Nhà điêu khắc số một của thời kỳ Baroque: Bernini

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đá cẩm thạch qua bàn tay của người nghệ sĩ này sẽ mềm mại như da thịt! Bức tượng  "David" của ông có sánh ngang với tác phẩm cùng tên của Michelangelo! Nổi tiếng từ khi còn trẻ nhưng kiêu ngạo và đắc tội với đối thủ, người nghệ sĩ gặp phải biến cố khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, sau 10 năm mới có thể quay trở lại!

Nếu từng đến Bảo tàng Louvre ở Paris, bạn có chú ý đến tác phẩm điêu khắc vô cùng thú vị. Đó chính là bức tượng "Hermaphroditus đang ngủ" (Sleeping Hermaphroditus). Hermaphroditus là vị Thần lưỡng tính trong thần thoại Hy Lạp và bức tượng điêu khắc được trưng bày tại Louvre là một di vật được khai quật từ thời La Mã cổ đại. Thế nhưng điều tôi muốn nói đến không phải là bức tượng điêu khắc, mà chính là chiếc đệm!

Hãy nhìn kỹ chiếc đệm này! Thoạt nhìn, đó là một chiếc đệm da dày dặn, với độ đàn hồi êm ái, khiến chúng ta chỉ muốn ngã người nằm xuống và tận hưởng sự mềm mại ấy phải không nào? Tôi nhớ khi đang mải mê tham quan Bảo tàng Louvre, đôi chân của tôi đã mỏi nhừ, bỗng dưng nhìn thấy chiếc đệm như thế này. Ôi chao, tôi chỉ muốn lập tức ngồi xuống để nghỉ ngơi!

Vậy ai là người đã điêu khắc ra chiếc đệm này? Vâng, người tạo ra chiếc đệm này chính là người nghệ sĩ số một của nghệ thuật điêu khắc Baroque - Giovanni Lorenzo Bernini.

Nhà điêu khắc số một của thời kỳ Baroque: Bernini

Bernini sinh ngày 7 tháng 12 năm 1598 tại Naples, Ý.

undefined
Nhà điêu khắc số một của thời kỳ Baroque: Bernini. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bernini là một nghệ sĩ lỗi lạc trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, có thể sánh ngang với Michelangelo. Tài năng của Bernini không hề thua kém chút nào so với một nghệ sĩ vĩ đại như Michelangelo. Chúng ta hãy cùng xem một tác phẩm điêu khắc nhỏ của Bernini khi mới 10 tuổi: "Dê Amalthea với Thần Jupiter và Thần Faun" (The Goat Amalthea with the Infant Jupiter and a Faun). Bạn hãy nhìn biểu cảm của thần Faun khi uống sữa dê, hãy nhìn bộ lông dày mượt của con dê, bạn có nghĩ rằng đây là tác phẩm của một đứa trẻ 10 tuổi? Thật khó tin phải không!

undefined
Bức tượng "Dê Amalthea với Thần Jupiter và Thần Faun" của Bernini. (Wikipedia/ Saiko/ SA-4.0)

Có một tác phẩm khác của Bernini được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của Bernini không nằm ở châu Âu, được ông khắc vào năm 18 tuổi: "Bacchanal, Thần Faun bị trẻ em trêu chọc". Tác phẩm này được trưng bày ở phía bên trái của sảnh tầng 1 tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, trong một khoảng sân kiểu La Mã. Trong khi ở độ tuổi này, bạn vẫn đang lo lắng rằng mình có thể vào đại học hay không thì Bernini đã sử dụng tài năng tuyệt vời của mình để mở ra một cuộc đời huy hoàng! Đối với một thiên tài gây sốc như Bernini, việc ông trở nên nổi tiếng chỉ là vấn đề thời gian.

Đương nhiên, Bernini cũng cần gặp được "quý nhân", cần có một cơ hội. Rất nhanh sau đó, cơ hội đó đã đến. Cơ hội này cũng bắt nguồn từ một tác phẩm của Bernini, là một kiệt tác khác được ông điêu khắc khi 19 tuổi: "Thánh Lawrence chịu khổ" (Martyrdom of Saint Lawrence).

undefined
Bức tượng "Thánh Lawrence chịu khổ" của Bernini. (Miền công cộng)

Thánh Lawrence là một môn đồ kiên trinh và ngoan đạo của Chúa Giêsu. Sau cùng, vị Thánh này đã bị trói vào giá lửa và chịu thiêu sống để giữ gìn đức tin. Nhiều tác phẩm hội họa đã thể hiện chủ đề này. Vẽ một đống lửa là điều dễ dàng thế nhưng để thể hiện ngọn lửa bằng đá cẩm thạch lại là chuyện khác. Rất khó điêu khắc được một ngọn lửa bập bùng cháy. Tuy nhiên, Bernini đã làm được.

Ở tác phẩm này, khối đá cẩm thạch đã hiện lên hình dạng một ngọn lửa đang nhảy múa, sống động. Trong khi đó, Thánh Lawrence vẫn giữ thái độ bình thản, không hề sợ hãi, thể hiện một cách chân thực niềm tin kiên định của vị tu sĩ, không hệ sợ hãi trước cái chết. Người ta kể rằng lúc đó, Thánh Lawrence còn nói với người thi hành án rằng: "Này anh bạn, xin hãy lật tôi lại, mặt này đã chín rồi".

Để có thể thể hiện hiệu ứng cơ thể người đang bị đốt nóng tốt hơn, Bernini đã từng nướng đùi của mình trên một chậu than củi đang cháy để cảm nhận được sự đau đớn khi bị lửa thiêu. Ôi, làm một nghệ thuật gia cũng không dễ phải không?

Bernini và quý nhân của cuộc đời ông - Hồng y giáo chủ Borghese

Chính tác phẩm "Thánh Lawrence chịu khổ" đã thu hút sự chú ý của một người. Người này chính là quý nhân trong suốt cuộc đời của Bernini - Hồng y giáo chủ quyền lực nhất Giáo hội La Mã thời bấy giờ - Scipione Borghese.

Borghese là người cháu trai được Giáo hoàng Paul V sủng ái, nắm giữ mọi quyền hành trong nội bộ và ngoại giao của Vatican, đồng thời quản lý tài chính cho Giáo hoàng và gia tộc Borghese. Borghese còn là một nhà sưu tầm và là một nhà tài trợ nghệ thuật có gu thẩm mỹ rất tinh tế. Trong những nghệ sĩ từng được Borghese tài trợ có hai nghệ sĩ nổi tiếng nhất: một là Caravaggio, họa sĩ đại diện cho trường phái Baroque và người còn chính là Bernini.

Lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm của Bernini, Borghese đã lập tức khẳng định rằng trong tương lai, chàng thanh niên trẻ tuổi này chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu nghệ thuật có thể sánh ngang với Michelangelo. Do đó, Borghese quyết định giao cho Bernini một nhiệm vụ quan trọng: đó là sáng tác một số tác phẩm điêu khắc cho khu vườn trong ngôi biệt thự sang trọng mới hoàn thành của mình. Mặc dù tin tưởng vào tài năng của Bernini, nhưng Borghese không ngờ rằng Bernini lại có thể tài hoa đến vậy!

Những kiệt tác sánh ngang với Michelangelo

Chỉ một vài tác phẩm điêu khắc đặt trong vườn hoa khi tuổi vừa mới ngoài đôi mươi của Bernini đã trở thành những kiệt tác chấn động cổ kim, có thể sánh ngang với Michelangelo trong lịch sử nghệ thuật phương tây. Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu từng tác phẩm một.

"Vụ bắt cóc Persephone"

Đầu tiên, tôi muốn cho các bạn xem bức tượng điêu khắc yêu thích của tôi: "Vụ bắt cóc Persephone" (The Rape of Persephone). Như thường lệ, chúng ta sẽ tìm hiểu câu chuyện trước khi xem tác phẩm.

"Vụ bắt cóc Persephone". (Wikipedia/ SA-4.0)

Chuyện kể như thế này, Persephone là con gái của Thần Zeus và Nữ Thần Demeter, nữ Thần cai quản mặt đất và mùa màng. Persephone vô cùng xinh đẹp. Một ngày nọ, khi Persephone và một nhóm chị em đang ra ngoài du ngoạn thì đột nhiên mặt đất nứt ra. Một người đàn ông cao lớn vạm vỡ với mái tóc xoăn và bộ râu quai nón lao ra trên chiếc xe do bốn con ngựa đen kéo. Đó là Thần Hades, vua của địa phủ. Thần Hades là anh trai của Thần Zeus, phụ trách cai quản địa phủ.

Thật ra Thần Hades sớm đã yêu cháu gái Persephone, hơn nữa còn được Thần Zeus ngầm đồng ý rằng sẽ gả con gái cho. Thế nhưng Hades không chờ được nên đã lao đến cướp cô dâu. Hades ôm lấy cô gái Persephone đang kinh hoàng đưa lên xe và đi thẳng về địa phủ. Sau khi mặt đất khép lại, cô gái Persephone xinh đẹp đã biến mất không còn dấu vết.

Chúng ta sẽ chỉ kể đến đây vì tôi muốn giới thiệu ngay cho các bạn tác phẩm điêu khắc của Bernini. Bernini đã chọn khoảnh khắc Thần Hades ôm lấy người đẹp, và chính tác phẩm này đã đưa Bernini lên đỉnh cao danh vọng khi chỉ mới 24 tuổi.

Tác phẩm điêu khắc này sử dụng cấu trúc đường chéo kinh điển của nghệ thuật Baroque. Thần Hades có thân hình cường tráng và những đường gân nổi lên, cô gái có thân hình nở nang và khuôn mặt buồn bã. Sự thô bạo của Thần Hades và sự yếu đuối của cô gái tạo nên sự tương phản mạnh mẽ, đầy căng thẳng kịch tính, phản ánh đặc điểm của nghệ thuật của thời kỳ Baroque: cuồng nhiệt, sống động và đầy những xung đột kịch tính. Khoảnh khắc nhìn thấy tác phẩm này, người xem dường như nghe thấy tiếng hét của cô gái! Khí chất bạo lực và nam tính của Thần Hades tràn ngập căn phòng. Những giọt nước mắt của cô gái rơi xuống vì tuyệt vọng, mái tóc tung bay và bàn tay bất lực vùng vẫy khiến chủ đề “cướp đoạt” tạo nên hình ảnh kích thích mạnh mẽ.

Một tác phẩm như vậy đã khiến bạn kinh ngạc chưa? Thế nhưng để tôi nói cho bạn biết, điều ấn tượng nhất của tác phẩm này không phải là những điều trên, mà chính là ở hình ảnh: bởi vì dùng lực quá mạnh, các ngón tay của Thần Hades gần như đã bấu vào làn da đùi mềm mại của cô gái. Chỗ lõm xuống của phần cơ thậm chí có thể khiến người xem cảm nhận được nhiệt độ cơ thể của cô gái. Đây chính là chỗ thể hiện kỹ thuật tốt nhất của toàn bộ tác phẩm. Hãy nhìn kỹ vào những vết lõm trên da, độ đàn hồi của da. Đây chính là chỗ sáng chói nhất của tác phẩm! Đá cẩm thạch cứng nhưng lại có thể tạo nên cảm giác da thịt! Trong tay Bernini, đá cẩm thạch đã giống như đậu phụ để ông có thể tùy ý chạm khắc!

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tác phẩm này, tôi đã nghĩ làm sao có thể chân thật đến vậy? Thật tuyệt vời! Khi tác phẩm được đưa ra triển lãm đã gây kinh ngạc cho toàn thành phố, Bernini nổi tiếng khắp thành Rome, và trở thành huyền thoại chỉ sau một công trình!

Tiếp theo, tôi sẽ kể cho mọi người nghe phần còn lại của câu chuyện bắt cóc Persephone.

Sau khi Persephone bị bắt đi, mẹ của nàng là Nữ Thần Demeter, nữ Thần cai quản đất đai và mùa màng vô cùng lo lắng. Nữ Thần không còn tâm trí làm việc, khiến cho đất đai hoang hóa, mùa màng thất thu, dân chúng đói khổ. Tiếng oán than của con người vang đến trời cao, sau khi biết được, Thần Zeus cảm thấy không thể để tiếp tục như vậy và phải tìm cách giải quyết. Thần Zeus biết việc này là do Hades, anh trai của mình làm, nên đành phải đích thân đến địa ngục để thương lượng với anh trai. Thần Hades nể mặt Thần Zeus nên cũng đành đồng ý thả Persephone trở về.

Tuy nhiên, Hades là một vị Thần rất xảo quyệt. Sau khi bắt, Persephone buồn bã, sợ hãi nên đã tuyệt thực. Hades nói rằng nếu cô không ăn uống sẽ không tốt cho sức khỏe, như vậy mẹ cô sẽ càng đau lòng hơn. Sau đó, Hades đưa cho Persephone một quả lựu lớn và bảo cô ăn vài hạt. Persephone rất đói nên đã ăn bốn hạt lựu. Lúc này xuất hiện một vấn đề! Bởi vì chỉ cần ăn thức ăn ở địa ngục, thì sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn rời khỏi địa ngục.

Thần Zeus cũng lúng túng, không biết phải làm thế nào. Tuy nhiên, nếu trên thế gian xuất hiện nhiều vấn đề cũng sẽ không tốt với địa phủ. Vì vậy, Thần Hades đã nhường một bước, nói rằng Persephone đã ăn bốn hạt lựu, vậy nên mỗi năm cô sẽ đến địa ngục ở bốn tháng, thời gian còn lại, Persephone có thể trở về mặt đất để đoàn tụ với mẹ. Cứ như vậy, mỗi năm Persephone có bốn tháng không thể ở bên mẹ, khiến mẹ cô không có tâm trí làm việc, dẫn đến vạn vật hoang tàn, không còn sức sống. Đây là lý do tại sao cây cối không thể sinh trưởng vào mùa đông.

Câu chuyện này dạy cho chúng ta rằng, nhất định không được ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc!

Bức tượng điêu khắc "Apollo và Daphne"

"Nếu như 'Bắt cóc Persephone' được thể hiện nhiều về mặt kỹ thuật, thì tác phẩm điêu khắc tiếp theo đây chính là đỉnh cao nghệ thuật trong sự nghiệp của Bernini - bức tượng “Apollo và Daphne”. Tác phẩm này kể về một câu chuyện tán tỉnh không thành công. Người tán tỉnh chính là Thần mặt trời Apollo, và người được tán tỉnh là Daphne.

“Apollo và Daphne” của Bernini. (Wikipedia/ SA-4.0)

Trong số các vị Thần trên đỉnh Olympus, có hai người bắn cung giỏi nhất, một là Thần tình yêu Cupid, và người còn lại là Thần mặt trời Apollo tuấn tú. Tuy nhiên, Apollo rất xem thường việc mọi người so sánh mình với Thần Cupid. Trong một lần nọ, thần Apollo đã nói những lời khó nghe, làm tổn thương lòng tự trọng của Thần Cupid! Mang theo nỗi hận này, Thần Cupid thề sẽ cho Apollo kiêu ngạo biết sự lợi hại của mình! Cuối cùng, cơ hội đã đến!

Thần Cupid giương cung bắn tên, vèo một tiếng, một mũi tên vàng lặng lẽ bắn trúng vị Thần Apollo tuấn tú. Lúc này, Apollo vừa nhìn thấy Daphne xinh đẹp, trong nháy mắt, Thần mặt trời đã yêu nàng Daphne sâu đậm.

Ở phía bên kia, Thần Cupid lại rút ra một mũi tên chì, vèo một tiếng đã bắn trúng Daphne. Daphne khẽ sững người, vừa ngẩng đầu lên đã nhìn thấy Apollo đang chân thành nhìn mình. Trong mắt Daphne không hề có sự yêu thích hay ngượng ngùng như Apollo mong đợi, ngược lại, trong mắt nàng chỉ toàn là sự thờ ơ và chán ghét! Sau đó, cô gái quay đầu bỏ chạy.

Apollo có chút hoang mang! Apollo là vị thần đẹp trai nhất, rực rỡ nhất, quyến rũ nhất, tài hoa nhất trong Thần thoại Hy Lạp! Chưa từng có cô gái nào từ chối tình cảm và sự theo đuổi của vị Thần này. Hôm nay đã xảy ra chuyện gì vậy? Cô gái này sao lại quay đầu bỏ chạy khi nhìn thấy Thần Apollo? Tuy nhiên, chẳng phải sẽ có cảm giác rất kích thích sao, thứ không chiếm được mới là thứ tốt nhất! Đuổi theo, đuổi theo, Thần Apollo đã quyết định nhất định phải đuổi theo.

Nghĩ đến đó, thần Mặt Trời hăm hở đuổi theo. Khi sắp sửa bắt kịp cô gái, Thần Mặt Trời vươn tay định túm lấy cô, nhưng một việc bất ngờ xảy ra. Sau khi bị mũi tên chì bắn trúng, Daphne chán ghét tình yêu, vô cùng sợ hãi và căm phẫn với hành động theo đuổi trơ trẽn của người đàn ông trước mặt. Thấy sắp bị bắt, trong lúc hoảng hốt, cô gái chỉ còn cách cầu xin cha mình là Thần Sông giúp đỡ. Cô gái lớn tiếng gọi tên cha, cầu xin cha giúp đỡ: "Cha yêu quý, con thà biến thành cây nguyệt quế còn hơn nhận tình yêu của người này!"

Vì vậy, vào khoảnh khắc tay Apollo sắp chạm vào cô gái, Daphne đột nhiên biến thành một cây nguyệt quế! Bức tượng của Bernini đã nắm bắt chính khoảnh khắc này!

Hai thân hình hoàn hảo đều đang trong tư thế chạy, mang đến cho người xem một cảm giác vô cùng nhẹ nhàng, phiêu bồng, đầy chất thơ. Toàn bộ tác phẩm điêu khắc vừa có sự chuyển động, vừa rất cân bằng, ứng dụng nguyên lý cơ học vô cùng khéo léo. Cơ thể Daphne mềm mại và chân thực, tư thế muốn trốn chạy tình yêu như thể đang bay lơ lửng; thần sắc hoảng hốt, ánh mắt ánh lên sự sợ hãi, truyền cảm và lay động lòng người. Cơ thể Apollo tràn đầy sức sống tuổi trẻ, tư thế theo đuổi tình yêu lộ vẻ vô cùng nôn nóng.

Tay anh vừa chạm vào cô gái, cô gái đã bắt đầu biến đổi. Lúc này, một chân của cô gái đã hóa thành thân cây cắm vào lòng đất, mái tóc tung bay và khe ngón tay đang mọc ra lá cây. Apollo nhìn chằm chằm vào cô gái yêu dấu đang biến thành một cái cây, thần sắc của chàng chuyển từ ngạc nhiên sang bất lực và buồn bã.

Hai cơ thể quấn quýt tạo thành cấu trúc xoắn ốc đẹp mắt, dù là cơ thể thanh xuân xinh đẹp hay chi tiết cành lá um tùm đều hoàn hảo đến mức khó tin. Kỹ thuật điêu khắc đá cẩm thạch điêu luyện của Bernini đã thổi hồn vào đá. Nhà điêu khắc người Mỹ Peter Rockwell sau này từng nhận xét rằng: “Bất kỳ nhà điêu khắc nào sau khi xem bức tượng "Apollo và Daphne" của Bernini đều chỉ có thể ngạc nhiên thán phục mà rời đi!”

Phần sau của câu chuyện buồn này là: Nhìn người con gái yêu dấu biến thành cây đại thụ, Thần Apollo đau buồn đành bẻ một cành nguyệt quế, đan thành vòng nguyệt quế đội lên đầu. Vì vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy trong nhiều tác phẩm điêu khắc hay tranh vẽ, Thần Apollo đều xuất hiện với hình ảnh đội vòng nguyệt quế. Đây cũng là nguồn gốc của từ "vòng nguyệt quế". Do Apollo còn là vị Thần cai quản nghệ thuật, nên "vòng nguyệt quế" cũng trở thành phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực nghệ thuật. Giải thưởng cao quý nhất dành cho học giả văn hóa ở châu Âu cổ đại là danh hiệu "Nhà thơ vòng nguyệt quế" tương đương với giải Nobel Văn học ngày nay.

Tác phẩm "Apollo và Daphne" đã giúp Bernini có được sự khen ngợi của toàn thành Rome, khiến nghệ sĩ thiên tài này và tác phẩm của ông trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Danh tiếng của Bernini thậm chí còn truyền đến các nhân vật cao cấp của Giáo hội, trong đó bao gồm cả Urban VIII, người sau này trở thành Giáo hoàng. Chính nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Urban VIII mà sự nghiệp và danh tiếng của Bernini đã đạt đến đỉnh cao.

Bức tượng "David"

Còn một tác phẩm khác cũng cần được giới thiệu, đó chính là bức tượng "David" của Bernini. Kể từ khi bức tượng "David" của Michelangelo ra đời, không có nhà điêu khắc nào dám thử sức với chủ đề này. Thế nhưng, Bernini vẫn muốn thử thách bản thân. Bức tượng "David" của Bernini và tượng "David" của Michelangelo thể hiện rõ nét hai phong cách nghệ thuật khác nhau của hai thời kỳ Phục hưng và Baroque.

Michelangelo chọn khoảnh khắc tĩnh lặng trong sự đối đầu căng thẳng, ngay trước khi tung ra đòn tấn công kinh hoàng; trong khi Bernini chọn khoảnh khắc David đang muốn tung ra một đòn chí mạng. David của Bernini cắn chặt môi dưới, nhíu mày, thể hiện sự căng thẳng và tức giận; cơ thể vặn vẹo, cơ bắp căng cứng, chiếc trành ném đá đã được đưa đến vị trí có lực mạnh nhất. Khoảnh khắc tiếp theo dường như chúng ta có thể nhìn thấy được một cú ném như trời giáng của chàng David!

Bức tượng "David" của Bernini (trái) có thể sánh ngang với tác phẩm cùng tên của Michelangelo (phải). (Tổng hợp)

Hãy chú ý! Ở đây, Bernini đã tinh nghịch ghép khuôn mặt của mình vào David. Có vẻ như không chỉ những họa sĩ đẹp trai thích đưa mình vào tranh vẽ, mà những nhà điêu khắc đẹp trai cũng vậy!

Hai tác phẩm "David" này, một tĩnh lặng và một bùng nổ, một ở trong trạng kéo dài và một chỉ trong khoảnh khắc, một ổn định và một chuyển động, một cao quý tĩnh lặng và một cảm xúc mạnh mẽ, một cấu trúc song song và vuông góc và một là cấu trúc đường chéo. Bạn thích tác phẩm nào hơn?

Nhân vật của Bernini luôn ở trong trạng thái chuyển động mạnh mẽ. Đá cẩm thạch dưới bàn tay của Bernini dường như mất đi sức nặng, trang phục của nhân vật bay phấp phới trong gió, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, vui tươi nhưng lại có giảm bất an. Bernini từng nói: “Một nghệ sĩ muốn thành công cần hội tụ ba điều kiện, một là sớm phát hiện ra cái đẹp và nắm bắt lấy; thứ hai là làm việc chăm chỉ; thứ ba là có thể thường xuyên nhận được sự hướng dẫn chính xác”. Không nghi ngờ gì nữa, Bernini đã thể hiện rất tốt cả ba điều này.

Đỉnh cao sự nghiệp của Bernini, gặp phải kiếp nạn lớn nhất trong cuộc đời

Trước tuổi ba mươi, Bernini đã có mọi thứ mà một nghệ sĩ hằng mơ ước. Tuy nhiên, thành danh khi còn trẻ đôi khi cũng không hẳn là điều tốt. Bernini có một tật xấu - đó là sự kiêu ngạo. Trong tác phẩm "Apollo và Daphne", phần lá và cành cây chủ yếu do các trợ lý hoàn thành, nhưng Bernini chưa bao giờ đề cập đến những người trợ lý của mình mà nhận toàn bộ vinh quang của tác phẩm. Điều này hoàn toàn khác với Michelangelo, người vô cùng hào phóng với những người trợ lý và bạn bè, không bao giờ độc chiếm công lao của người khác. Chính vì tật xấu này mà Bernini đã gặp phải kiếp nạn lớn nhất trong cuộc đời mình khi đang ở thời kỳ đỉnh cao. Câu chuyện xảy ra như sau.

Năm 1623, Urban VIII lên ngôi Giáo hoàng. Vị Giáo hoàng này luôn đánh giá cao tài năng của Bernini, và hai người đã trở thành bạn tốt trước khi Urban VIII trở thành Giáo hoàng. Bernini luôn mong muốn được đích thân thực hiện một dự án kỹ thuật hoành tráng và vĩ đại, có thể lưu danh muôn đời. Người bạn tốt Giáo hoàng Urban VIII chắc chắn muốn giúp Bernini hoàn thành tâm nguyện. Vì vậy, khi mới 25 tuổi, Bernini đã được phong làm kiến trúc sư quy hoạch thành phố Rome và phụ trách việc tu sửa Vương cung thánh đường Thánh Peter. Trong tất cả các dự án tu sửa, dự án xa hoa nhất là Cung thánh bằng đồng trong Vương cung thánh đường Thánh Peter.

Cung Thánh bằng đồng trong Vương cung thánh đường St. Peter (Bronze Canopy over the High Altar).

Bạn nào từng đến Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican chắc chắn sẽ nhớ đến Cung thánh bằng đồng tuyệt đẹp này. Phía trên Cung thánh là mái vòm lớn do Michelangelo thiết kế, và bên dưới là phần mộ của Thánh Peter. Do đó, Giáo hoàng Urban VIII hy vọng Cung Thánh này sẽ được thiết kế một cách đẹp mắt. Và Bernini đã không phụ lòng mong đợi của Giáo hoàng.

undefined
Cung thánh bằng đồng trong Vương cung thánh đường St. Peter, tác phẩm của Bernini. (Wikipedia/ SA-cc0)

Bernini đã dành gần 10 năm để hoàn thành kiệt tác này. Bốn cột trụ bằng đồng của Cung thánh được thiết kế theo dạng cột trong đền thờ Solomon. Những chiếc cột này có dạng xoắn ốc. Trên đỉnh Cung Thánh, Bernini thiết kế bốn vị Thiên Thần để trang trí và một cấu trúc đỡ quả cầu và cây Thánh giá ở phía trên. Để lấy lòng Giáo hoàng, toàn bộ Cung thánh được gắn những biểu tượng của gia tộc Barberini, nơi xuất thân của Giáo hoàng, gồm có ong, mặt trời và cành nguyệt quế. Toàn bộ Cung Thánh kết hợp hài hòa với cảnh vật xung quanh, khiến mọi người dường như quên mất đây là một tác phẩm khổng lồ cao tương đương một toàn nhà bốn tầng!

Cung Thánh bằng đồng không chỉ là một tác phẩm điêu khắc, mà còn liên quan đến nhiều nguyên lý kiến trúc. Thế nhưng, kiến trúc lại là điểm yếu của Bernini. Lúc này Bernini hoàn toàn không hiểu về kiến trúc, và cũng chính vì nguyên nhân này mà sau đó ông đã phải chịu thiệt thòi rất lớn. Vào thời điểm đó, một kiến trúc sư trẻ tài năng chưa có tên tuổi đã xuất hiện và giúp Bernini hoàn thành Cung Thánh bằng đồng danh lưu thiên cổ này. Người ấy chính là đối thủ suốt đời của Bernini - Francesco Borromini.

Có thể nói, mái vòm bằng đồng là do Bernini và Borromini cùng hợp tác để hoàn thành. Thế nhưng cuối cùng, Bernini kiêu ngạo đã độc chiếm toàn bộ công lao. Vì vậy Borromini luôn ghi hận trong lòng. Hai người đã trở thành kẻ thù và tranh chấp với nhau suốt đời.

Số phận đúng là rất thú vị! Để có thể khiến bạn hối hận vì những sai lầm đã gây ra, để bạn hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, số phận sẽ bất ngờ đẩy bạn từ phía sau khi đang ở đỉnh cao của cuộc đời, cũng chính là lúc bạn hoàn toàn mất hết cảnh giác hay đề phòng. Số phận muốn bạn hiểu rằng, cuộc sống không phải để theo đuổi danh vọng mà chính là để hoàn thiện bản thân!

Sau khi hoàn thành mái vòm bằng đồng, danh tiếng của Bernini đạt đến đỉnh cao. Nhận được vô số lời khen ngợi và thành công vang dội trong sự nghiệp, dễ khiến con người trở nên kiêu ngạo và đưa ra những quyết định sai lầm. Bernini, vốn không am hiểu kiến trúc, nhưng đã vội vàng đề xuất cải tạo, xây thêm tháp chuông cho Vương cung thánh đường St. Peter.

Vương cung thánh đường St. Peter mà chúng ta thấy ngày nay trông như thế này. Khi đó, Bernini muốn xây thêm hai tháp chuông cao ba tầng ở hai bên nhà thờ, cao hơn cả mái vòm do Michelangelo thiết kế. Tuy nhiên, nền đất nơi xây dựng tháp chuông quá yếu, không thể chịu được trọng tải lớn như vậy. Khi đó, ngoại trừ Borromini, không ai nhận ra vấn đề này. Borromini phát hiện ra vấn đề nhưng không nói gì, chỉ đứng từ xa nhìn Bernini đắc ý, thầm cười nhạt: "Hừ! Cứ kiêu ngạo đi, cứ vênh váo đi, ta muốn xem ông sẽ ngã như thế nào!"

Cứ như vậy, công trình tháp chuông được khởi công rất rầm rộ. Đúng như dự đoán, khi tháp chuông sắp hoàn thành thì xảy ra sự cố! Một vết nứt lớn xuất hiện trên tường, toàn bộ kiến trúc bị nghiêng nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Điều trùng hợp là ngay ở thời điểm quan trọng này, Giáo hoàng Urban VIII, người luôn bảo vệ Bernini, đã qua đời. Vị Giáo hoàng kế nhiệm tiếp theo lại đối thủ không đội trời chung của Giáo hoàng Urban VIII - Giáo hoàng Innocent X. Những ngày tháng tươi đẹp của Bernini đã kết thúc!

Ở đây tôi muốn giới thiệu với các bạn một bức tranh. Đó là bức chân dung Giáo hoàng Innocent X vô cùng nổi tiếng do danh họa người Tây Ban Nha Diego Velázquez vẽ. Người ta nói rằng, khi nhìn thấy bức chân dung này, Giáo hoàng Innocent X đã im lặng hồi lâu, mãi sau mới lẩm bẩm: "Thật giống!". Hãy nhìn ánh mắt lạnh lùng và nhiều âm mưu đó, nhìn qua chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải là một con người hiền lành!

Portrait of Pope Innocent X, 1650
Chân dung Giáo hoàng Innocent X do Diego Velázquez vẽ. (Miền công cộng)

Sau khi lên ngôi, vị Giáo hoàng mới đã lập tức ra lệnh phá dỡ tháp chuông. Dưới ảnh hưởng của vị Giáo hoàng này, tất cả những người từng bị Bernini bắt nạt, đứng đầu là Borromini, bắt đầu tấn công Bernini không thương tiếc. Bernini từ một ngôi sao được mọi người ngưỡng mộ, ngay lập tức rơi xuống vực sâu. Cú ngã này kéo dài 10 năm.

May mắn thay, Bernini không hề chìm đắm vào đó mà bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu điểm yếu của mình - kiến trúc. Cuối cùng Bernini đã trở thành một kiến trúc sư đại tài. Đồng thời, ông cũng học được cách rèn luyện ý chí và tu dưỡng tâm tính. Sau 10 năm, khi thiên tài này đã trở lại, hứa hẹn mang đến cho Rome và cho thế giới nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa.

Trải qua thăng trầm cuộc đời, Bernini trở thành một chiến binh chính trực

Bernini là một bậc thầy điêu khắc và kiến trúc vang danh thiên cổ, thế nhưng ít ai biết rằng ông còn là một họa sĩ tài ba. Trên thực tế, Bernini đã để lại hơn một trăm bức tranh trong suốt cuộc đời, trong đó có rất nhiều tác phẩm vô cùng xuất sắc. Bản thân Bernini là một người có niềm tin kiên định, đặc biệt là sau khi trải qua những thăng trầm của cuộc đời, ông đã trở thành một chiến binh chính trực dám chiến đấu vì niềm tin của mình.

Ở phần tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn nhiều tác phẩm vĩ đại khác của Bernini, "nhà điêu khắc Baroque vĩ đại nhất". Ngày nay khi bạn đi dạo trên những đường phố ở Rome, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tác phẩm này!

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà điêu khắc số một của thời kỳ Baroque: Bernini