AstraZeneca bắt đầu rút lô vaccine COVID-19 trên toàn thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

AstraZeneca gần đây đã thừa nhận trong một tài liệu của tòa án Anh rằng mũi tiêm của họ có thể gây ra cục máu đông và giảm tiểu cầu trong những trường hợp rất hiếm hoi.

Nhiều tháng sau khi hãng thừa nhận rủi ro hiếm gặp về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine COVID-19, AstraZeneca đã bắt đầu thu hồi lại toàn bộ lô vaccine trên toàn cầu vào ngày 7/5, với lý do là "dư thừa" nguồn cung.

Loại vaccine của gã khổng lồ dược phẩm này, Vaxzevria, không còn được ủy quyền tại Liên minh Châu Âu kể từ ngày 7 tháng 5, sau khi AstraZeneca yêu cầu rút lại "giấy uỷ quyền tiếp thị" vào ngày 5 tháng 3, theo các tài liệu do The Telegraph báo cáo.

Việc rút giấy phép chỉ diễn ra vài tuần sau khi công ty thừa nhận trong một tài liệu của tòa án Anh rằng vaccine của họ "có thể, trong những trường hợp rất hiếm hoi, gây ra" cục máu đông và giảm tiểu cầu, một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng được gọi là hội chứng huyết khối với giảm tiểu cầu (TTS). Ban đầu, công ty đã phủ nhận mối liên hệ nhân quả giữa chúng (vaccine và tình trạng sức khoẻ xấu).

Tuy nhiên, AstraZeneca không coi việc thừa nhận rủi ro này là yếu tố góp phần vào quyết định [thu hồi lô vaccine còn lại trên toàn cầu] của mình. Thay vào đó, họ tuyên bố hiện nay có "quá nhiều vaccine được cập nhật" nhắm vào các biến thể mới của virus gây ra COVID-19.

AstraZeneca cho biết trong một tuyên bố gửi The Telegraph rằng họ cam kết hợp tác với các cơ quan quản lý và đối tác để hoàn tất "sự đóng góp cho đại dịch COVID-19".

"Chúng tôi vô cùng tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu", công ty cho biết trong tuyên bố. "Theo ước tính độc lập, hơn 6,5 triệu người đã được cứu sống chỉ trong năm đầu tiên sử dụng và hơn ba tỷ liều đã được cung cấp trên toàn cầu”.

"Những nỗ lực của chúng tôi đã được các chính phủ trên khắp thế giới ghi nhận và được coi là một thành phần quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch”.

"Do nhiều loại vaccine COVID-19 biến thể đã được phát triển kể từ đó, nên hiện nay có rất nhiều vaccine trên thị trường. Điều này dẫn đến nhu cầu giảm đối với Vaxzevria, loại vaccine này không còn được sản xuất hoặc cung cấp nữa”.

"Do đó, AstraZeneca đã đưa ra quyết định bắt đầu rút giấy phép marketing cho Vaxzevria trong phạm vi Châu Âu. Bây giờ chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý và các đối tác của mình để thống nhất về một con đường rõ ràng hướng tới việc kết thúc chương này và đóng góp đáng kể cho đại dịch COVID-19", tuyên bố kết luận.

Vụ kiện tập thể ở Anh

Vaxzevria, một loại vaccine vector virus, được phê duyệt sử dụng tại Liên minh Châu Âu vào tháng 1 năm 2021.

Việc rút vaccine khỏi thị trường Châu Âu diễn ra sau một động thái tương tự ở Úc, nơi đã loại bỏ vaccine AstraZeneca khỏi Danh sách Hàng hóa Điều trị trước đó khoảng vài tuần, vào ngày 23 tháng 4.

Việc loại bỏ vaccine ở Úc được cho là "quyết định kinh doanh của công ty, do không có nhu cầu hiện tại hoặc tương lai, và tuân theo các quyết định kinh doanh tương tự được đưa ra ở nước ngoài".

Dựa trên bằng chứng về các trường hợp liên quan đến TTS, Úc đã thay đổi khuyến cáo tiêm chủng COVID-19 đối với một số nhóm tuổi từ vaccine AstraZeneca sang một loại mũi tiêm thay thế vào năm 2021.

Lời thừa nhận của AstraZeneca, tiết lộ trong một tài liệu của tòa án tối cao từ tháng 2 và công khai vào cuối tháng 4, đã được đưa ra ánh sáng thông qua một vụ kiện tập thể kéo dài ở Vương quốc Anh, theo báo cáo của The Telegraph.

Những người khởi kiện cáo buộc rằng hàng chục thương tích và tử vong ở Vương quốc Anh là do vaccine của AstraZeneca gây ra. Hơn 50 người đã kiện công ty, cùng với nhà sản xuất vaccine - Viện Huyết thanh Ấn Độ, để yêu cầu bồi thường.

AstraZeneca đã bác bỏ các cáo buộc nhưng thừa nhận rủi ro của TTS.

Theo báo cáo, vào tháng 5 năm 2023, AstraZeneca đã viết thư cho luật sư đại diện của một nạn nhân, Jamie Scott, trong đó từ chối thừa nhận rằng TTS là do vaccine của họ gây ra.

"Công ty thừa nhận rằng vaccine AZ có thể, trong những trường hợp rất hiếm hoi, gây ra TTS. Tuy nhiên, cơ chế gây bệnh vẫn chưa được biết", công ty viết, theo The Telegraph. "Hơn nữa, TTS cũng có thể xảy ra ngay cả khi không tiêm vaccine AZ (hoặc bất kỳ loại vaccine nào khác). Mối quan hệ nhân quả trong từng trường hợp cụ thể sẽ là vấn đề cần có bằng chứng của chuyên gia".

Vaccine AstraZeneca trước đây đã từng bị tạm dừng sử dụng tại các nước châu Âu sau các báo cáo về một trường hợp tử vong được cho là do vaccine gây ra ở Hà Lan, và các tác dụng phụ ở những nơi khác.

Các trường hợp mắc TTS cũng đã được xác nhận ở Úc, bao gồm một trường hợp liên quan đến một nữ diễn viên đã kiện AstraZeneca sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng TTS do vaccine gây ra, dẫn đến đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng, khiến cô không thể làm việc trong vài tuần sau khi tiêm vaccine.

Theo Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, Vaxzevria không chứa virus COVID-19 mà được tạo thành từ một loại virus khác thuộc họ adenovirus đã sửa đổi để chứa gen tạo ra protein từ SARS-CoV-2.

Mặc dù nhìn chung được coi là an toàn và hiệu quả, nhưng TTS được báo cáo là ảnh hưởng đến khoảng hai đến ba người trên 100.000 người được tiêm vaccine Vaxzevria.

Một số nghiên cứu đã liên kết vaccine vector virus COVID-19, chẳng hạn như Vaxzevria, với nguy cơ mắc hội chứng Guillain-Barré tăng gấp ba đến bốn lần so với vaccine dựa trên mRNA.

Theo Caden Pearson - The Epoch Times
Nhật Duy

Caden Pearson là phóng viên chuyên đưa tin về nước Mỹ và thế giới.



BÀI CHỌN LỌC

AstraZeneca bắt đầu rút lô vaccine COVID-19 trên toàn thế giới