào nghỉ trong đạo quán của Hóa Huyền Chân nhân. Đến giờ Tý đêm ấy, trên bầu trời phía đông nam có một ngôi sao như ngọn đèn tỏa ánh sáng vàng rực rỡ, sau đó chầm chậm rơi xuống sân đại điện. Chu Doãn Văn tình cờ nhìn thấy cảnh tượng đó, cậu cảm thấy rất hiếu kỳ, bèn sai cận vệ thắp đèn lồng theo cậu đi tìm kiếm vật lạ này.

Hôm sau khi trời sáng, Hóa Huyền Chân nhân nhận ra vật thể lạ đêm qua chính là một khối thiên thạch có chứa sắt cực kỳ hiếm thấy trên thế gian. Bà hứa sẽ giúp cha con thái tử rèn thành bảo kiếm. Thái tử Chu Tiêu thuận miệng nhận lời Chu Doãn Văn, rằng đợi bảo kiếm rèn xong thì sẽ cho người đến lấy về. Không ngờ âm dương xảo diệu, tạo hóa khéo an bài. Đã mười mấy năm trôi qua rồi, mãi đến khi Thái tử Chu Tiêu qua đời, hoàng tôn Chu Doãn Văn đã lên ngôi báu mà thanh bảo kiếm vẫn còn chờ đợi trong Đạo quán. Nhờ thế, khi hoàng đế gặp hiểm nguy, kiếm báu kêu lên báo hiệu, sư phụ Hóa Huyền mới có thể kịp thời sai Thanh Liên đi ứng cứu.

Kiến Văn Đế nhận ra cố nhân, không ngớt lời cảm tạ ơn cứu mạng của hai thầy trò. Sau đó, Văn Đế lại giới thiệu vị hòa thượng bên cạnh mình là Tuyết Duyên, một đệ tử của hòa thượng Phổ Hợp - bậc cao tăng đệ nhất trong kinh thành, còn võ sĩ và nhà Nho đều là thị vệ ở trong cung. Kiến Văn Đế nhắc lại những chuyện đã qua mà lòng không khỏi xót xa rơi lệ, miệng thở dài cám cảnh nỗi thương hải tang điền. Nước mất nhà tan nay đã thành định số, ngoài kia gió vẫn thét gào, thế cục vẫn căng thẳng, khắp trong ngoài thành đâu đâu cũng hiểm nguy rình rập, ngay cả nơi sơn cước dưới chân núi cũng đều có binh lính chặn đường thẩm tra khách bộ hành.

Muốn tìm kế dung thân thì phải có người đi thăm dò tin tức. Cả hòa thượng Tuyết Duyên và võ sĩ đều bị thương, vậy nên nhân vật duy nhất có thể vào kinh thành nghe ngóng chỉ có hai người, đó là Thanh Liên và nhà Nho vốn quen thuộc địa hình trong cung. Cả hai nhận mệnh liền vội vàng lên đường.

(Ảnh: Epochtimes.com)

Bảy ngày sau, chỉ có một mình Thanh Liên trở lại Từ Huyền Đạo quán, còn nhà Nho thì bặt vô âm tín. Thì ra sau khi vào thành và hỏi thăm rõ ràng mọi việc, cả hai liền đến hoàng cung chuẩn bị kế hoạch hành thích Chu Đệ. Nhưng Chu Đệ vô cùng cảnh giác, hành sự luôn thận trọng, suy tính vẹn toàn trước sau. Ông biết có người sẽ tìm cách ám sát mình, vậy nên ông không bao giờ ở trong cung khi trời tối, hơn nữa còn cẩn thận bố trí vệ sĩ bí mật trực sẵn trong góc tối. Biết kế hoạch bất thành, nhà Nho liền dặn Thanh Liên trở về báo cáo cho hoàng thượng về những gì nghe ngóng được, còn ông thì ở lại chặn đường từ phía sau. Cuối cùng ông thất thủ bèn ra tay tự sát, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì quân vương.

Thanh Phong nữ hiệp

Lại ba tháng nữa trôi qua, một sự việc bất ngờ xảy ra làm lộ tung tích của hoàng đế, hơn nữa còn khiến Từ Huyền Đạo quán bị phá hủy, Hóa Huyền chân nhân buộc lòng phải tọa hóa quy Tiên, còn Thanh Liên thì hộ tống Kiến Văn Đế đi về phía chân trời.

Mọi chuyện bắt đầu khi hoà thượng Tuyết Duyên trở lại kinh thành tìm sư phụ Phổ Hợp, nhờ ngài liên hệ với các vị đại thần như Hoàng Tử Trừng, Lưu Cảnh, v.v. để liên lạc với Nghĩa Sư Cần Vương. Nhưng không may, quan cẩm y vệ đang bí mật theo dõi hòa thượng Phổ Hợp đã phát hiện ra chuyện này. Kết quả là cả Hoàng Tử Trừng và con trai của Lưu Bá Ôn là Lưu Cảnh đều bỏ mạng trong ngục. Sau đó thủ hạ của Chu Đệ lần theo dấu vết tìm ra tung tích của Kiến Văn Đế.

Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, Hóa Huyền Chân nhân lệnh cho Thanh Liên hộ tống Kiến Văn Đế cùng hai vị cận thần trốn thoát khỏi hang động sau núi, còn bà thì đánh lạc hướng, thu hút quân địch đến Đạo quán. Trước khi rời đi, Hóa Huyền chân nhân phóng ngũ lôi chưởng thiêu cháy đại điện, toàn bộ Từ Huyền Đạo quán bị thiêu rụi hoàn toàn. Cuối cùng Hóa Huyền Chân nhân tọa hóa thăng thiên, vĩnh viễn rời khỏi chốn bụi trần ô trọc.

Mỗi khi nghĩ đến sư phụ, Thanh Liên lại thấy lòng đau quặn thắt. Ơn dưỡng dục, ơn tri ngộ, ơn cứu mạng của bà mãi mãi in dấu trong tâm trí cô, đời đời kiếp kiếp không thể nào quên được. Cho đến tận kiếp này, nỗi thương lòng ấy vẫn phảng phất đâu đây, như ẩn như hiện khiến Thanh Liên không khỏi xót xa.

Lại nói, Thanh Liên hộ tống Kiến Văn Đế trốn thoát khỏi sự theo dõi của cẩm y vệ. Họ đã lang thang khắp Giang Tô, Hồ Bắc, sau đó đến Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Vân Nam và Quý Châu. Mỗi lần Kiến Văn Đế gặp nguy hiểm đều có một nữ hiệp mặc áo xanh xuất hiện bảo vệ ông. Bảo bối Thanh Phong kiếm cùng với chiêu pháp Thanh Phong chưởng của cô đã làm chấn động giới võ lâm thời ấy, khiến những tên sát thủ chỉ nghe danh đã sợ hãi. Từ đó, tên gọi “Thanh Phong nữ hiệp” cũng không ngừng được truyền tụng trong dân gian.

Vào năm thứ năm kể từ khi chạy trốn khỏi Từ Huyền Đạo quán, nhóm người đến tá túc trong chùa Liên Hoa dưới núi Liên Hoa ở Quỳ Châu, Tứ Xuyên. Nửa đêm hôm ấy, cả Thanh Liên và Kiến Văn Đế cùng có một giấc mộng giống hệt như nhau. Họ mơ thấy một vị lão nhân râu tóc bạc trắng tự xưng là Tống Cảnh Liêm. Vị lão nhân ấy bái kiến hoàng thượng rồi thúc giục họ hãy mau mau rời khỏi nơi này, nếu chậm trễ thì e rằng sẽ không còn kịp nữa. Cả nhóm lại bật dậy rồi vội vã lên đường, lần theo con đường mòn tìm lên đỉnh núi Liên Hoa. Quả nhiên đến khi trời vừa tảng sáng đã có một đạo quân đến lùng tìm nơi tá túc của họ.

Sau này họ nghĩ ra một kế sách: Hòa thượng Tuyết Duyên giả trang thành Kiến Văn Đế xuất gia hành tẩu giữa giang hồ, còn võ sĩ thì giả trang thành Kiến Văn Đế cầm theo tín vật vân du trên biển cả. Vì thế, có người nói Kiến Văn Đế đã hoàn tục làm thư sinh, lại có người cho rằng Kiến Văn Đế đã ra hải ngoại, cũng có người tin rằng Kiến Văn Đế đã xuất gia làm hòa thượng… Trăm lời ngàn ý, rốt cuộc không có ai biết được tung tích thực sự của hoàng đế là đâu.

Thực tế là, nhóm người Kiến Văn Đế đã tìm được một nơi gọi Ma Nha động nằm ở vùng giao giới giữa Trung Quốc và Myanmar ngày nay. Tại đây, Thanh Liên mở cuốn kinh thư “Đạo Đức” mà sư phụ từng giao cho cô, từ đó cô cùng Kiến Văn Đế ngày ngày chuyên tâm tu hành. Khoảng 20 năm sau họ đã đạt được công phu thâm hậu, cùng nhau tu thành Thánh thể và rời khỏi nhân gian...

Theo Tiêu Ngọc - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vén mở bí ẩn của lịch sử: Chuyện về Thanh Phong nữ hiệp