Chuyên gia Việt Nam trấn an dư luận trước thông tin vaccine AstraZeneca gây đông máu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc AstraZeneca thừa nhận tác dụng phụ của vaccine COVID-19 có thể gây tử vong đã khiến dư luận Việt Nam xôn xao đáng kể.

Nhằm trấn an dư luận, sáng 3/5, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết hầu hết những người đã từng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong giai đoạn từ 2021-2022 “không cần quá lo lắng về tác dụng phụ dẫn đến đông máu”.

Ông nói thêm, khi triển khai tiêm chủng vaccine, Việt Nam cũng đã cảnh báo nguy cơ đông máu có thể xảy ra. Để an toàn, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng và khuyến cáo người dân về các biến cố đông máu hiếm gặp ở người sau tiêm, như cần nhập viện khi nhức đầu dữ dội; đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực…

Chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết các loại vaccine khi được cấp phép sử dụng đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt.

Theo chuyên gia, hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca được sử dụng nhưng chỉ ghi nhận một vài trường hợp phản ứng liên quan đến huyết khối sau tiêm.

Chuyên gia cho biết “đây là một tỷ lệ vô cùng thấp”, và tình trạng huyết khối chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi dùng vaccine.

Hiện tại, Việt Nam đã dừng triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19.

Trong thời kỳ đại dịch, Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Đến giữa năm 2023, hơn 266,5 triệu liều được sử dụng, là một trong quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.

AstraZeneca gây sốc khi thừa nhận tác dụng phụ của vaccine COVID-19

Trước đó, AstraZeneca, gã khổng lồ dược phẩm có trụ sở chính tại Anh, đã vướng vào một vụ kiện tập thể với cáo buộc cho rằng, vaccine COVID-19 (được hãng đồng phát triển với Đại học Oxford) đã gây ra hàng loạt cái chết và thương tật nghiêm trọng cho người sử dụng, theo Telegraph hôm 2/5.

Đơn kiện đầu tiên được một người tên là Jamie Scott đệ trình lên Toà án tối cao vào năm ngoái, trong đó nêu rõ ông bị tổn thương não vĩnh viễn sau khi gặp chứng đông máu gây đột quỵ và chảy máu não, không thể làm việc sau một ngày tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca vào tháng 4/2021. Lúc bấy giờ, bệnh viện đã ba lần gọi cho vợ của ông, bà Kate Scott, để báo tin chồng của bà sắp chết.

Đến nay, tổng cộng đã có 51 đơn kiện được đệ trình, ước tính số tiền mà các nạn nhân đòi bồi thường lên tới 100 triệu bảng Anh.

Mặc dù AstraZeneca bày tỏ sự phản đối với các cáo buộc nêu trêu. Tuy nhiên, trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Toà án tối cao vào tháng Hai, lần đầu tiên hãng đã thừa nhận rằng vaccine COVID-19 “có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) trong những trường hợp hiếm gặp”.

Khi đó, bệnh nhân sẽ có cục máu đông và số lượng tiểu cầu trong máu thấp. Tuy nhiên, hãng lưu ý thêm rằng hội chứng giảm tiểu cầu vẫn có thể xảy ra kể cả khi không tiêm vaccine, do đó cần điều tra cụ thể về cơ chế gây đông máu của từng trường hợp cụ thể.

Sự thừa nhận của hãng là kết quả sau nhiều tranh cãi pháp lý gay gắt. Đây có thể là tiền đề để toà án yêu cầu AstraZeneca bồi thường cho các nguyên đơn, nếu công ty dược phẩm này thừa nhận vaccine là nguyên nhân gây bệnh nặng và cái chết cho các trường hợp liên quan.

Việc AstraZeneca thừa nhận rủi ro tiềm ẩn của vaccine đi ngược lại với lời khẳng định được đưa ra vào năm 2023, rằng hãng “không chấp nhận tình trạng đông máu ở người dùng là do vaccine gây ra”.

Luật sư của ông Jamie Scott lập luận rằng, vaccine COVID-19 của AstraZeneca bị lỗi và hãng đã phóng đại quá mức về hiệu quả của nó. Ở phía ngược lại, AstraZeneca đã phủ nhận cáo buộc này.

Trước đó, ngay sau khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19, các nhà khoa học đã nhận ra mối liên kết giữa vaccine với tình trạng viêm tiểu cầu và huyết khối do vaccine (VITT).

Luật sư đại diện cho các bên kiện AstraZeneca cho rằng VITT là một phần con của TTS.

Bà Kate Scott nói rằng cộng đồng y học từ lâu đã thừa nhận rằng VITT là do vaccine gây ra. Chỉ có AstraZeneca mới nghi ngờ liệu tình trạng của chồng bà có phải là do tiêm chủng hay không.

Đành rằng cần mất ba năm để khiến AstraZeneca chấp nhận thực tế này, nhưng bà Kate khẳng định đây là cơ sở để giải quyết vấn đề này sớm hơn.

Bà nói thêm: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi, bồi thường công bằng cho gia đình của chúng tôi và các gia đình khác đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi có sự thật ở phía sau, và chúng tôi sẽ không từ bỏ”.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tác dụng phụ rất hiếm gặp sau tiêm vaccine AstraZeneca là huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu, có thể gây tình trạng đông máu bất thường, nghiêm trọng.

Theo định nghĩa của Hội đồng Tổ chức Khoa học Y tế Quốc tế, "tác dụng phụ rất hiếm gặp" là những phản ứng được báo cáo với tỷ lệ từ 1/10.000 trường hợp trở xuống.

Trong tuyên bố của mình, hãng AstraZeneca gửi lời chia buồn đến những gia đình đã mất người thân hoặc người gặp vấn đề sức khỏe sau tiêm chủng. Hãng cho biết an toàn của người dùng là ưu tiên hàng đầu. Hãng có các tiêu chuẩn rõ ràng và nghiêm ngặt, đảm bảo sản xuất và phân phối an toàn các loại thuốc, trong đó có vaccine.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca hiện không còn được sử dụng ở Anh.

Sau khi triển khai tiêm loại vaccine này vài tháng, các tác dụng phụ nghiêm trọng của loại vaccine này đã được các nhà khoa học xác định. Điều này dẫn đến khuyến nghị những người dưới 40 tuổi được đề xuất một loại vaccine thay thế.

Nhiều trường hợp tác dụng phụ xuất hiện khi triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca ở Châu Âu

Vào tháng 5/2021, Cơ quan Y tế Na Uy cho biết nước này cần chấm dứt sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

Trong một tuyên bố, Giám đốc kiểm soát nhiễm trùng tại Viện Y tế Công cộng Quốc gia Na Uy, ông Geir Bukholm cho biết, theo thời gian, họ đã có nhiều kiến ​​thức hơn về mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca với các sự cố hiếm gặp và nghiêm trọng về tiểu cầu thấp, huyết khối và chảy máu.

Động thái của cơ quan này diễn ra sau khi hơn 10 quốc gia EU đình chỉ việc sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Trước đó, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu loại bỏ hoàn toàn vaccine COVID-19 của công ty dược phẩm nói trên.

Quan chức y tế Đan Mạch, ông Soren Brostrom nói rằng, nhìn chung, vaccine AstraZeneca bộc lộ dấu hiệu cho thấy tác dụng phụ thực sự và nghiêm trọng.

Các quan chức Đan Mạch nói rằng hai người sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã bị đông máu nghiêm trọng. Họ cho biết một trong số các nạn nhân đã chết.

Vào cuối tháng 3/2021, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) kết luận vaccine AstraZeneca có liên đới tới các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch tại nước này.

Huyết khối tĩnh mạch là hiện tượng hình thành cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch với tỷ lệ tử vong cao. Ngày càng nhiều bác sĩ trên khắp châu Âu tin rằng vaccine AstraZeneca là nguyên nhân gây ra chứng đông máu.

Theo ladepeche.fr, một phụ nữ 38 tuổi sống tại Toulouse (Pháp) đã tử vong sau 14 ngày tiêm vaccine AstraZeneca. Các biến chứng đông máu đã khiến bệnh nhân này rơi vào hôn mê và tử vong. Trước khi tiêm phòng, người phụ nữ này có thể chất rất tốt.

AstraZeneca được cho là hãng dược phẩm đi đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 với giá thành rẻ và dễ bảo quản hơn nhiều so với vaccine của các hãng đối thủ như Moderna hay Pfizer.

Theo aa.com, Chủ tịch Ủy ban an toàn của EMA (Cơ quan Y tế Châu Âu) - ông Sabine Straus cho biết tính đến ngày 4/4/2021, cơ quan này ghi nhận 169 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não hiếm gặp ở người sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.

Trước nhiều trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, ngày 17/3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải hạ thấp vấn đề tiêm chủng khi tuyên bố: “Việc tiêm vaccine chủng ngừa COVID-19 sẽ không làm giảm tỷ lệ bệnh tật hay tử vong do các nguyên nhân khác. Các trường hợp huyết khối tắc mạch là xảy ra thường xuyên. Huyết khối tĩnh mạch là bệnh tim mạch phổ biến thứ ba trên thế giới”.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia Việt Nam trấn an dư luận trước thông tin vaccine AstraZeneca gây đông máu