Chuyện Tiết Đàm học hát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để giọng hát có sức truyền cảm thì người nghệ sĩ cần phải dày công luyện tập. Nhưng ngoài việc bỏ ra nhiều công phu và nỗ lực học tập thì vẫn còn một yếu tố quan trọng khác.

Thời Chiến quốc, ở nước Tần có một người có biệt tài ca hát tên là Tiết Đàm. Không chỉ sở hữu chất giọng trong trẻo, du dương, Tiết Đàm còn rất thông minh hiếu học, ngày ngày đều kiên trì dành nhiều giờ luyện hát. Trong thâm tâm Tiết Đàm luôn khao khát trở thành một ca sĩ tài năng của Tần quốc.

Nhưng sau nhiều ngày tháng nỗ lực hết mình, Tiết Đàm vẫn cảm thấy bản thân đã đi tới giới hạn, cho dù có cố gắng thế nào cậu cũng không thể đột phát lên tiếp được. Vậy phải làm sao đây? Tiết Đàm chợt nhớ đến vị ca sĩ nổi danh nhất nước Tần lúc ấy là Tần Thanh. Cậu tự nhủ: “Từ lâu ta đã nghe nói kỹ nghệ ca hát của Tần Thanh vô cùng cao siêu, ta nên đi bái vị tiên sinh ấy làm thầy, theo ngài học ca hát”.

Tiết Đàm tìm đến gặp Tần Thanh, chắp hai tay cung kính thưa rằng: “Tại hạ là Tiết Đàm, từ lâu đã ngưỡng mộ kỹ nghệ ca hát của tiên sinh, kính mong tiên sinh sẽ thu nhận tại hạ làm học trò”.

Tần Thanh là giọng ca vang danh khắp Tần quốc, cả nước Tần không ai không biết, không ai không ca ngợi ông. Mặc dù có danh tiếng rất lớn, nhưng ông vẫn luôn khiêm nhường trước người khác. Tần Thanh thấy Tiết Đàm có tố chất bèn thu nhận cậu làm học trò, từ đó Tiết Đàm sống trong nhà Tần Thanh, mỗi ngày đều theo thầy học ca hát.

Tần Thanh nhanh chóng phát hiện cậu học trò này rất thông minh dĩnh ngộ, vừa dạy liền lĩnh hội, hơn nữa còn có thiên phú thanh nhạc, chỉ trong thời gian ngắn đã nắm vững các bí quyết mà thầy truyền thụ. Bởi vậy, Tần Thanh vô cùng hài lòng và xem trọng Tiết Đàm.

Ngày lại ngày trôi qua, Tiết Đàm nhận ra rằng từ khi theo Tần Thanh học nghệ, cậu đã đột phá được giới hạn của mình, hơn nữa còn tiến bộ rất nhanh, vượt xa những gì cậu mong đợi.

Một ngày, Tiết Đàm đến gặp Tần Thanh và nói: “Sư phụ, con vô cùng cảm kích công lao dạy dỗ của thầy những ngày qua. Hôm nay con đến một là muốn cảm tạ thầy, hai là xin phép từ biệt thầy để lên đường”.

Tiết Đàm học được rất tốt, vì sao lại muốn rời đi? Quyết định đường đột ấy khiến Tần Thanh không khỏi có chút bất ngờ.

Vậy vì sao Tiết Đàm nói lời từ biệt? Liệu có phải gia đình Tiết Đàm đã xảy ra biến cố, buộc cậu phải gấp rút trở về? Hay là vì Tiết Đàm nhớ nhà, nên mới từ biệt sư phụ để về thăm quê? Hay còn vì một nguyên nhân nào khác?

Chúng ta hãy cùng nghe xem Tiết Đàm giải thích vì sao cậu lại muốn rời đi.

Tiết Đàm nói với sư phụ Tần Thanh rằng: “Thưa thầy, những kỹ nghệ ca hát mà thầy dạy cho con, con đều lĩnh hội được, con nghĩ đã đến lúc con nên rời đi rồi”.

Thì ra, nguyên nhân là vì Tiết Đàm tự tin rằng bản thân đã học thành công phu, cho nên mới quyết định rời đi.

Có câu rằng: “Đài thượng thập phân chung, đài hạ thập niên công” (Biểu diễn mười phút trên sân khấu, khổ luyện mười năm sau cánh gà). Ý tứ là nói, muốn có được mười phút tỏa sáng trên sân khấu thì người nghệ sĩ cần bỏ ra mười năm công phu luyện tập. Cần không ngừng trau dồi, không ngừng đột phá, không ngừng hoàn thiện mới có thể thành tựu nên mười phút ngắn ngủi trên khán đài.

Liệu có phải Tiết Đàm đã đạt đến trình độ cao siêu, đạt đến nấc thang cao nhất của nghệ thuật rồi không?

Nghe học trò thổ lộ lòng mình, Tần Thanh trầm ngâm một lát rồi gật đầu nói: “Đã như vậy thì ngày mai trước khi trò lên đường, thầy trò chúng ta hãy tổ chức một bữa tiệc chia tay, thầy sẽ bày tiệc chiêu đãi tiễn biệt con”.

Xem ra, Tần Thanh cũng cảm thấy Tiết Đàm đã học thành tài, có thể chia tay sư phụ để tự thân lập nghiệp chăng?

Chúng ta hãy cùng chờ xem câu chuyện tiếp diễn ngay sau đây.

Hôm sau, Tần Thanh chuẩn bị tiệc chia tay học trò bên con đường lớn ở ngoại thành. Tần Thanh nâng chén rượu chúc phúc Tiết Đàm và nói: “Thầy hy vọng sau này con sẽ có được thành tựu lớn trong lĩnh vực ca hát”.

Sau đó, Tần Thanh vỗ tay xuống bàn tạo thành nhịp điệu rồi bắt đầu cất tiếng hát. Giọng hát của ông ngân nga vang xa, tan trong nắng, hòa trong gió, truyền đến con đường bên ngoài thành, vút lên giữa muôn vạn tầng không. Tiếng hát khiến rừng cây hai bên đường đung đưa lay động, khiến mây trắng trên trời ngừng trôi, chim chóc cũng ngừng bay vì say sưa lắng nghe từng giai điệu…

Nghe giọng ca của sư phụ, Tiết Đàm trong tâm xúc động không thể nói nên lời.

Giọng ca ấy làm cảm động lòng người, làm cảm động rừng cây, mây trắng, chim muông làm cảm động cả tự nhiên rộng lớn. Trong giọng ca ấy dường như ẩn chứa một sức mạnh thần kỳ.

Đến lúc này Tiết Đàm mới nhận ra giọng hát của thầy có sức truyền cảm lớn nhường nào, không chỉ khiến lòng người rung động mà ngay cả đại tự nhiên cũng có thể cảm nhận được. Tiết Đàm thầm nghĩ: Hóa ra, ca hát là bộ môn học vấn cao thâm đến như vậy, và người nghệ sĩ phải dày công luyện tập mới có thể đạt đến cảnh giới cao như thế.

Tiết Đàm bừng tỉnh ngộ: Ta cứ tưởng rằng bản thân đã học được tất cả, kỳ thực vẫn còn rất nhiều điều cao thâm hơn nữa mà ta hoàn toàn chưa đạt tới.

Lúc này, Tiết Đàm tự thấy hổ thẹn trong lòng, cậu bèn bước đến bên thầy khom lưng tạ tội. “Thầy ơi, con biết mình sai rồi, xin thầy cho con ở lại học theo thầy, xin thầy tiếp tục dạy bảo con”.

Tần Thanh hài lòng gật đầu đồng ý.

Kể từ đó, Tiết Đàm lại theo Tần Thanh học nghệ, không còn nhắc đến chuyện rời đi nữa. Sau này cũng giống như sư phụ Tần Thanh, Tiết Đàm trở thành giọng ca trứ danh của nước Tần.

Bạn nghĩ sao sau khi nghe câu chuyện này?

Còn tôi, tôi có một thắc mắc: Vì sao phải chờ đến lúc tiễn biệt sư phụ thì Tiết Đàm mới nghe được giọng ca đã đạt tới cảnh giới cao thâm ấy? Liệu có phải là vì Tần Thanh quá khiêm nhường, cho dù ở trước mặt học trò ông cũng không hề hiển thị và phô trương công phu của mình?

Có câu nói rằng: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi chân nhân”. Ý nghĩa là nói rằng, người thực sự có công phu cao sẽ không tùy tiện phô trương bản thân. Lúa chín cúi đầu, nào có cao ngạo chĩa thẳng lên trời như những bông lúa lép. Biển cả thu nạp trăm sông, nhưng lại chọn ở nơi thấp nhất. Nước dưỡng thành vạn vật, nhưng lại chọn chảy về chỗ trũng. Khổng Tử cũng nói: “Trời có nói gì đâu, mà bốn mùa luân phiên xoay chuyển, bách vật vẫn sinh sôi, trời đâu cần phải nói gì?” (Luận ngữ - Dương Hóa).

Xoay trở lại mà nói, những người chỉ thích hiển thị khoe khoang kỳ thực sẽ không thể học thành tài. Chỉ có những người khiêm nhường, chú trọng tu dưỡng phẩm đức, không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân thì mới có thể luyện thành công phu, đạt đến cảnh giới cao thâm mà họ không ngờ tới.

(Câu chuyện trong chương trình “Cặp sách nhỏ của Tưởng Huệ Vân”)

Theo Tưởng Huệ Vân - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện Tiết Đàm học hát