Ai là người được Tần Thủy Hoàng phong làm tể tướng khi mới 12 tuổi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cậu bé này chỉ mới 12 tuổi đã có thể dùng chiếc lưỡi ba tấc giúp nước Tần thu được 16 thành trì. Trong đó có 5 tòa thành do nước Triệu chủ động cắt nhượng, 11 tòa thành nước Triệu chiếm được từ nước Yên rồi chuyển nhượng lại cho nước Tần. Đó chính là Cam La  - vị tể tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cam La sinh năm 247 trước Công nguyên, là một nhân vật tài hoa xuất chúng của nước Tần thời Chiến Quốc. Ông nội của Cam La là Cam Mậu, tinh thông các học thuyết của bách gia chư tử, và là một nhà chính trị nổi tiếng của nước Tần, từng giữ chức Tả thừa tướng dưới thời Tần Vũ Vương. Tuy nhiên, đến thời Tần Chiêu Vương, do bị gièm pha, Cam Mậu đã phải trốn khỏi nước Tần và cuối cùng chết ở nước Ngụy.

Vào thời Tần Vương Doanh Chính (sau này là Tần Thủy Hoàng), cậu bé Cam La 12 tuổi đang làm môn khách ở nhà của Thừa tướng Văn Tín Hầu Lã Bất Vi.

Lúc này, nước Tần đang lên kế hoạch liên minh với nước Yên để tấn công nước Triệu. Lã Bất Vi dự định cử Trương Đường đi sứ sang nước Yên. Tuy nhiên, Trương Đường lại từ chối do đường đi phải qua nước Triệu. Trước đó, Trương Đường từng lập chiến công cho Tần Chiêu Vương khi tấn công nước Triệu. Người dân nước Triệu vô cùng căm hận và treo thưởng truy nã Trương Đường. Trương Đường lo sợ rằng bản thân sẽ một đi không trở lại.

Lã Bất Vi cảm thấy không vui nhưng cũng không thể ép buộc Trương Đường, không biết làm sao, chỉ đành thở dài. Cam La thấy vậy liền hỏi nguyên nhân. Sau khi nghe Lã Bất Vi kể lại chuyện này, La Cam xung phong đi thuyết phục Trương Đường nhận nhiệm vụ.

Lã Bất Vi lớn tiếng trách mắng: "Hãy ra chỗ khác chơi! Ta đích thân mời mà ông ấy còn không chịu, ngươi chỉ là một đứa trẻ, sao có thể làm được?".

Cam La vẫn giữ thái độ tự tin, nói: "Ngày xưa, Hạng Thác mới 7 tuổi đã làm thầy của Khổng Tử. Nay tôi đã 12 tuổi, sao ngài lại lập tức trách mắng mà không để tôi thử xem?"

Lã Bất Vi không còn cách nào khác, chỉ đành đồng ý.

Cam La đến gặp Trương Đường, liền hỏi rằng: "Giữa ngài và Võ An Quân (Bạch Khởi), ai có nhiều công lao hơn?".

Trương Đường khẳng định rằng Bạch Khởi có công lao to lớn hơn.

Cam La lại hỏi: "Vậy nếu so sánh giữa Doanh Hầu (Phạm Thư) và Văn Tín Hầu (Lã Bất Vi) thì ai có quyền lực lớn hơn?".

Trương Đường trả lời: "Doanh Hầu không bằng Văn Tín Hầu".

Cam La tiếp tục hỏi: "Ngài có chắc chắn rằng Doanh Hầu không bằng Văn Tín Hầu không?"

Trương Đường khẳng định mình biết chắc.

Nhấn mạnh vào điểm này, Cam La nói tiếp: "Năm xưa, Doanh Hầu muốn tấn công nước Triệu, Võ An Quân không tuân lệnh, kết quả bị đuổi khỏi Hàm Dương và ban cho cái chết ở Đỗ Bưu cách Hàm Dương bảy dặm. Hiện giờ, Văn Tín Hầu đích thân mời ngài đi sứ sang nước Yên, vậy mà ngài lại lắc đầu từ chối. Tôi không biết ngài sẽ chết ở đâu".

Trương Đường nghe xong cảm thấy lạnh sống lưng, thầm nghĩ cậu bé này quá giỏi, đành nói: "Được rồi, ta nghe lời ngươi, muốn ta sang nước Yên vậy thì ta sẽ sang nước Yên".

Sau đó, Trương Đường cho người chuẩn bị xe ngựa, chọn ngày lành tháng tốt để lên đường.

Sau khi Trương Đường chọn ngày khởi hành, Cam La lại xin Lã Bất Vi chuẩn bị cho mình năm cỗ xe ngựa. Cam La muốn tự mình đến nước Triệu trước để dọn đường cho Trương Đường. Lã Bất Vi tâu việc này lên Tần Vương Doanh Chính, nói về gia thế của Cam La, đồng thời nói rằng các nước chư hầu đều đã từng nghe nói về cậu bé này. Tần Thủy Hoàng cho gọi Cam La đến gặp và sau đó cử cậu bé đi sứ sang nước Triệu. Triệu Tương Vương (hay còn gọi là Triệu Điệu Tương vương) đã đích thân ra vùng ngoại ô để nghênh đón Cam La. Đây là loại nghi thức tiếp đón vô cùng long trọng thời bấy giờ.

Lúc này, Thái tử Đan nước Yên đang làm con tin ở nước Tần, Trương Đường sắp sửa đến nước Yên nhậm chức Tể tướng. Triệu Điệu Tương Vương biết rõ tất cả những việc này. Thế nhưng Cam La vẫn cố ý hỏi Triệu Vương có biết hay không.

Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định, Cam La tiếp tục phân tích toàn bộ tình hình cho Triệu Vương. Cam La nói: "Thái tử Đan nước Yên sang nước Tần, chứng tỏ nước Yên không dám làm trái ý nước Tần. Trương Đường sang nước Yên nhậm chức, nghĩa là nước Tần sẽ không đối phó với nước Yên. Nếu hai nước Yên và Tần liên thủ để chống lại nước Triệu thì nước Triệu sẽ gặp nguy hiểm. Hai nước liên thủ tấn công nước Triệu, mục đích chính là mở rộng lãnh thổ ở vùng Hà Gian. Chi bằng Đại Vương hãy dâng 5 thành trì để nước Tần mở rộng lãnh thổ ở vùng này. Như vậy khi trở về, tôi sẽ tâu xin Tần Vương đưa Thái tử Đan nước Yên về nước, để cho nước Triệu hùng mạnh tấn công nước Yên nhỏ yếu".

Triệu Vương vô cùng vui mừng, lập tức dâng 5 thành trì cho nước Tần. Như vậy, nước Tần không tốn một binh một tốt vẫn có thể mở rộng lãnh thổ ở vùng Hà Gian.

Sau khi Thái tử Đan nước Yên được đưa về nước, nước Triệu hối hả đánh nước Yên, chiếm được 30 tòa thành. Nước Tần "ngồi không vẫn hưởng lộc", không làm gì nhưng vẫn được chia 11 trong số 30 thành này. Tần Vương vô cùng vui mừng, lập tức phong Cam La làm Thượng khanh và ban cho ông vùng đất trước đây từng ban cho Cam Mậu. Thời đó, các nước chư hầu đều có chức Khanh. Thượng khanh tương đương với Tể tướng, chức vị cao hơn so với Đại phu, do đó có câu nói rằng "Cam La 12 tuổi làm Tể tướng".

Trong cuốn "Sử ký", Tư Mã Thiên đã nhận xét rằng: "Cam La tuy còn trẻ, nhưng lại có thể đưa ra kế sách hay, tiếng tăm vang dội muôn đời. Tuy không phải là một bậc quân tử hoàn toàn chính trực, nhưng cũng là một mưu sĩ xuất chúng thời Chiến Quốc. Trong thời kỳ nước Tần hùng mạnh, thiên hạ càng có khuynh hướng sử dụng nhiều mưu kế".

Tài liệu tham khảo: Sử ký - Cuốn 71 - Sư Lý Tử Cam Mậu liệt truyện

Trình Thư Ngữ - Sound of Hope
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ai là người được Tần Thủy Hoàng phong làm tể tướng khi mới 12 tuổi?