Vì sao nói: “Người trẻ đoán mệnh xem mắt, trung niên đoán mệnh nhìn miệng”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu nói: “Tâm sinh tướng”, ngoại hình của một người có liên quan mật thiết đến tính cách của bản thân người đó. Như câu nói: “Người trẻ đoán mệnh xem mắt, trung niên đoán mệnh nhìn miệng”, nghĩa là khi người ta còn trẻ, muốn biết vận mệnh tương lai của họ thì có thể quan sát đôi mắt, khi con người đến độ tuổi trung niên, muốn biết hậu vận của một người tốt hay xấu thì hãy nhìn vào miệng. Từ hai góc độ khác nhau của mắt và miệng, chúng ta có thể đại khái nhìn ra được vận mệnh của đối phương.

Người trẻ đoán mệnh xem mắt

Tục ngữ có câu: "Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão", nghĩa là ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta có thể đánh giá bao quát được tương lai của đứa trẻ. Làm thế nào để phát hiện ra, chính là nhìn vào đôi mắt của chúng.

Người ta thường ví đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chúng ta có thể quan sát những đứa trẻ xung quanh mình, có đứa có đôi mắt trong sáng và thông minh, có đứa lại có ánh mắt lờ đờ, không linh hoạt. Từ hai đặc điểm này, bạn có thể phát hiện ra khoảng cách giữa hai kiểu đứa trẻ này trong tương lai.

Bởi vì đứa trẻ có đôi mắt thông minh chắc chắn sẽ có tính cách vui vẻ, đầu óc linh hoạt, còn đứa trẻ có đôi mắt đờ đẫn chắc chắn sẽ có tư duy và phản ứng chậm.

Đến khoảng 20 tuổi, tinh thần và nhân cách của một người về cơ bản đã hoàn thiện, lúc này đôi mắt về cơ bản đã có thể phản ánh những mặt chân thật nhất của con người, chính vì vậy người ta thường nói “Người trẻ đoán mệnh nhìn vào mắt”, là bởi vì đôi mắt thường phản ánh tâm hồn của một người.

Trung niên đoán mệnh nhìn miệng

Người xưa có câu: Thật giả nhìn vào mặt, thành bại dựa vào miệng. Trong lịch sử có vô số ví dụ về người có thành tựu lớn là nhờ vào khả năng ăn nói, cũng có rất nhiều người thất bại chỉ vì không biết quản cái miệng.

Cũng như câu nói: "Cơm có thể ăn bừa, nhưng không thể nói bậy", bởi vì một lời nói sai có thể làm tổn hại nhiều người, gây ra nhiều họa loạn và rắc rối về sau. Đây được gọi là "họa xuất phát từ miệng", con người chỉ dùng 3 năm đầu đời để học nói, nhưng phải mất một đời để học cách giữ im lặng.

Khi đến tuổi trung niên, con người phải biết kiềm chế cái miệng của mình, việc đầu tiên là phải biết kiềm chế dục vọng ăn uống, ăn uống có liên quan mật thiết đến sức khỏe thể chất. Tăng cân ở tuổi trung niên là điều phổ biến. Tại sao? Một phần lớn nguyên nhân là do đa số không thể kiểm soát được dục vọng ăn uống, từ đó gây béo phì.

Thứ hai là phải quản tốt cái miệng khi nói, điều này không có nghĩa là phải im lặng hay nói ít đi, mà là biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói. Lúc này, chúng ta không còn có thể nói chuyện thoải mái như khi còn trẻ nữa, đây gọi là sự trưởng thành khi con người ta đến tuổi trung niên.

Theo Ngưu Lan Khắc - The Secretchina
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói: “Người trẻ đoán mệnh xem mắt, trung niên đoán mệnh nhìn miệng”?