Vì sao người xưa coi trọng việc soạn lịch, ban lịch năm mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc làm lịch là một phần quan trọng của cuộc sống của người xưa, được dùng để theo dõi các sự kiện thiên văn quan trọng như mùa gặt, mùa mưa, các hiện tượng thiên văn. Cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu các bậc tiền nhân đã dành cho cuốn lịch một vị trí như thế nào và gửi gắm những ý nghĩa sâu xa ra sao.

Trước thời Nguyễn, việc làm lịch nước ta chủ yếu dựa trên phép làm lịch của Trung Quốc. Thời Lê, lịch Đại Việt tham khảo lịch Đại Thống của nhà Minh (Trung Hoa), gọi là Lịch Vạn Toàn.

Đến thời Gia Long năm 1810 trở đi, triều Nguyễn giao cho Khâm Thiên Giám giữ chức năng xem thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch.

Người xưa soạn lịch

Tháng 2 âm lịch, Khâm Thiên Giám bắt đầu tính toán để làm lịch, bản thảo được hoàn thành vào tháng 5. Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô.

Năm 1812, triều Nguyễn quyết định đổi tên lịch Vạn Toàn thành lịch Hiệp Kỷ, khắc rõ hai chữ Đại Nam là quốc hiệu Việt Nam.

Vua Minh Mạng đã từng cho đổi lại quốc hiệu, ra chỉ dụ: “Trước xưng là Việt Nam, nay xưng là Đại Nam, danh nghĩa đều rõ, mà chữ Việt đã cũng có trong nghĩa chữ ấy [Đại] rồi”[2].

Vậy nên từ năm 1839 quốc hiệu Đại Nam đã được in vào lịch và ban hành. Quốc hiệu này đã duy trì liên tục qua các triều vua đến triều Bảo Đại, trên các cuốn lịch cũng như các văn bản hành chính.

Bài “Gia bình ban sóc tác” của vua Thiệu Trị in trong Ngự chế thi sơ tập (quyển 13, tờ 18a - 19a). Ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung
Bài “Gia bình ban sóc tác” của vua Thiệu Trị in trong Ngự chế thi sơ tập (quyển 13, tờ 18a - 19a). Ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung

Nội dung lịch: 24 bài thơ vịnh tiết khí

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, về nội dung, một cuốn lịch sẽ được bố trí như sau: thời giờ, thời tiết trong năm ở Kinh đô, ở các địa phương, phân chia 12 tháng trong năm theo 4 tiết mùa.

Lịch thường in trên giấy dó như giấy nguyên giáp, giấy sơn bổi. Ngự lịch chỉ dùng cho vua, long lịch, phượng lịch dùng cho các miếu, điện trong Hoàng gia, quan lịch cấp cho các quan, còn công lịch phát cho dân.

Ngự lịch có bìa bằng lụa vàng thêu hoa văn long vân, mặt giữa có thêu hoặc viết hai chữ Ngự lịch. Các loại lịch khác như quan lịch, công lịch thì dùng bìa vàng giấy cứng, chỉ in chữ bìa màu đỏ.

Nguồn: hueworldheritage.org.vn

Lịch được chia 12 tháng trong năm theo 4 tiết mùa. Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, đến năm 1844, vua Thiệu Trị đã ban cho Khâm Thiên Giám 24 bài thơ vịnh tiết trời trong năm để in vào lịch. Đó là các bài thơ vịnh 24 tiết trời như: lập xuân, vũ thuỷ, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang thực, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, sử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn.

Ví như tiết kinh trập (sâu nở), có bài thơ sau:

Sấm vang trời đất thuận hoà
Hợp vào tiếng luật gọi là Lâm trung
Cỏ cây mầm móng nở tung
Các loài sâu bọ phá vùng bò ra

Các bài thơ này đều được in bằng mực son. Điều này cũng thể hiện được tinh thần văn hoá của người xưa trong cách làm lịch.

Sau khi biên soạn và in ấn lịch xong, cứ đến ngày mồng một tháng Chạp, triều đình sẽ tổ chức lễ phát lịch - gọi là Ban Sóc tại Ngọ Môn cho Kinh đô.

Lễ Ban Sóc

Lễ Ban Sóc là một lễ tiết quan trọng dưới triều Nguyễn, các vua Nguyễn xem đây là một trong các lễ lớn trong năm. Theo sách Đại Nam thực lục, từ những năm đầu thời Gia Long, thời Minh Mạng đã đặt Lễ Ban Sóc: “Tháng 12, ngày mồng 1, vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm Thiên Giám đem lịch năm Nhâm Ngọ dâng lên. Lại truyền dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hòa, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài”.

Tái hiện lễ Ban Sóc ở Cố đô Huế (Ảnh chụp màn hình)

Các loại lịch được tiến vào cung để Hoàng gia dùng như long lịch, phượng lịch, loan lịch; loại lịch được phát cho các thân công, hoàng tử là lịch Vạn niên thọ; loại lịch được phát cho quan ở kinh thành, quan địa phương là lịch Hiệp kỷ, Vạn toàn. Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.

Trong quá khứ, việc quan sát các mô hình thiên văn và thực hành lịch thời xưa giúp dự đoán thời tiết và mùa vụ nông nghiệp, điều quan trọng để đảm bảo nguồn thực phẩm và sự sống bền vững.

Theo Đại Nam thực lục, vua Minh Mệnh và vua Thiệu Trị đều có quan điểm trọng thị và tấm lòng ưu ái của mình đối với nông dân. Qua sử sách, chúng ta thấy nông nghiệp đã được các vua quan nhà Nguyễn gọi là “bản nghệ” (nghề gốc), khác với thương nghiệp thường được họ coi là “mạt nghệ” (nghề ngọn).

Chính sách trọng nông truyền thống liên quan mật thiết đến việc làm lịch, quan sát thiên văn, thời tiết… Sự quan tâm của các hoàng đế thể hiện qua những bài thơ về chủ đề ban sóc đã cho thấy ý nghĩa quan trọng của ngày lễ này đối với dân tộc, triều đại.

Thơ nhân lễ ban lịch của vua Minh Mạng:

Dịch thơ:

Viết vào ngày Ban sóc tháng Chạp
Tháng chạp đúng lúc ngày tốt gặp,
Triều đình ban lịch rõ thời gian.
Trống chuông đàn sáo hòa âm nhạc,
Kiếm bội xiêm y cờ đủ lớp lang.
Hành lễ trong ngoài giờ đúng chuẩn,
Âm dương năm xét thật không nhầm.
Điều hòa năm hướng cùng muôn cõi,
Đất chở trời che mãi vĩnh hằng.

Nhà vua miêu tả cảnh lễ ban sóc do triều đình tổ chức bằng các hình thức nghi lễ long trọng, đầy đủ nhạc lễ cả đại nhạc (chuông, trống) lẫn tiểu nhạc (đàn, sáo) với y quan rực rỡ, đầy đủ nghi tiết.

Đồng thời nhà vua còn khẳng định những chính sách công bằng của triều đình đối với muôn dân (Che chở soi rọi mãi mãi không riêng gì cho ai), hàm ý là triều đình có một chế độ chính trị tốt đẹp, không thiên vị, thực thi công bằng xã hội và mọi thần dân đều có quyền được hưởng ân trạch của nhà vua, như việc ban lịch ở trường hợp này được ví là điển hình.

Thơ ban sóc của vua Thiệu Trị:

Bản dịch
Viết khi Ban lịch vào tháng Chạp
Hiển văn hách võ tốt lành thay,
Lịch số đất trời thân tại đây.
Đế nghiệp ngôi cao tường tỏ nhất,
Truyền trao đạo trị nắm trong tay.
Giáp Thìn khai mở bắt đầu ấy,
Tân Sửu kế thừa rạng rỡ thay.
Khắp cõi Đại Nam cùng lịch số,
Lâu dài trị nước vẻ vang dày.

Trong bài thơ, vua Thiệu Trị có nhắc đến 2 năm, năm Giáp Thìn (trong trường hợp này là 1844) và Tân sửu (trong trường hợp này là 1841). Vì sao lại nhắc đến hai năm này?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung: Về năm Giáp Thìn (1844) trong bài thơ, có lẽ vua Thiệu Trị muốn nhắc đến sự kiện lần đầu tiên ban lịch cho hai nước Hỏa Xá và Thủy Xá. Theo Đại Nam thực lục thì nước Thủy Xá và Hỏa Xá xưa gọi là Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành ở phía tây núi Thạch Bi.

Thời kỳ đầu, triều Nguyễn cho là địa giới giáp Phú Yên, nên 5 năm một lần sai người đến nước đó ban cho các phẩm vật. Sách Đại Nam thực lục có nêu, năm 1844, vua Thiệu Trị có ban dụ: “Nước Đại Nam ta, đức hóa thấm khắp, thanh giáo rộng ban. Nay 2 nước đã theo lễ chư hầu, đòi làm phiên thần, lịch của triều đình đã ban cho, nên coi như dân một nước. Chuẩn cho từ nay trở đi, hằng năm phát cho một bản quan lịch, 50 bản dân lịch, giao cho tỉnh Phú Yên chuyển cấp, bắt đầu từ năm Thiệu Trị thứ 5”.

Có thể thấy việc soạn lịch và ban lịch có ý nghĩa trọng đại trong cuộc sống của người xưa. Quan sát sự tuần hoàn của đất trời, nắng mua, và các hiện tượng thiên văn, người xưa cảm nhận sâu sắc về sự cai quản của ông Trời đối với việc tuần hoàn ở dương gian. Chính vì thế việc soạn lịch và bạn lịch thể hiện tâm thái kính Trời, vừa gắn liền với việc trị quốc, lo cho dân một cuộc sống đủ đầy, thịnh vượng.

Thư Quế



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người xưa coi trọng việc soạn lịch, ban lịch năm mới