Vì sao văn hoá truyền thống Á Đông có thể ức chế sự chia rẽ xã hội?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đang trong một thời đại mà các hình thái ý thức xung đột nhau mạnh mẽ, thậm chí các tư tưởng còn bài xích nhau. Nhưng văn hoá truyền thống Á Đông lại có thể ức chế sự chia rẽ đó. Rốt cuộc đây là sự việc gì?

Trong buổi diễn giảng ngày 16/1 ở Tân Trúc, Đài Loan, giảng viên Đại học Phi Thiên là Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này như sau.

'Đa nguyên hoá' tư tưởng là gì?

Giáo sư Chương nhìn nhận, thời đại chúng ta đang sống là thời đại 'đa nguyên hoá'. Từ 'đa nguyên hoá' có vẻ dễ nghe, nhưng trên thực tế là thiếu nhận thức chung, tức là chúng ta không có giá trị chung để có thể cùng chấp nhận.

Ví dụ như, cánh tả nước Mỹ rao giảng về đa nguyên hoá, họ gọi đó là DEI (Diversity Equality Inclusiveness - Đa dạng, Bình đẳng, Bao dung). Nhưng trong hình thái ý thức của họ không bao dung tư tưởng của phái bảo thủ (phái bảo tồn truyền thống). Vì sao xuất hiện hiện tượng này?

Nhà triết học Đức là Bertrand Russell đã nói một câu như thế này: 'Muốn hiểu một thời đại phải hiểu triết học của thời đại đó'.

Trên thực tế từ Thời kỳ Khai sáng (The Enlightenment) vào thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thì đây là thời đại vô cùng biến động. Trong giai đoạn này, thế giới đã trải qua rất nhiều sự kiện trọng đại như là Cách mạng Pháp, nước Mỹ thành lập...

Đến thế kỷ 20, nhân loại đã trải qua hai lần chiến tranh thế giới. Đây là những cuộc chiến tranh nóng với súng pháo thật. Nhưng về lĩnh vực hình thái ý thức thì những tư tưởng khác nhau cũng cạnh tranh vô cùng kịch liệt, mà việc này cũng không thua gì các cuộc chiến tranh nóng. Đặc biệt là vào những năm 60 của thế kỷ XX, ở Trung Quốc đã nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa (CMVH), đồng thời ở phương Tây cũng nổ ra cuộc vận động dân quyền (do Martin Luther King lãnh đạo), cuộc vận động nữ quyền, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam sau năm 1964, cuộc vận động giải phóng tình dục, phong trào Hippie, nhạc rock, sự kiện bão táp tháng 5/1968 ở Pháp phá bỏ truyền thống, v.v.

Vì sao xã hội xuất hiện nhiều xung đột về hình thái ý thức như vậy?

Giáo sư Chương cho rằng, từ thời Thời kỳ Khai sáng, xã hội nhân loại đã bắt đầu mất đi quyền uy của tôn giáo và vương quyền. Trên thực tế, từ sau thời kỳ Phục hưng thì quyền uy tôn giáo và quyền uy vương quyền của châu Âu đã bắt đầu suy yếu. Khi ấy, tuy rằng chưa có hình thái ý thức thay thế nhưng phần lớn mọi người vẫn còn bảo lưu một số tín ngưỡng truyền thống.

Nhưng sau Thời kỳ Khai sáng đã xuất hiện rất nhiều hình thái ý thức thay thế. Đương nhiên khi ấy đã xuất hiện những nhà tư tưởng rất tốt như John Locke của Anh, Montesquieu của Pháp, Adam Smith của Scotland, Hegel, Hayek, Heidegger…, nhưng cũng có những người rất bại hoại như Freud, Sartre, Nietzsche, Marcuse...

Những người nhà tư tưởng mà Giáo sư Chương cho rằng không tốt, họ đã phá hoại nền văn minh nhân loại ở một mức độ nhất định.

Nietzsche từng nói một câu rằng: 'Làm thế nào dùng cái búa để tiến hành suy nghĩ triết học'. Nhưng cái búa làm sao có thể tiến hành suy nghĩ triết học? Trên thực tế, ý của Nietzsche là dùng cái búa để đập vỡ những tư tưởng khác nhau, đập vỡ các giá trị đạo đức hoặc là những hình thái ý thức truyền thống.

Giáo sư Chương gọi những người này là người theo chủ nghĩa phá bỏ cấu trúc xã hội đương thời (deconstructionist). Trên thực tế, những người này muốn phá bỏ những lực lượng duy trì xã hội. Sau khi phá vỡ xong, xã hội sẽ biến thành những mảnh vụn, sau đó giữa mọi người với nhau không có nhận thức chung. Khi ấy, xã hội sẽ trở thành một nơi đầy rẫy những xung đột.

Nhân loại bắt đầu đi lệch từ khi nào?

Trên thực tế, từ Thời kỳ Khai sáng truy ngược trở về thời kỳ Phục hưng thì trong quá trình chuyển từ Chủ nghĩa ‘Thần bản’ sang chủ nghĩa ‘nhân bản’, nhân loại đã bắt đầu đi lệch. Thời kỳ Phục hưng là phục hưng văn hoá Hy Lạp cổ. Nếu từ thời kỳ Văn nghệ Phục Hưng truy ngược trở về trước thì chính là thời kỳ văn hóa Hy Lạp. ‘Hy Lạp tam hiền’ (ba nhà hiền triết) của Hy Lạp gồm Socrates, Plato và Aristotle.

Là một người nghiên cứu văn hoá, Giáo sư Chương cho rằng, từ thời Aristotle thì nhân loại đã bắt đầu đi lệch về mặt tư tưởng.

Trước Aristotle như là Plato, những điều họ nói còn rất có đạo lý. Plato có một ví dụ rất nổi tiếng về 'người tù trong hang động'.

Một người bị bắt vào hang động, bị quay mặt vào tường. Những điều anh ta thấy chỉ là bóng ảnh. Nhưng nếu có một ngày anh ta được giải thoát ra khỏi hang động, thấy được thế giới chân thực, vậy thì trạng thái lúc đó của anh ta giống như giác ngộ (ngay lập tức biết được thế giới chân thực). Lúc này, anh ta có thể quay lại hang động để nói cho người bạn về thế giới chân thực. Đây là ví dụ của Plato.

Plato giảng rằng: Thế giới mà chúng ta thấy bằng mắt thịt, kỳ thực không phải là thế giới chân thực. Chúng ta giống như tù nhân trong hang động, điều chúng ta nhìn chỉ là bóng ảnh của sự vật. Vượt trên thế giới chân thực mà chúng ta thấy được còn có một thế giới. Thế giới này được Plato gọi là 'thế giới lý niệm' (idea). Thế giới đó tồn tại hết thảy trí huệ, hết thảy trong đó đều là hoàn mỹ.

Plato nhìn nhận, trí huệ của chúng ta không phải đến từ việc học tập trong một đời. Nó đến từ đâu? Plato cho rằng, vốn dĩ chúng ta đến từ Thiên thượng (Thiên quốc), trí huệ chúng ta là hồi ức của chúng ta đối với thế giới Thiên quốc. Cho nên Plato cho rằng, 'chân tri' (hiểu biết thật sự) là 'hồi ức' (nhớ lại), chính là có thể nhớ lại những điều trong thế giới lý niệm, tình huống chân thực ở thế giới lý niệm là gì.

Trên thực tế, trong lý niệm của Plato còn tin có thế giới Thiên quốc. 'Chân tri' là 'hồi ức' lại quá trình chân thực ở Thiên quốc.

Vậy thì tại sao từ thời Aristotle thì nhân loại đã đi chệch hướng? Nhìn vào bức tranh 'Học viện Athens' của Raphael, ở giữa có hai nhân vật, một là Plato, một là Aristotle. Nếu phóng to lên sẽ thấy tay của Plato chỉ trời, còn tay của Aristotle hướng về đất. Plato chỉ về 'thế giới lý niệm', còn Aristotle chỉ về thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay.

Vì sao văn hoá Trung Quốc có thể ức chế sự chia rẽ xã hội?
Bức tranh Học viện Athens của danh họa Raphael. Ảnh Wikipedia.

Aristotle bắt đầu đề xuất về logic nghiêm ngặt, trên thực tế chính là con người bắt đầu dùng lý tính để nhìn nhận thế giới.

Đương nhiên bản thân việc dùng lý tính không phải là vấn đề, bởi vì lý tính là Thần cấp cho con người. Nhưng nếu con người thông qua lý tính để tách mình với thế giới, coi bản thân mình là 'chủ thể', còn coi thế giới là 'khách thể', thì con người đã bắt đầu đi lệch.

Aristotle thông qua quan sát, thực nghiệm, suy nghĩ logic để đưa ra một bộ lý luận. Vật lý học cũng bắt đầu như thế, tức là coi con người là chủ thể, coi thế giới là khách thể để nghiên cứu. Mà vốn dĩ con người với thế giới là nhất thể, gọi là 'chủ khách nhất thể'. Cho nên từ thời Aristotle thì nhân loại đã bắt đầu đi lệch.

Nếu con người coi Thần như một đối tượng để quan sát, thì lúc này lại xuất hiện một vấn đề nữa.

Vào trước thời Trung Cổ, khi ấy thế lực tôn giáo còn rất cường thịnh, con người lấy giáo nghĩa tôn giáo để tuân theo, trên cơ bản là họ có ước thúc tôn giáo. Nhưng từ thời Phục Hưng, người ta xem tôn giáo là khách thể (đối tượng nghiên cứu). Lúc này, tôn giáo mất đi tính Thần thánh.

Đến Thời kỳ Khai sáng, lý tính con người được phóng đại thêm một bước nữa. Lúc đó vẫn có những nhà tư tưởng giữ gìn tín ngưỡng như là Newton, Kant, Locke… nhưng cũng có những nhà tư tưởng đề xuất làm việc không có giới hạn đạo đức như Machiavelli, Rousseau.

Trong quá trình con người tự tách mình với tự nhiên, thì tôn giáo và vương quyền suy yếu.

Tôn giáo là quyền uy về mặt tinh thần, còn vương quyền là quyền uy và mặt thế tục. Khi con người biến tôn giáo trở thành chủ đề để thảo luận hoặc trêu đùa thì tôn giáo bắt đầu suy yếu. Khi tôn giáo suy yếu thì vương quyền cũng suy yếu, bởi vì ‘quân quyền Thần thụ’ (quyền vua Thần ban). Nếu Thần không có thì quân quyền cũng không có. Lúc này, vương quyền cũng mất đi tính Thần thánh.

Khi quyền uy tiêu mất sẽ khiến các tư tưởng khác nổi dậy. Xã hội lúc đó sẽ mất đi cơ cấu phán đoán/phán quyết để dựa vào, 'anh nói đạo lý của anh, tôi nói đạo lý của tôi, rốt cuộc ai đúng ai sai'.

Tuy rằng có nhiều tư tưởng có thể phát sinh tự do, tức là 'đa nguyên hoá' về hình thái ý thức, nhưng rất nhiều tư tưởng không chính (tà vạy) có thể phát sinh, giống như tư tưởng của Mác, Nietzsche… Hơn nữa những tư tưởng như là tư tưởng Mao Trạch Đông được truyền càng ngày càng rộng, và càng ngày càng có nhiều người tiếp thụ. Đây là nguyên nhân căn bản của việc xuất hiện các vấn đề xã hội, tức là con người đã cắt đứt mối quan hệ giữa người và Thần.

Vì sao văn hoá truyền thống Á Đông có thể ức chế 'đa nguyên hoá' về hình thái ý thức?

Giáo sư Chương nhìn nhận, văn hoá truyền thống Á Đông có thể ức chế đa nguyên hoá về hình thái ý thức, bởi vì trong văn hoá truyền thống Á Đông vốn dĩ là 'chủ khách nhất thể', tức là 'Thiên nhân hợp nhất'.

Giáo sư Chương cho rằng, sở dĩ tư tưởng xã hội hiện nay đi vào ngõ cụt là do con người coi mình là chủ thể, thậm chí coi tôn giáo là khách thể. Nhưng trong văn hoá truyền thống Á Đông không có sự phân chia đó.

Giống như câu chuyện 'Trang Sinh mộng điệp' (Trang Tử mơ hóa thành bươm bướm). Trang Tử nghĩ: Rốt cuộc ta mơ thành bướm, hay là bướm biến thành Trang Tử. Cho nên trong văn hoá truyền thống Á Đông có lý niệm 'chủ khách nhất thể', 'thiên nhân hợp nhất'.

Nhìn tranh truyền thống Á Đông thì trong đó con người được vẽ rất nhỏ, còn tự nhiên thì hồng đại to lớn, cảm giác con người giống như một hạt gạo trôi giữa đại dương thiên địa. Con người tu dưỡng trong tự nhiên với hy vọng dung hợp với tự nhiên thành nhất thể... Đây là chỗ rất khác giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây.

Thuần Phong biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao văn hoá truyền thống Á Đông có thể ức chế sự chia rẽ xã hội?