Bách thiện hiếu vi tiên: Người ăn xin và người con ngốc hiếu thảo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bách thiện hiếu vi tiên (Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu). Thật vậy, trong văn hóa truyền thống phương Đông, đức tính hiếu thảo luôn được xem trọng ở bất kỳ thời đại nào.

"Hiếu kinh" đã viết rõ rằng:

"Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu
Bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã
Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu
Dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.
Phù hiếu, thủy ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập thân"

Tạm dịch:

Thân thể, tóc da đều nhận từ cha mẹ,
Không được làm tổn thương, hủy hoại thân thể, đó là khởi đầu của Đạo hiếu.
Tu dưỡng xác lập được chỗ đứng trong xã hội, thực hành theo Đạo để danh tiếng lưu truyền hậu thế,
Khiến cha mẹ được hiển vinh, đó là tận cùng của Đạo hiếu.
Thực hành hiếu đạo, khởi đầu ở phụng sự song thân, mở rộng ra phụng sự quân vương, mục đích sau cùng là lập thân hành đạo.

Những câu chuyện về "Nhị thập tứ hiếu" (24 tấm gương hiếu thảo) quả thật vô cùng nổi tiếng. Từ xưa đến nay, những người con hiếu thảo luôn được mọi người tôn trọng. Trong tác phẩm "Giới am lão nhân mạn bút", nhà văn Lý Dực thời nhà Minh đã ghi lại hai câu chuyện về hai người con hiếu thảo dưới đây.

Người ăn xin hiếu thảo

Có một người ăn xin sống trên đường phố Tô Châu. Lần nọ, một người đàn ông giàu có ở thành Tô Châu đi qua cầu giữa đêm trăng, bỗng nhiên nghe thấy tiếng hát dưới cầu. Người đàn ông tò mò nên xuống dưới cầu xem thử. Thì ra đó là tiếng hát của một người ăn xin. Người đàn ông giàu có nhìn thấy một bà lão ngồi trên bệ đất. Người ăn xin cầm một bình rượu, quỳ xuống dâng cho bà lão, để bà vui vẻ vừa uống rượu vừa nghe hát.

Người đàn ông giàu có nhìn thấy cảnh này cảm thấy vô cùng kinh ngạc, liền hỏi người ăn xin chuyện gì đang xảy ra. Lúc đầu người ăn xin sững sờ, sau đó mỉm cười nói: "Tôi là một người nghèo, chỉ là muốn làm mẹ tôi vui thôi".

Người đàn ông cảm động trước cảnh tượng này, cảm thán một hồi lâu mới quay người rời đi.

Hôm sau, người đàn ông giàu có kể lại câu chuyện cho mọi người xung quanh, đồng thời nói rằng người ăn xin này không giống những người khác. Sau đó có nhiều người thường đến xem người ăn xin này. Dường như lần nào, họ cũng thấy người ăn xin dùng cách tương tự để làm mẹ vui lòng. Mọi người ai cũng cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người ăn xin. Từ đó, mỗi lần có người mở tiệc đãi khách, họ đều để lại một ít đậu và nói rằng: "Hãy đợi người ăn xin hiếu thảo đến lấy".

Về sau, câu chuyện này vẫn được người dân Tô Châu truyền tụng.

Người con ngốc hiếu thảo

Ở Trường Hưng, Chiết Giang có một người ngốc nghếch nhưng lại vô cùng hiếu thảo. Anh ta đã dùng tất cả tài sản do tổ tiên để lại để phụng dưỡng mẹ. Sau đó hoàn cảnh của gia đình ngày càng suy bại, chỉ còn lại mấy gian nhà.

Tuy nhiên, chú của người này lại rất giàu có. Một ngày nọ, người chú mời gia đình thông gia đến uống rượu, và gọi người cháu đến phục vụ khách. Gia đình thông gia phần lớn đều là những người giàu có nên đồ ăn thức uống vô cùng thịch soạn. Người con hiếu thảo chưa ăn nhưng trong lòng đã thầm nghĩ: "Làm sao để mang những món ngon này về cho mẹ nhỉ?"

Cứ thế, thỉnh thoảng, anh lại nhìn ngang nhìn dọc, lúc không có ai chú ý, lại vội vàng dùng giấy gói một ít thức ăn ngon nhét vào tay áo. Hầu như anh không ăn gì hoặc dù có ăn cũng không cảm nhận được mùi vị gì. Khi dùng hết giấy thì tay áo của anh cũng nhét đầy thức ăn.

Lúc này, người con hiếu thảo có vẻ bất an, anh thầm nghĩ: "Khi nào khách mới ăn xong đây, khi nào mình có thể về với mẹ?".

Lúc này khách khứa đang say sưa uống rượu, người chú mang một chén rượu bằng vàng ra để mời khách quý. Vị khách quý đã quá say nên lặng lẽ đặt chén rượu bằng vàng dưới mái hiên, lấy ngói đậy lên rồi ra về. Rất nhanh sau đó, người hầu trong nhà báo rằng chén rượu bằng vàng không thấy đâu nữa.

Các vị khách muốn thể hiện bản thân trong sạch nên đều nói: "Hãy mong chóng đóng cửa lại, để mọi người cởi quần áo ra kiểm tra thì sẽ tìm được ngay".

Người con có hiếu có đầy thức ăn trong tay áo nên cảm thấy vô cùng xấu hổ, trong lúc gấp gáp không nghĩ ra cách nào, bèn nói lung tung: "Là tôi lấy".

Khi hỏi anh ta giấu chén rượu ở đâu? Người con có hiếu thuận miệng nói rằng mình giấu ở chỗ đó chỗ đó. Người hầu đến tìm kiếm nhưng vẫn không tìm ra. Đến hỏi lại người con có hiếu thì anh lại nói: "Nếu tìm không được thì có thể là do người khác lấy đi rồi, phải làm sao đây? Nhưng dù sao thì tôi vẫn phải bồi thường".

Lúc này khách khứa đang say sưa uống rượu, người chú lấy chén rượu bằng vàng ra để mời khách quý. (Ảnh: Một phần bức tranh "Văn hội đồ" của Triệu Cát thời nhà Tống)
Lúc này khách khứa đang say sưa uống rượu, người chú lấy chén rượu bằng vàng ra để mời khách quý. (Ảnh: Một phần bức tranh "Văn hội đồ" của Triệu Cát thời nhà Tống)

Người chú muốn anh ta bồi thường. Anh đồng ý bán căn nhà để bồi thường nhưng nói rằng: "Xin chú cho con thư thả chút thời gian, để con thuê nhà ổn định chỗ ở cho mẹ. Xin đừng nói với mẹ, nếu không sợ rằng mẹ con sẽ đau lòng".

Tuy rằng trong lòng người chú rất giận dữ, nhưng trong lời nói của anh nhiều lần nhắc đến mẹ khiến người chú có chút cảm động.

Đến ngày hôm sau, vị khách quý say rượu về sớm hôm qua nhớ đến chén rượu vàng trong bữa tiệc, liền viết một bức thư nói rõ đầu đuôi sự việc và nói thêm rằng: "Hôm qua tôi vội về nhà, xin đừng trách người hầu".

Người chú theo nội dung trong thư tìm được chén rượu bằng vàng, vội vàng cho gọi người con có hiếu đến. Anh vẫn nói giống những lời hôm trước. Khi ấy, người chú bèn nói: "Cháu ngốc à, ta đã tìm được chén rượu vàng rồi, đã biết rằng không phải do con lấy. Thế nhưng con tội gì phải nói dối, mang tội vào người như vậy?"

Lúc này người con có hiếu mới khóc kể rõ sự tình, hơn nữa còn nói rằng: "Con khổ nỗi không thể cố gắng phụng dưỡng mẹ để mẹ vui lòng, con cái nên phải như vậy. Khi ấy khách quý đều có mặt ở đó, nếu như tìm được thức ăn trong tay áo thì sẽ trách mắng con, hơn nữa còn làm chú xấu hổ nên con thà làm như vậy còn hơn".

Sau khi biết được toàn bộ sự thật, người chú hiểu rằng: "Con muốn làm tròn đạo hiếu nhưng lại không có khả năng. Ta có một chút tiền dư, lẽ nào hai con trai của ta không thể chia ra một phần nhỏ sao?”

Thế rồi người chú cho mời những vị khách quý hôm trước đến, nói rằng: "Đứa nhỏ này đã làm như vậy, tôi làm sao có thể nhẫn tâm xem cháu khác với hai đứa con trai của mình".

Sau đó, người chú đã chia tài sản làm ba phần. Nhờ vậy người con hiếu có thể phụng dưỡng mẹ đến tận lúc mẹ qua đời. Nghe nói rằng phần lớn người trong gia tộc này đều rất lịch thiệp, mọi người đều cho rằng điều này là được di truyền từ người con có hiếu năm xưa.

Tuệ Minh - Soundofhope
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo

"Giới Am lão nhân mạn bút" quyển 4 của Lý Dực thời nhà Minh



BÀI CHỌN LỌC

Bách thiện hiếu vi tiên: Người ăn xin và người con ngốc hiếu thảo