Vì sao trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Vạn Lý Trường Thành vẫn đứng vững?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc tới công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Trung Quốc, phần lớn mọi người đều liên tưởng ngay tới Vạn Lý Trường Thành. Tại sao Vạn Lý Trường Thành được xây cách đây hơn 2000 năm, vẫn trường tồn cùng thời gian? Bí mật nằm ở thứ vữa "bền hơn cả bê tông" mà người xưa sáng tạo nên.

Vạn Lý Trường Thành chính là một bức tường thành nổi tiếng ở Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Cái tên Vạn Lý Trường Thành có ý nghĩa là “tòa thành dài vạn dặm”. Được xây dựng bởi hàng triệu nhân công, chứng kiến bao nhiêu cuộc thay triều đổi đại và hàng trăm trận chiến, Vạn Lý Trường Thành vẫn ở đó, sừng sững với thời gian, xứng đáng là một trong những kỳ quan vĩ đại nhất của thế giới.

Điều gì đã tạo nên một Vạn Lý Trường Thành đặc biệt như vậy, chúng ta cùng đi tìm hiểu.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ khi nào?

Trong lịch sử, miền Bắc Trung Quốc trước kia có nhiều bộ lạc du mục sinh sống như người Hung Nô, Mông Cổ... họ thường xâm nhập, cướp bóc và tàn phá Trung Nguyên, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng và thường trực đối với người Hán. Để người dân được sống yên ổn, từ thời Chiến Quốc, những nước có biên giới phía Bắc như Tần, Triệu, Yên đã xây dựng tường thành để ngăn chặn những bộ lạc du mục này hoành hành.

Sau này khi Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Quốc, ông đã cho xây thêm và nối liền những bức tường thành của 3 nước thành Vạn Lý Trường Thành. Khi ông nghĩ ra ý tưởng này, đã có không ít người lên tiếng phản đối, vì việc xây dựng Trường Thành cần tiêu tốn rất nhiều tài lực và nhân lực, cái giá quả thực rất lớn.

Vạn Lý Trường Thành trải qua các triều đại (Pexels)

Sau khi nhà Tần diệt vong, công cuộc xây dựng thành vẫn được các triều đại kế tiếp của Trung Quốc tiếp quản. Theo lịch sử ghi lại, mãi cho tới tận thời nhà Minh, công cuộc xây dựng Vạn Lý Trường Thành mới chính kết thúc.

Vạn Lý Trường Thành dài bao nhiêu?

Theo các khảo sát và đo đạc thực tế, Vạn Lý Trường Thành có cửa ải Sơn Hải quan tọa lạc tại tỉnh Liêu Ninh bên bờ biể Bột Hải, giáp ranh với biên giới Triều Tiên, và kéo dài đến Lop Nur ở Tân Cương. Với tổng chiều dài là hơn 22 nghìn km, Vạn Lý Trường Thành đi qua 15 tỉnh của Trung Quốc và trở thành một trong những kỳ quan nhân tạo vĩ đại nhất của nhân loại.

Bản đồ Vạn Lý Trường Thành qua các thời đại. (Wikipedia)

Năm 1987, UNESCO công nhận Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là Di sản thế giới. Bức trường thành sau 2 thiên niên kỷ vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến lịch sử Trung Quốc xoay vần.

Cũng chính vì thế mà nhiều người không khỏi thắc mắc, bức tường thành này được xây dựng từ những vật liệu gì mà bền vững tới vậy. Liệu nó có được xây dựng từ những vật liệu quý hiếm và phức tạp nào không?

Vạn Lý Trường Thành - Kỳ quan thế giới (Pexels)

Vạn Lý Trường Thành được xây bằng vật liệu gì?

Là một công trình vĩ đại, tráng lệ, nhưng những vật liệu để tạo lên nó vô cùng thô sơ và cơ bản. Vào thời kỳ đầu, tường thành được xây dựng bằng gạch, đất. Ở mỗi thời kỳ lại có những thay đổi và cải tiến khác nhau.

Để kỳ quan này hiên ngang đứng vững sau hơn 2000 năm chính là do một loại vữa đặc biệt được làm từ gạo nếp để lấp đầy các kẽ hở trên gạch.

Theo các nghiên cứu, loại vữa “đặc biệt” này được những người thợ xây dựng cổ đại tạo ra bằng cách trộn súp gạo nếp với đá vôi đã nung nóng ở nhiệt độ cao, cho thêm nước và các thành phần khác. Cấu trúc này rất rắn chắc và không hề thấm nước. Đây cũng chính là loại vữa phức hợp đầu tiên trên thế giới được tạo ra từ nguyên liệu hữu cơ kết hợp với nguyên liệu vô cơ.

Nhà khoa học Trung Quốc Trương Băng Khiêm từng nói rằng, loại vữa này là một trong những phát minh kỹ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử, nó bền và chịu nước tốt hơn so với loại vữa bằng vôi nguyên chất.

Loại vữa đặc biệt giúp thành vững chắc (Pexels)

Để khẳng định độ cứng của loại vữa này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tính năng của nó với các tỷ lệ gạo nếp khác nhau, sau khi đối chiếu và so sánh với vữa vôi truyền thống, họ nhận thấy: "Tính chất vật lý của vữa gạo nếp ổn định và có độ bền cơ học cao hơn. Những đặc điểm này làm cho nó trở thành vật liệu thích hợp để phục hồi các công trình kiến trúc bằng đá cổ."

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng gạo nếp có chứa một thành phần gọi là "amylopectin", một chất hầu như không tan trong nước và có độ kết dính cao giúp cho loại vữa này trở nên cứng, đặc biệt chắc chắn và không hề thấm nước.

Nguyên Anh

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Vạn Lý Trường Thành vẫn đứng vững?