Vì sao nhiều người Trung Quốc chọn thái độ “nằm thẳng” và lịch sử sẽ lặp lại ra sao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người nằm thẳng tuyệt vọng

Bạn sẽ làm gì khi quá mệt mỏi hoặc chán nản, hoặc cả hai? Theo phản ứng tự nhiên, có lẽ khi ấy chúng ta sẽ buông mình xuống, chân tay sõng soài, mặt ngửa lên trời, mắt nhắm lại. Người xung quanh động viên, dụ dỗ: kệ; mắng mỏ, dọa dẫm: kệ; khen ngợi: kệ; chê bai: kệ; Ruồi đậu lên mặt, muỗi cắn vào người: cũng kệ.

Bởi vì chúng ta đã kiệt quệ, cũng đã buông xuôi rồi. Một cảm giác bất lực xâm chiếm lấy ta. Ta nằm đó phó mặc cho số phận muốn đến đâu thì đến, hiện giờ ta không muốn và cũng không đủ sức nghĩ gì, nói gì hoặc làm gì nữa.

Cảm giác này thật tuyệt vọng làm sao! Mong rằng mỗi chúng ta trong đời nhất định không để mình rơi vào trạng thái này. Nhưng hình ảnh một người nằm thẳng tuyệt vọng ấy đang được sử dụng để tỷ dụ cho rất rất nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là người trẻ, trong vài năm trở lại đây đã chấp nhận một lối sống bất đắc dĩ, được gọi là chủ nghĩa nằm thẳng. Chủ nghĩa nằm thẳng đang diễn ra như thế nào tại Trung Quốc?

Chủ nghĩa nằm thẳng ở Trung Quốc đương đại

Ngày 27/8/2022, Đài truyền hình Al Jazeera đưa tin, Ying Feng, một giáo viên tiểu học 21 tuổi ở Hạ Môn, vừa hoàn thành bằng đại học về âm nhạc và giảng dạy, nhưng cô lo hơn là mừng. Một viễn cảnh không lấy gì làm tươi sáng đang ở trước mặt: đó là làm việc 7 ngày một tuần, làm giáo viên tiểu học vào ban ngày, dạy thêm vào buổi tối, và dạy piano vào cuối tuần. Nhưng kể cả có ôm hết chừng ấy việc, cô cũng không thể kiếm đủ tiền để mua nhà hoặc lập gia đình.

Khi được hỏi rằng viễn cảnh này có khiến cô suy nghĩ lại về con đường sự nghiệp của mình hay không, Feng Ying đã im lặng. Rồi cô nói: “Nhiều lúc tôi chỉ muốn nằm thẳng, mặc cho sự việc tiếp tục phát triển.”

Alice Lu, 31 tuổi, từng làm việc trong bộ phận truyền thông của một công ty công nghệ thông tin lớn ở Thượng Hải. Cô nói rằng sau khi làm việc 24/7 vào các ngày trong tuần, cuối tuần, cả ngày lẫn đêm trong vài năm, cô gần như suy sụp về thể chất và tinh thần.

Cô phải xin nghỉ làm để chỉnh đốn lại, và trong thời gian đó, cô bắt đầu đặt câu hỏi về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mình. Cuối cùng, sau một trận ốm nặng, cô quyết định nghỉ việc và chuyển sang mở một quán mì, từ đó cô chủ động thời gian làm việc của mình.

Còn Weizhe Wu, 29 tuổi, là trưởng dự án tại một nhà máy hóa chất ở ngoại ô thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, làm việc theo văn hóa 996, tức là mỗi tuần anh làm việc 6 ngày, từ 9:00 sáng đến 9:00 tối. Anh bắt đầu suy nghĩ lại về sự nghiệp của mình sau khi chứng kiến ​​một đồng nghiệp đột ngột ngất xỉu trong xưởng tại nơi làm việc, rằng đây liệu có phải là “vận mệnh cuối cùng” của anh hay không.

“Công việc đã chiếm hết thời gian của tôi, nhưng tôi ý thức được rằng ước mơ trong đời không thể thành hiện thực nếu làm việc trong một nhà máy.” Anh nói, khi nhìn ánh đèn từ những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Tế Nam, “Dù sao thì tôi cũng không bao giờ có thể sống ở đó được.”

Nói như cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì chính là: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Những thanh niên này đại diện cho thế hệ trẻ Trung Quốc mệt nhoài trong guồng quay công việc của xã hội, giống như bị vắt kiệt sức lực mà vẫn không được đền đáp xứng đáng. Thế là họ chuyển sang “nằm thẳng”, tức là làm việc ít đi, chi tiêu tối thiểu, từ bỏ ước mơ viển vông về sự thoát nghèo hay đổi đời vẫn được tuyên truyền.

Thanh niên Trung Quốc lựa chọn 'nằm ngửa'. (Ảnh minh họa: NICOLAS ASFOURI/AFP via Getty Images)

Nhưng đó là câu chuyện của gần 2 năm trước rồi. Hiện tại là năm 2024, thậm chí người trẻ còn không có việc mà làm. Vào tháng 8/2023, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp được giới chức công bố đạt mức cao kỷ lục 21,3%. Kinh nghiệm cho thấy, với những chỉ số mang tính tiêu cực, con số thực còn cao hơn con số mà chính quyền Trung Quốc công bố. Thế là, từ tuyên bố “thanh niên 4 không” năm 2023 (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con), giờ đã thành “thanh niên 10 không”, đó là:

  • (1) không hiến máu,
  • (2) không quyên tiền,
  • (3) không kết hôn,
  • (4) không sinh con,
  • (5) không mua nhà,
  • (6) không mua vé số,
  • (7) không đầu cơ cổ phiếu,
  • (8) không mua quỹ,
  • (9) không giúp đỡ người già bị ngã,
  • (10) không cảm xúc.

Và từ “nằm thẳng” diễn biến thành mức độ “mặc kệ”, hoặc “để cho thối rữa”.

Vì sao nằm thẳng? Nếu chỉ nhìn vào một sự kiện đơn lẻ khó có thể hiểu thấu, đúng hơn, nó phải được xem xét như một chuỗi những nỗ lực của người trẻ từ nhỏ đến lớn đã bị phủ nhận và tan thành mây khói.

Nằm ngửa: Khi giấc mơ tan vỡ và đối mặt với thực tại tàn khốc

Michael Jackson là một nghệ sĩ lừng danh thế giới, nhưng có vài lần anh tâm sự trong một số tác phẩm âm nhạc và tự truyện của mình rằng: tuổi thơ là điều mà mình chưa bao giờ biết đến.

Trên thực tế, Michael Jackson chưa hề có một tuổi thơ bình thường. Từ nhỏ, anh đã bị cha mình ép học nhạc. Trong cuốn tự truyện Moonwalk xuất bản năm 1988, Michael kể rằng người cha Joseph buộc các con phải tập luyện không mệt mỏi, dồn toàn bộ thời gian và sức lực cho âm nhạc, bởi ông ấy quan niệm: chỉ có âm nhạc mới giúp cuộc đời của các con thoát khỏi đói nghèo. Joseph có thể dùng đến cả các phương tiện như “bằng thắt lưng, bằng đòn roi và bằng bất cứ thứ gì ông vớ được”. Michael tiết lộ anh từng bị bố treo ngược một chân lên trần nhà và cứ thế quất túi bụi vào mông, lưng sau khi chửi mắng thậm tệ. Michael cũng kể rằng thời niên thiếu anh không được hồn nhiên vui chơi như bạn bè đồng lứa mà ngược lại phải sống và làm việc như trong địa ngục.

Dù chỉ là những người bình thường, chắc hẳn nhiều bạn trẻ Trung Quốc chia sẻ và đồng cảm với Michael Jackson về một tuổi thơ đã mất trong học tập với lịch học dày đặc, với những kỳ thi có tỷ lệ chọi khủng khiếp, với những áp lực và kỳ vọng học tập mà gia đình và nhà trường quàng lên mình. Trung Quốc cũng không hiếm những bà mẹ hổ dữ đòn như ông bố của Michael Jackson. Một bà mẹ hổ tên là Sherry Li chia sẻ:

“Ngoài bài tập về nhà, bây giờ cháu còn học tiếng Anh, toán, tiếng Nhật, chơi tennis và piano vào thời gian rảnh. Việc đào tạo bắt đầu từ khi bé mới chỉ lên 3. Đừng nói với tôi về sự tự do của con trẻ. Nếu tôi để con có thời gian rảnh rỗi thì đó là một sự lãng phí. Bé sẽ chơi điện tử hoặc xem phim và điều này thì không tốt cho tương lai của trẻ. Vì thế, tôi tận dụng cả thời gian rảnh của con cho việc học”. (Theo tờ Shanghai Daily)

Trong hoàn cảnh này, không ít những thiếu niên Trung Quốc đã sớm bạc cả tóc vì học hành. Thậm chí, trẻ ốm cũng không được nghỉ, tay này truyền nước tay kia viết bài là thường, trong nhiều bệnh viện cũng có sắp xếp một khu riêng để những bệnh nhân nhí ngồi học. Ai cũng sợ mình bị bỏ lại trong cuộc đua đến thành công, bắt đầu từ chặng đua học tập, và vì thế hãy quên tuổi thơ đi.

Michael Jackson đã mất cả tuổi thơ để học nhạc, dẫu sao anh cũng trở thành ngôi sao âm nhạc thế giới, còn đại bộ phận người trẻ Trung Quốc trong đó không ít người có năng lực thì thành được gì? Học hành quá vất vả nhưng học xong thất nghiệp, hoặc bị vắt kiệt sức lực để làm giàu cho kẻ khác. Thoát nghèo ở đâu? Đổi đời ở đâu? Họ ví mình như “rau hẹ” để những người có thế lực thu hái mà thôi. Hiện thực đâu có giống như những gì được hứa hẹn hay tuyên truyền.

Nhưng ngược lại, nếu chỉ hé lộ một chút phản kháng thì sẽ bị đàn áp thẳng tay, mà tiếp tục theo guồng quay này thì cuối cùng sẽ như miếng vỏ chanh vắt hết nước bị vứt bỏ. Một trạng thái tiến thoái lưỡng nan như thế, tự nhiên sẽ dẫn đến hành động buông xuôi, bỏ mặc, và đó chính là “chủ nghĩa nằm thẳng”.

Nếu có thể dùng một từ để miêu tả chủ nghĩa nằm thẳng này, thì đó là từ “tuyệt vọng”, chứ không phải là từ “nổi giận” giống như thế hệ thanh niên hơn 30 năm trước của sự kiện Lục Tứ.

Chủ nghĩa nằm thẳng và phong trào Lục Tứ năm 1989: cái nào đáng lo ngại hơn?

35 năm trước, vào ngày 4/6/1989, một phong trào của thanh niên sinh viên đã nổ ra ở Quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh, sau này được biết đến với tên gọi: Sự kiện Lục Tứ.

Các cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu sau ngày mất của tổng bí thư ủng hộ cải cách là Hồ Diệu Bang vào tháng 4 năm 1989 trong bối cảnh biến động xã hội ở Trung Quốc thời hậu Mao. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào tháng 9/1976, một Trung Quốc đã trở nên tan hoang về nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội đã đe dọa tính chính danh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tồn vong của Đảng chính ở lúc này, không thay đổi sẽ sụp đổ. Điều đó buộc ĐCSTQ đứng đầu là Đặng Tiểu Bình phải tiến hành cải cách vào năm 1978, lấy kinh tế làm chỗ dựa cho tính chính danh của nó. Đặng khuyến khích người ta làm giàu, nhưng đưa ra một luận điểm quan trọng: “Để một số người làm giàu trước”. Một số người này là ai? Họ là con cháu của các ‘lão thành cách mạng’ như Đặng Tiểu Bình, trong đó có con trai cả của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương.

Cuộc cải cách của Đặng chỉ đơn giản là để cho năng lực làm giàu của người Trung Quốc vốn chăm chỉ, thông minh được phát huy một cách tự nhiên, lại được hỗ trợ bởi dòng vốn và kỹ thuật công nghệ từ ngoại quốc nên đã phát sinh “kỳ tích kinh tế”, nhưng nó cũng gây ra nhiều vấn đề xã hội. Cuộc biểu tình của sinh viên ở Thiên An Môn ngày 4/6/1989 chính là để phản đối các tệ nạn biển thủ, tham nhũng và thông đồng giữa các quan chức chính quyền và các nhà doanh nghiệp, và đòi hỏi các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Cuộc biểu tình này thu hút đông đảo sinh viên ở Bắc Kinh, rồi sau lan sang các tầng lớp nhân dân khác, thậm chí có lúc đã đến cả triệu người. Tuy nhiên, phong trào cuối cùng đã bị dìm trong biển máu vào ngày 4/6/1989. Những sự kiện xung quanh và hậu quả của nó đã gây ra tai tiếng kinh khủng cho ĐCSTQ, nhưng không khiến ĐCSTQ sụp đổ.

Thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
  • Thứ nhất, cuộc phản kháng là công khai và có tổ chức, có người lãnh đạo nên dễ bị nắm bắt, phá hoại;
  • Thứ hai, sinh viên tay không tấc sắt không chống lại được xe tăng, súng máy; miệng không cãi xuể hệ thống truyền thông báo chí, loa đài của ĐCSTQ;
  • Thứ ba, sinh viên là người có học sớm ý thức được vấn đề, nhưng cả xã hội Trung Quốc khi đó thì chưa;

Dẫu sao, họ còn phản đối tức là còn hy vọng, còn niềm tin vào sự thay đổi tốt đẹp hơn của xã hội. Hoạt động của họ dù là phản đối, vẫn đang cấp năng lượng cho xã hội và sự tồn tại của ĐCSTQ. Còn phong trào nằm thẳng thì hoàn toàn là tuyệt vọng.

Điều này cũng tương tự như một người giận dữ vẫn có nhiệt tình và năng lượng cao hơn so với một người tuyệt vọng, như hình ảnh người nằm ngửa chúng ta đã miêu tả ở đầu chương trình. Người tuyệt vọng không cung cấp một tí năng lượng nào cho đối phương. Và nếu sự dịch chuyển của con thuyền quốc gia là nhờ sức đẩy của những người tuyệt vọng này, thì quốc gia cũng tuyệt vọng, con thuyền quốc gia sẽ chìm. Tất nhiên ĐCSTQ đang là kẻ lái thuyền, nó lo lắng hơn hết cho sự tồn vong của chính nó.

Phong trào “Nằm thẳng” không cần có tổ chức, không cần người đứng đầu, không cần tuyên bố công khai, không cần nhóm họp biểu tình, không cần đăng đàn chống đối. Những người nằm thẳng không phản đối chính quyền ĐCSTQ, nhưng cũng ì ra chẳng hưởng ứng; không phản đối nhà nước tuyên truyền, nhưng cũng chẳng để tuyên truyền vào tai. Họ đơn giản là giống như người không có cảm giác, giống như tiêu chuẩn thứ 10 của “thanh niên 10 không”, đó là “không cảm xúc.” Nằm thẳng chính là phản đối bằng cách không phản đối. Nhưng ĐCSTQ thì lại không thể đối phó bằng cách không đối phó. Thật là đau đầu!

Chính là như nguyên lý vô chiêu mà thắng hữu chiêu của đại cao thủ Độc Cô Cầu Bại vậy.

Và khác biệt căn bản với phong trào sinh viên năm 1989 vốn chỉ khu biệt ở Bắc Kinh, tâm lý nằm ngửa đã lan rộng trên toàn Trung Quốc, không chỉ trong lớp trẻ, mà ngay ở chính các quan chức nhà nước của ĐCSTQ.

Quan chức nhà nước Trung Quốc cũng nằm thẳng

Tháng 11/2021, Tạp chí Kiểm tra Kỷ luật Giám sát đã phơi bày vấn nạn nằm thẳng của quan trường Trung Quốc. Đó là các quan chức tầng cơ sở “né tránh khi đối mặt với nhiệm vụ”, trực tiếp chọn “nằm thẳng”, hậu quả của nó là “chuyện lớn thành to, chuyện to dẫn đến bùng nổ”. Có nhiều nhiều loại hình “nằm thẳng”, ví dụ như kiểu “nằm thẳng” đưa đẩy vòng vo, kiểu nằm thẳng đá quả bóng trách nhiệm, kiểu “nằm thẳng” chưa già nhưng đã yếu.

Trước đó, vào ngày 2/9/2021, trang tạp chí này cũng đã đăng một bài bình luận có tiêu đề “Bước ra khỏi trạng thái ‘nằm ngửa’ “, phê bình quan chức chính quyền các cấp “nằm thẳng theo kiểu bỏ mặc”; có người “nằm thẳng” theo tư duy nhiệm kỳ, khóa sau người khác trúng, làm để làm gì nữa; có người mất đi sự nhiệt tình đối với công việc nên “‘nằm thẳng’ theo kiểu không cầu tiến”.

Tại hội nghị của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương vào tháng 1/2021, ông Tập Cận Bình chỉ trích các quan chức thụ động, thờ ơ, chỉ chờ lệnh của chính quyền trung ương, nếu ông không ra chỉ thị thì bên dưới không cũng làm gì. Ông nói: “Vấn đề nổi cộm hiện nay là một số thiếu tinh thần trách nhiệm, lười nhác trong công việc, ngại gian khổ, làm qua loa cho xong chuyện …”.

Trước đó, báo chí nhà nước Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tin ông Lý Khắc Cường “thường xuyên nổi nóng” trước vấn đề quan chức lười nhác, thậm chí có lần ông giận đến nỗi đã đập bàn bằng một tách trà. Theo báo cáo, tình trạng quan chức đánh bạc, sử dụng ma túy, chơi game, mua sắm trực tuyến, xem phim khiêu dâm và thậm chí ngoại tình trong giờ làm việc… không phải là hiếm.

Ngày 22/1/2023, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước ra văn bản chỉ rõ “cán bộ nằm ườn” phải bị trừng trị, “cán bộ không thể sống như thế này”.

Ngày 1/5/2023, tạp chí “Cầu Thị” của ĐCSTQ đã đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình. Trong đó, đích thân ông Tập thừa nhận rằng có nhiều hiện tượng “nằm ườn” xuất hiện trong nội bộ ĐCSTQ.

Tháng 6/2023, Bắc Kinh đã triệu tập một cuộc họp cấp trung ương, tuyên bố sẽ trừng phạt quan chức “nằm ườn” (không làm gì). Các nhà phân tích tin rằng chính quyền không thể làm gì trước phong trào “nằm ườn” trong giới quan chức.

Theo các nhà phân tích, có mấy nguyên nhân chính cho trạng thái nằm thẳng này:

  • Thứ nhất, là nhà nước hết tiền, chi phí bôi trơn giảm, Trung Nam Hải lại tăng cường thanh trừng phe phái bằng chiêu bài chống tham nhũng, thì động lực làm việc suy giảm.
  • Thứ hai, một số quan chức cho rằng làm hay không làm cũng thế, làm nhiều hay làm ít cũng vậy.
  • Thứ ba, có phần e sợ sự trừng phạt từ phương Tây đối với cá nhân quan chức tham nhũng.
  • Thứ tư, và nghiêm trọng hơn cả, trước tình cảnh rối rắm hiện tại, nhiều người đã buông xuôi. Sự hăng hái nhiệt tình cải tổ của ông Tập Cận Bình lại càng khiến nhiều quan chức Trung Quốc hoang mang hơn nữa. Lịch sử dường như đang lặp lại.

Triều đại nhà Minh sụp đổ khi hoàng đế cải tổ thiếu sáng suốt trong khi quan chức “nằm thẳng”

Ngày 16 tháng 10, các trang web lớn của Trung Quốc, Nhà sách Tân Hoa Xã và các nhà kinh doanh tư nhân bất ngờ nhận được thông báo yêu cầu thu hồi cuốn sách "Sùng Trinh: Vị vua vong quốc chăm lo chính sự" ngay lập tức, càng sớm càng tốt, và sắp xếp trả lại sách với lý do "vấn đề in ấn".

Trên trang bìa cuốn sách của giáo sư lịch sử nổi tiếng Trần Ngô Đồng (Chen Wutong) này có dòng chữ sau: “Chiêu thức tồi liên tiếp, hết sai lầm này đến sai lầm khác, càng chăm lo chính sự càng vong quốc!”

Vào tháng 10/2023, cuốn sách vừa được tái bản "Sùng Trinh: Vị vua mất nước cần cù với chính sự" đã bị chính quyền Trung Quốc ban lệnh rút khỏi kệ. (Ảnh chụp màn hình)

Những dòng chữ này và nội dung cuốn sách không thể không khiến người ta liên tưởng đến ông Tập Cận Bình, chính vì nó là sự thật lịch sử nên càng đáng lo hơn nữa, người ta đều hiểu rằng đó là lý do chính mà cuốn sách bị cấm.

Cũng giống như ông Tập, hoàng đế Sùng Trinh thừa kế một triều đại đổ nát và sắp cáo chung. Các tiên đế thì lười nhác, quan chức thì lộng hành hủ bại, kỷ cương mất hết, thiên tai dịch bệnh liên miên không dứt, nhân dân đói khổ phải nổi dậy làm cướp, triều đình dẹp mãi không yên. Dị tượng phát sinh nhiều kinh khủng.

Hoàng đế Sùng Trinh khi mới lên ngôi mang theo lý tưởng chấn hưng đất nước, việc đầu tiên là ông diệt viên thái giám đại gian ác Ngụy Trung Hiền, trấn áp hoạn quan, cũng tương tự như ông Tập Cận Bình đả hổ diệt ruồi nhờ đó mà được lòng dân chúng. Tương tự, hoàng đế Sùng Trinh cũng ra sức tập trung quyền lực, chấn chỉnh triều cương, chăm lo chính sự. Nhưng cũng như ông Tập, Sùng Trinh quá đa nghi, hay thay đổi, năng lực cũng không cao và không có nhiều người giỏi để trợ giúp.

Tính đa nghi của Sùng Trinh khiến mười bảy Hình bộ Thượng thư đã bị thay đổi, mười bốn Binh bộ Thượng thư đã bị thay đổi, và hơn năm mươi trưởng phó quan trong nội các đã bị thay đổi… trong 17 năm cầm quyền của ông. Lãnh đạo ngày nay nào có khác gì.

Sùng Trinh còn mắc kế phản gián của Hoàng Thái Cực nhà Thanh, khiến ông giết Viên Sùng Hoán, chỗ dựa vững chắc duy nhất của Minh triều. Những sai lầm liên tiếp khiến ông càng cải tổ càng hỏng việc, quan lại mất lòng tin và “nằm ngửa” đợi chính quyền mới. Các tướng lĩnh thì nhanh chóng đầu hàng khi quân đội của Lý Tự Thành tiến chiếm Bắc Kinh.

Chẳng hạn như có Ngụy Tảo Đức là vị quan phụ tá số 1 cuối cùng của nhà Minh, xuất thân từ trạng nguyên. Ba ngày trước khi thành bị phá hủy, Hoàng đế Sùng Trinh hỏi ông có biện pháp đối phó nào, và nói: “Chỉ cần khanh nói, trẫm sẽ lập tức ra lệnh tuân theo".

Ngụy Tảo Đức quỳ trên mặt đất không nói gì. Sùng Trinh tức giận đến mức đá văng chiếc ghế rồng. Ngụy Tảo Đức vẫn giữ nguyên tư thế quỳ, im lặng.

Khi Lý Tự Thành xâm chiếm Bắc Kinh, Ngụy Tảo Đức đã chọn đầu hàng. Lý Tự Thành hỏi ông: “Sao ông không chết theo vua?”

Ông ta đáp: “Muốn được dốc sức, đâu dám chết”.

Người dân nằm ngửa, quốc gia ngã sấp

Cách đây một thế kỷ, nhà tư tưởng nước Việt là Phan Châu Trinh cho rằng muốn chấn hưng nước nhà, nhiệm vụ cấp bách là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Có thể hiểu ngắn gọn khai dân trí là giúp dân mở mang hiểu biết, khao khát học hỏi cái hay của xưa và nay, của trong và ngoài nước; chấn dân khí là giúp dân tăng cường dũng khí, nghĩa khí, có khí phách không sợ gian khổ; hậu dân sinh là giúp dân phát triển đời sống vật chất. Nếu am hiểu văn hóa truyền thống, có thể thấy đây là một phát biểu giản lược và diễn giải cho dễ hiểu hơn về tiêu chuẩn Trí và Nghĩa của Nho gia mà thôi. Còn về đời sống vật chất thì đức Khổng tử từng dạy đại ý là: “Nước đã đông dân rồi thì phải làm cho dân giàu. Dân giàu rồi thì giáo hóa dân”. Khi trí tuệ khai mở, khí phách cứng cỏi, đời sống vật chất đầy đủ thì quốc gia sẽ tự cường, tự cường sẽ có tự chủ và thịnh vượng.

Xét tình hình Trung Quốc hiện nay cũng giống như thời Sùng Trinh đế nhà Minh, quan và dân đều nằm ngửa chính là dân khí yếu nhược. Muốn có dân khí vững mạnh, thì phải có điểm tựa tinh thần, điểm tựa ấy là lòng tin: tin vào chính nghĩa của chính quyền, của người lãnh đạo; tin vào sức mạnh của đạo đức, lẽ phải và luật Trời bất biến; và tin vào phần lương tri của bản thân mình. Nếu không có lòng tin thì sẽ buông xuôi đến đâu thì đến.

Đằng này kinh tế vốn đã bết bát, xã hội hỗn loạn, dân và quan lại nằm ngửa thì quốc gia muốn tránh ngã sấp cũng khó.

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nhiều người Trung Quốc chọn thái độ “nằm thẳng” và lịch sử sẽ lặp lại ra sao