Các nước Hồi giáo tìm giải pháp cho nạn đói trầm trọng ở Afghanistan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay khi chiếm được Afghanistan trong cuộc rút quân khó hiểu của Mỹ, Taliban gần như ngay lập tức quay lưng lại với các lời hứa trước đó của họ: trả thù chính trị, đẩy toàn bộ phụ nữ (50% dân số) khỏi mọi hoạt động xã hội và nghề nghiệp... Afghanistan quay trở lại thời kỳ đen tối thời Taliban thống trị thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cuộc khủng hoảng nhân quyền trầm trọng đi kèm với đói khổ cùng cực đã đẩy Afghanistan dưới thời Taliban hiện nay vào tình huống 'khẩn cấp'...

Theo tin từ Reuters, các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông đang tìm cách ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đang gia tăng ở Afghanistan khi Pakistan đã mở một cuộc họp bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo vào Chủ Nhật (19/12/2021).

Tình trạng khẩn cấp ở Afghanistan

Đó là tình trạng hàng triệu người Afghanistan phải đối mặt với nạn đói khi mùa đông bắt đầu. Song song với cuộc khủng hoảng này là làn sóng di cư chạy trốn khỏi Afghanistan; điều này cũng tạo ra khủng hoảng cho các nước láng giềng. Trong khi đó, bạo lực của nhà nước Taliban cũng leo thang để bảo vệ quyền lực còn non trẻ.

Tình trạng hiện nay ở Afghanistan tồi tệ đến mức trở thành tình huống khẩn cấp; cần có sự hỗ trợ của Phương Tây để tránh một thảm hoạ nhân đạo. Tuy nhiên, trước những vi phạm trầm trọng của Taliban, phương Tây và Mỹ đang rất miễn cưỡng giúp chính quyền Taliban mới nắm chính quyền vào tháng Tám năm nay.

"Nếu không có hành động ngay lập tức, Afghanistan đang tiến tới hỗn loạn", Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết trong bài phát biểu khai mạc, đồng thời cho biết thêm rằng một cuộc khủng hoảng tị nạn và bạo lực Nhà nước Hồi giáo có thể xảy ra nhiều hơn. "Sự hỗn loạn không hợp với ai cả," ông nói (theo tin từ Reuters).

Yêu cầu Mỹ phải tách bạch Taliban với sinh mệnh của 20 triệu người Afghanistan

Cuộc họp kéo dài hai ngày tại Islamabad bao gồm đại diện của Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, đại diện từ các cường quốc trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của Taliban, Amir Khan Muttaqi cho biết chính phủ mới đã khôi phục hòa bình, an ninh và làm nhiều việc để giải quyết các yêu cầu về một chính phủ hòa nhập hơn, tôn trọng nhân quyền, bao gồm cả quyền của phụ nữ.

Ông nói: “Tất cả đều phải thừa nhận rằng việc cô lập Afghanistan về mặt chính trị không có lợi cho bất kỳ ai, do đó tất cả đều phải ủng hộ sự ổn định đang tồn tại và ủng hộ nó cả về mặt chính trị và kinh tế”.

Quan chức của chính quyền Taliban ám chỉ rằng chính quyền này chẳng có bất kỳ hành động gì áp bức nhân quyền hay phản bội các cam kết không trả thù; không có bất kỳ chính sách gì đi ngược lại với văn minh nhân loại. Không những thế thế giới cần phải có trách nhiệm cả về chính trị (không được cấm vận, lên án Taliban, thừa nhận Taliban) và kinh tế (cứu trợ); nhằm đảm bảo tình trạng ổn định cho Afghanistan và khu vực.

Đây không phải lần đầu các quan chức Taliban yêu cầu phương tây, Mỹ và các nước Hồi giáo giúp đỡ xây dựng nền kinh tế đang đổ nát của Afghanistan; nuôi sống hơn 20 triệu người đang bị đe doạ vì đói.

Một số quốc gia và các tổ chức nhân đạo đã viện trợ. Vấn đề ở chỗ, hệ thống ngân hàng của Afghanistan gần như sụp đổ khiến công việc cứu trợ trở nên phức tạp.

Ngoài viện trợ tức thời, quốc gia này cũng cần sự giúp đỡ để đảm bảo ổn định kinh tế lâu dài. Theo giới quan sát, việc này phụ thuộc vào thái độ của Mỹ; liệu Washington có sẵn sàng giải phóng hàng tỷ USD dự trữ của NHTW Afghanistan và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã khiến nhiều tổ chức và chính phủ né tránh giao dịch trực tiếp với Taliban hay không.

Ủng hộ cho Taliban, ám chỉ việc kêu gọi Mỹ hành động, giải phóng tiền và xoá bỏ cấm vận, Thủ tướng Pakistan Khan nói: "Họ [Mỹ] phải tách chính phủ Taliban khỏi 40 triệu công dân Afghanistan".

Trong nỗ lực tìm kiếm viện trợ cho nạn đói của Afghanistan, ông Muttaqi cho biết Taliban sẽ không cho phép Afghanistan được sử dụng làm căn cứ để tấn công các nước khác. Ông cũng nói thêm rằng chính phủ Taliban sẽ không có hành động trả đũa nào nhằm vào các quan chức của chính phủ cũ.

Nhưng Taliban đã và đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề vì để phụ nữ và trẻ em gái không có việc làm và giáo dục. Chính quyền này cũng bị cáo buộc trả thù tàn bạo nhắm vào các cựu quan chức bất chấp lời hứa ân xá của họ. Chưa kể rất nhiều nhà báo, các nhà hoạt động xã hội bị chính quyền Taliban tử hình tàn bạo, công khai vì bất đồng chính kiến.

Thanh Đoàn

(Theo Reuters)



BÀI CHỌN LỌC

Các nước Hồi giáo tìm giải pháp cho nạn đói trầm trọng ở Afghanistan