Bình luận: Mục đích thực sự của lãnh đạo Trung Quốc tại Diễn đàn APEC?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ đồng hồ giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden trong diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco hồi tháng 11/2023 đã mang lại rất ít kết quả thực chất.

Cuộc hội đàm, rốt cuộc chỉ mang về thêm một lời hứa khác nữa từ phía ông Tập là sẽ “cứng rắn” đối với các phòng thí nghiệm về tiền chất fentanyl ở Trung Quốc, về việc nối lại những cuộc tiếp xúc giữa quân đội hai nước, lời hứa gửi thêm những con gấu trúc khổng lồ hơn đến các vườn thú của Mỹ, nối lại thêm các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Mỹ, và một cam kết tiếp tục các cuộc thảo luận ở cấp nội các và dưới cấp nội các về nhiều chủ đề khác nhau.

Vậy mà những “thành tựu” đó đủ để đảm bảo rằng Nhà Trắng nhận được mọi lời khen ngợi từ các phương tiện truyền thông chủ lưu?

Những hoạt động quảng bá ảnh hưởng của Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông của Mỹ đã khởi tác dụng ảo thuật như thường lệ.

Một số ví dụ về các tiêu đề bài báo và tuyên bố:

Trang UnHerd đưa tin: “Ông Tập Cận Bình lẽ ra phải khép nép khi bước vào hội nghị APEC ở San Francisco, nhưng thay vào đó, ông ta xuất hiện nổi bật như một vị vương chủ của thế giới”.

Trang The Hill lăng-xê: "Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được mọi người đứng lên vỗ tay nhiệt liệt tại bữa tiệc với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ".

Một tiêu đề trên tờ Financial Times cho rằng, nhờ chuyến thăm ngắn ngày của ông Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ, đã có “dấu hiệu tan băng trong cuộc chiến tranh lạnh mới” và một “dấu hiệu tiến bộ sau một thời gian căng thẳng cao độ”.

Trên thực tế, không có thỏa thuận nào về việc kiềm chế sự hiếu chiến đang tiếp diễn của Trung Quốc ở Biển Đông của Việt Nam và Biển Tây Philippines. Không có áp lực nào với Trung Quốc để dừng việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than (chương trình nghị sự xanh này là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden). Không có chút gì về việc Trung Quốc vẫn đang đánh cắp các tài sản trí tuệ của Mỹ trên quy mô lớn. Không có cam kết gì từ phía ĐCSTQ về việc dừng đàn áp những nhóm người thiểu số.

Thông điệp công khai của ông Tập—Quan điểm của ĐCSTQ

Theo Newsweek đưa tin, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã chi 40.000 USD để ăn tối với ông Tập vào ngày 15/11/2023. Những nhà tư bản có mặt — bao gồm Tim Cook (Giám đốc điều hành của Apple), Stephen Schwarzman (Giám đốc điều hành Blackstone Group), và Ray Dalio (Nhà sáng lập Bridgewater Associates) — đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt người cộng sản hàng đầu thế giới này; họ bị cuốn hút bởi tấm vé mà ông Tập thường hay dùng về "sự hợp tác hai bên cùng có lợi" và những lời hứa sáo rỗng khác.

Bình luận của ông Tập tại bữa tối này đã được tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đăng tải vào ngày 23/11/2023. Ông Tập tuyên bố rằng “sự phát triển của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tính logic và động lực sẵn có”. Ông Tập cũng nói thêm rằng Trung Quốc “sẽ không đi theo con đường thuộc địa hóa và cướp bóc xưa cũ, hay đi theo con đường sai lầm là tìm kiếm sự thống lĩnh với sức mạnh ngày càng tăng. Trung Quốc không xuất khẩu ý thức hệ của mình”. Cuối cùng, ĐCSTQ “không có kế hoạch vượt lên trên hay lật đổ vị trí của Hoa Kỳ”.

Hầu như tất cả những tuyên bố đó đều sai. Đối với các lãnh đạo Trung Quốc, tấm màn ngụy trang này là về “tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng”; nhưng là theo điều kiện của ĐCSTQ. Cụm từ “logic và động lực vốn có” được hiểu là sự kiểm soát bằng nắm đấm sắt và cách ra quyết định bất bình thường, phản khoa học của ĐCSTQ. Họ đã hoàn tất một thời kỳ thuộc địa hóa lớn với việc tiếp tục chiếm đóng và bình định Tây Tạng và Đông Turkmenistan. ĐCSTQ có đôi mắt tham lam tập trung vào những khu vực tranh chấp dọc theo giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ và ở Biển Đông của Việt Nam cũng như các vùng biển Tây Philippines. “Con đường mới” của ĐCSTQ thực chất là con đường cũ đã được các quốc gia sử dụng trong suốt lịch sử: lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Cuối cùng, mục đích của chính quyền Trung Quốc là thay thế Hoa Kỳ đã được ghi chép rõ ràng, bao gồm cả “những sáng kiến toàn cầu” của chính ông Tập.

Như thường lệ, điều không được nhắc đến là điều thực sự quan trọng đối với ĐCSTQ. Điều không được nói đến mới là động cơ thực sự của chuyến đi của ông Tập tới San Francisco: duy trì dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Động lực cho chuyến đi của ông Tập

Phần lớn là do chính sách không-COVID đặc trưng của ông Tập mà nền kinh tế của Trung Quốc đã chao đảo với những vấn đề nền tảng là nợ địa phương khổng lồ và thị trường bất động sản khủng hoảng ngày càng trở lên rõ rệt. Những vấn đề này đã trầm trọng hơn do chiến dịch chống tham nhũng, trấn áp và thanh trừng những đảng viên trung thành với những người lãnh đạo cũ kiểu như thời Mao Trạch Đông của ông Tập.

Một phân tích thú vị của hãng tin Nikkei về vấn đề này là, ông Tập đang bị sức ép đáng kể từ các đảng viên lão thành và các “Hồng Nhị Đại” (còn gọi là tầng lớp tinh hoa của đảng) là phải khôi phục thành công lại mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định như những người tiền nhiệm của ông Tập đã theo đuổi, dẫn đến các khoản đầu tư khổng lồ của phương Tây vào Trung Quốc từ những năm 1980. Các Hồng Nhị Đại là để chỉ con cái của những người lãnh đạo đảng thời cách mạng (như chính bản thân ông Tập) vốn đã lên nắm quyền và được hưởng lợi trực tiếp từ các “mối quan hệ đối tác” của họ với giới công nghiệp Trung Quốc.

Tầng lớp tinh hoa của đảng có vẻ như đang cảm thấy báo động về việc gần đây có nhiều công ty nước ngoài đang rời bỏ Trung Quốc vì ông Tập ngày càng trở nên độc tài, thắt chặt việc kiểm soát an ninh nội bộ theo luật phản gián mới, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ muốn bỏ đi vì những quy định và biện pháp kiểm tra mới, cũng như việc đe dọa dùng vũ lực ở eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông của Việt Nam.

Bài báo của Nikkei còn khẳng định thêm rằng nhiệm vụ chính của ông Tập là làm dịu tình hình với người Mỹ và duy trì dòng tiền đầu tư của nước ngoài. Và đó chính là vấn đề rõ ràng mà không được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chủ lưu sùng bái ông này và các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc gây hoang mang dư luận khi tổng kết lại những kết quả của diễn đàn APEC.

Những suy nghĩ kết luận

Như tờ Financial Times đã đưa tin: “Phần của Trung Quốc trong GDP của toàn thế giới đang trên đà giảm 1,4% trong 2 năm gần đây” báo hiệu một sự đảo ngược của “phép mầu của Trung Quốc” trong 5 thập kỷ qua. Nền kinh tế Trung Quốc dựa trên ba trụ cột: xuất khẩu, xây dựng bất động sản và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo nhiều báo cáo khác nhau, hai trong số ba trụ cột đó đang trong tình huống vô cùng nghiêm trọng và trụ cột thứ ba (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang suy thoái.

Reuters đưa tin rằng nợ của các địa phương ở Trung Quốc đã vượt quá 9 nghìn tỷ USD trong tháng 3/2023. Vấn đề đó càng trầm trọng hơn bởi “nợ ẩn” do các chính quyền địa phương đó tạo ra để che giấu các vấn đề của họ. Theo ghi nhận của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan ngày 9/11/2023, “các chính quyền địa phương đã vi phạm chính sách cấp quốc gia bằng cách bắt các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh tạm ứng trước hàng tỷ nhân dân tệ tiền quỹ để phát triển đô thị, các dự án cơ sở hạ tầng, và các khoản chi tiêu khác mà lẽ ra phải được cấp tiền từ ngân sách thành phố hoặc tỉnh”.

Đài Châu Á Tự do đưa tin vào ngày 14/11/2023 rằng: “Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước tính theo đồng đô-la Mỹ”.

Nikkei lưu ý vào ngày 4/11/2023 rằng “dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt quá dòng vốn chảy vào” - “con số âm đầu tiên trong dữ liệu kể từ năm 1998".

Vì vậy, đã có một số bài báo (ví dụ như ở đây đây) cho rằng ông Tập đã nài nỉ Tổng thống Biden để xin gần một nghìn tỷ đô-la đầu tư của Mỹ để cứu trợ nền kinh tế Trung Quốc. Gần như chắc chắn, đây là lý do thực sự cho chuyến đi của ông Tập tới San Francisco chứ không phải như những tiêu đề trên các phương tiện truyền thông đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Thuỷ Tiên biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là Hạm trưởng/Đại tá Hải quân về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Mục đích thực sự của lãnh đạo Trung Quốc tại Diễn đàn APEC?