Leonardo da Vinci có phải là người du hành thời gian?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bí mật đằng sau câu cuối cùng trong bản thảo của Da Vinci? Giải mã bí ẩn về một người có khả năng đến từ tương lai - Leonardo da Vinci! Da Vinci có thể thúc đẩy nhân loại phát triển sớm hơn 50 năm, nhưng tại sao ông lại không làm? Da Vinci đam mê sáng chế các  loại vũ khí tối tân, liệu ông có phải là người cuồng chiến tranh? "Người Vitruvian" là quan điểm của Da Vinci về vũ trụ?

Phải chăng Florence quá nhỏ với Da Vinci nên ông đã đến Milan?

Năm 1481, nhà nguyện riêng của Giáo hoàng Sixtus IV, sau này được gọi là nhà nguyện Sistine, được hoàn thành. Để hàn gắn mối quan hệ với Giáo hoàng, Lorenzo de' Medici đã chủ động đề xuất cử một đoàn họa sĩ tài năng đến Rome để vẽ tranh tường cho nhà nguyện mới, và Giáo hoàng Sixtus IV đã vui vẻ đồng ý.

Được đến Rome để phục vụ Giáo hoàng là một vinh dự vô cùng to lớn. Họa sĩ được chọn sẽ khẳng định được vị trí của mình trong ngành, và có cơ hội được lưu danh muôn đời. Các xưởng vẽ ở Florence đều náo nhiệt hẳn lên. Việc chọn ai và không chọn ai cũng khiến Lorenzo phải suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, Ghirlandaio, Verrocchio, Perugino và Botticelli được chọn và Da Vinci không được chọn.

Năm đó, Da Vinci đã 29 tuổi. Sắp bước sang tuổi 30, chàng trai Da Vinci đầy khát khao, hoài bão và tài năng rất mong có cơ hội để thể hiện bản thân, và xây dựng danh tiếng cho mình. Liệu việc không được chọn phục vụ Giáo hoàng có khiến Da Vinci thất vọng không? Chắc chắn sẽ có một chút. Tuy nhiên, Da Vinci biết rằng ông cũng không thể trách người khác. Do sở thích quá đa dạng, học hỏi quá rộng nên thời gian Da Vinci dành cho việc vẽ tranh quá ít, vì vậy Da Vinci vẫn chưa thể cho ra đời một tác phẩm hội họa nào thực sự xuất sắc.

Hơn nữa, vào thời điểm ấy, vị thiên tài có sự tò mò mãnh liệt về cuộc sống, thế giới và vũ trụ này, đã dần bắt đầu cảm thấy thành phố "trăm hoa" Florence không còn phù hợp với mình nữa. Florence thời bấy giờ tuy là trung tâm văn hóa nghệ thuật của cả châu Âu, nhưng ở đây, Da Vinci không nhận được sự đối xử và tôn trọng mà ông mong muốn. Đồng thời, thành phố "trăm hoa" này cũng có những hạn chế riêng.

Florence thời đó chỉ có dân số chưa đến 50.000 người, và dù sao Florence cũng là một nước cộng hòa nên vẫn có nhiều điểm khác biệt so với nền chính trị cung đình truyền thống ở châu Âu. Mặc dù không thể nghi ngờ sự hào phóng của gia tộc Medici đối với nghệ thuật, nhưng ở những khía cạnh khác như nghiên cứu khoa học, công trình đô thị, phương tiện quân sự, và thậm chí cả ngành công nghiệp chế tạo v.v... vẫn còn nhiều hạn chế. Ngược lại, nếu nhìn sang Công quốc Milan hùng mạnh nhất miền Bắc nước Ý thời bấy giờ, chúng ta sẽ thấy một trạng thái hoàn toàn khác biệt.

Vào thời điểm đó, Milan có dân số gần 150.000 người, gấp ba lần Florence. Một điều quan trọng là Milan vẫn là quốc gia theo chế độ cung đình. Hơn nữa, trong hơn 200 năm kể từ khi thành lập, Milan vẫn luôn được những nhà lãnh đạo quân sự cai trị. Những nhà lãnh đạo này rất tham vọng, nhưng danh hiệu và tước vị của họ chủ yếu là nhờ cướp đoạt hoặc tự phong, không có tính hợp pháp. Do đó, để nâng cao uy tín và củng cố tính hợp pháp cho chế độ cai trị, những lãnh đạo của công quốc này đã tập hợp các cận thần, nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà chiến lược, kỹ sư, nhà thám hiểm, nhà thiên văn học, và tất cả những nhân tài có thể phục vụ triều đình hoặc tô điểm cho bộ mặt của triều đình. Nói cách khác, pháo đài Milan có thể cung cấp cho Da Vinci một môi trường hoàn hảo. Hơn nữa, Da Vinci yêu thích những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và mong muốn được nhà vua trọng dụng và đối xử tốt hơn.

Da Vinci viết trong nhật ký rằng: Khi một người đã không còn gì để học ở Florence, nếu anh ta không muốn sống một cuộc sống tầm thường, nếu anh ta muốn trở nên giàu có, thì anh ta phải rời khỏi đây. Bởi vì, Florence đối xử với thợ thủ công cũng như thời gian đối xử với các tác phẩm, một khi hoàn hảo, sẽ bắt đầu phá hủy từng chút một.

Da Vinci xin việc và tự nhận mình giỏi nhất về chế tạo vũ khí

Năm 1482, Lorenzo cử một đoàn đại biểu đến Milan. Đây vừa là một sứ đoàn ngoại giao, vừa để kết giao với Sforza, người cai trị Công quốc Milan. Trong đoàn người đông đảo ấy, có một người đặc biệt nổi bật. Đó là chàng trai Da Vinci cưỡi ngựa với trang phục lộng lẫy, dáng người cao lớn và ánh mắt sáng ngời. Da Vinci rất mong chờ được đến Milan. Ngay sau khi đến Milan, chàng trai đã viết một lá thư xin việc gửi cho Sforza. Chúng ta hãy cùng xem lá thư xin việc của Da Vinci nhé.

Da Vinci viết một cách cung kính: "Kính gửi ngài, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những phát minh của những người tự xưng là chuyên gia chế tạo vũ khí. Tôi nhận thấy những vũ khí này không khác gì những vũ khí thông thường. Vì vậy, với sự tôn trọng dành cho những người khác, tôi xin phép được mạo muội dâng lên ngài những bí mật của mình và sẽ trình diễn cho ngài xem khi ngài có thời gian".

"Đầu tiên, tôi có thể thiết kế những cây cầu cực kỳ nhẹ và chắc chắn, có thể di chuyển dễ dàng, thuận tiện cho cả tấn công và rút lui. Hơn nữa, tôi biết cách xây dựng những đường hầm bí mật và thang leo”.

Tiếp theo, Da Vinci liệt kê một loạt các thiết kế của mình về chế tạo vũ khí và phương tiện quân sự. Da Vinci viết: "Tôi có cách để phá hủy bất kỳ pháo đài nào; tôi có thể thiết kế và chế tạo các khẩu pháo đẹp mắt và có sức công phá lớn. Nếu chiến tranh xảy ra trên biển, tôi có nhiều loại vũ khí hiệu quả để tấn công và phòng thủ. Tôi còn biết thiết kế loại tàu chiến có thể chống lại những đợt tấn công dữ dội nhất. Tôi có thể thiết kế các loại vũ khí hiệu quả nhưng ít được sử dụng như nỏ, máy bắn đá và chông ba cạnh. Tôi cũng sẽ chế tạo những cỗ xe bọc thép không thể phá hủy, có thể dùng pháo để tiêu diệt kẻ thù".

Nói về xe bọc thép, Da Vinci không hề nói đùa. Từ bản thảo của ông, chúng ta có thể thấy một thiết kế có hình dạng giống như sự kết hợp giữa con rùa và đĩa bay, ở phía trên có các tấm kim loại nghiêng để chống lại hỏa lực của kẻ thù. Theo thiết kế của Da Vinci, xe bọc thép có thể chứa được tám người. Một số người sẽ quay tay quay để xe bọc thép từ từ di chuyển, những người khác sẽ phụ trách việc bắn đại pháo ra tám hướng.

Nói về súng, chúng ta cần lưu ý rằng mặc dù nhiều thiết kế vũ khí của Da Vinci chưa bao giờ được chế tạo, nhưng có một thiết kế đã từ sổ tay của ông xuất hiện trên chiến trường, đồng thời được hậu thế công nhận là phát minh của Da Vinci. Đó là gì? Đó chính bộ phận đánh lửa bánh lò xo. Bộ phận này hoạt động bằng cách kéo cò súng, làm cho lò xo đẩy bánh kim loại quay nhanh. Ma sát tốc độ cao giữa bánh kim loại và đá lửa tạo ra tia lửa để đốt cháy thuốc súng. Đây chính là nguyên lý hoạt động của súng sau này.

Lúc bấy giờ, Da Vinci có một người trợ lý người Đức tên là "Jules người Đức". Người trợ lý từng là thợ máy và thợ khóa này đã xem qua bản vẽ chi tiết về bộ phận đánh lửa bánh lò xo của Da Vinci. Năm 1499, vị trợ lý trở về Đức và hiện thực hóa ý tưởng của Da Vinci ở đây. Trong thời gian này, bộ phận đánh lửa bánh lò xo bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Ý và Đức, và súng bánh lò xo đã ra đời.

Cuối cùng trong lá thư xin việc, Da Vinci viết: "Tôi còn có thể sáng tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, đồng và đất sét. Trong lĩnh vực hội họa, không gì tôi không thể làm được, không thua kém bất kỳ ai".

Chúng ta có thể thấy Da Vinci cho rằng mình giỏi nhất về khả năng chế tạo vũ khí, xây dựng các công trình công cộng và nghiên cứu khoa học. Da Vinci chỉ đề cập đến kỹ năng hội họa một cách sơ sài, cho thấy ông không đánh giá cao kỹ năng này.

Nếu người đời sau chỉ xem Da Vinci là họa sĩ, có lẽ ông sẽ rất thất vọng

Nhưng chắc chắn bạn sẽ không đoán được lý do tại sao Sforza quyết định giữ Da Vinci lại. Không phải vì nhờ những kỹ năng được Da Vinci kể ra trong thư, mà là trong bữa tối khi Da Vinci và đoàn tùy tùng đến Milan, Da Vinci nói mình có thể chế tạo và chơi nhạc cụ, ngoài ra còn có thể thiết kế trang phục, đạo cụ và phông nền cho các buổi biểu diễn khiêu vũ. Chính nhờ kỹ năng này mà Sforza đã tuyển dụng Da Vinci!

Vì vậy, nếu người thời nay chỉ xem Da Vinci là một họa sĩ, chắc chắn ông sẽ rất thất vọng!

Vậy Da Vinci có thiết kế và chế tạo vũ khí hay không? Đúng là không phải Da Vinci khoác lác. Ông đã để lại khá nhiều bản thảo thiết kế vũ khí và trang thiết bị. Chúng ta hãy cùng xem một vài ví dụ.

Ở thời cổ đại, khi tấn công thành, binh lính thường phải sử dụng thang leo, và đây là một thiết bị có thể dễ dàng phá hủy thang leo. Quân đội trong thành kéo một đòn bẩy khổng lồ, đầu bên kia của đòn bẩy được nối với một khung gỗ. Những khung gỗ này được đưa ra ngoài tường thành qua các lỗ trên tường. Da Vinci còn vẽ phóng to các bộ phận quan trọng để giải thích cách kết nối khung gỗ với đòn bẩy.

Đây là thiết kế dùng để phòng thủ. Không những thế Da Vinci còn có nhiều thiết kế cho mục đích tấn công. Đây là một trong những thiết kế máy bắn đá khổng lồ của Da Vinci. Chiếc máy bắn đá này rộng gần 25 mét. Để thể hiện kích thước khổng lồ của máy bắn đá, Da Vinci đã vẽ thêm một người lính đứng bên cạnh theo đúng tỷ lệ. Điều này càng làm cho hình ảnh chiếc máy bắn đá to lớn hơn. Nếu thực sự xuất hiện trên chiến trường, đây sẽ làm một thiết bị rất đáng sợ!

Có một thiết kế còn đáng sợ hơn. Chiếc "xe lưỡi dao" sởn gai ốc dưới đây là do Da Vinci thiết kế. Hãy tưởng tượng một vài chiếc xe như vậy lao về phía bạn, bạn nghe thấy tiếng "lách cách" liên hồi và sau đó là những cánh tay, chân, thân người, đầu người rơi đầy trên mặt đất!

undefined
Chiếc "xe lưỡi dao" sởn gai ốc dưới đây là do Da Vinci thiết kế. (Miền công cộng)

Da Vinci ôn tồn nho nhã đã vẽ rất chi tiết liên hệ truyền động giữa bánh răng, trục và lưỡi liềm sắc bén. Qua đó, người xem sẽ hiểu được một cách trực quan cơ thể người sẽ bị cắt như cắt dưa hấu như thế nào! Bạn hãy nhìn kỹ xem, những con ngựa phi nước đại, và những người lính với chiếc áo choàng tung bay trong gió, thật oai phong lẫm liệt. Bức tranh mô tả những chuyển động tuyệt vời này khiến người người thán phục. Đây là một trong những thiết kế vũ khí nổi tiếng nhất và cũng gây kinh hoàng nhất của người đàn ông nho nhã, tuấn tú và dịu dàng Leonardo da Vinci.

Có thể tưởng tượng được sự u sầu của Da Vinci trong những năm tháng đầu tiên ở Milan! Một thiên tài đầy ắp những ý tưởng kỳ diệu nhưng không thể phát triển, ngược lại còn phải dành cả ngày để thiết kế trang phục vũ hội và phông nền sân khấu, thậm chí thỉnh thoảng còn phải lên chơi nhạc! Thật ức chế! Sau một thời gian, Sforza mới dần nhận ra mình đã sử dụng sai người tài, bắt đầu dần dần tin tưởng và trọng dụng Da Vinci hơn.

Einstein: Nếu nghiên cứu của Da Vinci được phát triển, khoa học nhân loại sẽ tiến bộ sớm hơn 50 năm

Có một đặc điểm của Da Vinci mà hầu như ai cũng biết. Đó là ông không chỉ là một người thuận tay trái mà còn có thể viết chữ "gương" trong các bản thảo. Nghĩa là tất cả các chữ đều được viết ngược, chỉ có thể nhìn qua gương mới thấy chữ viết bình thường. Hiện nay, có một quan điểm phổ biến cho rằng ông sử dụng "chữ viết gương" để bảo vệ sở hữu trí tuệ, tránh bị đánh cắp thành quả nghiên cứu, tránh để người khác lấy công trình của mình để công bố và chiếm đoạt bản quyền.

Tuy nhiên, tôi có một suy nghĩ khác. Các bạn hãy thử nghĩ xem, có lẽ Da Vinci biết rằng, với năng lực sản xuất và trình độ khoa học kỹ thuật của thời đại ấy, những nghiên cứu của ông gần như không thể chế tạo, hay không thể kiểm chứng được. Ngay cả khi người khác nhìn thấy, họ cũng không thể hiểu được gì! Nếu Da Vinci lo lắng về việc bị đánh cắp sở hữu trí tuệ, tại sao ông không xuất bản những bản thiết kế ấy ngay khi viết xong? Khi đó, mọi người trên thế giới sẽ biết rằng những ý tưởng thiên tài này đều do Da Vinci nghĩ ra, chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Tại sao phải vất vả viết bằng "chữ viết gương"?

Bạn bè và những người bảo trợ của Da Vinci thường khuyên ông nên sắp xếp và xuất bản những bản thảo này. Tuy nhiên, Da Vinci hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, và không có hứng thú với việc xuất bản các nghiên cứu. Thậm chí, khi Da Vinci còn sống, và cả sau khi ông qua đời, vẫn không có nghiên cứu nào được xuất bản! Điều này có nghĩa gì? Chính là Da Vinci dùng chữ viết gương không phải để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vậy lý do là gì? Đó là bởi vì Da Vinci biết rằng "thiên cơ" không thể tiết lộ quá sớm!

Einstein từng nói rằng nếu các nghiên cứu của Da Vinci được phát hiện, sắp xếp và xuất bản sớm hơn, đồng thời được đưa vào nghiên cứu và áp dụng thực tế, thì trình độ khoa học kỹ thuật của nhân loại sẽ được đẩy nhanh ít nhất 50 năm! 50 năm phát triển khoa học kỹ thuật? Các bạn hãy thử so sánh trình độ khoa học kỹ thuật của nhân loại vào 50 năm trước, tức những năm của thập niên 1970 với trình độ khoa học kỹ thuật ngày nay. Nếu những nghiên cứu của Da Vinci được triển khai sớm hơn thì con người ngày nay sẽ có trình độ như thế nào sau 50 năm phát triển dựa trên nền tảng khoa học hiện tại. Thật đáng kinh ngạc phải không!

Tuy nhiên, Da Vinci là một người nhìn xa trông rộng. Ông hiểu rằng sự phát triển của nhân loại là có quy luật, là do Đấng tối cao sắp xếp và không được phép phát triển vượt bậc. Mặc dù Da Vinci đã nghiên cứu và tìm ra ra những kiến thức khoa học tiên tiến vượt trước thời đại, nhưng ông không thể tiết lộ những thành quả khoa học, những phát minh này quá sớm. Việc làm đó sẽ phá vỡ trật tự được Đấng tối cao sắp xếp cho xã hội loài người. Không thể phá vỡ tiến trình phát triển của nhân loại như vậy được.

Vì vậy, Da Vinci đã hao tổn tâm trí để viết bằng chữ viết gương, vừa có thể ghi lại thành quả nghiên cứu của mình, vừa có thể hạn chế việc truyền bá rộng rãi. Hơn nữa, Da Vinci cũng không xuất bản những tài liệu này. Trong quá trình lưu truyền cho hậu thế, một lượng lớn các bản thảo đã bị thất lạc. Cuối cùng, rất ít người thực sự nhìn thấy những ý tưởng vị thiên tài này và cũng không thể biến chúng thành hiện thực.

Da Vinci: Con người là hình ảnh phản chiếu của thế giới

Trong các bản thảo của Da Vinci, có một bức tranh "Người Vitruvius" (Vitruvian Man).

Vitruvius, tên đầy đủ là Marcus Vitruvius Pollio, là một kiến trúc sư thời La Mã cổ đại, từng phục vụ dưới trướng của Julius Caesar. Vị kiến trúc sư này đã viết một chuyên luận về kiến trúc cổ điển phương Tây có tên là "Mười cuốn sách về kiến trúc”. Đây là tác phẩm kiến trúc cổ điển duy nhất còn sót lại từ thời kỳ cổ đại. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ, đặc biệt là các kiến trúc sư thời kỳ Phục hưng, trong đó bao gồm cả kiến trúc sư Brunelleschi chúng ta sẽ nhắc đến ở phần sau.

Vậy tại sao một kiến trúc sư lại thu hút sự chú ý của Da Vinci? Đó là do quan điểm "thiên nhân hợp nhất" về vũ trụ và kiến trúc. Trong bộ sách của mình, Vitruvius nêu rõ: Con người có thể được xem là một thế giới thu nhỏ, và sự hoàn hảo của toàn bộ thế giới được thể hiện trong con người. Trong các tác phẩm nghệ thuật và nghiên cứu khoa học sau này, Da Vinci luôn coi câu nói này như kim chỉ nam.

Da Vinci viết rõ trong bản thảo của mình rằng con người là hình ảnh phản chiếu của thế giới. Người xưa gọi con người là một thế giới thu nhỏ. Cách gọi này hoàn toàn chính xác, bởi vì cơ thể con người là hình ảnh mô phỏng của thế giới. Con người có bộ xương chống đỡ cho cơ thể và thế giới có lớp đá chống đỡ Địa Cầu. Con người có máu, phổi hoạt động theo nhịp thở; Trái đất có thủy triều, sáu giờ lên xuống một lần, giống như thế giới đang thở. Máu chảy qua các mạch máu khắp cơ thể và tương tự như vậy, dòng nước vô tận của đại dương chảy khắp cơ thể Trái đất.

Quan điểm này rất giống với quan điểm vũ trụ và sinh mệnh "thiên nhân hợp nhất" của người Á Đông xưa! Đạo gia cho rằng con người là một tiểu vũ trụ.

Vitruvius đã áp dụng quan điểm này vào thiết kế kiến trúc với quy định rằng, bố cục của công trình kiến trúc phải phản ánh tỷ lệ cơ thể con người, giống cơ thể con người nằm trên mặt phẳng thiết kế.

Vitruvius viết: "Kiến trúc, đặc biệt là thiết kế đền thờ, không thể thiếu sự đối xứng. Các bộ phận phải có tỷ lệ chính xác, giống như sự cân đối của cơ thể con người".

Vậy theo Vitruvius, cơ thể con người như thế nào được xem là cân đối? Vitruvius viết: "Khoảng cách từ cằm đến đỉnh đầu bằng một phần mười chiều cao, chiều dài bàn chân bằng một phần sáu chiều cao, cánh tay bằng một phần tư chiều cao" v.v... Các bộ phận khác của cơ thể cũng có tỷ lệ đối xứng riêng. Chính vì tuân theo những tỷ lệ này mà các họa sĩ và nhà điêu khắc thời cổ đại mới có thể lưu danh thiên cổ.

Vitruvius còn viết một đoạn vô cùng quan trọng trong bộ sách của mình: "Trong một công trình kiến trúc, các bộ phận và tổng thể phải có mối quan hệ đối xứng hài hòa. Tâm điểm của cơ thể con người là rốn. Nếu một người nằm ngửa, tay và chân duỗi thẳng, lấy rốn làm tâm, vẽ một đường tròn, thì ngón tay và ngón chân của người đó sẽ chạm vào mép của đường tròn. Ngoài ra, ta cũng có thể vẽ một hình vuông. Chiều cao của một người và độ rộng khi hai cánh tay dang ra bằng nhau, giống như cạnh của hình vuông".

Nhiều người đã đọc qua đoạn mô tả này của Vitruvius, nhưng không ai thực sự nghiên cứu kỹ quan điểm này, và càng không có ai vẽ ra được một bức tranh chính xác dựa trên mô tả của Vitruvius. Tuy nhiên, với sự tò mò vô tận, Da Vinci đã không bỏ qua kho báu này.

Sau khi đọc mô tả của Vitruvius về tỷ lệ cơ thể con người, Da Vinci không chỉ thực hiện nhiều phép đo thực tế (đây cũng là một phần trong nghiên cứu giải phẫu cơ thể người của Da Vinci) mà còn để lại bức vẽ "Người Vitruvius" nổi tiếng và kinh điển.

Bức vẽ "Người Vitruvius" hiện được lưu giữ trong một căn phòng bí mật tại tầng bốn của Bảo tàng Gallerie dell'Accademia ở Venice, là một bảo vật quan trọng của bảo tàng này. Do tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian dài có thể khiến bản vẽ bị phai màu, nên bản vẽ này rất ít được trưng bày. Nếu có cơ hội được ngắm ở khoảng cách gần, bạn sẽ thấy những vết lõm do đầu bút kim loại của Da Vinci lưu lại, và mười hai lỗ nhỏ được Da Vinci tạo ra bằng đầu compa. Lúc này, dường như bạn sẽ thấy được đôi bàn tay bận rộn của vị thiên tài sống cách đây 500 năm, một cảm giác thân thuộc kỳ lạ ùa về trong tâm hồn.

Trên bản thảo này, Da Vinci đã vẽ vô cùng tinh tế. Các đường nét của nhân vật hoàn toàn không giống như bản phác thảo với những nét vẽ thử. Ngược lại, Da Vinci vẽ những nét giống như điêu khắc một cách chắc chắn trên giấy. Nét bút mạnh mẽ hằn sâu trên trang giấy. Có thể thấy rằng trước khi vẽ, Da Vinci đã suy ngẫm kỹ lưỡng hình ảnh này trong tâm trí, đã thấu hiểu mọi thứ và hoàn toàn kiểm soát được từng nét vẽ.

Da Vinci không chỉ hoàn toàn dựa vào kết quả đo lường của Vitruvius trong sách, mà còn tham khảo vào kết quả đo đạc thực tế của mình. Những tỷ lệ này rất thú vị, nếu thấy hứng thứ, các bạn có thể tự đo ở nhà.

Bức phác thảo "Người Vitruvius" (Vitruvian Man) của Da Vinci. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bản vẽ "Người Vitruvius" là một trong những bản thảo thể hiện rõ nhất quan điểm về vũ trụ của Da Vinci. Trong bức vẽ, rốn là tâm điểm của hình tròn, và bộ phận sinh dục là tâm điểm của hình vuông. Chiều rộng của người khi dang hai tay bằng chiều cao của người đó. Khoảng cách từ chân tóc đến cằm, tức là chiều dài khuôn mặt bằng một phần mười chiều cao. Tất nhiên, những người có khuôn mặt dài sẽ không nằm trong nhóm này!

Khoảng cách từ cằm đến đỉnh đầu, tức là chiều dài đầu bằng một phần tám chiều cao của người. Chiều rộng vai bằng một phần tư chiều cao. Ngoài ra, chiều dài bàn tay bằng một phần mười chiều cao. Chiều dài bàn chân bằng một phần bảy chiều cao.

Da Vinci đã sử dụng những đường nét thanh tao và những mảng tối tinh tế để tạo ra một vẻ đẹp phi thường. Bức tuyệt tác này thể hiện một cách hoàn hảo sự hoàn hảo của cơ thể con người do Đấng tối cao tạo nên. Nhân vật trong tranh có ánh mắt tập trung nhưng vẫn có nét thân thiện và có một mái tóc xoăn thường thấy trong các bức tranh của Da Vinci.

Bức vẽ "Người Vitruvius" này thể hiện khoảnh khắc nghệ thuật và khoa học hòa quyện vào nhau. Sự hòa quyện này khiến những ai nhìn thấy đều nảy sinh một câu hỏi vĩnh cửu: Chúng ta là ai? Chúng ta tồn tại như thế nào trong trật tự vĩ đại của vũ trụ này?

Vì vậy, thông qua bản thảo này, chúng ta không chỉ cảm nhận được suy nghĩ của Da Vinci mà còn cảm nhận được suy nghĩ của chính mình.

Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại như Pythagoras, Socrates và Plato đều nhất trí rằng: cái đẹp phải có sự hài hòa, cái đẹp phải có quy luật!

Quan điểm này được thể hiện trong mọi sự vật, đặc biệt là trong nghệ thuật.

Bức tranh "Bữa tối cuối cùng": Da Vinci đã áp dụng toán học vào thực tiễn.

Khi vẽ bức tranh "Bữa tối cuối cùng", Da Vinci đã xem bức tranh này là một bài toán thực tế. Quan hệ phối cảnh trong bức tranh được xác định sau những phép tính phức tạp và chính xác. Bố cục của bức tranh được thực hiện dựa trên các đường kẻ ô được vẽ sẵn sau khi tính toán kỹ lưỡng. Trên thực tế, nhiều bức tranh của Da Vinci được vẽ để thực nghiệm các lĩnh vực như toán học, sáng tối, phối cảnh và khoa học vật liệu.

Phục chế bức tranh nổi tiếng "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci từ thế kỷ 15. (Do Gu Jin cung cấp)

Đây là lý do tại sao Da Vinci có nhiều tác phẩm chưa hoàn thành. Khi vẽ được một nửa, Da Vinci đột nhiên nhận thấy mình đã hiểu rõ vấn đề muốn tìm hiểu, vậy thì cần gì tiếp tục vẽ? Dừng lại thôi! Do đó, Da Vinci để lại một số tác phẩm còn đang dang dở. Bản thân Da Vinci thì rất thoải mái, nhưng hậu thế lại phải đau đầu nghiên cứu lý do ông không hoàn thành tác phẩm.

Vẻ đẹp thực sự đều ẩn chứa những quy luật và sự hài hòa. Ví dụ, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng trong nhiều bản nhạc của Bach, Mozart và Beethoven, điểm chuyển điệu trong một giai điệu thường nằm ở vị trí chia theo tỷ lệ vàng của đoạn giai điệu đó.

Bố cục của nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển của các danh họa cũng tuân theo nguyên tắc "Cửu cung". Rất nhiều người thích chụp ảnh bằng điện thoại ngày nay đều biết đến nguyên tắc "Cửu cung" này.

Liệu Da Vinci có phải là một người du hành thời gian?

Khi tìm hiểu về Da Vinci, có một điều rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Khoa học hiện đại được chia thành nhiều ngành và nhiều môn khác nhau. Thậm chí học sinh còn phải phân ban theo khối nghệ thuật, khối khoa học xã hội và khối khoa học tự nhiên. Có nhiều tranh cãi về việc học khối nào sẽ tốt hơn. Trên thực tế, đây là một cách nhìn nhận rất hạn hẹp.

Mọi ngành học, trong đó bao gồm cả nghệ thuật, đều là những con đường để khám phá chân lý của vũ trụ. Giống như một ngọn núi cao chót vót, xung quanh có nhiều con đường khác nhau dẫn lên đỉnh núi. Những người leo núi đi trên những con đường khác nhau ở chân núi không thể nhìn thấy nhau vì họ cách nhau rất xa.

Tuy nhiên, khi những người leo núi càng tiến gần đến đỉnh núi, họ sẽ đến gần nhau hơn, thậm chí có thể dần nghe thấy tiếng nói và nhìn thấy bóng dáng của nhau. Khi lên đến đỉnh núi, tất cả các con đường đều hội tụ tại một điểm! Điều này có nghĩa là chúng ta có thể khám phá chân lý của vũ trụ bằng nhiều cách khác nhau.

Nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel là những người yêu thích nghệ thuật. Ví dụ, Einstein chơi giỏi cả violin và piano. Người vợ thứ hai của Einstein là Elsa, từng nói rằng Einstein thường đi vào thư phòng, sau đó lại đi ra chơi piano một lúc, rồi vội vàng ghi lại điều gì đó và quay lại thư phòng.

Bản thân Einstein cũng từng nói rằng nếu không trở thành nhà khoa học, ông chắc chắn sẽ trở thành một nhạc sĩ.

Vì vậy, ở đây chúng ta cần phải nhấn mạnh thêm một lần nữa về nghệ thuật: Nghệ thuật là món quà mà Thần ban tặng cho con người. Đó cũng là con đường để con người nhận thức vũ trụ và thế giới.

Với sự tò mò vô tận, Da Vinci đã khám phá những bí mật được vũ trụ hé lộ. Hiện nay chúng ta có thể xem rất nhiều bản thảo Da Vinci trên mạng. Nếu có hứng thú, bạn hãy thử tự lên mạng tìm hiểu xem vị thiên tài này đã nghiên cứu bao nhiêu lĩnh vực. Chắc chắn bạn sẽ vô cùng kinh ngạc!

Vì vậy, hiện nay có người cho rằng nếu trên thế giới thực sự có người du hành thời gian thì Da Vinci chắc chắn là một trong số đó!

Ghi chép cuối cùng? "Đợi đã, súp sắp nguội rồi"

Trong bản thảo của Da Vinci, có một bản vẽ bốn tam giác vuông có độ dài cạnh đáy không bằng nhau. Đây có thể là trang ghi chép cuối cùng của Da Vinci. Ở tuổi 67, trong giai đoạn cuối của cuộc đời, người nghệ sĩ thiên tài này vẫn miệt mài giải mã những bí ẩn được ẩn giấu trong tâm trí. Nhưng điều thú vị chính là ở cuối trang ghi chép ấy, Da Vinci đột ngột kết thúc bằng cụm từ "Đợi đã". Sau đó, ông còn viết thêm một dòng chữ, nét chữ nghiêm túc và rõ ràng như những bản ghi chép bằng chữ viết gương trước đó. Dòng chữ tiếp theo là: Súp sắp nguội rồi.

Đây không chỉ là bản thảo viết tay cuối cùng còn tồn tại của Da Vinci, mà còn là hình ảnh làm việc cuối cùng của ông mà chúng ta có thể tưởng tượng ra. Bạn hãy thử tưởng tượng, Da Vinci đang ở trong thư phòng trên lầu của dinh thự, than lửa trong lò sưởi sắp tàn, nhấp nháy le lói. Vị nghệ sĩ bậc thầy ngồi bên bàn, chìm vào suy tư trước những bí ẩn.

Lúc này, nữ đầu bếp Madeleine đã chuẩn bị bữa tối thịnh soạn cho ông trong bếp dưới lầu. Madeleine cất tiếng gọi lớn: "Nhanh xuống ăn cơm, không thì súp nguội mất!"

Chất giọng cao vút của Madeleine đã kéo Da Vinci ra khỏi suy tư, ông vội vã viết dòng chữ cuối cùng trong bản thảo: "Đợi đã, súp sắp nguội rồi."

Năm trăm năm sau, chúng ta đều cho rằng Da Vinci là một thiên tài. Nhưng bản thân Da Vinci có thực sự nghĩ vậy? Ông có quá nhiều việc dang dở, chưa hoàn thành. Trong từng cuốn sổ tay, ông không ngừng lặp lại một câu hỏi: "Hãy nói cho tôi biết. Hãy nói cho tôi biết. Hãy nói cho tôi biết. Tôi đã làm được gì? ... Cuối cùng tôi đã đạt được thành tựu gì?"

Đúng vậy, bản thân ông có lẽ hiểu rõ sứ mệnh mà mình gánh vác, nhưng sự tò mò quá lớn đã khiến ông phân tán thời gian và sức lực, không thể hoàn thành một cách trọn vẹn sứ mệnh được Thần giao phó. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, người nghệ sĩ bậc thầy đa tài xuất sắc nhất trong lịch sử loài người này vẫn đã để lại nhiều manh mối và là nguồn cảm hứng vô tận để hậu thế suy ngẫm về cuộc sống và vũ trụ!

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Leonardo da Vinci có phải là người du hành thời gian?