Raphael, họa sĩ từng nổi tiếng hơn cả Da Vinci (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì vị họa sĩ thiên tài này, Giáo hoàng đã ra lệnh xóa bỏ tranh của tất cả những nghệ sĩ trước đó. Đó là thiên tài trẻ tuổi nhất của thời kỳ Phục hưng, tác giả của bức tranh đại diện cho phong trào Phục hưng: "Học viện Athens".

Nếu cho rằng văn nghệ Phục hưng là chiếc vương miện trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, thì những viên ngọc sáng chói nhất trên chiếc vương miện ấy chính là "Bộ ba nghệ sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng". Trong ba nghệ sĩ này, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Michelangelo và Leonardo da Vinci. Và người nghệ sĩ cuối cùng chính là: Raphael.

Một trong ba nghệ sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng: "Thánh hội họa" Raphael

Vào tháng 12 năm 2012 đã diễn ra một trong những buổi đấu giá quan trọng nhất năm của nhà đấu giá Sotheby's London. Sức hút của buổi đấu giá này không phải đến từ những loại báu vật quý hiếm của các gia đình hoàng gia, cũng không phải là kim cương hay mã não của một gia tộc nào đó mà là một bức tranh phác thảo nhỏ! Bức tranh nhỏ này đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh giành gay cấn nhất buổi đấu giá. Cuối cùng, tỷ phú người Mỹ, nhà đầu tư tài chính Leon Black đã chiến thắng với mức giá 48 triệu USD cho bức tranh "Chân dung của một vị tông đồ" (Head of an Apostle).

Bức tranh "Chân dung của một vị tông đồ" (Head of an Apostle) của Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Câu chuyện sẽ không có gì đặc biệt nếu mọi việc kết thúc ở đây. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra một sự việc thú vị. Khi tỷ phú Black đang vui vẻ, chuẩn bị mang bức tranh đi, bỗng có người đàn ông bất ngờ xuất hiện và hét lên: "Dừng lại! Đừng mang bức tranh đi!"

Bộ trưởng Văn hóa Anh Edward Vaizey, sau khi biết được bức tranh "Chân dung của một vị tông đồ" được một người Mỹ mua, đã lập tức ký lệnh tạm thời cấm đưa bức tranh này ra khỏi nước Anh đến tháng 7 năm 2014.

Hóa ra, Bộ trưởng Vaizey vô cùng yêu thích Raphael. Bức phác thảo "Chân dung của một vị tông đồ" được Raphael vẽ để chuẩn bị cho tác phẩm "Sự biến hình". Bức phác thảo này vốn thuộc sở hữu của gia tộc Công tước xứ Devon từ thế kỷ 18, và là một trong số ít những bức tranh thực sự của Raphael được lưu giữ tại nước Anh. Tuy nhiên, cuộc đấu giá đã khiến bức tranh rơi vào tay "những người Mỹ đáng ghét". Điều này khiến bộ trưởng Vaizey vô cùng tức giận. Do đó, chính phủ Anh đã quyết định ra tay can thiệp. Sự kiện này gây ra một cơn chấn động lớn. Các phương tiện truyền thông lớn nhỏ đều đưa tin chính phủ nước Anh công khai "chơi xấu" để giữ lại bức tranh.

Tuy nhiên, vì bức tranh được mua một cách hợp pháp ở buổi đấu giá, nên chính phủ Anh cũng không thể cấm người mua mang tranh đi. Vậy phải làm gì đây? Giải pháp được đưa ra chính là ban hành một lệnh cấm tạm thời: trước tháng 7 năm 2014 không được mang bức tranh ra khỏi nước Anh. Mục đích chính là hy vọng rằng trong khoảng thời gian này sẽ có một nhà sưu tầm người Anh mua lại và giữ bức tranh ở lại nước Anh.

Bức tranh "Sự biến hình" (Transfiguration). (Ảnh thuộc miền công cộng)

Câu chuyện thú vị này dẫn chúng ta đến với nhân vật chính - Raphael, vị họa sĩ thiên tài được người đời sau gọi là "Thánh hội họa". Raphael sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha của ông là một họa sĩ cung đình có tiếng ở Urbino. Do vậy, từ khi còn nhỏ, Raphael đã được tiếp xúc với hội họa, và được đào tạo bài bản. Sau này, nhận thấy tài năng của con trai đã vượt xa mình, cha của Raphael đã gửi ông đến học việc với Perugino, một người bạn thân và là họa sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Perugino cũng là một người khá thú vị. Vị họa sĩ này là một trong những họa sĩ có hiện tượng "chổi càng quét càng cùn" của nước Ý. Ở thời kỳ đỉnh cao, Perugino đã đạt được rất nhiều thành công. Là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Ý, Perugino từng được mời vẽ tranh tường cho nhà nguyện Sistine. Đó là một niềm vinh dự vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, Perugino lại cạn kiệt ý tưởng. Kỹ thuật vẽ của người họa sĩ này ngày càng điêu luyện, thế nhưng tác phẩm lại thiếu đi sự sáng tạo, các nhân vật đều có một khuôn mẫu giống nhau. Michelangelo đã không ngần ngại chê bai tác phẩm của Perugino là "không có giá trị gì". Về sau, Perugino quyết định từ bỏ sự nghiệp vẽ tranh, dùng tiền kiếm được từ việc vẽ tranh để đầu tư vào bất động sản, lấy một người vợ trẻ và dần rơi vào quên lãng.

"Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh"

Năm 21 tuổi, Raphael đã vẽ một bức tranh mang tên "Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh" (The Marriage of the Virgin). Vài năm trước, thầy Perugino cũng đã vẽ một bức tranh với chủ đề tương tự. Chúng ta hãy cùng so sánh hai bức tranh này. Bức tranh bên dưới là của Raphael, và bức bên trên là của Perugino. Hai bức tranh rất giống nhau.

Thế nhưng, bạn có nhận thấy rằng bức tranh của Raphael có màu sắc, hình ảnh, tỷ lệ và tư thế của của các nhân vật đều đẹp hơn so với thầy Perugino không? Raphael là một người học hỏi và bắt chước rất giỏi. Khi đó, các tác phẩm của Raphael giống các tác phẩm của Perugino, rất khó phân biệt. Vì vậy, sau này rất nhiều bức tranh trong thời kỳ đầu của Raphael đều bị lầm là của Perugino.

"Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh" của Perugino. (Ảnh thuộc miền công cộng)
"Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh" của Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Ngoài ra, Raphael còn là một người rất khôn khéo và có chỉ số EQ cao. Ngay cả khi chưa chính thức ra nghề, Raphael đã có thể ký tên vào tranh và nhận tiền thù lao. Theo quy tắc ngầm thời bấy giờ, một họa sĩ chưa lập nghiệp thì không được phép ký tên vào tranh hay trực tiếp nhận tiền từ khách hàng.

Tiziano Vecelli của trường phái Venice và người bạn học Giorgione đã bị thầy Bellini đuổi vì lý do này. Tuy nhiên, Raphael lại được phép làm vậy, và hơn nữa còn được chính thầy Perugino cho phép. Điều này cho thấy Raphael không chỉ được mọi người yêu mến, mà còn rất khéo léo xử lý các mối quan hệ với cách ứng xử vô cùng khiêm tốn và hòa đồng.

Có một người học trò như Raphael, bản thân người thầy giáo cũng sẽ được lịch sử ghi nhớ. Nhưng cũng chính vì có một người học trò xuất sắc như Raphael, Perugino sẽ mãi mãi bị lu mờ bởi ánh hào quang quá chói lọi.

Năm 21 tuổi, Raphael cảm thấy mất phương hướng, bởi vì chàng họa sĩ cho rằng không thể học thêm điều gì ở chỗ thầy Perugino. Lúc đó mặc dù đã học được rất nhiều kỹ năng hội họa, nhưng Raphael vẫn cảm thấy còn thiếu một điều gì đó, một yếu tố để nâng tầm nghệ thuật của bản thân.

Đến Florence, Raphael học hỏi từ Michelangelo và Leonardo da Vinci

Đột nhiên, lúc đó có tin một cuộc quyết đấu có một không hai sắp diễn ra ở Florence. Hai nghệ sĩ danh tiếng nhất châu Âu thời bấy giờ là Michelangelo và Leonardo da Vinci sẽ tranh tài bằng cách vẽ hai bức tranh tường tại sảnh chính của Tòa thị chính Florence. Người chiến thắng sẽ được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất đương thời.

Nghe được tin này, Raphael vô cùng hưng phấn. Đối với một họa sĩ đang tìm cách đột phá để nâng tầm nghệ thuật như Raphael, có thể được tận mắt chứng kiến hai nghệ sĩ bậc thầy tranh tài, là một cơ hội ngàn vàng. Không chần chừ, Raphael lập tức mua vé xe và lên đường đến Florence.

Câu chuyện cuộc đối đầu thế kỷ giữa Michelangelo và Leonardo da Vinci đã được trình bày chi tiết trong phần 1 của loạt bài về Michelangelo, do vậy, sẽ không nhắc lại ở đây. Bản phác thảo của hai nghệ sĩ bậc thầy được trưng bày công khai trong vài ngày. Trong những ngày đó, cung điện Vecchio luôn tấp nập người ra vào. Các nghệ sĩ từ khắp nơi đổ về đây để chiêm ngưỡng tác phẩm của hai bậc thầy. Sau khi xem bản phác thảo, họ vừa kinh ngạc, vừa thất vọng. Kinh ngạc, tất nhiên rồi, bởi vì ai cũng sẽ rung động trước những kiệt tác. Thất vọng là vì khi so sánh với tác phẩm của hai nghệ sĩ ấy, họ cảm thấy bản thân chẳng là gì cả. Nhìn lên đỉnh cao nghệ thuật này, họ thấy mình không thể nào bì kịp. Ôi chao, thôi vậy thì đành về nhà đổi nghề mở quán ăn.

Raphael cũng cảm thấy kinh ngạc, nhưng không hề nản lòng, ngược lại còn rất vui mừng. Chàng đột nhiên nhận ra rằng, nghệ thuật hội họa có thể có những cách thể hiện rộng lớn và mãnh liệt như vậy, thật tuyệt vời! Trong những ngày đó, Raphael dậy sớm đến trước bản phác thảo của hai bậc thầy để vẽ, suy ngẫm và quan sát, cho đến tận đêm khuya mới về.

Mặc dù hai bậc thầy không trực tiếp dạy cho Raphael bất kỳ kỹ thuật vẽ nào, nhưng nhờ trí thông minh và tài năng phi thường, Raphael đã học hỏi được rất nhiều từ "cuộc đại chiến dang dở" ấy. Những thành quả thu được đã đặt nền tảng vô cùng quan trọng cho sự nổi tiếng của Raphael ở thành Rome sau này.

Năm 1508, khi cuộc đại chiến trôi qua được bốn năm, lúc này Michelangelo đang miệt mài vẽ bức tranh vô cùng nổi tiếng trên trần nhà nguyện Sistine, còn Leonardo da Vinci đang ở Milan, say mê với các nghiên cứu khoa học của mình. Trong khi đó, Raphael, người sắp sửa bước lên đỉnh cao nghệ thuật, vẫn đang chờ đợi một cơ hội.

Đến Rome để phục vụ Giáo hoàng

Vào một buổi chiều tà, cơ hội đã đến với Raphael khi một con ngựa phi nước đại đến Florence. Người đưa thư mang đến một lá thư từ Bramante, kiến trúc sư trưởng của Giáo hoàng Julius II và là đồng hương của Raphael. Lá thư ấy mang theo lời mời Raphael đến Rome để phục vụ Giáo hoàng.

Đặt lá thư xuống, Raphael bước đến bên cửa sổ, nhìn vào vầng trăng non mới mọc và chìm vào suy tư.

Tiếng sáo ngọc nhà ai bay trong đêm tối; Tan vào gió xuân, đầy cả thành; Đêm nay nghe trong khúc nhạc “Bẻ liễu”; Có ai mà không dấy lên nỗi nhớ nhà?
(Bài thơ "Xuân dạ Lạc thành văn địch" của Lý Bạch)

Đã bốn năm kể từ khi Raphael đến"thành phố trăm hoa" Florence. Tuy nhiên, cùng với sự suy tàn của gia tộc Medici, Florence không còn giữ được sự phồn hoa như trước. Trong khi đó, Rome đang thu hút ngày càng nhiều nghệ sĩ và dần trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật của cả Ý và Châu Âu. Raphael thở dài khe khẽ và tự nhủ: "Đã đến lúc phải đi rồi!"

Giáo hoàng Julius II, được mệnh danh là "Giáo hoàng Chiến binh", là một trong những giáo hoàng có rất nhiều đóng góp cho Giáo hội Công giáo. Vị Giáo hoàng này có hai đam mê: đó là mở rộng lãnh thổ và phát triển văn hóa nghệ thuật.

Những sự việc ở thế gian đúng là rất thú vị. Khi đến thời điểm xuất hiện "thiên tượng", trên thế gian sẽ có những thay đổi tương ứng, xuất hiện những con người tài năng có thể thúc đẩy sự hình thành "thiên tượng".

Ví dụ như khi có "thiên tượng" rằng Thần muốn khôi phục nền văn hóa Thần truyền của phương Tây, một nhóm các nghệ thuật gia thiên tài đã ra đời. Tuy nhiên nếu chỉ có nghệ thuật gia mà không có những bậc quân vương, và những người thuộc tầng lớp thượng lưu có đủ sức mạnh và địa vị để bảo trợ, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật, thì sẽ rất khó có thể tạo thành một sự kiện ảnh hưởng đến cả thời đại. Vì vậy, những bậc quân vương hiển hách cũng đã đến thế gian! Ví dụ như: Lorenzo de' Medici, Giáo hoàng Julius II và Giáo hoàng Leo X, Công tước Milan Ludovico Sforza, Vua Pháp François I v.v.... Những bậc quân vương ấy đã cùng các nghệ sĩ thiên tài với đại biểu là "bộ ba nghệ sĩ vĩ đại nhất", tạo nên một thời kỳ văn nghệ Phục hưng vô cùng huy hoàng!

Bramante là kiến trúc sư trưởng của Tòa Thánh Vatican, đồng thời cũng là đồng hương của Raphael. Bramante sớm đã nghe đến tên tuổi của Raphael, và đã được xem qua một số tác phẩm của anh. Bramanta cho rằng Raphael chính là người Giáo hoàng cần tìm, vì vậy đã ra sức tiến của Raphael với Giáo hoàng Julius II.

Giáo hoàng Julius II, mặc dù có xuất thân thấp nhưng lại có gu thẩm mỹ nghệ thuật rất tinh tế. Sau khi xem qua một bức phác thảo của Raphael, Giáo hoàng lập tức khẳng định: Chàng thanh niên này không phải người thường. Thế nên Giáo hoàng quyết định giao cho Raphael trang trí bốn căn phòng lớn trong Vatican. Giáo hoàng Julius II làm việc thật quyết đoán! Bức phác thảo mà Giáo hoàng Julius II nhìn thấy chính là bức "Hạ Thập Tự Giá" của Raphael.

Phòng trưng bày Raphael ở Vatican

Ngày nay, khi tham quan Vatican, bạn sẽ thấy có bốn căn phòng được đánh dấu rõ trên bản đồ là "Phòng trưng bày Raphael", hay còn theo cách gọi của các nhà sử học nghệ thuật là "Bốn căn phòng của Raphael". Bốn căn phòng này là những căn phòng nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật. Vào thời điểm đó, đây là nơi Giáo hoàng Julius II làm việc, tiếp đón khách quý và suy ngẫm một mình. Điều này cho thấy sự coi trọng của Giáo hoàng Julius II đối với Raphael.

Theo ghi chép, công việc trang trí tranh tường trong các căn phòng này đã được thực hiện từ trước khi Giáo hoàng Julius II lên nắm quyền. Có một điều trùng hợp chính là, một trong những nghệ sĩ từng phụ trách vẽ tranh tường vào thời điểm đó là Perugino, thầy của Raphael. Khi Giáo hoàng bổ nhiệm Raphael, việc vẽ tranh đã hoàn thành hơn một nửa.

Thế nhưng, Giáo hoàng lại vui vẻ ra lệnh xóa tất cả những bức tranh tường đã vẽ trước đó để dành chỗ cho chàng họa sĩ trẻ tuổi tài năng. Các bạn có thể hiểu được Giáo hoàng Julius II yêu mến Raphael đến nhường nào! Nhưng Raphael cũng là một người rất khéo léo. Chàng nhất quyết yêu cầu giữ lại một số tác phẩm của thầy mình, không thể xóa bỏ toàn bộ! Cuối cùng, Giáo hoàng đã đồng ý giữ lại một tác phẩm của Perugino, và xóa bỏ tất cả các tác phẩm của những người khác.

Sự việc này cho thấy Giáo hoàng Julius II là một người táo bạo và quyết đoán. Những nhà thờ cổ kính hàng nghìn năm, quyết định phá dỡ là phá dỡ, dù trên tường còn nhiều bức tranh của các nghệ sĩ chưa vẽ xong nhưng quyết định xóa bỏ là xóa bỏ. Sự nhiệt huyết của vị Giáo hoàng này đối với nghệ thuật quả thực vô cùng hiếm thấy trong lịch sử tôn giáo. Giáo hoàng Julius II hiểu rất rõ rằng, những phép màu của Thần được thể hiện qua bàn tay của các nghệ sĩ không chỉ đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ uy quyền của Giáo hội, mà còn khiến bản thân ngài trở thành một vị giáo hoàng lưu danh sử sách.

Bốn căn phòng đã mất tổng cộng 15 năm mới hoàn thiện. Nếu một ngày nào đó bạn đến Vatican, không nên bỏ qua bốn căn phòng này, vì những bức tranh ở đây là các kiệt tác nghệ thuật vô cùng xuất sắc trong lịch sử nghệ thuật.

"Học viện Athens": Tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ văn nghệ Phục hưng

Trong rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật ở bốn căn phòng này, nổi tiếng nhất, kinh điển nhất và cuối cùng cũng là tác phẩm khiến Raphael vang danh chính là bức tranh “Học viện Athens” trên tường của Phòng Tông Ấn (Stanza della Segnatura)

"Học viện Athens": Kiệt tác bất hủ của Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Khác với những tác phẩm khác, “Học viện Athens” không phải là một cảnh tượng lịch sử hay một kỳ quan tôn giáo. Bức tranh này giống như một vở kịch lớn do Raphael đạo diễn, với sự tham gia của các vị Thánh nhân Hy Lạp cổ đại. Dàn diễn viên hùng hậu của vở kịch khiến mọi người kinh ngạc. Ngắm nhìn bức tranh này cũng giống như ngắm nhìn “Thanh minh thượng hà đồ”, phải xem từng chút một, càng xem càng thấm thía. Bạn hãy thử tưởng tượng, Raphael đứng trước vẽ, Giáo hoàng đứng sau nheo mắt nhìn. Raphael vừa vẽ vừa chỉ vào từng nhân vật, và giải thích cho Giáo hoàng: Đây là ai, kia là ai.

Bây giờ, tôi cũng sẽ chỉ cho các bạn những người trong tranh là ai.

Chúng ta sẽ bắt đầu từ nhân vật chính ở giữa bức tranh. Nhân vật có râu trắng ở phía bên trái là Plato, người sáng lập ra "Học viện Plato" nổi tiếng thời bấy giờ. Tên "Học viện Athens" của tác phẩm cũng bắt nguồn từ đây. Chúng ta cần biết thêm rằng, từ "Academy" (học viện) trong tiếng Anh ngày nay có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "Akademeia" trong tên gọi của "Học viện Plato".

Nhân vật bên phải Plato chính là người học trò xuất sắc của Plato là Aristotle. Hành động của hai thầy trò rất thú vị: Plato chỉ tay lên trời, ý nói rằng trí tuệ thực sự không nằm ở con người mà ở nơi Thần Thánh. Ngược lại, Aristotle giơ tay phải ra, lòng bàn tay hướng xuống đất, ý muốn nói rằng trí tuệ của Thần Thánh lại thể hiện ngay nơi thế giới chúng ta đang tồn tại.

Khi vẽ nhân vật Plato, Raphael đã dựa theo hình ảnh của Leonardo da Vinci, vì vậy khuôn mặt của Plato chính là khuôn mặt của Da Vinci.

Tiếp theo, các bạn hãy nhìn vào nhân vật nổi bật ở giữa tiền cảnh của bức tranh, đó là người đàn ông ngồi cúi đầu để sáng tác trên bậc thềm.

Nhân vật này chính là nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng - Heraclitus. Khuôn mặt của Heraclitus được vẽ dựa theo hình ảnh của Michelangelo. Đây là cách vẽ vừa tinh nghịch vừa thú vị của Raphael, khi so sánh hai nhà hiền triết vĩ đại với hai nghệ sĩ lỗi lạc đương đại. Có lẽ khi Giáo hoàng nhìn thấy chi tiết này cũng sẽ hiểu được ý của Raphael mà mỉm cười.

Bây giờ đã có Plato và Aristotle, vậy còn thầy của họ - nhà hiền triết vĩ đại nhất Hy Lạp cổ đại Socrates thì sao?

Trong bức tranh, người đàn ông mặc áo choàng xanh lá cây đang nói chuyện với mọi người chính là Socrates.

Người thanh niên tuấn tú mặc áo giáp vàng đứng đối diện Socrates, đang chăm chú lắng nghe lời dạy của nhà hiền triết chính là Alexander Đại đế.

Ngoài ra, còn có những danh nhân khác như: nhà toán học Pythagoras đang ngồi viết ở góc dưới bên trái, nhà hình học Euclid đang khom người vẽ hình bằng compa ở góc dưới bên phải. Ngoại hình của Euclid được vẽ dựa theo hình ảnh của Bramante.

Ngoài ra, còn có một người đàn ông đang nằm nửa ngồi trên bậc thềm, khoanh tay trước ngực phơi nắng, đó chính là Diogenes - một nhân vật tiêu biểu của trường phái triết học Khuyển Nho ở Hy Lạp cổ đại.

Có một câu chuyện nhỏ về Diogenes. Triết học gia này thường sống giống như một người ăn xin, nghĩa là buông bỏ tất cả những hưởng thụ vật chất trên thế gian, sống lang bạt, ăn xin qua ngày. Có một lần, Alexander Đại đế nghe được danh tiếng của Diogenes, nên đã đến khu chợ ở Athens để tìm gặp vị triết học gia này. Khi đến nơi, Alexander Đại đế chỉ thấy Diogenes đang mặc bộ quần áo rách rưới, dựa vào bức tường đổ nát ở góc phố phơi nắng!

Alexander Đại đế cung kính bước tới, ôn tồn hỏi: "Xin hỏi, ngài là Diogenes phải không?"

Diogenes không những không hề hoảng sợ, mà còn hơi bực bội liếc nhìn Alexander Đại đế, nói: "Này này này, có thể tránh xa ra một chút được không? Cậu đang che mất ánh nắng của ta, có biết không!". Thật là có cá tính phải không!

Tiếp theo, tôi muốn mọi người hãy nhìn kỹ, trong tất cả các nhân vật chỉ có hai người không tập trung vào vai diễn, mà đang lơ là nhìn bạn đang đứng phía ngoài bức tranh! Hãy tìm xem là ai nào! Đúng vậy, chính là hai người này!

Người đội mũ đen là chính họa sĩ Raphael. Còn người phụ nữ mặc áo choàng trắng là người yêu của ông. Như vậy chẳng phải khi yêu một nghệ sĩ ít nhất sẽ có một lợi ích là khuôn mặt của bạn được lưu giữ trong bức tranh lịch sử hay sao! Về người phụ nữ tri kỷ của Raphael, sẽ thảo luận ở phần sau.

Các tác phẩm của Raphael ôn hòa và trang trọng, danh tiếng của Raphael còn lớn hơn cả Leonardo da Vinci

Các nghệ sĩ của phong trào Phục hưng đã may mắn được sinh ra ở thời kỳ phù hợp nhất. Trước đó, do sự kiểm soát nghiêm ngặt của Giáo hội Cơ đốc, các nghệ sĩ khó được phép miêu tả những nhân vật Thần thoại hay những nhà hiền triết, Thánh nhân thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, bởi vì đối với Cơ đốc giáo, những nhân vật này đều là dị giáo, là ma quỷ. Mãi cho đến khi ánh sáng Phục hưng chiếu rọi đến lục địa châu Âu, những chủ đề này mới dần trở thành trào lưu trong sáng tác nghệ thuật.

Raphael cũng rất may mắn khi Giáo hoàng - người có địa vị tối cao trong thế giới Cơ đốc giáo, đã không ngần ngại ca ngợi các vị thánh Hy Lạp, La Mã trong cung điện của mình. Vài thập kỷ trước đó, điều này là hoàn toàn không thể tưởng tượng được. Có thể bản thân Raphael khi ấy không cảm thấy gì, nhưng vài trăm năm sau, khi chúng ta nhìn lại, chúng ta sẽ kinh ngạc nhận ra rằng, bất kể là nội dung của tác phẩm này, hay hình thức được sử dụng để thể hiện các nội dung ấy, đều đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn trong thời kỳ Phục hưng.

Raphael đã tự mình hoàn thành nét vẽ tô điểm cho thời đại ấy. Toàn bộ bức tranh mang vẻ đẹp cổ điển thiêng liêng, với kết cấu chặt chẽ, bố cục tinh tế, khung cảnh vĩ đại, màu sắc tươi sáng, nhân vật sống động, càng thưởng thức kỹ bức tranh, chúng ta sẽ càng thấy thú vị! Có thể xem đây chính là tác phẩm tiêu biểu nhất của thời kỳ văn nghệ Phục hưng!

Raphael là một người có khả năng học hỏi và kết hợp tài tình. Vasari đã viết trong cuốn tiểu sử rằng, Raphael học được cách vẽ hình thể đầy sức sống từ Michelangelo, và cách vẽ hình khối thanh tao từ Leonardo da Vinci. Sau đó, Raphael kết hợp những điều học được từ hai bậc thầy trên để phát triển phong cách nghệ thuật riêng của mình, một phong cách tổng hợp những điểm mạnh của cả hai, toát lên vẻ đẹp thanh lịch và trang trọng.

Thật vậy, những tác phẩm của Raphael không mang vẻ đẹp huyền bí và cao quý như tranh của Leonardo da Vinci, cũng không sôi nổi và nồng nhiệt như tranh của Michelangelo. Các tác phẩm của ông mang vẻ đẹp ôn hòa, thanh tao và tinh tế. Khi nhìn vào tranh của Raphael, có thể bạn sẽ không cảm thấy ấn tượng mạnh mẽ ngay tức thời, nhưng bức tranh ấy sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.

Bức tranh "Sự tranh luận về Bí tích Thánh Thể" (Disputation of the Sacrament), được vẽ từ năm 1509 đến năm 1510, hiện đang trưng bày tại Phòng Tông Ấn của Cung điện Vatican. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Ngoài ra, Raphael còn được tán thưởng là người có chỉ số EQ cao. Thông thường, chúng ta sẽ nghĩ rằng nghệ sĩ là những người có tính cách kỳ quặc, không giỏi giao tiếp, và có tính khí thất thường, kiêu ngạo, khó bảo. Thế nhưng Raphael không phải là người như vậy. Raphael cư xử chín chắn hơn nhiều so với lứa tuổi của mình. Là một trong những nghệ sĩ được Giáo hoàng yêu quý nhất, Raphael không hề kiêu căng, ngạo mạn mà ngược lại còn rất khiêm tốn và tốt bụng. Bởi thế Raphael được mọi người trong Giáo hội yêu mến.

Raphael có mối quan hệ rất tốt với các nhà tài trợ từ nhiều tầng lớp khác nhau ngoài Giáo hội, cũng không bao giờ để bất kỳ nhà tài trợ nào phật lòng. Khác với Leonardo da Vinci, thường bị chủ nợ truy đuổi, hay Michelangelo tranh cãi gay gắt với Giáo hoàng, có thể hình dung Raphael chính là người mà ai gặp cũng sẽ yêu mến!

Sau khi đạt được thành công với bức tranh "Học viện Athens", Raphael được nhiều giáo sĩ cấp cao, quý tộc và các gia đình giàu có tìm đến. Những người này không chỉ ủy quyền cho Raphael vẽ tranh, mà còn mời ông làm đại sứ ngoại giao và văn hóa. Từ năm 1509, Raphael trở thành cố vấn nghệ thuật chính cho Giáo hoàng Julius II, và sau đó là Giáo hoàng Leo X.

Mặc dù ngày nay Raphael có vẻ ít nổi tiếng hơn Leonardo da Vinci, nhưng ở thời điểm đó, Raphael thậm chí còn nổi tiếng hơn cả Da Vinci! Ông là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của thời đại.

Nhờ chỉ số EQ cao, Raphael còn có khả năng tổ chức và đào tạo học trò rất tốt.

Căn phòng Constantine

Trong những bức tranh tường ở bốn căn phòng, có nhiều bức tranh rất lớn và chứa nhiều nhân vật, điển hình nhất là những bức tranh trong căn phòng Constantine. Để có thể hoàn thành tốt các tác phẩm với khối lượng công việc lớn như vậy, nếu người họa sĩ không có năng lực tổ chức và không có một nhóm làm việc giỏi thì sẽ không thể nào làm được.

Phòng Constantine là căn phòng lớn nhất trong bốn căn phòng của Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Phòng Constantine là căn phòng lớn nhất trong bốn căn phòng của Raphael. Căn phòng này được đặt tên theo vị hoàng đế La Mã cổ đại Constantine Đại đế, và chứa các bức tranh miêu tả cuộc đời của vị Hoàng đế này. Tuy nhiên, những bức tranh này không phải do Raphael hoàn thành, bởi ông chỉ kịp xác định bố cục tác phẩm, hình dạng và vị trí của các nhân vật chính trước khi đột ngột qua đời. Sau khi Raphael qua đời, hai học trò xuất sắc của ông là Giulio Romano và Francesco Penni đã hợp tác cùng nhau để hoàn thành tác phẩm.

Trong số những bức tranh này, tôi muốn tập trung vào bức Trận chiến cầu Milvian. (Battle of the Milvian Bridge).

Nhân vật chính giữa bức tranh khoác lên mình bộ giáp vàng rực rỡ, cưỡi trên chiến mã trắng oai phong, tay cầm giáo dài, toát lên vẻ uy nghi lẫm liệt chính là Constantine Đại đế. Đây là một tư thế vô cùng kinh điển, giống hệt như hình ảnh được điêu khắc trên Khải Hoàn Môn Constantine ở Rome, mô tả cảnh Constantine Đại đế xuất chinh. Sau lưng Constantine là hai cây Thánh giá được giơ cao, phía trên Thánh giá là ba vị Thiên Thần, tượng trưng cho việc Constantine đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo, và chắc chắn sẽ đạt được chiến thắng cuối cùng.

Nhân vật ở góc dưới bên phải bức tranh đang ôm lấy ngựa và chìm dần xuống nước chính là Maxentius, kẻ thù của Constantine Đại đế trong trận chiến này.

Bức tranh "Trận chiến cầu Milvian" của Giulio Romano. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Trận chiến cầu Milvian là trận chiến then chốt giúp Constantine Đại Đế củng cố vị trí thống trị của mình. Trận chiến diễn ra gần cầu Milvian trên sông Tiber, bên ngoài thành Rome. Người ta kể rằng trước trận chiến, khi Constantine vẫn chưa theo đạo Thiên Chúa, vị Hoàng đế này đã mơ thấy Chúa hiện ra, và đã cầu xin Chúa giúp đỡ. Sau khi tỉnh dậy, Constantine ra lệnh cho binh lính giương cao lá cờ thêu hình cây thánh giá để bày tỏ lòng tôn kính đối với Chúa.

Quả nhiên, khi trận chiến đang diễn ra ác liệt nhất, Chúa đã sai Thiên sứ đến hỗ trợ, giúp Constantine đánh bại Maxentius hùng mạnh, từ đó Constantine trở thành bá chủ. Sau chiến thắng, Constantine không chỉ giải oan cho những tín đồ Thiên Chúa giáo đã bị đàn áp suốt 300 năm, mà còn mạnh mẽ ủng hộ đức tin Cơ Đốc giáo, xây dựng các nhà thờ, ban rất nhiều quyền lực và lợi ích cho Giáo hội. Constantine đã biến thành Rome thành Thánh địa của Thiên Chúa giáo do Giáo hội cai quản, và dời thủ đô về Constantinople, nay là Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, đế chế La Mã phân chia thành hai phần Đông và Tây. Trước khi qua đời, Constantine Đại đế đã chính thức cải đạo và trở thành một vua theo đạo Thiên Chúa.

Bức tranh "Trận chiến cầu Milvian" miêu tả một chiến trường hỗn loạn với vô số quân lính kéo dài đến tận đường chân trời. So với tác phẩm của Raphael, hai người học trò đã vẽ nên một khung cảnh hỗn loạn hơn, với biểu cảm trên khuôn mặt của các nhân vật có phần khuếch trương. Nhìn chung, bức tranh này mang tính chất thể hiện kỹ năng chủ quan hơn là mô tả sự kiện khách quan.

Sau đó, những đặc điểm này đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ học hỏi, hình thành nên phong cách nghệ thuật của "Trường phái Kiểu cách" vào cuối thời kỳ Phục hưng.

Nhà quý tộc Ý Mirandola: Danh tiếng của Raphael sẽ trường tồn mãi mãi

Bảy năm sau khi Raphael qua đời, Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles V đã chiếm được Rome và cho phép binh lính cướp bóc. Các học trò của Raphael buộc phải rời khỏi Rome, lưu lạc khắp nơi trên thế giới, tiếp tục kiếm sống bằng những kỹ thuật đã học được từ Raphael, cũng như truyền bá những quan niệm nghệ thuật cao cả và hoàn hảo của Raphael.

Có lẽ Raphael, người họa sĩ đã dành cả đời để tạo ra phong cách nghệ thuật thuần khiết và tao nhã, không bao giờ ngờ được rằng nghệ thuật của mình sẽ được truyền bá khắp châu Âu theo cách ấy. Không những thế, phong cách nghệ thuật của Raphael còn tiếp tục ảnh hưởng đến David, Ingres và thậm chí là cả các bậc thầy nổi tiếng trong Viện hàn lâm Pháp vào thế kỷ thứ 19.

Tất cả những họa sĩ này đều học được vẻ đẹp thanh tao và chính xác từ Raphael. Nhiều bức vẽ phác thảo mẫu mà Raphael vẽ cho học trò khi đó vẫn là tài liệu giảng dạy tại các trường đại học mỹ thuật ngày nay. Mặc dù Raphael chỉ sống 37 năm ngắn ngủi, nhưng ảnh hưởng của ông đối với nghệ thuật phương Tây vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Vì vậy, các nhà sử học đời sau đã tôn vinh Raphael là "Thánh hội họa".

Khi Raphael qua đời, quý tộc người Ý Mirandola đã viết trong một lá thư gửi cho bạn bè rằng: Raphael đã kết thúc cuộc sống đầu tiên của mình khi còn trẻ, nhưng cuộc sống thứ hai - cuộc sống về danh tiếng của ông không bị giới hạn bởi thời gian và cái chết, sẽ trường tồn mãi mãi.

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Raphael, họa sĩ từng nổi tiếng hơn cả Da Vinci (1)