Bernini đã tạo nên cảnh quan thành phố Rome ngày nay (2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tác phẩm kinh điển giúp người nghệ sĩ lấy lại danh tiếng sau mười năm ẩn dật. Phần lớn các đài phun nước trên đường phố Rome đều do người nghệ sĩ này thiết kế. 

Bernini sống mười năm ẩn dật, Hồng y giáo chủ Cornaro nhớ đến ông

Vào một ngày năm 1646, Hồng y giáo chủ Federico Cornaro đứng một mình trước bàn thờ chính trong Nhà thờ Santa Maria della Vittoria, ở bờ đông sông Tiber của thành Rome. Lúc này, nhìn vào nhà thờ chính mà gia tộc mình đã góp phần xây dựng, Hồng y Cornaro có chút tự hào.

Thế nhưng, Hồng y phát hiện ra một vấn đề. Đó là thành Rome lúc đó có nhiều nhà thờ hơn so với quán rượu, và có quá nhiều nhà thờ đẹp. Nhà thờ Santa Maria della Vittoria không hề nổi bật khi nằm giữa vô số những nhà thờ khác. Vậy làm thế nào để nhà thờ này nổi bật hơn? Vấn đề này khiến Hồng y giáo chủ đau đầu.

Hồng y Cornaro nhìn lên hai bên nhà thờ, hai bên đã có một số tượng Thánh, nhưng vị trí gần bàn thờ chính nhất vẫn còn trống. Bỗng nhiên, Hồng y nảy ra một ý tưởng: Đúng vậy, một bức tượng! Nếu có thể được người họa sĩ đó làm một bức tượng giống như những bức tượng trong khu vườn nhà Borghese, thì nhà thờ Santa Maria della Vittoria chắc chắn sẽ trở thành một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất thành Rome!

Chỉ không biết rằng người đó hiện tại thế nào? Người họa sĩ ấy đã không xuất hiện trong một thời gian dài. "Ta sẽ đi tìm anh ta". Sau khi nghĩ như vậy, Hồng y Cornaro đã gọi xe ngựa và đi thẳng đến khu nhà Platini yên tĩnh. Cỗ xe ngựa dừng lại trước một biệt thự xa hoa nhưng giản dị, tấm bảng trước cửa ghi dòng chữ: Lorenzo Bernini.

Mười năm dốc lòng nghiên cứu kiến trúc - lĩnh vực đã khiến khiến ông phải trả giá đắt

Vài năm sau vụ tai nạn tháp chuông ở Vương cung Thánh đường Thánh Peter, nghệ sĩ tài ba từng nổi tiếng một thời này gặp phải khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời. Danh tiếng của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bảo trợ và ủng hộ quan trọng nhất của ông là Giáo hoàng Urban VIII cũng bất ngờ qua đời.

Giáo hoàng mới Innocent X là một người không hề hiền lành, và có rất nhiều mưu mô. Giáo hoàng mới không thích Giáo hoàng Urban VIII, nên cũng không có thiện cảm với Bernini - một người được Giáo hoàng Urban VIII coi trọng. Hơn nữa, Bernini nổi tiếng từ khi còn trẻ, kiêu ngạo và không biết cách nhún nhường, có lúc còn tỏ ra ương bướng nên đã khiến ông đắc tội với rất nhiều người, đặc biệt là Borromini, một kiến trúc sư tài năng được tân Giáo hoàng trọng dụng.

Vì vậy, với sự dẫn đầu của Borromini và sự cho phép của Giáo hoàng Innocent X, việc gạt Bernini ra ngoài đã trở thành xu hướng trong giới thượng lưu của Rome.

Điều may mắn chính là Bernini vốn là người lạc quan, cởi mở, và có nội tâm rất đơn thuần. Bị ngã từ đỉnh cao danh vọng xuống đáy vực sâu của cuộc đời, đã không khiến ông gục ngã và chìm đắm trong đau khổ, ngược lại, trong những năm tháng không còn được sủng ái, Bernini bắt đầu tập trung nghiên cứu kiến trúc - lĩnh vực đã khiến ông phải trả giá đắt. Sau những chuyến tham quan và nghiên cứu sâu rộng, Bernini đã nâng cao trình độ nghệ thuật của mình. Đồng thời, ông cũng tu dưỡng tâm tính, có lòng tôn kính với Chúa và kiên định hơn với niềm tin của mình.

Nhiều năm gian khổ không những không mài mòn ý chí của Bernini, mà còn giúp ông trở thành một nghệ sĩ uyên thâm, trí tuệ và tài năng. Cũng giống như nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp gặp biến cố, rơi xuống vực sâu, đó là cách số phận rèn luyện Bernini. Nếu ý chí của ông đủ kiên cường, tâm tính đủ thuần khiết, ông sẽ vượt qua thử thách của số phận, nhận được phần thưởng và cuối cùng trở thành một bậc thầy.

Vì vậy, khi chúng ta gặp thất bại và khó khăn trong cuộc sống, đừng bao giờ nản lòng. Có thể đó là một cơ hội quý giá để chúng ta rèn luyện ý chí, kiên định niềm tin, ẩn mình chờ thời. Và khi cơ hội đến, chúng ta sẽ có thể nắm bắt vận may và làm nên nghiệp lớn!

Trên thực tế, khi nhìn lại lịch sử, có nhiều người đạt được những thành tựu phi thường đều từng trải qua hoàn cảnh tương tự, như Tấn Văn Công Trọng Nhĩ, một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, đại văn hào thời Bắc Tống Tô Đông Pha, danh thần Tăng Quốc Phiên cuối thời nhà Thanh. Ở phương Tây cũng có không ít những nhân vật như vậy, ví dụ "quốc phụ" của nước Mỹ George Washington, Nữ vương Elizabeth I của nước Anh hay vị nhạc sĩ vô cùng nổi tiếng Beethoven; v.v.

Những nhân vật này đều đã trải qua những kiếp nạn mà người thường khó có thể tưởng tượng. Sau khi trải qua thử thách của số phận, họ đã trở thành những tấm gương sáng chói trong lịch sử nhân loại.

Lúc ấy, Bernini đã gần 50 tuổi. Ở độ tuổi này, Bernini hiểu được rằng mọi việc không nên cưỡng cầu, đối mặt với những lời khen chê của thế gian, ông đã trở nên bình thản và càng thêm trân trọng những người thân và bạn bè. Sự bồng bột của tuổi trẻ đã dần phai đi, thay vào đó là sự trưởng thành, chín chắn và cẩn trọng hơn.

Bernini hiểu được rằng mục đích Chúa ban cho ông tài năng phi thường không phải để kiêu căng ngạo mạn, mà là để ông khiêm tốn phục vụ Chúa, ca ngợi ân điển và sự vĩ đại của Đấng Tạo hóa. Lúc này, Bernini hiểu rằng mình cần phải chờ đợi thời điểm thích hợp để tỏa sáng trở lại. Và thời điểm ấy đã đến.

Bức tượng "Niềm vui của Thánh Teresa" gây được tiếng vang lớn

Khi Hồng y giáo chủ Cornaro chân thành mời Bernini điêu khắc một bức tượng Thánh Teresa cho Nhà thờ Santa Maria della Vittoria, ông đã vui vẻ nhận lời.

Thánh Teresa là một nữ tu người Tây Ban Nha sống vào thế kỷ 16. Vị Thánh này là một tu sĩ vô cùng ngoan đạo, đã dâng hiến cả cuộc đời cho tôn giáo. Thánh Teresa sống rất giản dị, để khổ tu, bà thường mặc quần áo bằng vải thô và mang theo một tảng đá trên lưng khi đi lại trong thành phố.

Có một lần, Thánh Teresa mơ thấy Chúa hiện ra, một Thiên Thần dùng mũi tên vàng đâm vào tim bà. Trong khi cảm thấy đau đớn tột cùng, Thánh Teresa cảm nhận được tình yêu thương vĩ đại của Chúa. Ngay lập tức, nỗi đau đã trở nên ngọt ngào đến mức, trong khoảnh khắc ấy, tâm hồn bà chỉ còn có Chúa. Theo lời của Thánh Teresa: Nỗi đau dữ dội khiến toàn bộ tâm trí và cơ thể tôi được bao bọc bởi lòng thương xót của Chúa và tôi càng cảm nhận được sự đau khổ của thế gian.

Vậy Bernini đã hoàn thành tác phẩm này như thế nào?

Tác phẩm này không chỉ giúp Bernini khôi phục danh tiếng, mà còn trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, được công nhận là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Baroque. Đó chính là tác phẩm "Niềm vui của Thánh Teresa" (Ecstasy of Saint Teresa).

Cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng ta chính là một sân khấu kịch. Bernini đã sử dụng hơn 20 loại đá cẩm thạch có màu sắc khác nhau để trang trí sân khấu này. Toàn bộ tác phẩm đã kết hợp điêu khắc, sân khấu kịch và kiến trúc, khiến người xem phải thốt lên kinh ngạc. Ánh sáng rực rỡ từ cửa sổ trần nhà chiếu xuống, dọc theo các ống đồng dát vàng rọi vào vị Thiên Thần và Thánh Teresa. Thiết kế tài tình này đã kết nối Thiên đường và trần gian, kết hợp giữa thực tế và ảo cảnh.

Lúc này, Thánh Teresa giống như được một đám mây nâng đỡ và từ từ bay lên. Một Thiên Thần nhỏ cầm mũi tên vàng, chuẩn bị đâm vào tim để bà cảm nhận được ân điển của Chúa. Các bạn hãy chú ý đến trang phục của Thánh Teresa lúc này. Bộ quần áo dường như đã bị nung chảy bởi niềm tin mãnh liệt của bà, nhăn nhúm và nhấp nhô.

Tác phẩm "Niềm vui của Thánh Teresa" của Bernini. (Shutterstock)

Sau khi hoàn thành, tác phẩm này đã gây được tiếng vang lớn, giúp Bernini nhanh chóng lấy lại được vinh quang lúc xưa. Hơn nữa, từ thời điểm đó, Bernini cũng bắt đầu sống một cuộc đời ngoan đạo, và không còn gây ra những chuyện thị phi cho đến cuối đời!

Có một giai thoại nhỏ về tác phẩm điêu khắc này. Khi đó, một số người đã đặt câu hỏi với Bernini rằng, tại sao ông lại tạc Thánh Teresa hơn 40 tuổi có ngoại hình trẻ trung và trần tục như vậy. Bernini đã trả lời một cách ngắn gọn và sâu cay: "Kẻ thanh cao nhìn thấy thanh cao".

Ý của Bernini chính là chỉ có những người có tâm hồn thanh cao mới có thể nhìn thấy những điều thánh thiện, còn những người có tâm hồn không trong sáng thì nhìn đâu cũng thấy có vấn đề.

Chúng ta sẽ nói thêm một chút về Thánh Teresa.

Thánh Teresa qua đời vào năm 1582, và được chôn cất tại Alba, Tây Ban Nha. Nhiều năm sau, khi các tín đồ mở quan tài để kiểm tra, họ ngạc nhiên phát hiện rằng thi thể của bà vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị phân hủy. Khi các tín đồ lấy quả tim của Thánh Teresa ra, người ta nói rằng trên quả tim có một lỗ thủng do vật sắc nhọn đâm vào. Trái tim này hiện đang được bảo quản trong hộp pha lê và được các tín đồ tôn thờ là một Thánh vật của Cơ Đốc giáo.

Thời kỳ Baroque: Thời kỳ sinh ra rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại của phương Tây

Khởi đầu từ đầu thế kỷ 16, cuộc Cải cách tôn giáo đã lan rộng khắp châu Âu, làm lung lay nghiêm trọng uy quyền của Giáo hội Công giáo La Mã. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, Giáo hội không chỉ nỗ lực giải quyết vấn đề tham nhũng trong nội bộ, củng cố niềm tin của tín đồ, mà còn ra sức tài trợ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, hy vọng thông qua sức mạnh của nghệ thuật để vực dậy tinh thần của tín đồ. Đồng thời, nhằm tái lập vị thế và uy tín của Rome - thành phố Thánh của Công giáo, Vatican đã tiến hành các dự án xây dựng và trang trí quy mô lớn. Chính trong bối cảnh ấy, thời kỳ Baroque rực rỡ và nhiều biến động nhất trong lịch sử nghệ thuật đã bắt đầu.

Chúng ta hãy tìm hiểu thêm một chút về từ "Baroque". Từ này bắt nguồn từ tiếng Bồ Đào Nha "Barroco", có nghĩa là viên ngọc trai có tì vết. Ban đầu, từ này mang ý nghĩa miệt thị, nhưng sau đó, người ta nhận ra rằng dù có tì vết thì ngọc trai vẫn là ngọc trai! Thời kỳ Baroque đã kế thừa thời kỳ Phục hưng, và mở đường cho trường phái Rococo và Chủ nghĩa Tân Cổ điển.

Đây là thời kỳ xuất hiện rất nhiều nhạc sĩ, nhà điêu khắc, nhà hội họa vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, là một trong những thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử nghệ thuật. Vì vậy, dù viên ngọc trai này có chút tì vết, nhưng ánh sáng rực rỡ của ngọc trai vẫn có thể soi sáng cổ kim.

Bernini trở lại và được mời thiết kế các công trình công cộng cho thành phố Rome

Với sự trở lại của Bernini, Giáo hoàng Innocent X rất vui mừng. Bản thân Giáo hoàng Innocent X không có mâu thuẫn gì với Bernini, và Giáo hoàng rất mong muốn trong thời gian mình tại vị sẽ để lại cho thành Rome một số công trình có thể lưu danh muôn đời, có thể thông qua những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc để khơi gợi niềm tin vào Chúa. Giáo hoàng rất cần một thiên tài như Bernini để thực hiện mong muốn này.

Vì vậy, Giáo hoàng đã cho gọi Bernini đến. Ngoài việc muốn Bernini tiếp tục làm kiến trúc sư trưởng, phụ trách hoàn thiện Vương cung Thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Innocent X còn đề nghị Bernini thiết kế một số công trình công cộng độc đáo cho thành phố Rome ví dụ như đài phun nước.

Ngày nay, bất kỳ ai đến Rome chắc chắn đều sẽ ấn tượng với những đài phun nước xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố này. Các đài phun nước bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại. Người La Mã cổ đại đã xây dựng một mạng lưới đường ống khổng lồ để dẫn nước suối sạch từ cách xa hàng nghìn dặm về thành phố, không chỉ phục vụ cho sinh hoạt, xây dựng đài phun nước trong thành phố, mà còn cung cấp cho các nhà tắm công cộng ở khắp nơi.

Sở thích tắm bồn của người La Mã rất nổi tiếng trong lịch sử. Do đó, nhà tắm công cộng là một trong những tiện ích công cộng vô cùng quan trọng của người La Mã cổ đại.

Các học giả đời sau có một giả thuyết cho rằng, một trong những lý do khiến đế chế La Mã hùng mạnh sụp đổ nhanh chóng là do thói quen tắm bồn. Vì đàn ông La Mã ngâm mình trong nước nóng quá lâu khiến chất lượng tinh trùng giảm sút, dẫn đến tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng. Đối với một đế chế La Mã vốn liên tục phát động chiến tranh, việc thiếu hụt thanh niên khỏe mạnh là một điều vô cùng nguy hiểm, do đó buộc phải bổ sung một số lượng lớn những người nam của dân tộc khác vào quân đội, chủ yếu là người German. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người German dần dần trở nên hùng mạnh và cuối cùng nuốt chửng đế chế La Mã.

Đài phun nước Bốn dòng sông ở Quảng trường Navona

Khi bạn đi dạo trên đường phố Rome ngày nay, bạn sẽ thấy những đài phun nước đẹp mắt ở khắp mọi nơi. Và trong số những đài phun nước xinh đẹp khiến bạn không ngừng chụp ảnh, chắc chắn sẽ có một vài tác phẩm của Bernini. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là Đài phun nước Bốn dòng sông (Fiumi Fountain) nằm ở Quảng trường Navona (Piazza Navona)!

Đúng với tên gọi, Đài phun nước Bốn dòng sông tượng trưng cho bốn con sông quan trọng của bốn châu lục bao gồm sông Danube ở châu Âu, sông Nile ở châu Phi, sông Hằng ở châu Á, và sông La Plata ở Nam Mỹ. Bernini đã sử dụng phương pháp nhân cách hóa, sử dụng bốn vị Thần sông với tư thế, thần thái và trang phục khác nhau để đại diện cho bốn dòng sông này. Giữa các vị Thần sông là một tháp nhọn khổng lồ cao 16,5 mét, kết hợp với đài phun nước, tạo nên một vẻ đẹp vô cùng tráng lệ.

File:Fontana dei Quattro Fiumi (Roma, Piazza Navona).jpg
Bức tượng ở Đài phun nước Bốn dòng sông ở Quảng trường Navona, Rome (Wikipedia/ Ralf van Bühren/SA-3.0)

Có một câu chuyện nhỏ về đài phun nước này. Khi toàn bộ công trình sắp hoàn thành, người dân Rome không hề reo hò khen ngợi Bernini mà liên tục đặt ra những câu hỏi nghi ngờ. Bởi vì mọi người vẫn còn nhớ sự cố tháp chuông nhà thờ St Peter bị nứt lớn và suýt đổ cách đó hơn mười năm, vì vậy mọi người lo lắng rằng một người không am hiểu kiến trúc như Bernini có gây ra một sự cố tương tự không? Nếu tháp nhọn đổ sập, sẽ gây ra bao nhiêu thương vong? Điều này khiến Bernini chịu áp lực rất lớn.

Tuy nhiên, lúc này Bernini đã là một kiến trúc sư tài ba, ông hoàn toàn tự tin vào độ an toàn của đài phun nước. Để giải tỏa nghi ngờ trong lòng mọi người, Bernini tinh nghịch đã sử dụng chiêu "lạt mềm buộc chặt". Bernini ra lệnh cho các học trò cố ý giăng dây phong tỏa xung quanh đài phun nước, cấm mọi người không được đến gần. Con người vốn dĩ là như vậy: bạn càng cấm họ làm gì thì họ càng tò mò. Quả nhiên hành động này đã dần dần thu hút sự chú ý của mọi người, ai cũng tò mò muốn xem Bernini sẽ làm như thế nào.

Lúc này, Bernini dựng thang trước mặt mọi người, leo lên đài phun nước, buộc bốn sợi dây trắng mỏng vào đỉnh tháp nhọn, và đầu kia của dây buộc vào các công trình xung quanh quảng trường. Sau đó, Bernini vỗ tay và lớn tiếng tuyên bố rằng: Công trình gia cố đài phun nước đã hoàn thành. Bernini cố ý dùng bốn sợi dây trắng giả vờ gia cố đài phun nước, ý muốn nói: Mọi người yên tâm nhé, công trình này rất an toàn. Trong tiếng cười vang dội của mọi người, những nghi ngờ về độ an toàn của đài phun nước cũng dần tan biến.

Sự thật chứng minh, công trình tháp nhọn này vô cùng kiên cố. Năm 1654, một trận động đất lớn xảy ra ở Rome, nhiều công trình bị sập, nhưng tháp nhọn này vẫn sừng sững. Sau gần bốn trăm năm thăng trầm, cho đến nay tháp nhọn vẫn hiên ngang trên Quảng trường Navona, kiêu hãnh thể hiện trình độ kiến trúc của Bernini.

Quảng trường Navona này có tổng cộng ba đài phun nước, và còn có một "Đài phun nước Moor" cũng là tác phẩm của Bernini. Do đó, nếu bạn đến Rome, Quảng trường Navona là nơi nhất định phải đến.

Đài phun nước "Con thuyền vỡ" ở Quảng trường Tây Ban Nha

Rome còn có một Quảng trường Tây Ban Nha (Piazza di Spagna) vô cùng nổi tiếng. Những ai đã xem bộ phim kinh điển "Roman Holiday" chắc chắn sẽ nhớ cảnh Audrey Hepburn và Gregory Peck ngồi trên bậc thềm lớn ăn kem. Phía trước bậc thềm là Quảng trường Tây Ban Nha, và trên quảng trường là một đài phun nước vô cùng đặc biệt, có tên gọi: Đài phun nước "Con thuyền vỡ" (Fontana della Barcaccia). Đây cũng là một kiệt tác của Bernini.

Ngoài ra, Quảng trường Barberini còn có Đài phun nước Triton (Fontana del Tritone). Trên Cầu Thiên Thần có tượng các Thiên Thần, và rất nhiều công trình kiến trúc khác rải rác khắp Rome đều có dấu ấn của Bernini. Do đó, có người từng nói rằng Rome là của Bernini. Nhận xét này cũng không phải là nói quá.

Tuy nhiên, so với công trình đề cập đến dưới đây, thì những công trình được nhắc đến ở trên đây vẫn chưa thấm vào đâu.

Công trình này được coi là một kiệt tác vĩ đại trong kiến trúc Baroque. Đây là nhận định chung của các nhà sử học. Vậy đó là công trình gì?

Những ai đã đến Vatican, Rome chắc chắn sẽ ấn tượng với những hàng cột trụ khổng lồ hình cánh tay ôm trước Vương cung Thánh đường Thánh Peter (cũng gọi là Thánh Phê-rô). Đúng vậy, đó chính là tác phẩm của Bernini.

Năm 1655, sau khi Giáo hoàng Innocent X qua đời, người kế nhiệm là Giáo hoàng Alexander VII (Pope Alexander VII). Vị Giáo hoàng đến từ Siena này là một người ôn hòa và dễ tính. Khi còn là Hồng y giáo chủ, Giáo hoàng Alexander VII đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Bernini. Sau khi kế nhiệm, vị Giáo hoàng này lập tức thăng chức Bernini làm kiến trúc sư trưởng của Giáo hội, và giao nhiệm vụ thiết kế quảng trường trước Vương cung Thánh đường Thánh Peter cho Bernini. Lúc ấy, Quảng trường này đã để trống nhiều năm, trước đó từng có rất nhiều phương án nhưng đều bị bác bỏ. Mọi người đều xôn xao bàn tán rằng, quảng trường trước Thánh địa tối cao của Công giáo cần phải như thế nào, nhưng không có phương án nào nhận được sự đồng thuận cao. Do đó quảng trường vẫn luôn được để trống.

Quảng trường Thánh Peter

Khi nhận nhiệm vụ này, Bernini đã 58 tuổi. Ngay lúc đó, ông vẫn chưa biết nên thiết kế như thế nào. Vào một buổi chiều đẹp trời, Bernini mang theo tâm trạng bực bội đi dạo cùng hai người giúp việc để giải tỏa tâm trạng. Ba người đi dọc theo con đường rợp bóng cây bên bờ sông Tiber về phía nam thành phố. Đi một lúc, một người giúp việc đột nhiên hét lên: "Thưa ngài Bernini, ngài hãy nhìn kìa!"

Bernini ngẩng đầu lên, nhìn theo hướng tay chỉ của người giúp việc.

Chỉ thấy trên nền trời xanh thẳm có một đám mây trắng khổng lồ, kỳ diệu hiện ra hình ảnh một người dang rộng vòng tay như đang ôm lấy ai đó. Kỳ diệu hơn nữa là ngay bên dưới đám mây là mái vòm khổng lồ của Vương cung Thánh đường Thánh Peter! Từ góc nhìn của Bernini, có vẻ như đám mây dang rộng vòng tay đang ôm lấy Vương cung Thánh đường này.

Nhìn thấy cảnh tượng trên, Bernini nảy ra ý tưởng: "Có rồi! Có ý tưởng rồi!"

Bernini reo lên sung sướng, khiến hai người hầu giật mình, suýt nữa ngã ra đất!

Chẳng mấy chốc, bản thiết kế của Bernini đã được trình lên Giáo hoàng và mọi người. Sau khi xem bản thiết kế, mọi người đều khen ngợi không ngớt. Đây chính là Quảng trường Thánh Peter (Piazza San Pietro) mà chúng ta thấy ngày nay.

Hai bên quảng trường, Bernini đã thiết kế hai hàng cột trụ khổng lồ hình vòng cung. Nhìn từ trên cao xuống, hai hàng cột trụ như hai cánh tay dang rộng, ôm lấy các tín đồ trong vòng tay nhân từ của Chúa. Bên trong hàng cột là một quảng trường hình elip, khéo léo giải quyết được vấn đề vừa có thể chứa được một số lượng lớn người, vừa có thể cho phép mọi người ra vào quảng trường một cách tự do. Ngày nay, vào mỗi dịp lễ lớn, Giáo hoàng sẽ xuất hiện ở đây để cử hành Thánh lễ. Lúc này, quảng trường trở thành "khán đài", chứa những tín đồ từ khắp nơi đổ về.

File:Vatican StPeter Square.jpg
Quảng trường Thánh Peter (Wikipedia/ François Malan/ SA-3.0)

Bản thân Bernini cũng rất tự hào về thiết kế này. Ông từng nói: Không có thiết kế nào tốt hơn là dang rộng vòng tay ôm lấy mọi người. Quả thật đúng như vậy!

Để tạo điểm nhấn cho mặt tiền của Vương cung Thánh đường Thánh Peter, hàng cột vòng cung sử dụng các cột theo phong cách Doric đơn giản và mộc mạc. Mỗi hàng có 4 cột, tổng cộng có 284 cột, cộng thêm 88 cột vuông, tạo nên một cảm giác không gian rộng lớn. Các cột trụ thấp thoáng, sự tương phản sáng tối tạo nên một bầu không khí trang nghiêm và thần thánh. Trên đỉnh của hàng cột, có 140 bức tượng của các Thánh đồ.

Sau này, Mussolini đã cho phá dỡ các công trình cũ trước quảng trường và xây dựng một đại lộ lớn dẫn thẳng đến nhà thờ. Nhờ vậy, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Vương cung Thánh đường Thánh Peter từ xa. Điều này trái ngược với ý tưởng ban đầu của Bernini. Tuy nhiên, đối với những du khách thích chụp ảnh thời hiện đại yêu thích, đại lộ này tạo nên góc nhìn và khoảng cách lý tưởng để lưu giữ hình ảnh.

Những tác phẩm của kiến trúc sư tài ba Borromini

Borromini và Bernini là hai ngôi sao sáng chói trong nghệ thuật kiến trúc Baroque. Nếu Bernini được ví như mặt trời, thì Borromini chính là mặt trăng. Nếu Bernini đại diện cho sự mạnh mẽ, nam tính trong kiến trúc Baroque, thì Borromini lại thể hiện nét ôn nhu, nữ tính. Hai người cũng có tính cách hoàn toàn khác biệt. Bernini cởi mở, tự tin, lãng mạn, nổi tiếng từ khi còn trẻ và có một cuộc đời thuận lợi, suôn sẻ. Trong khi Borromini lại u uất, hướng nội, nhạy cảm, dễ nóng giận, thường xuyên mâu thuẫn với chủ, bị sa thải hay tức giận từ chức. Vào giai đoạn cuối đời, Borromini càng thêm chán nản, và cuối cùng kiến trúc sư này đã tự sát vì chứng trầm cảm. Hai kiến trúc sư Baroque tài ba đã đi trên hai con đường đời hoàn toàn khác.

Khác với Bernini có xuất thân từ điêu khắc, Borromini được đào tạo bài bản, nên các thiết kế kiến trúc của kiến trúc sư này mang đậm dấu ấn cá nhân. Borromini thích sử dụng màu trắng trang nhã để trang trí tường, khiến các nhà thờ có vẻ nhẹ nhàng và thanh thoát, tạo nên điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc Baroque lộng lẫy. Borromini thường phá vỡ quy tắc, thích sử dụng những đường cong biến ảo và nhiều họa tiết hình học khác nhau để trang trí.

Nếu có dịp đến Rome, bạn nên đến tham quan một số công trình dưới đây.

Một là dãy cột nổi tiếng trong Cung điện Spada (Palazzo Spada). Năm 1632, sau khi mua lại cung điện này, Hồng y Spada đã giao nhiệm vụ cải tạo cho Borromini. Với sự trợ giúp của các nhà toán học, Borromini đã xây dựng dãy cột nổi tiếng này. Borromini sử dụng kỹ thuật thu hẹp dần các cột trụ và tăng độ dốc của mặt sàn, khiến cho hành lang chỉ dài 8 mét nhưng trông giống như dài đến ba bốn mươi mét. Bức tượng trong khu vườn ở cuối hành lang nhìn giống như có kích thước của người thật nhưng thực tế chỉ cao 60 cm. Đây là một điểm tham quan rất thú vị.

Một công trình khác không thể bỏ qua là nhà thờ San Carlino, còn được gọi là "Nhà thờ bốn đài phun nước" (tiếng Ý: Chiesa di San Carlo alle Quattro Fontane hoặc San Carlino). Đây được xem là tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của Borromini và được công nhận là một trong những công trình Baroque đẹp nhất. Toàn bộ công trình có kích thước khá nhỏ, thậm chí có thể xếp vừa vào một phần mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Peter.

File:San Carlo alle Quattro Fontane - Front.jpg
Nhà thờ San Carlino. (Wikipedia/ Architas/ SA-4.0)

Trong một không gian hạn hẹp thế, tài năng của Borromini đã được phát huy đến mức tối đa. Borromini đã dành nhiều tâm huyết cho kết cấu kiến trúc ở đây, khiến cho toàn bộ nhà thờ giống như một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch tinh xảo. Đặc biệt ấn tượng nhất là mái vòm hình bầu dục, ở đây Borromini đã kết hợp một cách hài hòa các hình dạng bát giác, lục giác và hình chữ thập để tạo nên phần trần nhà.

Những đường nét mạnh mẽ ở nhà thờ Sant'Andrea

Có thể sánh ngang với công trình kinh điển này của Borromini là nhà thờ Sant'Andrea al Quirinale do Bernini thiết kế. Khác với vẻ đẹp ôn nhu, nhẹ nhàng của nhà thờ San Carlino, nhà thờ Sant'Andrea al Quirinale có những đường nét mạnh mẽ. Phần bên ngoài của nhà thờ vừa mang nét hoa lệ, sôi động của kiến trúc Baroque, vừa toát lên sự trang trọng, uy nghi của Chủ nghĩa Cổ điển.

Bên trong nhà thờ Sant'Andrea, Bernini đã sử dụng kỹ thuật tương tự với thiết kế của tác phẩm "Niềm vui của Thánh Teresa". Đó là mở một ô cửa sổ trần ngay phía trên bàn thờ, để ánh sáng tự nhiên rọi xuống. Bàn thờ được trang trí với hình ảnh các Thiên Thần bay và cột trụ dát vàng. Phần dưới của nhà thờ sử dụng vật liệu màu tối, tượng trưng cho "trần gian"; ngược lại phần trên được làm hoàn toàn từ những vật liệu màu trắng và vàng, tượng trưng cho "Thiên đàng".

Vào những năm cuối đời, Bernini từng chia sẻ rằng, mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, ông lại tiếc nuối nhận ra những thiếu sót trong đó. Ví dụ, mỗi lần đi ngang qua Quảng trường Navona, ông phải quay đầu đi, không muốn nhìn thấy đài phun nước Bốn dòng sông còn rất nhiều "lỗ hổng" của mình. Tuy nhiên, riêng với nhà thờ Sant'Andrea al Quirinale, Bernini tự tin khẳng định đây là tác phẩm hoàn hảo nhất, đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mình. Theo lời kể của con trai Bernini (Domenico), vào những năm cuối đời, Bernini thường dành nhiều giờ để ngồi trong nhà thờ và chiêm ngưỡng thành quả kiến trúc của mình.

Hai nhà thờ này nằm cách nhau khá gần. Nếu bạn có cơ hội được chiêm ngưỡng và so sánh hai nhà thờ, đó sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Có một lưu ý nhỏ cho bạn: nếu có dịp tham quan nhà thờ San Carlino và Sant'Andrea al Quirinale trong tương lai, hãy đến vào ban đêm và mang theo một ít tiền xu. Bởi vì bên trong nhà thờ đã được trang bị đèn rọi, ở lối vào sẽ có thiết bị để bạn bỏ tiền xu. Khi bạn bỏ tiền vào, những chiếc đèn này sẽ bật sáng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng mái vòm lộng lẫy cùng toàn bộ không gian nội thất tráng lệ của nhà thờ.

Nhờ vào những đóng góp của hai vị kiến trúc sư tài ba này, thành phố Rome ngày nay được mệnh danh là bảo tàng ngoài trời của nghệ thuật kiến trúc Baroque. Giáo hoàng Urban VIII từng nói với Bernini rằng: "Con sinh ra là để dành cho Rome, và Rome sẽ mãi mãi tự hào về con". Có thể thấy rằng Bernini hoàn toàn xứng đáng với lời nhận xét này của Giáo hoàng.

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bernini đã tạo nên cảnh quan thành phố Rome ngày nay (2)