Cuộc hôn nhân bí mật ẩn giấu trong bức tranh nổi tiếng của Raphael? (2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc hôn nhân bí mật của Raphael được giấu trong bức tranh nổi tiếng! Người yêu thương cả đời không được nhìn nhận, chỉ có thể vẽ trong tranh! Raphael từng mắng Michelangelo là "đao phủ"! Raphael là họa sĩ duy nhất được chôn cất trong đền Pantheon!

Ngày 6 tháng 4 năm 1520 là sinh nhật lần thứ 37 của Raphael. Cũng trong chính ngày hôm ấy, người họa sĩ thiên tài đã kết thúc cuộc đời ngắn ngủi khiến mọi người đều vô cùng thương tiếc.

Di chúc lúc lâm chung của Raphael: Tình yêu và nghệ thuật

Sau một đêm tiệc tùng hai tuần trước đó cộng thêm chứng cảm lạnh, Raphael đã ngã bệnh và sốt cao liên tục. Trải qua gần hai tuần bị bệnh tật dày vò, ông đã rời khỏi thế gian. Trước khi qua đời, với sự giúp đỡ của cháu trai, Raphael đã lập di chúc để đảm bảo hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình được sắp xếp chu đáo: tình yêu và nghệ thuật. Ông để lại một khoản tài sản khổng lồ cho người tình yêu quý của mình, đồng thời giao phòng vẽ tranh cùng tất cả các tác phẩm trong phòng vẽ ở Rome cho hai người học trò xuất sắc là Giulio Romano và Gianfrancesco Penni.

Lúc lâm chung, Raphael yêu cầu Romano lấy ra một bức tranh từ chiếc tủ khóa trong phòng vẽ. Ông dùng hết sức lực cuối cùng để nhìn người phụ nữ trong tranh một cách âu yếm, rồi nhắm mắt xuôi tay! Rốt cuộc người nào đã khiến Raphael thương nhớ đến như thế? Đó chính là người đẹp trong bức tranh “Người phụ nữ với chiếc khăn trùm”. (La donna velata).

Đó là một bức tranh chưa từng được công bố trước đó. Tên của bức tranh là “Người phụ nữ với chiếc khăn trùm” (La donna velata), thế nhưng người phụ nữ trong tranh lại có tên là Margherita Luti. Nàng là con gái của một người thợ làm bánh, vừa xinh đẹp, trong sáng, thông minh lại đáng yêu. Mặc dù có xuất thân thấp kém nhưng nàng là một người phụ nữ tốt bụng, hiền lành và thanh lịch. Margherita chính là người yêu thương cả đời của Raphael.

Margherita Luti: Nguyên mẫu cho hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh xinh đẹp trong tranh của Raphael

Không lâu sau khi Raphael đến Rome, vị Hồng y giáo chủ Chieregati xuất thân từ Urbino đã tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn tại dinh thự ở vùng ngoại ô thành Rome, để chào đón người đồng hương được Giáo hoàng yêu mến.

Trong buổi tiệc ấy, khách khứa đông đúc và náo nhiệt. Raphael được mọi người yêu mến nên cảm thấy rất vui vẻ. Mọi người trò chuyện về nhiều chủ đề, từ Plato đến Plutarch, từ Eurydice đến Athena. Giới quý tộc Rome vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ vị họa sĩ trẻ tuổi, đẹp trai và ăn nói lưu loát này. Trong số các vị khách, có một thanh niên tên là Castiglione đã trò chuyện rất vui vẻ với Raphael. Khi biết Raphael đang loay hoay tìm người mẫu phù hợp cho bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh, Castiglione đã tự tin giới thiệu rằng mình quen con gái của một người thợ làm bánh ở Siena, người con gái ấy vô cùng xinh đẹp và đoan trang, có thể sẽ mang lại cảm hứng cho Raphael.

Vài ngày sau, trên một chiếc thuyền hoa được trang trí lộng lẫy ở bờ sông Tiber, Raphael đã gặp con gái của người thợ làm bánh - Margherita Luti.

Thuyền nhỏ lướt nhẹ trên dòng sông xuân đẹp như tranh vẽ, bóng người đẹp duyên dáng trước sóng xanh. Ai vẽ bức tranh thu thủy này? Làn sóng in bóng trời tươi đẹp vô cùng.

Chàng họa sĩ tài ba và người đẹp đã say đắm ngay từ lần đầu gặp gỡ. Margherita không chỉ trở thành người yêu thương suốt đời của Raphael, mà còn là nguyên mẫu cho vô số bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh xinh đẹp. Cứ như vậy, Raphael chìm đắm trong tình yêu, bắt đầu một cuộc sống vừa hạnh phúc vừa bận rộn.

Bức tranh “Đức Mẹ xứ Meadow” (The Madonna of the Meadow) của Raphael, năm 1506. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bốn năm trôi qua trong nháy mắt. Cuối năm 1512, lễ Giáng sinh đã đến với những bông tuyết chầm chậm rơi. Thành phố Rome rực rỡ ánh đèn, lộng lẫy cờ hoa. Năm đó, ngoài các hoạt động lễ hội truyền thống, Giáo hội còn tổ chức một buổi lễ khánh thành vô cùng trang trọng. Bức tranh "Trần nhà nguyện Sistine" - kiệt tác do Michelangelo miệt mài vẽ suốt bốn năm, đã chính thức hoàn thành! Trước Giáng sinh, Giáo hoàng Julius II lại một lần nữa lâm bệnh nặng. Lần này, Giáo hoàng biết rằng mình sắp qua đời. May mắn thay, bức tranh trần nhà mà ngài mong ngóng bấy lâu nay đã hoàn thành, ngài đã có thể yên tâm nhắm mắt.

Vì vậy, Giáo hoàng đặc biệt dặn dò rằng phải tổ chức lễ khánh thành này một cách long trọng, trang nghiêm và thần thánh! Có lẽ trong thâm tâm, Giáo hoàng đã âm thầm coi buổi lễ khánh thành cho kiệt tác vĩ đại nhất lịch sử nghệ thuật phương Tây này là một nghi thức để tiễn biệt bản thân trước khi rời xa nhân thế! Và thực tế đúng như vậy, chỉ hai tháng sau khi lễ khánh thành kết thúc, Giáo hoàng Julius II đã qua đời.

Lễ khánh thành khiến Giáo hoàng Julius II vô cùng hài lòng. Nhìn những vị Thần và những bậc Thánh nhân sống động như thật trên trần nhà, vị giáo hoàng già sắp bước sang tuổi 70 không khỏi rơi lệ. Giáo hoàng vui mừng vì tên tuổi của mình sẽ mãi được lưu truyền cùng với trần nhà vĩ đại nhất thế giới này! Nghĩ đến đây, Giáo hoàng khẽ thở dài. Quay đầu lại, Giáo nhìn thấy một khuôn mặt thanh tú, đó chính là chàng họa sĩ Raphael được mọi người yêu mến.

Học hỏi từ kiệt tác của Michelangelo

Lúc này, trong bốn căn phòng Giáo hoàng giao cho Raphael vẽ, chỉ có một căn đã được hoàn thành. Bức tranh "Học viện Athens" nổi tiếng đã giúp Raphael vang danh khắp thành Rome. Tuy nhiên, khi Raphael nhìn thấy kiệt tác của Michelangelo, ông vẫn cảm thấy chấn động! Raphael là một người rất ham học hỏi, những nét vẽ mạnh mẽ, dồn dập và đầy động lực của Michelangelo đã cho Raphael nhiều cảm hứng. Sau thành công vang dội của bức tranh "Học viện Athens", Raphael bắt đầu suy nghĩ cách để khiến các bức tranh tường trong những căn phòng tiếp theo thể hiện được một phong cách khác biệt. Lúc này, khi đứng trong nhà nguyện Sistine, ngẩng cao đầu, say sưa ngắm nhìn bức tranh trần nhà, Raphael bỗng bừng tỉnh, những suy nghĩ về bố cục và tạo hình nhân vật cho các bức tranh tiếp theo chợt hiện rõ lên trong đầu ông.

Vì vậy, trong các bức tranh như "Hỏa hoạn ở Borgo" (The Fire in the Borgo), "Sự trục xuất Heliodorus khỏi đền thờ" (Stanza di Eliodoro), "Cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Leo và Attila" (Leo the Great and Attila) v.v., chúng ta sẽ thấy rõ nét đặc trưng của Michelangelo: mạnh mẽ, dữ dội, phóng khoáng và tràn đầy năng lượng.

Bức tranh "Hỏa hoạn ở Borgo" của Raphael mô tả một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu Borgo ở Rome vào năm 847. Theo truyền thống của Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Leo IV đã dập tắt ngọn lửa bằng phép lành. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Cũng không có gì lạ khi sau này, Michelangelo, một bậc thầy có chút keo kiệt, đã đi khắp nơi nói xấu Raphael rằng: nghệ thuật của anh ta đều là ăn cắp của tôi!

Có một giai thoại thú vị về hai vị nghệ sĩ bậc thầy này

Một buổi tối nọ, Raphael được một đám đông học trò, người hâm mộ và những kẻ nịnh hót vây quanh trên đường. Lúc này, Raphael đang vô cùng đắc ý! Đúng lúc, Michelangelo vừa trải qua một ngày làm việc vất vả, từ hướng ngược lại đi đến. Khi ấy, Michelangelo đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, công việc vẽ tranh trần nhà nguyện Sistine khiến Michelangelo sứt đầu mẻ trán, mặt mũi lem luốc. Sau một ngày làm việc vất vả, khắp người Michelangelo đều là bụi, tóc tai rối bù. Michelangelo một mình đi đến. Trong hoàn cảnh ấy, hai nghệ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật đã gặp nhau.

Sự thật của cuộc đời vốn dĩ như vậy, không bao giờ đẹp như tiểu thuyết hay lời đồn.

Khi nhìn thấy Raphael, Michelangelo nở một nụ cười khinh thường và chế giễu: "Tên này, suốt ngày được nhiều người vây quanh, giống như một giám mục, ngươi đi đâu thế?"

Raphael mỉm cười và trả lời một cách lịch thiệp: "À, chỗ tôi hơi nhiều người. Còn ông thì sao? Ông đi một mình, trông giống như một đao phủ, ông đi đâu thế?"

Màn đấu khẩu này thật thú vị!

Tuy nhiên, sau khi xem bức tranh “Trần nhà nguyện Sistine", Raphael đã thực sự tâm phục khẩu phục Michelangelo. Đêm đó, Raphael một mình đến nhà Michelangelo gõ cửa. Sau khi cửa mở, Raphael cung kính nói với Michelangelo: "Thưa bậc thầy tôn kính, hôm nay tôi đã xem bức tranh "Sáng thế ký" của ngài, tôi muốn thu hồi lại những lời tôi đã nói với ngài hôm đó. Tác phẩm của ngài sẽ mở ra một kỷ nguyên mới".

Nói xong, Raphael cúi chào, không đợi Michelangelo mở miệng, Raphael đã quay người rời đi. Sau này, Raphael công khai bày tỏ rằng: "Chúng ta thật may mắn khi được sống trong thời đại của Michelangelo". Những điều này hoàn toàn không phải là giả vờ, mà là sự biểu hiện bản chất thuần khiết của Raphael.

Nhiều năm sau khi Raphael qua đời, Michelangelo đã quay trở lại Rome và nhận lời ủy quyền của Giáo hoàng Paul III để vẽ bức tranh "Sự phán xét cuối cùng" cho nhà nguyện Sistine. Có một lần, khi Michelangelo đi ngang qua Phòng Tông Ấn, một trong "Bốn căn phòng của Raphael" có bức tranh tường "Học viện Athens" nổi tiếng. Trước đó, Michelangelo chưa bao giờ thực sự quan sát tranh của Raphael. Lần này, Michelangelo dừng bước, đứng trước bức tranh và ngắm nhìn chăm chú. Sau một hồi lâu, Michelangelo không khỏi cảm thán: Raphael có thể xử lý tác phẩm một cách tinh tế và hoàn hảo như vậy, quả thật hiếm có!

Lúc đó, sự đồng cảm giữa hai thiên tài đã hoàn toàn hóa giải mọi sự ghét bỏ, oán giận và ghen tị vốn có giữa hai người. Trước sức hấp dẫn hoàn hảo của nghệ thuật, con người rất dễ quay lại với sự tốt đẹp, thuần khiết và khoan dung.

Học hỏi từ Leonardo da Vinci, Raphael đã sáng tác hơn 40 tác phẩm về chủ đề Đức Mẹ

Trong giới nghệ thuật thời bấy giờ, có hai bậc thầy dẫn đầu, một là Michelangelo và người còn lại là Leonardo da Vinci. Vậy một người ham học hỏi như Raphael đã học được gì từ Leonardo da Vinci? Chúng ta hãy cùng xem một bức tranh. Bức tranh có tên “Đức Mẹ của Đại công tước" (Madonna del Granduca) là tác phẩm được Raphael hoàn thành không lâu sau khi đến Florence.

Bức tranh “Đức Mẹ của Đại công tước" (Madonna del Granduca) của Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Nói về tranh Đức Mẹ, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Raphael đã có hơn 40 tác phẩm về chủ đề này. Hình ảnh Đức Mẹ của Raphael dường như có thể biểu lộ được thiên tính tự nhiên của Đức Mẹ, vừa trong sáng vừa đẹp đẽ, trang trọng và tự nhiên, thể hiện trọn vẹn sự yên bình, hài hòa, đối xứng cân đối và sự điềm tĩnh hoàn hảo. Hình tượng Đức Mẹ trong tranh của Raphael được công nhận là hình ảnh hoàn hảo nhất. Vì vậy, chỉ cần nhắc đến Raphael, hậu thế sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh Đức Mẹ xinh đẹp, thánh thiện và dịu dàng. Đến tận ngày nay, khi khen ngợi một người phụ nữ xinh đẹp và thuần khiết, nhiều người phương Tây vẫn nói: "Bạn đẹp như Đức Mẹ của Raphael!"

Khi mới đến Florence, so với sự mạnh mẽ, sôi nổi của Michelangelo thì sự trang trọng, trầm tĩnh và thanh tao của Leonardo da Vinci đã thu hút Raphael hơn. Lúc đó, Raphael vô cùng tôn kính Leonardo da Vinci. Vậy nếu bạn tôn kính ai đó, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ học hỏi từ họ! Từ bức tranh này, chúng ta có thể thấy rằng Raphael đã hoàn toàn nắm vững kỹ thuật quan trọng nhất trong phong cách hội họa của Leonardo da Vinci. Đó là kỹ thuật Sfumato.

Kỹ thuật Sfumato là kỹ thuật vẽ tranh do Leonardo da Vinci sáng tạo. Sau này kỹ thuật Sfumato đã trở thành một kỹ thuật vẽ tranh quan trọng mà các họa sĩ hàn lâm chính thống phải nắm vững. Đặc điểm của kỹ thuật này là xử lý sự chuyển đổi giữa các sắc độ khác nhau một cách rất tự nhiên, gần như không nhìn thấy đường phân cách rõ ràng giữa các vùng sáng và tối, đặc biệt là khi thể hiện khuôn mặt và các phần chuyển tiếp của cơ thể con người. Nét vẽ rất mềm mại, tròn trịa, màu sắc sử dụng rất mỏng, phần tối trong trẻo, thể hiện độ đàn hồi và cảm giác của da rất chân thực.

Để đạt được hiệu quả này, cần phải vẽ đi vẽ lại nhiều lớp, người ta nói rằng Leonardo da Vinci từng vẽ nhiều nhất là 30 lớp. Kỹ thuật vẽ tranh này làm cho hình ảnh nhân vật và đường viền của vật thể như được bao phủ bởi một lớp sương mỏng, không có đường nét cứng nhắc, chỉ có sự chuyển đổi sắc độ và cảm giác thể tích đồng nhất hiển thị trên tranh. Vì vậy kỹ thuật còn được gọi là kỹ thuật sương mù.

Raphael đã kế thừa và phát huy kỹ thuật Sfumato khiến các nhân vật trong tranh của ông càng thêm tròn trịa và mềm mại. Đức Mẹ trong bức tranh này trầm tĩnh, trang trọng và thánh thiện. Hình ảnh Đức mẹ trong tranh của Raphael có một đặc điểm quan trọng mà những họa sĩ khác không thể tạo ra được. Đó là vẻ đẹp thanh tao phi thường, khuôn mặt vừa có sự thánh khiết của một trinh nữ vừa có ánh hào quang của người mẹ! Bởi vì thông thường, khi một người phụ nữ trở thành mẹ, người phụ nữ ấy sẽ không còn là trinh nữ, sự thánh khiết đơn thuần vốn có của trinh nữ sẽ biến thành ánh hào quang của một người mẹ nhân từ và thương xót.

Bởi vì theo Kinh Thánh, Đức mẹ Maria không qua quá trình giao hợp nam nữ bình thường mà đã sinh ra Chúa Giê-su bằng cơ thể trinh nữ. Do đó, làm thế nào để thể hiện hài hòa hai khí chất hoàn toàn khác biệt: trinh nữ và người mẹ là một bài toán đã thử thách vô số các bậc thầy từ xưa đến nay. Với bài toán ấy, không thể nghi ngờ gì nữa, Raphael đã đưa ra câu trả lời đáng kinh ngạc nhất. Các bạn hãy nhìn vào ánh mắt rủ xuống nhưng ấm áp, màu da mịn màng. Vẻ mặt Đức mẹ hơi đượm buồn, báo hiệu cho số phận tương lai Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi của nhân loại. Toàn bộ bức tranh tràn ngập chất thơ như một bản Thánh ca.

Người ta kể lại rằng, khi đó phu nhân của Đại công tước Ferdinand III xứ Tuscany luôn lo lắng vì không thể sinh con trai. Thế nhưng không lâu sau khi cầu nguyện trước bức tranh để Đức Mẹ ban phước lành, vị phu nhân này đã sinh hạ được một bé trai khỏe mạnh và khôi ngô. Vợ chồng Công tước vô cùng vui mừng, lập tức bỏ ra số tiền lớn để mua bức tranh. Vì vậy, bức tranh này có tên là "Đức Mẹ của Đại công tước".

Ngoài việc học hỏi kỹ thuật từ Leonardo da Vinci, Raphael còn học hỏi bố cục hình tam giác kinh điển của Da Vinci. Trong Bảo tàng Louvre có bức tranh nổi tiếng "Đức Mẹ Đồng Trinh trong hang đá” (Virgin of the Rocks) của Leonardo da Vinci. Bức tranh này là một ví dụ điển hình về bố cục hình tam giác. Và sau đó, bạn sẽ thấy nhiều bức tranh Đức Mẹ của Raphael cũng có bố cục như vậy. Ví dụ như những bức tranh rất nổi tiếng: "Madonna of the Goldfinch", "Madonna del Prato", "Madonna of the Rose", v.v. Trong số rất nhiều bức tranh Đức Mẹ của Raphael, tôi muốn giới thiệu với các bạn bức tranh "Đức Mẹ Sistine” (Sistine Madonna). Bức tranh này được công nhận là bức tranh về chủ đề Đức Mẹ xuất sắc nhất của Raphael.

Sau khi vén tấm màn xanh, Đức Mẹ xinh đẹp ôm Chúa Giêsu chầm chậm hạ xuống từ đám mây. Ông lão mặc áo choàng gấm màu vàng bên trái bức màn là Giáo hoàng Sixtus I. Bức tranh được vẽ để tưởng nhớ vị giáo hoàng này. Người phụ nữ đang quỳ gối bên phải là Thánh Barbara. Bà cúi đầu thành kính, hơi e thẹn, thể hiện sự tôn kính và tuân phục đối với Đức Mẹ và Đức Chúa Con. Đức Mẹ ở trung tâm bức tranh với thân hình đầy đặn, xinh đẹp, thần thái thanh tao, biểu cảm trang nghiêm, thanh thản, vừa thánh thiện vừa nhân từ. Cử chỉ của hai bàn tay có cảm giác như đang đưa Chúa Giêsu ra ngoài, báo hiệu cho kết cục Chúa Giêsu sẽ hy sinh cho nhân loại trong tương lai.

Bức tranh "Đức Mẹ Sistine”. (Sistine Madonna) của Raphael. (Miền công cộng):

Điểm đặc biệt thu hút ánh nhìn của bức tranh chính là hai Thiên Thần vô cùng đáng yêu ở phần tiền cảnh phía dưới! Hai cậu bé Thiên Thần mở to đôi mắt tròn xoe, nhìn lên Đức mẹ và Đức Chúa Con, với vẻ ngây thơ, chất phác trẻ con cùng biểu cảm vô cùng đáng yêu! Đây là chỗ Raphael thể hiện tính cách trẻ con của chính mình. Chỗ này có thể được xem là ngòi bút thần.

Bức tranh hiện đang được trưng bày tại "Hành lang triển lãm tranh của các nghệ sĩ bậc thầy" ở Bảo tàng Dresden, Đức. Chỉ cần đến Dresden, bạn sẽ thấy hình ảnh hai Thiên Thần đáng yêu này xuất hiện trên các loại quà lưu niệm ở khắp mọi nơi!

Với hình tượng một người nữ xinh đẹp phi thường như vậy, Raphael đã từng nói: "Rất khó để gặp được người phụ nữ hoàn hảo. Vì vậy, tôi chỉ có thể dựa vào trí tưởng tượng của mình để sáng tạo ra một nữ Thần lý tưởng". Nói cách khác, Raphael thực sự đã kết hợp một cách hữu cơ những đặc điểm của rất nhiều phụ nữ xinh đẹp để tạo ra hình tượng Đức Mẹ kinh điển, xinh đẹp và siêu phàm như thế.

Danh tiếng của Raphael ngày càng vang dội, hôn nhân trở thành một vấn đề

Với sự nổi tiếng ngày càng tăng, vị trí và giá trị của Raphael cũng tăng cao. Hơn nữa, Giáo hoàng lại vô cùng sủng ái Raphael, lúc này Raphael đã không còn là một nghệ sĩ bình thường nữa. Margherita, con gái của người thợ làm bánh có xuất thân thấp kém không thể gả vào một gia đình giàu có trong xã hội khắt khe thời bấy giờ. Vậy, nếu Margherita được gả cho Raphael thì sao? Nếu vài tháng trước đó có lẽ còn có thể, nhưng bây giờ Raphael đã gặp phải một vấn đề.

Sau khi Giáo hoàng Julius II qua đời, Giáo hoàng kế nhiệm là Leo X thuộc gia tộc Medici. Vị Giáo hoàng này rất yêu quý Raphael, đã phong cho ông làm nhà thiết kế trưởng và đại sứ văn hóa của Vatican, đồng thời hào phóng tài trợ để Raphael sáng tác nghệ thuật. Đây là bức tranh "Chân dung Giáo hoàng Leo X và hai Hồng y giáo chủ" do chính Raphael vẽ, ba người trong tranh đều thuộc gia tộc Medici. Người ngồi chính giữa là Giáo hoàng Leo X, người bên trái là Giuliano de' Medici, anh họ của Giáo hoàng Leo X, sau này trở thành Giáo hoàng Clement VII (Clemens PP. VII). Người bên phải tên là Luigi de' Rossi, là một người họ hàng của Giáo hoàng Leo X.

Bức tranh "Chân dung Giáo hoàng Leo X và hai Hồng y giáo chủ" của Raphael (1518-1519). (Ảnh thuộc miền công cộng)

Giáo hoàng Leo X quá yêu quý Raphael nên rất muốn giúp ông có địa vị cao hơn, thậm chí ngài còn muốn phong Raphael làm quý tộc. Giáo hoàng Leo X đã trực tiếp ra lệnh cho Raphael cưới cháu gái của một Hồng y giáo chủ làm vợ. Khi đó, Raphael sẽ bước được một chân vào giới thượng lưu Vatican. Sau đó, dựa vào kỹ thuật vẽ tranh xuất sắc và trình độ nghệ thuật cao siêu của Raphael, Giáo hoàng Leo X sẽ phá lệ phong ông làm Hồng y giáo chủ. Như vậy, Raphael sẽ chính thức bước vào xã hội thượng lưu!

Raphael đồng ý với yêu cầu của Giáo hoàng và đính hôn với một cô gái tên là Maria Bibbiena. Thế nhưng sau đó, ông liên tục trì hoãn kết hôn, trì hoãn cho đến tận khi ông qua đời.

Raphael và Margherita đã bí mật kết hôn?

Năm 2005, nhà sử học nghệ thuật người Ý Curuz đã vui mừng tuyên bố một khám phá quan trọng. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhà sử học này khẳng định chắc chắn rằng trước khi đồng ý với yêu cầu ban hôn của Giáo hoàng, thực ra Raphael đã bí mật kết hôn với Margherita!

Có bằng chứng không? Có! Chúng ta hãy cùng xem lại bức tranh “Người phụ nữ với chiếc khăn trùm”. (La Donna Velata) đã được nhắc đến ở phần đầu.

Bức tranh này có thể được xem là phiên bản Mona Lisa của Raphael. Cô gái mặc một chiếc váy sang trọng, có mạng che màu trắng, nở một nụ cười bí ẩn. Bạn có cảm giác bức tranh này giống một bức ảnh cưới không? Nếu ngón áp út của bàn tay phải đặt trước ngực có một chiếc nhẫn thì sẽ càng giống ảnh cưới hơn phải không?

Bức tranh “Người phụ nữ với chiếc khăn trùm”. (La Donna Velata) của Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Thông qua quá trình nghiên cứu sâu rộng các tài liệu cùng thời của Raphael, và sử dụng thiết bị điện tử tiên tiến để quét bức tranh, nhà sử học Curuz đã phát hiện ra rằng, ban đầu người phụ nữ trong tranh có đeo nhẫn, đồng thời có các họa tiết về thực vật tượng trưng cho hôn nhân trên nền tranh. Tuy nhiên, tại sao những chi tiết này lại không còn nữa?

Như ở phần đầu đã nói, bức tranh này được học trò của Raphael là Romano tìm ra trước khi Raphael qua đời. Sau đó, Romano đã chỉnh sửa bức tranh, xóa nhẫn và tất cả những biểu tượng liên quan đến hôn nhân để che giấu bí mật của thầy mình. Mục đích của việc làm này là để tránh làm phật lòng các giáo sĩ cấp cao trong Giáo hội, và bảo vệ danh tiếng cao quý của Raphael, để ông tiếp tục được tôn vinh sau khi qua đời.

Ngoài ra, Curuz còn chỉ ra rằng một loạt các đồ trang trí liên quan đến đám cưới trong bức tranh đều ám chỉ cuộc hôn nhân bí mật của Raphael. Hành động đặt tay phải lên ngực của Margherita thể hiện một tình yêu "kiên định trung trinh". Lấy tay che ngực vừa tượng trưng cho tình yêu xuất phát từ trái tim, vừa thể hiện mong muốn bảo vệ tình cảm quý giá này. Còn có đồ trang sức bằng ngọc trai được người phụ nữ đeo trên đầu. Theo phong tục thời đó, chỉ có cô dâu mới được đeo ngọc trai trong lễ cưới. Hơn nữa, "ngọc trai" trong tiếng Latin là "Margherita". Những họa tiết tượng trưng cho tình yêu, sự sinh nở và lòng chung thủy trên nền tranh đã bị xóa. Đó là những biểu tượng thường được sử dụng để thể hiện tình yêu và hôn nhân trong thời kỳ Phục hưng.

Còn có một bức tranh khác có thể làm bằng chứng. Đó chính là bức tranh nổi tiếng "La Fornarina". Bức tranh này cũng từng bị học trò của Raphael xóa đi nhiều chi tiết tượng trưng cho hôn nhân. Sau khi được phục hồi, bức tranh đã hiện ra diện mạo ban đầu. Tư thế của Fornarina trong bức tranh rất giống với Donna Velata. Các bạn hãy chú ý đến dải trang trí màu xanh trên cánh tay trái của nhân vật Fornarina có khắc dòng chữ "Raphael Urbino". Đó không chỉ là chữ ký đơn thuần mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết và hứa hẹn giữa hai người yêu nhau.

Margherita không chỉ mang đến cho Raphael tình yêu ấm áp mà còn trở thành nguyên mẫu cho hình ảnh Đức Mẹ Maria dịu dàng, thanh tao, thuần khiết và ấm áp trong nhiều tác phẩm của ông.

Các bạn có còn nhớ đến bức tranh "Học viện Athens" mà chúng ta đã thảo luận ở phần trước không?. Raphael đã vẽ cả mình và Margherita vào trong bức tranh. Cách thể hiện tình yêu bằng cách vẽ người mình yêu vào tranh quả thật vô cùng lãng mạn, nhưng cũng rất khó.

Thêm một chi tiết thú vị nữa: 4 tháng sau khi Raphael qua đời, một người phụ nữ mang tên "Góa phụ Margherita" xuất thân từ gia đình thợ làm bánh mì ở thành phố Siena đã đến tu viện nữ thánh Apollonia ở Rome và trở thành một nữ tu. Suốt cuộc đời, hai người đã không thể danh chính ngôn thuận ở bên nhau.

300 năm sau, danh họa Tân cổ điển người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres đã cảm động trước câu chuyện tình yêu của hai người, và vẽ nên bức tranh "Raphael và nàng Fornarina". Trong tranh, Raphael ôm người yêu trong lòng, quay đầu nhìn lại bức chân dung vừa mới hoàn thành. Fornarina trong tranh nhìn ra ngoài một cách thanh thản, đầu đội mũ ngọc trai, tay phải đeo nhẫn. Ba trăm năm sau, với sự giúp đỡ của Ingres, cặp đôi yêu nhau này đã hoàn thành lời hẹn ước một cách danh chính ngôn thuận.

Bức tranh "Raphael và nàng Fornarina". (Ảnh thuộc miền công cộng)

Họa sĩ Raphael - Ông tổ trường phái hàn lâm

Phong cách vẽ tranh hoàn hảo, nhẹ nhàng và tinh tế của Raphael đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền nghệ thuật châu Âu hàng trăm năm sau. Raphael được công nhận là ông tổ của trường phái hàn lâm sau này. Ngày nay, phương pháp vẽ tranh mà các giáo viên, học sinh và nghệ sĩ thuộc trường phái hàn lâm sử dụng đều được kế thừa từ Raphael. Hầu hết các tác phẩm của trường phái hàn lâm đều dựa trên phương pháp sáng tác của Raphael. Do đó, Raphael có thể được coi là "ông tổ" của trường phái hàn lâm. Danh hiệu "Thánh hội họa" quả thật rất tương xứng với tài năng của ông.

Sau khi qua đời, Raphael được cho phép chôn cất tại đền Pantheon ở Rome. Đền Pantheon do Hoàng đế Hadrian xây dựng trong thời đại Ngũ Hiền Đế của La Mã cổ đại, là một trong số ít những kiến trúc kinh điển còn sót lại từ thời kỳ này. Pantheon luôn được xem là vùng đất tâm linh cao quý nhất của Rome. Nơi đây chỉ chôn cất các vị vua qua các triều đại, các vị tướng tài ba và chỉ có một nghệ sĩ là Raphael. Điều này cho thấy vị trí cao quý của Raphael trong lòng người dân Ý.

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc hôn nhân bí mật ẩn giấu trong bức tranh nổi tiếng của Raphael? (2)