Cảnh báo về đại dịch nghiêm trọng tiếp theo đến từ chủng virus quen thuộc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần 190 nhà khoa học cấp cao đã đóng góp ý kiến cho cuộc khảo sát mới nhất về nguy cơ xảy ra đại dịch kế tiếp, do Tiến sĩ Jon Salmanton-García (Đại học Cologne, Đức) thực hiện. Trong đó, hơn một nửa chuyên gia về bệnh (57%) cho rằng nhân loại có thể đối mặt với đại dịch cúm nghiêm trọng trong tương lai.

Thông tin chi tiết về cuộc khảo sát sẽ được tiết lộ tại hội nghị của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm Châu Âu (ESCMID) tại Barcelona (Tây Ban Nha) vào cuối tuần tới.

Tiến sĩ Salmanton-García cho rằng sự phát triển và biến đổi không ngừng của virus cúm khiến nó trở thành mối đe doạ thật sự đối với sự sống còn của nhân loại.

Virus cúm thường xuất hiện vào mùa đông. Vì chúng chỉ là những đợt bùng phát nhỏ và độc lực của virus tương đối yếu, nên mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát, “nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát nó một cách hiệu quả trong tương lai”, ông Salmanton-García nói.

21% chuyên gia nhận định rằng một loại virus bí ẩn - còn gọi là Bệnh X (chưa được biết đến) - có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch tiếp theo. Những người này cho rằng, tương tự virus SARS-CoV-2 (nguyên nhân gây ra COVID-19), đại dịch lần tới sẽ do một loại vi sinh vật chưa xác định xuất hiện bất ngờ và lan rộng.

Ngoài ra, một số nhà khoa học (15%) cho rằng virus SARS-CoV-2 vẫn là một mối đe doạ và có thể gây bùng dịch trong tương lai gần.

Về những mối đe doạ nghiêm trọng khác, các chủng virus Lassa, Nipah, Ebola chỉ chiếm 1-2% số người được hỏi.

Nhìn chung, các nhà khoa học đều nhận định rằng cúm là mối đe doạ số một về khả năng gây đại dịch. Trong quá khứ, thế giới đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát đại dịch do cúm gây ra, chẳng hạn như:

  • Đại dịch cúm Nga - Châu Á từ năm 1889 - 1890, số ca tử vong: 1 triệu người;
  • Đại dịch cúm Tây Ban Nha từ năm 1918 - 1920, khoảng 1/3 dân số thế giới nhiễm virus, số ca tử vong: 50 triệu người;
  • Đại dịch cúm Châu Á từ năm 1957 - 1958, số ca tử vong: 1 - 1.5 triệu người;
  • Đại dịch cúm Hồng Kông từ năm 1968 - 1969, số ca tử vong: 0.75 - 1 triệu người;

Cúm là một bệnh cấp tính do virus gây ra và rất dễ lây lan giữa người với người. Con đường lây truyền chủ yếu thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với một số đồ vật có virus, bàn tay đưa lên miệng, mũi và mắt.

Bệnh cúm có 3 chủng gồm cúm A, cúm B và cúm C. Trong số này, cúm A được xem là chủng nguy hiểm nhất với độc lực cao, ví dụ cúm A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1)... Triệu chứng của cúm C khá tương tự với cảm lạnh, còn cúm B chỉ là một chủng duy nhất.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm nước ta ghi nhận 1 - 1.8 triệu người mắc cúm mùa. Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh là 5 - 10% ở người lớn và 20 - 30% ở trẻ em, ước tính khoảng 3 - 5 triệu người bị bệnh nặng và 250.000 - 500.000 người tử vong do các vấn đề sức khoẻ liên quan đến cúm. Bệnh thường trở nặng và gây tử vong chủ yếu ở người già và người có bệnh mãn tính.

Hiện tại, cộng đồng y tế đang lo ngại về sự biến đổi đáng báo động của chủng H5N1 - loại virus gây ra hàng triệu ca mắc cúm gia cầm trên toàn cầu. Được biết, đợt bùng phát bắt đầu vào năm 2020, khiến hàng chục triệu gia cầm chết hoặc bị tiêu huỷ, ngoài ra hàng triệu loài chim hoang dã cũng bị tiêu diệt.

Trong một diễn biến mới nhất, virus H5N1 đã lây lan sang các loài động vật có vú, bao gồm gia súc nuôi ở 12 bang của Mỹ.

Chuyên gia Daniel Goldhill, thuộc Đại học Thú y Hoàng gia ở Hatfield, nói rằng virus càng lây nhiễm nhiều vào các loài động vật có vú thì khả năng tiến hoá thành một chủng nguy hiểm đối với con người ngày càng cao.

Mặc dù sự xuất hiện của H5N1 ở bò là một cú sốc đối với cộng đồng y khoa, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủng virus này có thể lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể chủ quan, bởi những người mắc bệnh này có “tỷ lệ tử vong cực kỳ cao”, Jeremy Farrar, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Trong 20 năm qua, hàng trăm người đã nhiễm bệnh do tiếp xúc với động vật mang theo virus, hậu quả để lại rất nặng nề. Người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ khoảng 50%.

Ông Salmanton-Garcia cho rằng kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, một số bài học về ngăn ngừa lây lan dịch bệnh đã bị lãng quên. "Mọi người lại ho vào tay và sau đó bắt tay người khác. Thói quen đeo khẩu trang đã biến mất. Chúng ta đang quay trở lại với những thói quen xấu cũ của mình. Chúng ta có thể phải hối tiếc về điều đó", ông cảnh báo.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh báo về đại dịch nghiêm trọng tiếp theo đến từ chủng virus quen thuộc