Bức thư người mẹ gửi cho con trai khiến mọi người xúc động

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đây là bức thư của một người mẹ gửi cho con trai của mình, trong bức thư có người mẹ hiền thục, và người mẹ hiền có một đứa con ngoan.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Lần đầu tiên tham gia cuộc họp phụ huynh

Lần đầu tiên mẹ tham dự buổi họp phụ huynh là khi con học lớp 3. Mẹ vội vàng từ chợ đầu mối hải sản, đi họp với quần áo lấm lem, tanh mùi cá, tôm, cua. Mặc dù mẹ đã đón một chiếc xe taxi, nhưng vẫn đến muộn.

Mẹ bước đến chỗ ngồi bên con, đối mặt với đôi mắt hơi mỉa mai và xa lánh của các phụ huynh, khiến trong lòng mẹ đầy nỗi xấu hổ và áy náy. Con ngẩng khuôn mặt nhỏ của con lên, lau mồ hôi trên trán mẹ, rồi đưa mẹ chai nước và nói: "Mẹ uống nước đi".

Trong tích tắc, sự quan tâm và không chút xem thường của con đã khiến biết bao phụ huynh phải trầm trồ thán phục hai mẹ con chúng ta.

Sau cuộc họp phụ huynh, cô chủ nhiệm của con yêu cầu mẹ ở lại một lúc, sau đó con đã xin cô giáo rằng: "Mẹ con phải về nhà nấu cơm cho ông bà và bố, mẹ con có thể về trước được không? Có gì cần nói, con sẽ nói với mẹ khi về nhà, và hứa không bỏ sót một lời".

Mẹ nắm lấy tay cô giáo chủ nhiệm nói: "Bố của Hàn Lưu bị tai nạn ô tô, bị liệt người, còn ông bà nội bệnh nằm liệt giường quanh năm, tôi hoàn toàn không có thời gian rảnh quan tâm đến Hàn Lưu. Khi cháu mới biết đi, nó đã giúp ông ngoại, bà ngoại, và bố đổ bô. Cả thời gian để yêu thương con, tôi cũng không có".

Trên đường trở về nhà, nước mắt mẹ không ngừng rơi. Xem lại quá trình từng chút lớn lên của con, tất cả những lời phàn nàn của mẹ về cuộc sống đều không còn nữa. Ông Trời đã cho mẹ quá nhiều bất hạnh, nhưng cũng cho mẹ một niềm an ủi, đó là con.

Mẹ đợi con dưới nhà khi con tan trường về.

Khi nhìn thấy mẹ, cái miệng nhỏ nhắn của con đã mở thành hình chữ o: "Mẹ ơi, mẹ sang nhà người quen phải không ạ?"

Mẹ giả vờ đánh con và nói: "Sau này dù mẹ làm việc có bẩn thỉu hay mệt mỏi đến đâu, mẹ cũng không thể để con mất mặt. Con xem, mẹ có được không?"

Con liền nhảy lên và nói: "Đẹp tuyệt vời! Đến khi con trưởng thành, con sẽ cưới một cô vợ đảm đang xinh đẹp như mẹ".

Khoảnh khắc đó, mẹ rất muốn ôm con vào lòng. Dù con chỉ cao một mét ba, rất gầy.

Nhưng trong lòng mẹ, con đã lớn thành một cây cổ thụ nhỏ. Khiến mẹ muốn dựa vào chứ không muốn ôm.

Trường trung học cơ sở chan chứa biệt ly

Trong ba năm con học trung học cơ sở, mẹ con chúng ta lần lượt tiễn ông nội và bà nội. Ngày tiễn đưa bà nội, mẹ trở về nhà và khóc lóc lớn. Con đã chạy đến ôm chầm lấy mẹ và nói: "Mẹ ơi, bà tuy không sống lâu bằng bà của người khác, nhưng mẹ đã giúp bà sống rất tử tế đàng hoàng, bà nội không thiệt thòi đâu ạ!"

Trước khi đi ngủ, con đem nước cho cha mẹ rửa chân: “Trước đây, con chỉ rửa cho ông bà thôi, nay đến lượt con rửa chân cho cha mẹ”.

Nước mắt của bố liên tục rơi. Con cười nói: "Con rửa chân cho bố, cho mẹ, có gì mà cảm động? Mẹ con đã rửa chân cho ông bà hơn 20 năm rồi. Giờ con theo mẹ mà học tập theo".

Lúc đó, mẹ rất muốn nói với con rằng: “Con đừng học theo mẹ nhé, vì chẳng người mẹ nào muốn thấy con mình nhọc sức cả”.

Khi áp lực cuộc sống nhà ta giảm bớt, thì tâm trạng của bố con càng ngày càng tệ. Vào sinh nhật lần thứ 39 của bố, con mua cho bố một chiếc bánh sinh nhật lớn bằng số tiền con tiết kiệm bằng cách không ăn trưa. Tuy nhiên, vừa mở cửa nhà, thì điều chờ đợi con là cảnh tượng thương tâm: Bố con cắt cổ tay tự tử.

(Jonathan Kos-Read/CC by ND 2.0)Vào đến phòng bệnh, mẹ đã bật khóc như mưa. (Jonathan Kos-Read/CC by ND 2.0)

Khi đó, con mới học năm thứ ba trung học cơ sở. Trước tiên, con buộc cánh tay đang chảy máu của bố bằng một chiếc khăn, sau đó quay số 120 gọi cấp cứu. Cho đến khi cha qua khỏi cơn nguy kịch, con mới gọi điện thoại cho mẹ.

Trước phòng bệnh, con giao ước với mẹ ba điều: Một là không được trách, bởi vì người ngồi trên xe lăn là cha, chứ không phải là chúng ta. Hai là không được đồng tình, như vậy sẽ nuôi dưỡng tâm trạng bi quan của bố. Ba là không được thể hiện sự sợ hãi, mẹ nhất định có thể xử lý tốt chuyện này, khiến bố không bao giờ nghĩ đến chuyện này nữa.

Vào đến phòng bệnh, mẹ đã bật khóc như mưa. Những lời xót thương hay trách móc đều không nói ra, mà chỉ nắm chặt bàn tay của bố.

"Bố ơi, có bố, thì con còn có thể gọi bố. Khi mẹ con trở về sau một ngày mệt mỏi, mẹ còn có bố để hàn huyên. Bố, con nhất định sẽ làm cho bố vui vẻ".

Lời nói của con làm mẹ quên cả khóc. Mẹ không dám tin rằng, con đã trưởng thành rồi, đến mức khiến mẹ ngây người giương mắt mà nhìn.

Mặt trời và biển cả

Con còn nhỏ nhưng có một tấm lòng rộng lớn.

Kể từ đó, sau khi con tan học về, việc đầu tiên con làm là đẩy xe đưa bố đi tham quan khu công cộng.

Trước khi bị liệt, bố con là công nhân đường sắt và có tay nghề cắt tóc. Để khiến bố nghĩ rằng mình vẫn còn hữu ích, con đã gõ cửa nhà hàng xóm, hy vọng họ đến cắt tóc miễn phí. Con còn hứa rằng, nếu cắt hỏng, con sẽ trả tiền để họ đến tiệm cắt tóc sửa. Hàng xóm, già và trẻ, đều đến cắt tóc.

Hôm con tan học, mẹ đứng xa xa nhìn hai cha con, một người đang cắt tóc, người kia đang tất bật bưng trà, mang nước cho bà con xóm láng. Có một nụ cười trên khóe miệng của bố con mà mẹ đã không nhìn thấy trong nhiều năm.

Chính con là người đã tìm ra chìa khóa khiến bố con vui vẻ hạnh phúc.

Khi bà Dương nhìn thấy mẹ, nước mắt bà tuôn rơi, bà nói: “Đứa bé thật hiểu chuyện khiến người ta thương xót từ đáy lòng”.

Dần dần, mọi người trong khu vực đều biết đến con, và nhiều cha mẹ muốn cho con cái họ làm bạn với con.

Có lần mẹ nghe con dạy một nam sinh trung học năm thứ hai, lớn tuổi hơn con, rằng: “Lần sau anh không được phép ăn nói thiếu văn minh như bố mẹ nhé! Nếu lại nói chuyện như thế, đừng nói là ở cùng với khu nhà chúng tôi."

Con đã làm thế nào để anh ấy phục con, mẹ tình cờ tìm ra nguyên nhân sâu xa. Con từng bị bắt nạt bởi những đứa trẻ trong khu nhà lớn hơn con, và từng mỗi ngày có một đứa cầm đầu đến cướp tiền của con. Nếu con không đưa tiền, thì bị nó đánh. Cho đến một ngày, đứa trẻ đó bị bắt nạt bởi một đứa trẻ khác lớn hơn, và con đã ra tay giúp đỡ.

Sau đó, đứa trẻ đó hỏi: "tại sao cậu lại giúp tôi?"

Con nói: “Anh là người cầm đầu trong khu chúng ta, nếu anh thua, những đứa trẻ trong khu chúng ta sẽ không có cuộc sống tốt”.

“Trước đây vì em sợ đánh anh bị thương, khiến mẹ em phải trả tiền viện phí cho anh, em là vì không muốn mẹ đau lòng."

Ngay lúc đó, mẹ vô cùng tự trách mình. Mẹ đối với thế giới của con quả nhiên rất xa lạ, mẹ không xứng chức danh người mẹ, vậy mà con đã trọng đãi mẹ tốt đến như vậy.

Khi già lại muốn hát trên sân khấu

Bố của con càng ngày càng vui vẻ, con càng không để mẹ phải lo nghĩ gì, tâm trạng của mẹ tốt hơn từng ngày. Có hôm, mẹ vừa nấu ăn vừa hát, ngâm nga đến mức quên cả bản thân mình. Đến khi định thần lại, mẹ mới nhận ra là con đang tựa vào cửa nhìn mẹ.

Mặt mẹ đỏ bừng, con chạy đến reo lên: "Mẹ ơi, mẹ hát hay quá, mẹ mà ra mắt công chúng sớm mấy năm, chắc giờ này đã trở thành minh tinh rồi!"

Lúc này, bố con xen vào nói: "Con à, hồi đó mẹ con là cốt cán văn nghệ chính tông đấy, nếu không vì bố con đẹp trai, và mặt dày mày dạn, thì làm sao có thể theo đuổi được mẹ con".

Cả nhà chúng ta cùng cười. Đã từng không biết bao lâu rồi, khi đối mặt với cuộc sống nghiệt ngã, chúng ta đều quên đi tính hài hước. Con trai, con là người làm cho gia đình này đã có tiếng cười rồi đấy.

mẹ lại trang điểm thành một thục nữ, đến công viên, cùng với những người bạn cùng sở thích trong khu, thổi sáo đánh đàn và ca hát. (Ảnh pixabay)

Một lời nói đùa vui, nhưng con đã coi là thật.

Con đã mời mẹ của một người bạn cùng lớp phụ đạo thanh nhạc cho mẹ. Bà ấy là giáo sư âm nhạc tại Học viện Âm nhạc.

Con tưởng tượng xem, vào buổi trưa hàng ngày, mẹ từ chợ đầu mối hải sản về nhà, trước tiên tắm rửa sạch sẽ, rồi mặc bộ đồ mà bình thường không nỡ mặc, rồi bắt xe buýt qua hai lần đổi xe, đến nhà cô giáo dạy nhạc, điều này thật khôi hài.

Lần đầu tiên chính thức đứng trước mặt cả nhà hát, mẹ rất xấu hổ. Con nói: “Hát đi, mẹ là người đẹp nhất trong lòng cả nhà, mẹ phải tự tin như thế”.

Mẹ cười, cười xong mẹ liền hát bản tình ca.

Mẹ không nhớ là mình đã hát như thế nào, mẹ chỉ nhớ mình đã hát đến khi bật khóc, nước mắt giàn giụa.

Hàng ngày, mẹ vẫn đi chợ hải sản từ lúc tờ mờ sáng, cuộc sống vẫn rất gian khổ. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà vào buổi trưa, mẹ lại trang điểm thành một thục nữ, đến công viên, cùng với những người bạn cùng sở thích trong khu, thổi sáo đánh đàn và ca hát.

Khi tiết mục Ngôi sao gọi điện cho mẹ, mẹ đã rất ngạc nhiên. Có phải con đã báo danh giúp mẹ không!

Mẹ trách con lại gây rối cho mẹ nữa rồi, nhưng con lại tỉnh bơ nói: "Mẹ cứ coi sân khấu của đài truyền hình quốc gia như công viên khu chúng ta là được rồi".

Mẹ không thể từ chối con, vì mẹ chợt nghĩ đến cảnh mẹ với bộ dạng lôi thôi lếch thếch đi họp phụ huynh cho con.

Vì con, mẹ sẽ tham gia, để cho con được tự hào một lần.

Vì con, đừng nói là sân khấu rực rỡ chói mắt, cho dù núi đao biển lửa, mẹ cũng sẽ kiên quyết tiến bước.

Kiếp sau chúng ta vẫn là mẹ con

Ở Thủ đô, đầu óc mẹ rất thư thái. Mẹ có thể không giành được chức vô địch, nhưng mẹ phải đứng trên sân khấu với thân phận là một người mẹ.

Mẹ không ngờ người dẫn chương trình lại thiết kế đoạn con gọi điện đến cho mẹ, khi mẹ đang trò chuyện cùng người dẫn chương trình.

Khi cuộc gọi được kết nối, mẹ không biết nói gì với con, nhưng trong cuống quýt, mẹ buột miệng nói: “Con ơi, kiếp sau đừng làm con của mẹ nữa, không người mẹ nào muốn thấy con mình vất vả vì gia đình như vậy đâu.”

"Mẹ ơi, kiếp sau con sẽ là con của mẹ. Mẹ là một người mẹ tuyệt vời, và mẹ là niềm tự hào của con".

妈妈 儿子
Kiếp sau chúng ta vẫn là mẹ con. (Ảnh: Pixabay)

Gia đình chúng tôi vẫn phải vật lộn để kiếm sống, đôi khi vẫn đối mặt với nguy cơ đói ăn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được mỗi ngày chúng tôi sống trong những tiếng cười vui đùa hát ca. Chính con là người khiến mẹ hiểu rằng, phiền muộn hay hạnh phúc, là do chính bản thân mình tạo ra.

Ngày mai, con sẽ bước lên chuyến tàu đi về phương Nam, bắt đầu hành trình cuộc sống đại học của con, cuối cùng, con đã có cuộc sống của riêng mình.

Nhìn con sốt sắng chạy ngược chạy xuôi, lo từng chi tiết cho cuộc sống của mẹ và bố một cách tỉ mỉ, mẹ rất mong muốn được tận hưởng khoảnh khắc này.

Mẹ muốn nói với con, người sắp bước vào hành trình xa rằng: "Con ơi, vì có con mà cuộc đời mẹ luôn luôn là những thời gian tươi đẹp!"

Thuần Chân
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Bức thư người mẹ gửi cho con trai khiến mọi người xúc động