Binh gia Tôn Vũ (1): Nước Ngô dần cường thịnh, Ngũ Tử Tư tiến cử Tôn Vũ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như chúng tôi đã đề kể ở tập trước, Ngũ Tử Tư đã tiến cử Chuyên Chư ám sát Vương Liêu, tiến cử Yêu Ly ám sát Khánh Kỵ, đồng thời quy hoạch xây dựng thành Tô Châu, giúp nước Ngô trở nên hùng mạnh. Lúc này, Ngũ Tử Tư đã có đủ điều kiện để yêu cầu vua Ngô Hạp Lư xuất binh báo thù.

Nhưng Hạp Lư có một mối lo ngại: Sở là một nước rất lớn, có lãnh thổ rộng, tài nguyên dồi dào, nhiều binh lắm tướng. Nếu khai chiến mà không thắng thì bản thân nước Ngô sẽ gặp nguy hiểm lớn. Vì vậy, phải tìm một vị tướng bách chiến bách thắng, nên Ngũ Tử Tư đã tiến cử Tôn Vũ, người sau này được gọi là ông tổ binh gia. Ông đã để lại một cuốn sách nổi tiếng lưu danh thiên cổ- "Tôn Tử binh pháp".

Chúng ta biết rằng văn hóa Trung Hoa bắt đầu từ văn hóa Đạo gia. Nhiều người cho rằng văn hóa Đạo gia là “học thuyết Hoàng Lão”. Tại sao gọi là Hoàng Lão? Có lời giải thích rằng “Hoàng” là chỉ Hiên Viên Hoàng Đế, còn “Lão” chỉ Lão Tử.

Chúng ta biết rằng Hoàng đế Hiên Viên được mệnh danh là “Nhân văn sơ tổ”, nghĩa là văn hóa Trung Hoa đã là văn hóa Đạo gia ngay từ ngày đầu tiên bước vào nền văn minh. Văn hóa Phật gia du nhập vào Trung Quốc từ sau Công Nguyên, tức là vào những năm đầu Hán Minh Đế thời Đông Hán, văn hóa nhà Phật mới chính thức được du nhập vào Trung Quốc. Sau này, vào thời Nam Bắc triều và nhà Tùy, nhà Đường, văn hóa Phật giáo đạt đến đỉnh cao. Nhưng trước đó, hàng trăm trường phái tư tưởng ở Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đạo gia, như Nho gia, Binh gia, Pháp gia.

Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có câu “Dĩ chính trị quốc, dĩ kỳ dụng binh” nghĩa là khi trị lý quốc gia nhất định phải theo chính đạo, còn khi đánh trận phải vận dụng kỳ mưu, xuất kỳ binh.

Một cái khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc, đó là Pháp gia, thực ra nó lấy Đạo gia đảo ngược lại dùng, nên Pháp gia có thể nói là phản Đạo. Trong chiến tranh, các binh gia và pháp gia sử dụng những mưu kế, chiến thuật xảo quyệt, dùng binh gây bất ngờ, lừa dối để giành chiến thắng, điều này có thể lý giải được. Nhưng khi đất nước hòa bình, mưu kế không thể lại đem ra áp dụng, vì những thứ của Pháp gia là thứ lừa dối, quỷ quyệt.

(Chú thích) Văn hóa Trung Hoa bắt đầu từ Hiên Viên Hoàng Đế. Ông cũng là người sáng lập Đạo gia. Văn hóa Phật gia được chính thức du nhập vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng học thuyết của các trường phái tư tưởng khác nhau (Bách gia chư tử) đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Đạo gia. Nho gia phù hợp với tư tưởng Đạo gia là “Dĩ chính trị quốc” (dùng chính đạo để quản lý quốc gia); Binh gia phù hợp với tư tưởng Đạo gia là “Dĩ kỳ dụng binh” (dụng binh bất ngờ); còn Pháp gia dùng mọi thủ đoạn gian dối, mưu mô trong ngoại giao và xử lý việc triều chính, là phản đạo đức. Trong mắt người xưa, làm tướng phải có những ước thúc về mặt đạo đức. Tư Mã Thiên đã nói trong “Thái Sử Công tự tự” (lời tự sự của Tư Mã Thiên): “Phi tín, liêm, nhân , dũng bất năng truyền binh luận kiếm” nghĩa là, nếu một người không hiểu thế nào là tín nghĩa, liêm khiết, nhân từ và dũng cảm thì không thể cùng anh ta bàn luận về binh pháp cùng kiếm thuật.

Nhiều người ở thời hiện đại chúng ta cho rằng, nhà quân sự phải có máu lạnh, rất oai phong, quân lệnh như sơn, một cái vung tay ngàn vạn người theo, lấy cảnh máu chảy đầu rơi, địch quân thất bại để thỏa mãn chí hướng. Vì vậy, nhiều người cho rằng khi tiến hành chiến tranh thì không cần có hạn chế gì, không có điểm dừng.

Cách đây một thời gian, ở Trung Quốc có một cuốn sách tên là "Siêu hạn chiến” (Chiến tranh không giới hạn), trong đó nói rằng chiến tranh có thể tiến hành mà không cần có giới hạn nào cả. Nhưng nếu bạn đọc Binh pháp Tôn Tử, bạn sẽ cảm thấy là một nhà chiến lược quân sự chuyên nghiệp, Tôn Tử cố gắng tránh chiến tranh, còn trong chiến tranh thì cố gắng tránh tàn sát. Điều này rất phù hợp với những gì Lão Tử đã nói trong Đạo Đức Kinh. Lão Tử nói: "Binh giả, bất tường chi khí, phi quân tử chi khí, bất đắc dĩ nhi dụng chi” (Tạm dịch: Việc binh là thứ chẳng lành. không phải là vũ khí của bậc quân tử, bất đắc dĩ mới phải dùng).

Chương đầu tiên trong Binh pháp Tôn Tử có tên là "Thủy kế thiên” (Sự khởi đầu của chiến lược), nghĩa là Tôn Tử nói về cách sử dụng chiến lược kế mưu để kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt, giảm bớt giết chóc. Trong chương đầu tiên, Tôn Tử đã đề cập ngay từ đầu rằng “Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi đạo, bất khả bất sát dã” (Việc binh là việc quan trọng của đất nước, là việc sống chết, không thể không suy xét kỹ). Nói cách khác, chiến tranh ra bên ngoài là vấn đề lớn nhất của một quốc gia, đồng thời cũng liên quan đến sinh tử của nhiều người nên phải hết sức thận trọng.

Chân dung Tôn Vũ (tranh vẽ thời nhà Minh). (Miền công cộng)

Trong "Hỏa công chương" (dùng lửa đánh địch), Tôn Tử cũng đã nói câu này: " Chủ bất khả dĩ nộ nhi hưng sư, tướng bất khả dĩ uấn nhi công chiến, nộ khả dĩ phục hỉ, uấn khả dĩ phục duyệt, vong quốc bất khả dĩ phục tồn, tử giả bất khả dĩ phục sinh, cố minh quân thận chi, lương tướng cảnh chi, thử an quốc toàn quân chi đạo dã”

Nghĩa là: Vua không vì thịnh nộ mà xuất binh, tướng không vì tức giận mà tấn công. Thịnh nộ có thể vui vẻ trở lại, giận dữ có thể bình hòa trở lại, nhưng nước mất không thể lấy lại, người chết không thể sống lại, nên vua sáng thì cẩn thận, tướng giỏi thì cảnh giác. Đây là cách để đất nước an toàn, bảo toàn binh lực.

Tôn Tử phản đối việc giết chóc không cần thiết trong chiến tranh, gọi đó là “Bất chiến nhi khuất nhân chi binh” (khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu). Tất nhiên Binh pháp Tôn Tử là nói về chiến tranh, nên ông đã phải đề cập đến nhiều quy luật chiến tranh trong sách. Nhưng nếu chúng ta xem xét những quy luật này một cách cẩn thận thì sẽ thấy một vấn đề.

Khi du học ở Mỹ, tôi thấy một số trường đại học, cao đẳng ở Mỹ gọi tên cuốn sách Binh pháp Tôn Tử theo hai từ khác nhau, một là Art, nghĩa là nghệ thuật, một là Science, nghĩa là khoa học. Vậy đối với chúng ta, chiến tranh là nghệ thuật hay khoa học?

Chúng ta biết rằng khoa học rất khắt khe và có thể được thể hiện bằng một số công thức. Đồng thời, nếu căn cứ theo quy luật của nó, thì sẽ nhận được kết quả như mong đợi. Nhưng đối với nghệ thuật, mặc dù nó cũng có những quy luật riêng nhưng ở trình độ cao thì phụ thuộc nhiều hơn vào trực giác và linh cảm hay sự sáng tạo. Chỉ là rất khó có thể sử dụng một phương trình để diễn tả người này đẹp như thế nào hoặc bức tranh này đẹp như thế kia.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nó không thể diễn đạt bằng ngôn từ.

Nếu coi chiến tranh là một môn khoa học, bạn sẽ cho rằng Tôn Tử đã nói rằng trong trường hợp này thì nên áp dụng như thế này. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong Binh pháp Tôn Tử, có thể bạn sẽ nhận được kết quả trái với mong đợi. Đây chính là lý do tại sao có người đọc nhiều binh thư nhưng lại không thể ứng dụng, tức là chỉ nói suông về chiến trận trên giấy tờ ‘chỉ thượng đàm binh’ mà thôi. Có một số người, họ có thể chưa đọc nhiều về binh thư, nhưng chỗ vi diệu vận dụng lại nằm ở sự chuyên tâm, giống như một môn nghệ thuật vậy, cần nhiều cảm hứng hoặc linh cảm mở lối. Bằng cách này mà có thể chỉ huy chiến trận rất tài tình.

Khi Nhạc Phi đang dẫn quân đánh trận, một vị tướng nổi tiếng là Tông Trạch đã khuyên Nhạc Phi nên đọc nhiều binh thư hơn, Nhạc Phi đã nói rằng: "Trận nhi hậu chiến, binh pháp chi thường, vận dụng chi diệu, tồn ư nhất tâm” (Tạm dịch: Bày trận rồi đánh, là điều thông thường của binh pháp, chỗ vi diệu của vận dụng, đều nằm ở tâm này).

Nhiều lúc trong chiến tranh quả thực có rất nhiều chỗ cần dụng tâm. Nếu vận dụng tốt điểm này, mới thực sự có thể trở thành một vị tướng tài.

Vì vậy, thật thú vị khi xem bản dịch tiếng Anh cuốn “Binh pháp Tôn Tử”, nó được dịch là The Art of War (Nghệ thuật về chiến tranh), nhưng lại không dịch là “The Science of War” (khoa học về chiến tranh). Vì vậy, tôi nghĩ khi họ dịch sang tiếng Anh, nó rất phù hợp với nguyên nghĩa của Binh pháp Tôn Tử.

Tôn Tử có đoạn này trong "Chương hư thực" của Binh pháp: "phù binh hình tượng thủy, thủy chi hành tị cao nhi xu hạ, binh chi hình tị thực nhi kích hư, thủy nhân địa nhi chế lưu, binh nhân địch nhi chế thắng, cố binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi Thần”

Ông nói, dụng binh đánh trận giống như nước, nước tránh chỗ cao, chảy chỗ thấp, điều binh thì tránh chỗ địch mạnh mà tấn công chỗ địch yếu, nước dựa vào địa hình mà chảy, còn dụng binh dựa vào hoàn cảnh thực tế trên chiến trường để chế định sách lược tác chiến, cũng như nước không có hình dạng cố định, không có khuôn mẫu cố định cho việc dụng binh đánh trận. Vì vậy, trên chiến trường, việc quyết định sử dụng quân căn cứ vào tình thế biến hóa của trận chiến thì được gọi là ‘Dụng binh như Thần’.

Là một nhà chiến lược quân sự chuyên nghiệp, Tôn Tử nắm vững toàn bộ quy luật chiến trận, nhưng ông cũng có một trái tim nhân hậu, ông chính là nhà chiến lược quân sự mà Ngũ Tử Tư muốn tiến cử cho vua Hạp Lư của nước Ngô.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 5 - Binh gia Tôn Vũ (1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Binh gia Tôn Vũ (1): Nước Ngô dần cường thịnh, Ngũ Tử Tư tiến cử Tôn Vũ