4 loại thực phẩm nên tránh khi uống rượu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rượu có nhiều giá thành khác nhau, một yếu tố quyết định đến giá rượu là nồng độ cồn, nồng độ cồn càng cao thì giá càng đắt. Các loại rượu phổ biến nhất trên thị trường là rượu 38°, 42° và 52°. Tuy nhiên, uống loại rượu đắt nhất có thể khiến bạn phải trả những hóa đơn y tế đắt nhất.

Rượu 38°, 42° và 52°: Loại nào có hại cho cơ thể hơn?

Nồng độ rượu biểu thị phần trăm thể tích của ethanol trong rượu (thể tích ở nhiệt độ 20°C), ví dụ: rượu 38° có nghĩa là 100ml rượu chứa 38ml ethanol.

Nói cách khác, nồng độ cồn càng cao thì càng chứa nhiều cồn. Nếu cùng một lượng thì rượu 52° chứa nhiều cồn hơn, càng nhiều cồn thì tác hại càng lớn.

Ví dụ, nếu uống nhiều rượu trong thời gian ngắn:

  • Khi nồng độ ethanol trong máu đạt 0,05%, con người sẽ bắt đầu cảm thấy hưng phấn, vui vẻ;
  • Khi nồng độ đạt 0,1%, con người sẽ mất tự chủ;
  • Khi nồng độ đạt 0,2%, con người sẽ bắt đầu say rượu;
  • Khi nồng độ đạt 0,4%, con người sẽ bất tỉnh, hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ thể sẽ ra sao nếu uống khoảng 100ml rượu mỗi ngày?

Lấy 100ml rượu 52° làm ví dụ. Lượng cồn tiêu thụ (g) = Lượng uống (ml) × Hàm lượng cồn × 0,8 (mật độ cồn)

Tính toán: 100 x 52% x 0.8=41.6g cồn

Uống 100ml rượu mỗi ngày, tức là tiêu thụ 41,6g cồn, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Một nghiên cứu toàn cầu do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công bố trên tạp chí The Lancet Oncology cho thấy, khoảng 740.000 ca ung thư mới trên toàn thế giới vào năm 2020 là do uống rượu gây ra.

Theo đó, tỷ lệ mắc ung thư do uống rượu như sau:

  • Uống 10g rượu mỗi ngày (uống một lượng nhỏ): 41.300 trường hợp mắc bệnh ung thư.
  • Uống 10 ~ 20g rượu mỗi ngày (uống vừa phải): Gây ra 13,9% bệnh ung thư liên quan đến rượu.
  • Uống 20 ~ 60g rượu mỗi ngày (uống rượu nguy hiểm): Gây ra 39,4% bệnh ung thư liên quan đến rượu.
  • Uống hơn 60g rượu mỗi ngày (uống quá nhiều): Gây ra 46,7% bệnh ung thư liên quan đến rượu.

Nói chung, uống khoảng 100ml rượu rất nguy hiểm và có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao.

Wang Donglin, bác sĩ trưởng Khoa Ung thư tại Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Trùng Khánh (Trung Quốc), từng nói rằng cơ chế sinh học cụ thể của quá trình gây ung thư do rượu vẫn chưa được làm rõ, nhưng lý thuyết được chấp nhận nhiều hơn là rượu gây đột biến gen.

Ethanol không gây ung thư nhưng sản phẩm trung gian của quá trình chuyển hóa ethanol trong cơ thể lại rất nguy hiểm.

Sau khi rượu vào cơ thể, phần lớn sẽ tạo ra acetaldehyde dưới tác động của gan và rượu dehydrogenase, acetaldehyde có thể làm tổn thương DNA của các tế bào khỏe mạnh, gây đột biến không thể phục hồi và tạo ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với bệnh ung thư.

Không uống rượu với những món ăn này, đặc biệt là đậu phộng

Đậu phộng trên bàn rượu thường rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, đậu phộng không hề ít calo, nhiều gấp đôi so với gạo và có thể gây tăng cân, tăng lipid máu. Hơn nữa, nhiều người uống rượu với đậu phộng rang, sau khi chiên không chỉ mất đi chất dinh dưỡng mà còn bổ sung thêm các chất gây ung thư như benzopyrene, acrylamide.

Ngoài đậu phộng, những thực phẩm sau đây không thích hợp làm đồ ăn kèm với rượu.

1. Hải sản

Hải sản là thực phẩm có hàm lượng purin cao, rượu sẽ làm tăng hàm lượng purin và đẩy nhanh quá trình dị hóa, khiến axit uric tăng cao dễ gây ra bệnh Gout, loãng xương…

2. Thịt nướng

Chất benzopyrene gây ung thư dễ dàng được tạo ra trong quá trình nướng thực phẩm, axit nucleic của thịt cũng tạo ra các chất đột biến gen, khi uống rượu quá nhiều và hàm lượng chì trong máu tăng lên, các chất gây ung thư trong thịt nướng kết hợp với nó có thể dễ gây ra các khối u ở đường tiêu hóa.

3. Thực phẩm hun khói và ướp muối

Nitrosamine và chất màu trong thực phẩm hun khói dễ phản ứng với rượu, gây tổn thương gan, khoang miệng, niêm mạc đường tiêu hóa... và làm tăng nguy cơ ung thư.

Làm gì để giảm thiểu tác hại do uống rượu gây ra?

Ngoài tránh những thực phẩm trên, còn có cách nào khác để giảm bớt tác hại do uống rượu gây ra? Những điểm sau đây có thể giúp bạn!

1. Trước khi uống rượu

(1) Ăn uống

Uống rượu khi bụng đói sẽ làm tăng tốc độ hấp thụ rượu và khiến người ta dễ say. Vì vậy, trước khi uống rượu, bạn có thể ăn các thực phẩm giàu chất béo, giàu protein hoặc nhiều carbohydrate để giảm sự kích thích trực tiếp của đường tiêu hóa do rượu gây ra.

Bạn có thể uống sữa hoặc sữa chua trước khi uống rượu nửa giờ, protein gắn vào niêm mạc dạ dày có thể phát huy tác dụng bảo vệ. Bạn cũng có thể uống một ít nước đường, điều này sẽ làm tăng tốc độ chuyển hóa rượu của gan.

(2) Đun ấm rượu

Một mặt, rượu đun nóng có thể làm giảm kích ứng đường tiêu hóa, mặt khác có thể làm bay hơi một phần các chất có hại như rượu, metanol, giảm tác hại cho cơ thể và ít gây say hơn.

2. Khi uống rượu

(1) Uống từ từ

Sau khi uống, rượu có thể đi vào máu trong vòng vài phút và nồng độ ethanol trong máu đạt mức cao nhất sau 30-120 phút. Uống chậm có thể làm chậm sự gia tăng nồng độ ethanol và trì hoãn trạng thái say.

(2) Kiểm soát lượng

Hãy cố gắng kiểm soát lượng rượu uống vào, uống càng ít thì càng giảm thiểu rủi ro.

3. Sau khi uống rượu

Uống nhiều nước hơn sau khi uống rượu sẽ thúc đẩy quá trình pha loãng và chuyển hóa rượu, đẩy nhanh quá trình bài tiết và giảm bớt các cảm giác khó chịu như khô miệng do rượu gây ra.

Theo Wang He - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

4 loại thực phẩm nên tránh khi uống rượu