Ba gia tộc phân chia nước Tấn (3): Dự Nhượng - Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ

Dự Nhượng làm người ăn xin sau khi bôi sơn lở loét thân thể, nuốt than cháy cổ giả câm. Lúc đó Triệu Tương Tử tình cờ muốn sửa cầu nên Dự Nhượng giả chết nằm dưới gầm cầu. Triệu Tương Tử đi thị sát lễ khánh thành. Khi đến cầu, con ngựa của ông đột nhiên dừng lại, không chịu tiến. Triệu Tương Tử thúc thế nào, ngựa cũng không chịu đi. Triệu Tương Tử nói, ta nghe “Lương ký bất hãm kỳ chủ”, tức là ngựa tốt sẽ không dẫn chủ nhân đến nơi nguy hiểm.

Binh sĩ nói có một người chết dưới cầu. Triệu Tương Tử nói: Cầu mới dựng xong, sao có người chết được? Chắc chắn đó là Dự Nhượng, hãy bắt ông ta.

Vì vậy quân lính đã bắt giữ Dự Nhượng. Dự Nhượng ngửa mặt lên trời than một tiếng dài, vì cảm thấy mình sẽ không bao giờ có cơ hội nữa, đã trở nên như thế này rồi mà không thể hoàn thành nhiệm vụ ám sát, thì trong tương lai làm được gì đây? Do vậy mà ông cất tiếng kêu trời.

Triệu Tương Tử rất ngạc nhiên nói, ta hỏi ngươi: Trước khi ngươi làm gia thần cho nhà Trí Bá, ngươi đã từng làm việc cho nhà Phạm Thị, và sau đó là gia tộc Trung Hành. Khi hai nhà đó bị tiêu diệt, ngươi chưa bao giờ nghĩ đến việc báo thù cho họ. Tại sao sau khi Trí Bá Dao bị tiêu diệt, tâm báo thù của ngươi lại bức thiết đến vậy?

Dự Nhượng đã nói mấy lời. Những lời này sau này được Gia Cát Lượng trích dẫn khi ông tranh cãi với các học giả Nho giáo trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đó là “Chúng nhân quốc sĩ chi luận” (tạm dịch: luận bàn về thường dân và kẻ sĩ trong thiên hạ).

Dự Nhượng nói rằng, khi tôi làm việc cho nhà họ Phạm và Trung Hành, họ “Dĩ chúng nhân đãi ngã”, tức là họ đối xử với tôi như một thường dân, nên tôi lấy tâm thái của một người bình thường mà đối đãi họ. Các ngươi không coi trọng ta và ta cũng không coi trọng các ngươi. Nhưng khi tôi còn làm việc ở nhà họ Trí, Trí Bá Dao đã “Dĩ quốc sĩ đãi ngã” (đối xử với tôi như với bậc quốc sĩ). Ông ấy cho rằng tôi là nhân tài ưu tú của quốc gia và đối xử rất tốt với tôi. Vì ông ấy đã đối xử với tôi như một bậc quốc sĩ, nên tôi cũng phải báo đáp ông ấy theo đúng quy phạm của kẻ sĩ, vì vậy tôi phải báo thù.

Đây là đoạn lời "Chúng nhân quốc sĩ chi luận" (luận về thường dân và kẻ sĩ) của Dự Nhượng.

Triệu Tương Tử nói: Lần trước ta thả ngươi là "Khúc pháp xá miễn", có nghĩa là theo pháp luật, ngươi sẽ bị giết nhưng ta đã bỏ qua. Nếu lần này bắt được ngươi, ta không thể để ngươi đi lần nữa. Ta hỏi ngươi, có mong muốn gì mà ta có thể giúp ngươi thực hiện được chăng?

Dự Nhượng nói rằng: Nếu ngài hỏi tôi như thế này thì đó đã là một ân huệ thêm cho tôi rồi. Tôi có một thỉnh cầu. Tôi biết tôi không thể giết ngài được nữa. Ngài có thể cởi áo choàng ra và để tôi đâm áo ba lần, coi như tôi đã đâm ngài để trả thù cho chủ nhân của mình.

Triệu Tương Tử khảng khái chấp nhận, cởi áo choàng và yêu cầu người hầu đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng nhìn chằm chằm vào chiếc áo, nghiến răng chửi mắng, sau đó nhảy lên dùng kiếm đâm, lại chửi rồi nhảy lên đâm chiếc áo, tổng cộng ba nhát. Triệu Tương Tử rùng mình sau mỗi nhát đâm.

Sau đó Dự Nhượng bị giết. Sau khi giết Dự Nhượng, Triệu Tương Tử nhặt lại chiếc áo bị kiếm đâm, trên mỗi lỗ đều có vết máu, đó là do cảm ứng lòng thành của Dự Nhượng mà xuất hiện. Sự việc này được ghi lại trong "Đông Chu liệt quốc ký" và cả trong "Sách ẩn - Chiến quốc sách".

Dự Nhượng là một thích khách rất nổi tiếng. Khi Tư Mã Thiên viết tiểu sử về các thích khách, cuốn "Sử ký: Thích khách liệt truyện", lúc bấy giờ viết tổng cộng có năm thích khách, thứ ba là Dự Nhượng, và thích khách thứ hai là Chuyên Chư mà chúng ta đã nói đến.

Dự Nhượng, theo cách mà người bình thường không thể tưởng tượng được, đã sơn thân lở loét và nuốt than giả câm, mưu đồ cố gắng đến gần Triệu Tương Tử và ám sát ông ta, nhưng cả hai lần đều thất bại. Bị Dự Nhượng cảm động, lần đầu tiên Triệu Tương Tử thương xót, thả Dự Nhượng ra, lần thứ hai cởi áo để Dự Nhượng đâm ba nhát.

Dự Nhượng đã lưu lại danh ngôn bất hủ “sĩ vị tri kỷ giả tử, nữ vi duyệt kỷ giả dung” (kẻ sĩ chết vì tri kỷ, nữ nhân làm đẹp để vui lòng người yêu), cùng “chúng nhân quốc sĩ chi luận” (bàn về thường dân và kẻ sĩ). Câu chuyện của Dự Nhượng được đưa vào "Sử ký - Thích khách liệt truyện" của Tư Mã Thiên.

Sau khi họ Trí bị tiêu diệt, ba họ Hàn, Triệu, Ngụy chia đất đai của họ Trí. Đây chính là “Ba gia tộc phân chia nước Tấn”. Năm 403 TCN, ba gia tộc nhận lệnh từ Chu thiên tử và chính thức leo lên hàng chư hầu.

Tư Mã Quang từng bàn về sự thất bại của Trí gia. Ông cho rằng, trong nhân thế, bậc quân vương thường không phân biệt được rõ mối quan hệ giữa tài năng và đức hạnh.

Tư Mã Quang nói rằng, trên đời có bốn loại người, có một loại tài đức vẹn toàn, người như vậy được gọi là Thánh nhân; cũng có loại người có đức hạnh lớn nhưng tài năng chưa đủ, người như vậy gọi là bậc quân tử; có loại người không có tài, không có đức, đây gọi là người ngu; cũng có loại người có tài năng rất lớn nhưng đức hạnh rất kém, đó gọi là tiểu nhân.

Muốn cai trị một quốc gia, tất nhiên có được Thánh nhân hay quân tử là tốt nhất, bởi vì đạo đức của họ cao thượng, nhưng nếu không có được Thánh nhân hoặc quân tử thà tìm kẻ ngốc còn hơn kẻ tiểu nhân. Là tại sao? Bởi vì năng lực của kẻ ngốc rất thấp, đạo đức kém cỏi, muốn làm điều gì đó, nhưng lại không thể làm được vì năng lực kém. Giống như một con chó con mới sinh muốn cắn ai đó, người ta có thể ngăn nó lại bằng một cái vung tay. Nhưng nếu một người rất sa đọa về mặt đạo đức, mà rất có năng lực, thì người đó giống như một con hổ có cánh. Khi đó, khó có cách nào có thể kiềm chế được anh ta.

Trong lịch sử chúng ta đã từng chứng kiến ​​nhiều vị đại thần gây ra sự diệt vong của quốc gia, chẳng hạn như Bá Dĩ. Bá Dĩ không phải không có tài, ông là người hiểu rất rõ tâm lý nhân vật. Ông biết phải nói gì để khiến vua Ngô Phù Sai hài lòng, ông cũng biết cách thuyết phục vua Ngô, lời nói của ông rất sắc bén, ông nắm bắt tâm lý của vua Ngô rất tinh tế. Chỉ là ông ta đã sử dụng tài năng của mình không đúng chỗ mà thôi.

Tầm quan trọng của Lễ

Theo quan điểm của Tư Mã Quang, thất bại của Trí Bá Dao là do ông ta là một kẻ tiểu nhân. Ông ta rất có năng lực nhưng lại bại hoại về mặt đạo đức. Do vậy mà họ Trí đã bị họa diệt vong. Đây là kết quả của cha Trí Bá Dao, khi lựa chọn người thừa kế đã không chọn đức hạnh mà chỉ chọn tài hoa. Sự thất bại của Trí Bá Dao là do tham lam và kiêu ngạo. Hoàng đế nhà Chu cũng đã đưa ra một quyết định sai lầm sau khi ba gia tộc được phong chư hầu, mở ra một trường chiến hoạ liên miên. Tư Mã Quang cho rằng, sai lầm của triều Chu là do đã coi nhẹ chữ ‘Lễ’.

“Lễ” là điều kiện cơ bản nhất để duy trì sự ổn định xã hội. (Tranh Thanh Phong - NTDVN)

Tư Mã Quang đưa ra ví dụ khi bàn về “lễ”. Ông nói rằng Tấn Văn Công, một trong ngũ bá thời Xuân Thu, đã có công lớn cho Chu thiên tử. Vì Chu thiên tử và Tấn Văn Công đều có cùng họ Cơ nên Chu thiên tử gọi Tấn Văn Công là chú. Chu thiên tử hỏi Tấn Văn Công: "Thưa chú, chú cần phần thưởng gì cho sự đóng góp to lớn của mình với nhà Chu?"

Tấn Văn Công nói rằng tôi muốn được ‘Toại táng’.

‘Toại táng’ là gì? Theo nghi thức thời Xuân Thu, sau khi chư hầu qua đời, người ta đào một cái hố và đặt quan tài ngay xuống đó, nếu Chu thiên tử qua đời thì sẽ có một ngôi mộ và một đường hầm dẫn vào lăng mộ; Quan tài được đặt ở lối vào của đường hầm rồi đưa vào lăng mộ qua đường hầm. Quá trình này được gọi là ‘Toại táng’

Nói cách khác, Tấn Văn Công hy vọng sẽ được hưởng nghi thức an táng của thiên tử sau khi ông qua đời. Chu thiên tử trả lời: Đây là việc vi phạm lễ nghi. Vì ngài đã yêu cầu, thì cháu đồng ý, nhưng ngài phải tôn trọng lễ nghi của nhà Chu, và tôn trọng uy quyền của thiên tử. Một mặt, ngài tôn trọng Chu lễ, mặt khác, ngài lại muốn làm điều gì đó vượt quá lễ nghi. Nếu ngài muốn vượt khỏi lễ nghi thì sao phải hỏi cháu? Nước Tấn có lãnh thổ rộng lớn như vậy, muốn chôn ở đâu thì tùy, muốn làm nghi lễ gì thì đâu cần sự phê chuẩn của cháu?

Sau khi nghe những lời này, Tấn Văn Công cuối cùng không dám dùng ‘Toại táng’.

Tư Mã Quang đã nói trong ‘Tư trị thông giám’ rằng, “lễ” thực sự đóng vai trò đặt định danh phận và ước thúc trong quan hệ vua tôi.

Có một người khác đã có những đóng góp to lớn cho quốc vương, anh ta nói với quốc vương rằng, tôi không muốn ngài ban thưởng cho tôi bất kỳ đất đai hay kho báu nào, tôi hy vọng ngài có thể thưởng cho tôi một dải tua ‘Hồng anh’.

‘Hồng anh’ là gì? Đây là biểu tượng mà trước đây chỉ có giới quý tộc mới có thể sử dụng. Nó được treo quanh cổ ngựa để biểu thị địa vị xã hội, và là biểu tượng thân thế.

Khi đó, Khổng Tử nói rằng có thể cho người này bao nhiêu tiền cũng được, nhưng không thể ban tặng người ấy chiếc tua đỏ này.

Tại sao vậy? Bởi vì anh ta là thường dân, không thể sử dụng lễ nghi của quý tộc.

Tư Mã Quang rất coi trọng “lễ nghi”. Ông thậm chí còn cho rằng “Lễ” là điều kiện cơ bản nhất để duy trì sự ổn định xã hội. Chỉ cần giữ được lễ thì xã hội có thể tiếp tục phát triển. Thậm chí, ông còn có cách nói hết sức cực đoan. Ông cho rằng, nếu các vị vua nhà Hạ hay nhà Thương có thể giữ lễ nghi vào thời điểm đó, thì nhà Hạ và nhà Thương sẽ không bị lật đổ. Cách nói này thực sự đối với chúng ta bây giờ dường như rất cuộc hạn. Bởi vì trên thực tế, Chu Công định ra Lễ-Nhạc không chỉ muốn người ta tuân theo những chuẩn mực nhất định, mà bản chất là để kiềm chế hành vi của con người, hay nói cách khác là để ước thúc đạo đức của con người.

Như chúng ta đã biết, thời Chiến Quốc có bảy nước tranh hùng: Tần, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở. Sau khi nước Tấn bị chia cắt, ba nước mới nổi là Hàn, Triệu và Ngụy. Nhiều người cho rằng nước Tần là nước rất hùng mạnh vì nước Tần cuối cùng đã thống nhất được vùng Trung Nguyên. Nhưng thực ra, việc ba nhà phân chia nước Tấn đã tạo điều kiện cho nước Tần thống nhất Trung Nguyên.

Bởi vì khi nhìn vào bản đồ, chúng ta sẽ biết nước Tần lúc đó nằm ở cực tây, phía đông giáp nước Tấn. Nếu nước Tấn không bị chia cắt thì nước Tần sẽ không bao giờ có thể đánh bại được nước Tấn, bởi vì tương đương với việc đánh liên quân sau này của Hàn, Triệu, Ngụy, sẽ không đánh được. Sau khi ba gia tộc này chia cắt Tấn, sức mạnh của mỗi gia tộc bị suy yếu, tạo cơ hội cho Tần đánh bại họ.

Nhưng vào năm 403 TCN, nước Tần chưa phải là một nước hùng mạnh, nước mạnh nhất lúc bấy giờ là nước Ngụy, nước Ngụy mạnh lên như thế nào và sau đó lại suy yếu như thế nào? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo "Tri nhân thiện nhiệm" (biết nhìn người, giỏi dùng người).

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 9 - Ba gia tộc phân chia nước Tấn (3)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ba gia tộc phân chia nước Tấn (3): Dự Nhượng - Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ