Ân đền oán trả (3): Hạp Lư hiếu chiến thất bại, Tôn Vũ công thành thân thoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôn Vũ nói riêng với Ngũ Tử Tư như thế này: "Ông biết đạo Trời chứ? Nóng đi lạnh tới, xuân đến thu đi. Vua đang lúc nước nhà cường thịnh, bốn bề vô lo, sẽ sinh kiêu ngạo hưởng lạc. Công thành mà thân không thoái, tất rước họa về sau, tôi không chỉ tính cho mình vẹn toàn, mà còn muốn lo cả cho ông nữa đó”.

Hạp Lư hiếu chiến thất bại

Phù Khái vội vã trở về kinh đô Dĩnh, nói với Hạp Lư rằng liên quân Tần - Sở rất mạnh, sợ chúng ta không thể chống lại được.

Hạp Lư hiện lên vẻ sợ hãi, Tôn Vũ nói: “Lúc đó hạ thần muốn bệ hạ phong công tử Thắng làm Sở vương, vì lo Sở Chiêu Vương sẽ bất ngờ trở lại, hiện tại chúng ta không thể đánh Tần và Sở. Quân Ngô hiện tại rất kiêu ngạo, trong khi quân bên kia đang trong tình trạng báo thù nên sĩ khí hai bên khác biệt, lại thêm quân số bên kia rất đông. Nếu chúng ta giao chiến, sẽ không thể thắng được. Cách tốt nhất bây giờ là làm hòa với Sở. Tuy chúng ta không thể đánh bại họ, nhưng nay vẫn còn vốn để cầu hòa, chứ thua rồi thì còn bàn hòa gì nữa, để Sở nhượng lại biên giới phía Tây, chúng ta đồng ý khôi phục ngôi vua cho Sở Chiêu Vương. Bằng cách này, chúng ta có thể mở rộng đáng kể lãnh thổ của nước Ngô”.

Bởi vì phía tây nước Sở giáp phía đông nước Ngô. Một khi lãnh thổ của nước Ngô mở rộng, dân số sẽ tăng lên, sau đó có thể thu được nhiều thuế hơn, đất nước sẽ trở nên giàu có.

Khi Tôn Vũ đối mặt với thời điểm nguy cấp như vậy, ông đang tính toán làm thế nào để mang lại lợi ích lớn nhất cho nước Ngô. Ngũ Tử Tư biết Tôn Vũ nói rất đúng và đồng ý với ý kiến ​​​​của Tôn Vũ, nhưng Bá Dĩ không đồng ý. Bá Dĩ nói: “Chúng ta đánh năm trận tiến vào tận kinh đô Dĩnh, thế như chẻ tre, sao vừa thấy quân Tần lại lập tức cầu hòa? Cho tôi một vạn quân, đảm bảo sẽ chiến thắng, nếu không tôi sẽ chịu tội”.

Khi đó, Hạp Lư mạnh miệng giao cho Bá Dĩ một vạn quân. Kết quả Bá Dĩ vừa xuất trận bị đánh bại ngay, cuối cùng chỉ có hai nghìn quân trốn thoát. Bá Dĩ bảo thuộc hạ đưa anh ta vào xe tù và nhận tội với vua Ngô. Tôn Vũ nói với vua Ngô rằng Bá Dĩ là người kiêu căng tự phụ, về lâu dài sẽ gây họa cho nước Ngô, thà nhân thất bại này mà dùng quân lệnh giết hắn.

Không biết Tôn Vũ có nghe được Thần tướng Bị Ly nói về Bá Dĩ: “Tính tham lam, nịnh bợ, thích lập công và giỏi giết chóc” v v. Nhưng Ngũ Tử Tư một lần nữa đứng ra xin tha cho Bá Dĩ, nói rằng Bá Dĩ đã đánh rất nhiều trận thắng, nên lấy công lao mà giảm tội hình, kết quả là Bá Dĩ đã được miễn tội.

(Chú thích) Thân Bao Tư đứng trong sân đình Tần khóc suốt bảy ngày bảy đêm, cảm động Tần Ai Công xuất binh khôi phục nước Sở. Em trai của vua Ngô là Phù Khái bị đánh bại, Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư đều khuyên vua Ngô nên rút lui, nhưng Bá Dĩ nhất quyết chiến đấu và bị đại bại. Tôn Vũ thuyết phục Ngô Vương giết Bá Dĩ để thực thi quân luật, nhưng Ngũ Tử Tư đã cầu xin vua Ngô tha tội cho Bá Dĩ. Tình thế đã rất bất lợi đối với quân Ngô, vậy Ngô vương muốn tiếp tục kháng cự hay lui quân cho xong?

Hạp Lư cũng đang cân nhắc, nên hòa hay đánh? Đầu tiên ông lựa chọn là chiến đấu. Ông ra lệnh cho em trai mình là Phù Khái canh giữ kinh đô Dĩnh. Kết quả Phù Khái nghĩ rằng nước Ngô chúng ta truyền ngôi là từ anh sang em, nếu anh chết thì em trai sẽ kế vị, nhưng bây giờ Hạp Lư không phong mình làm người kế vị, mà là phong con trai ông là Phù Sai làm thái tử. Phù Khái nghĩ, chẳng phải điều đó có nghĩa là mình sẽ không có cơ hội trở thành vua nước Ngô sao?

Lợi dụng việc Hạp Lư đang giao chiến với Sở và Tần, ta nhanh chóng bí mật trở về nước Ngô và tự xưng là vua. Thế là Phù Khái dẫn quân bỏ chạy, dọc đường còn tung tin thất thiệt rằng vua nước Ngô đã bại trận, không rõ tung tích. Theo quy định của nước Ngô, anh em kế vị, Phù Khái xứng đáng là vua nước Ngô. Đồng thời, Phù Khái yêu cầu nước Việt giúp đỡ, hỗ trợ quân sự và chính trị cho anh ta.

Ngay khi Phù Khái bỏ chạy, Hạp Lư đã biết chuyện. Ông hỏi Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư tại sao Phù Khái lại bỏ chạy. Ngũ Tử Tư nói rằng nếu anh ta bỏ chạy, thì chắc chắn sẽ tạo phản. Ngũ Tử Tư có thể vẫn còn nhớ Thần tướng Bị Ly đã nói rằng Phù Khái "có râu mọc ngược, chắc chắn sẽ phản chủ, phản quốc". Vì vậy, khi Hạp Lư nghe tin trong nước có nội loạn, ông lập tức dẫn quân về để dẹp loạn.

Khi Hạp Lư dẹp loạn, ông ra lệnh: "Ta vẫn còn ở đây, nhưng các người đã tin vào tin đồn của Phù Khái. Chỉ cần bây giờ các ngươi quay lại, ta sẽ ngay lập tức tha thứ tội lỗi, bất kể các ngươi có theo Phù Khái trước đó hay không, nhưng nếu không quay lại bây giờ, một khi Phù Khái bị đánh bại, ta sẽ giết tất cả những người đi theo hắn".

Hạp Lư ra chiêu này thật lợi hại, bởi vì Phù Khái vốn là người tung tin đồn, Hạp Lư vừa xuất hiện, mọi người đều nghe nói Ngô Vương còn sống, lại có mệnh lệnh quân sự này, cho nên gần như toàn bộ quân đội của nước Ngô đều chạy sang bên Hạp Lư, Phù Khái chỉ còn chút tàn quân và bị đánh bại nhanh chóng. Sau thất bại, Phù Khái chạy sang nước Việt. Khi đó nước Việt thấy Phù Khái bại trận nên không tiếp tục đưa quân đi đánh nước Ngô.

Do có nội loạn, nên Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư cầm quân. Ngũ Tử Tư đã chuẩn bị điều quân, chưa kịp thương lượng với Sở, Tôn Vũ nói: "Tại sao không mời công tử Thắng? Nếu chúng ta bắt buộc phải đánh trận, tại sao chúng ta không nhân lúc chưa đánh trận, chưa bại trận, vốn liếng vẫn còn mà đòi nước Sở phong cho công tử Thắng một quận lớn? để công tử Thắng làm chủ vùng ấy”.

Thế nên các bạn thấy Tôn Vũ thắng cũng không hề kiêu ngạo, lúc mọi người đang uống rượu, ông ta đang nghĩ cách chiếm Sở lâu dài, đề nghị thành lập một chính phủ bù nhìn, khi thấy mình không có cơ hội thắng, liền đề nghị muốn cắt một mảnh đất lớn của nước Sở, bây giờ có thể không có vốn để thương thảo, liền yêu cầu đưa công tử Thắng về. Bởi vì đây là lẽ thường, do công tử Thắng là con trai của cố Thái tử Kiến nước Sở nên Sở Chiêu Vương cũng đồng ý. Vì vậy Mị Thắng (tên của công tử Thắng) đã được cấp một ấp lớn. Bằng cách này, nước Ngô đã rút quân khỏi nước Sở.

Trước khi rút lui, quân Ngô đã vận chuyển toàn bộ tiền bạc, ngũ cốc, v.v trong kho của nước Sở về nước Ngô, bỗng nhiên nước Ngô có được rất nhiều tiền bạc cùng lương thực, trở thành một nước rất giàu có.

Khi Ngũ Tử Tư rút lui, ông để Tôn Vũ đi trước bằng đường thủy, còn ông dẫn quân theo con đường mà ông trốn chạy khi xưa và đến Chiêu Quan, ông ra lệnh phá bỏ ải Chiêu Quan. Đồng thời, ông tìm Đông Cao Công và Hoàng Phủ Nột, ông muốn trả ơn. Kết quả không tìm thấy họ ở đâu nên Ngũ Tử Tư bái vọng để tỏ lòng kính trọng tại nơi họ từng sống.

Khi đến sông Lai, nơi cô thợ giặt tự sát, Ngũ Tử Tư mang một ngàn cân vàng thả xuống nước và nói: "Nàng sống khôn chết thiêng, dưới suối vàng chứng giám cho lòng ta, ta đang thực hiện lời hứa với nàng thủa ấy”.

Ngũ Tử Tư ngoài việc báo thù, ông còn muốn báo ân.

Ngũ Tử Tư mang ngàn cân vàng thả xuống nước trả ân. (Tranh Chí Cường - Epoch Times)

Tôn Vũ công thành thân thoái

Sau khi Ngũ Tử Tư trở về nước Ngô, Hạp Lư luận công ban thưởng để xem ai có công lớn nhất trong việc đánh bại nước Sở. Vị có công đầu đánh trận lẽ ra phải là Phù Khái, vốn là người tiên phong nhưng lại nổi loạn và chạy sang đất Việt. Công lao đầu tiên là do Tôn Vũ lập, vua Hạp Lư lúc đó muốn ban thưởng rất hậu cho Tôn Vũ nhưng Tôn Vũ không chịu nhận, thậm chí không nhận tước hiệu, cũng không nhận bất kể tiền vật gì.

Tôn Vũ nói riêng với Ngũ Tử Tư như thế này: "Ông biết đạo Trời chứ? Nóng đi lạnh tới, xuân đến thu đi. Vua đang lúc nước nhà cường thịnh, bốn bề vô lo, sẽ sinh kiêu ngạo hưởng lạc. Công thành mà thân không thoái, tất rước họa về sau, tôi không chỉ tính cho mình vẹn toàn, mà còn muốn lo cả cho ông nữa đó”.

Ông nói về Thiên đạo, sau mùa xuân, mùa thu sẽ đến, một đất nước không thể lúc nào cũng ở đỉnh cao, bây giờ nước Ngô đã đạt đến đỉnh cao sau khi diệt Sở, đó cũng là điểm khởi đầu cho sự suy tàn của nước Ngô. Tôn Tử nói hôm nay “bốn bề vô lo”, không ai có thể thách thức chúng ta, nhà vua chắc chắn sẽ kiêu ngạo và bắt đầu hưởng lạc, đây là điểm khởi đầu cho sự suy bại của nước Ngô. Cuối cùng ông khuyên: “Công thành mà không thoái, tất rước họa về sau”. Cho nên hôm nay tôi rời Ngô, không chỉ là để tự cứu mình mà còn hy vọng ông sẽ cùng tôi rời đi, tôi cũng muốn cứu ông. Kết quả là Ngũ Tử Tư không chịu nghe. Tôn Vũ rời nước Ngô.

Hạp Lư đã cho Tôn Vũ rất nhiều tiền. Tôn Ngũ phân phát cho dân chúng dọc đường, không để lại một xu nào, phiêu nhiên nhẹ bước quay về núi, tiếp tục viết binh pháp của mình.

Chúng ta thấy rằng trong cuộc chiến Ngô - Sở, có rất nhiều người có tính cách rất đặc biệt. Ngũ Tử Tư khắc khổ mưu sâu trong mười sáu năm, và cuối cùng đã đạt được mong muốn trả thù, ông cũng là một người thông đạt lẽ ân đền oán trả. Tôn Vũ là người có hiểu biết sâu sắc về Đạo Trời, rất coi nhẹ danh lợi.

Sau khi Sở Chiêu Vương khôi phục vương quốc, ông cũng muốn ban thưởng cho quần thần. Người đóng góp lớn nhất trong số họ chắc chắn là Thân Bao Tư. Nhưng Thân Bao Tư không nhận. Vua Sở quyết tâm ban thưởng nên Thân Bao Tư bỏ chạy. Vợ ông hỏi : “Phu quân đã có công lớn như vậy đối với nước Sở, đi từ Tùy sang Tần mượn quân, khóc suốt bảy ngày bảy đêm, khiến Tần Ai Công cảm động. Khi trở về, phu quân đã đánh đuổi quân Ngô, được ban thưởng không phải là chuyện đương nhiên sao?”

Thân Bao Tư nói, ta có tội với nước Sở, không có công trạng gì. Năm xưa, để hoàn thành nghĩa tình bằng hữu và hoàn thành lòng hiếu thảo của Ngũ Tử Tư, nên ta đã ngồi nhìn Ngũ Tử Tư tiêu diệt nước Sở, vì vậy ta không lấy tội của mình mà mạo nhận công. Dường như ta đã khôi phục lại nước Sở, nhưng thực ra sự sụp đổ trước đó của nước Sở có liên quan đến ta, nên ta chỉ làm gì đó để bù đắp tội lỗi của mình, chứ không hề có chút công lao nào. Vì vậy Thân Bao Tư đã bỏ chạy. Sau đó, để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thân Bao Tư, vua Sở Chiêu Vương đã đến nơi ở cũ của Thân Bao Tư, đề tặng bốn chữ: “Trung thần chi môn” (nhà của bậc trung thần)

(Chú thích) Vua Hạp Lư đã dập tắt cuộc nổi loạn của em trai mình là Phù Khái, và trở về nước Ngô. Ngũ Tử Tư đã đi theo con đường chạy trốn kia xưa để tìm người báo ân. Sau khi trở về Cô Tô, vua Ngô đã luận công ban thưởng, nhưng Tôn Vũ không nhận. Ông cho rằng sứ mệnh của mình đã hoàn thành, nên quay về núi để tiếp tục viết binh pháp. Trước khi rời đi, ông đã thuyết phục Ngũ Tử Tư đi cùng để cứu mạng Ngũ Tử Tư. Thân Bao Tư là nhân vật quan trọng nhất trong việc khôi phục nước Sở, cũng không tự hào về công lao bản thân, trốn lên núi sống ẩn dật.

Cuộc chiến giữa Ngô và Sở đã kết thúc như vậy, Ngũ Tử Tư phải mất mười sáu năm để thực hiện được tâm nguyện trả thù ấp ủ từ lâu của mình. Nhưng sau khi chiến tranh Ngô - Sở kết thúc, lại có một người khác, mất gần hai mươi năm để báo thù rửa nhục, người này là ai? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo "Thạch ốc dưỡng mã" (ở trong nhà đá chăn ngựa).

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 6 - Ân đền oán trả (3)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ân đền oán trả (3): Hạp Lư hiếu chiến thất bại, Tôn Vũ công thành thân thoái