Có thể bạn chưa hiểu về Tôn Quyền: Quân thần ân nghĩa lưu thiên cổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm một vị hùng chủ Giang Đông, Tôn Quyền đã thành công trong mối tương quan quân thần ân nghĩa, chúng ta cùng xem mối quan hệ với Giang Đông tứ kiệt làm dẫn chứng.

Đối với đạo quân thần, Mạnh Tử từng nói: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi coi vua như lòng dạ, vua coi bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người dưng. Vua coi bề tôi như cỏ rác, thì bề tôi xem vua như giặc thù.”

Xem Chu Du như anh trai

Sau khi Tôn Sách chết, Chu Du lấy thân phận Trung hộ quân cùng Trưởng sử Trương Chiêu phò tá Tôn Quyền. Khi ấy Giang Đông có câu nói: “Nội sự hỏi Trương Chiêu, ngoại sự hỏi Chu Du”, tức Trương Chiêu phụ trách công việc triều đình, còn Chu Du cầm quân đánh trận bên ngoài, mở rộng cương thổ. Tôn Quyền càng thêm tôn trọng Chu Du, ân lễ đủ đầy, xem như huynh trưởng. Chu Du lòng son sáng rõ.

200610121625
Tôn Quyền càng thêm tôn trọng Chu Du, ân lễ đủ đầy, xem như huynh trưởng. Tranh vẽ Chu Du thời nhà Thanh (Miền công cộng)

Khi đại quân Tào Tháo kéo đến uy hiếp, hai phe chủ hòa và chủ chiến của Đông Ngô còn tranh cãi, Chu Du thuyết phản bác ý kiến của đám đông quần thần, phân tích thế mạnh của Đông Ngô ‘Đất rộng ngàn dặm, tinh binh đủ dùng’, chỉ ra chỗ yếu của quân Tào ‘Không thạo thủy chiến, lại thêm mùa đông giá rét, ngựa thiếu cỏ ăn, binh sĩ lặn lội đường xa khí hậu chưa quen, nhất định sẽ sinh bệnh.’

Chu Du kiên định kháng Tào, còn nói chỉ cần 5 vạn tinh binh là có thể đánh bại quân Tào. Quả nhiên như Chu Du định liệu, trận Xích Bích làm tổn thương nặng nguyên khí của quân Tào, đặt định ra thế chân vạc của ba nước.

Sau trận Xích Bích hai năm, Chu Du bị bệnh qua đời, Tôn Quyền “Tố phục cử ai, cảm động tả hữu” (Mặc áo trắng làm tang lễ, cảm động quần hùng), cho đến khi xưng đế, ông còn cảm khái nói: “Nếu ta không có Chu Công Cẩn, thì sẽ không thể trở thành Hoàng đế!”

Chính vì quân thần ân sâu nghĩa nặng, mà Tôn Quyền có nhiều ưu ái đối với gia đình Chu Du. Con trai cả Chu Du là Chu Tuần làm tới chức Kỵ Đô Úy, lấy con gái Tôn Lỗ Ban của Tôn Quyền và Bộ phu nhân; còn con gái cả của Chu Du thì gả cho con trai cả của Tôn Quyền là Thái tử Tôn Đăng. Có thể nói, với liên kết hôn nhân như vậy, ân huệ của Tôn gia trao cho gia đình Chu Du là rất lớn, công tích báo quốc của Chu Du cũng xứng với ân huệ đó.

Bỏ qua nhược điểm, nhìn ra điểm mạnh của Lỗ Túc

Lỗ Túc xuất thân trong gia đình gia giáo, cha ông mất sớm, ông được bà nội nuôi dạy thành người. Ông có thân hình cao lớn, tính cách hào sảng, thích đọc sách, thích cưỡi ngựa bắn cung, là người trọng nghĩa khinh tài, được người trong vùng kính trọng. Khi ấy, Chu Du làm Cư Sào Trưởng, do thiếu lương nên nhờ Lỗ Túc giúp, Lỗ Túc hào phóng tặng ngay 3 ngàn hộc lương thực cho Chu Du. Từ đó, hai người kết thân bằng hữu, sau đó Chu Du tiến cử Lỗ Túc cho Tôn Quyền.

鲁肃
Tôn Quyền nhận định Lỗ Túc có sở trường sở đoản, “Nhưng một sở đoản không hại gì đến hai sở trường”, “Ta bỏ qua sở đoản mà thu nhận sở trường”-Tranh vẽ Lỗ Túc thời Thanh. (Miền công cộng)

Tôn Quyền lập tức hẹn gặp Lỗ Túc, cùng nhau đàm đạo rất cao hứng. Đợi khi khách khứa đứng dậy ra về, Lỗ Túc mới cáo từ đi ra, nhưng lúc sau Tôn Quyền lại gọi nhỏ Lỗ Túc quay lại, ngồi giường cùng đối ẩm. Tôn Quyền hỏi Lỗ Túc mưu thành tựu bá nghiệp. Lỗ Túc đáp: “Triều đình nhà Hán không thể phục hưng, cũng không thể diệt trừ được Tào Tháo trong thời gian ngắn. Xét thế cục này, tướng quân chỉ có thể đặt chân vững chắc Giang Đông, quan sát biến hóa hình thế thiên hạ. Hùng cứ một phương, tự nhiên sẽ không chiêu mời hiềm nghi kỵ hận. Tại sao vậy? Bởi vì phương bắc là vùng nhiều ưu lo phức tạp. Tướng quân thừa dịp này mà tiễu trừ Hoàng Tổ, thảo phạt Lưu Biểu, nhanh chóng chiếm lấy địa khu nam Trường Giang, sau đó xưng đế kiến hiệu rồi tiến bước đoạt thiên hạ, có khác chi Hán Cao Tổ kiến lập đại nghiệp khi xưa!”

Tôn Quyền biểu thị nỗi lòng: “Ta chỉ muốn phò tá nhà Hán mà thôi, lời ông nói vượt quá khả năng của ta.”

Trương Chiêu nhận xét Lỗ Túc: “Tuổi trẻ nông cạn, chưa dùng được.”, nhưng Tôn Quyền nhận định Lỗ Túc có sở trường sở đoản, “Nhưng một sở đoản không hại gì đến hai sở trường”, “Ta bỏ qua sở đoản mà thu nhận sở trường”.

Từ đó, Tôn Quyền trọng dụng Lỗ Túc không nghi ngại, còn ban thưởng hậu, làm gia đình Lỗ Túc giàu sang như trước. Lỗ Túc cũng không phụ lòng tín nhiệm, dốc sức suy tính hoạch định, thời thời bảo vệ lợi ích của Giang Đông và Tôn Quyền, khi quân Tào kéo đến, ông chủ ý kháng Tào, thậm chí được Tôn Quyền cảm thán: “Trời cao đã ban ông cho ta!”

Sau khi Chu Du tạ thế, Lỗ Túc đảm đương trọng nhiệm, củng cố gánh vác chính quyền Giang Đông lập được nhiều công lao. Năm 217, Lỗ Túc mắc bệnh qua đời, hưởng dương 46 tuổi. Tôn Quyền đích thân chủ trì tang sự, đồng thời dự tang lễ. Tôn Quyền trước sau không quên công lao của Lỗ Túc trong quá trình sáng lập và củng cố chính quyền Đông Ngô. Khi ông đăng đàn tế Trời xưng đế, ông nói với quần thần: “Tích Lỗ Tử Kính thường đạo thử, khả vị minh ư sự thế hỹ.” (Khi xưa Lỗ Túc đã chỉ ra con đường này, có thể nói là rành thế sự đó!)

Lỗ Túc có một cậu con chưa ra đời khi ông mất, sau khi lớn được phong làm Chiêu Vũ Tướng Quân, Đô Đình Hầu, Vũ Xương Đốc, Hà Tiết, Hạ Khẩu Đốc, ông cầm quân nghiêm cẩn, có tài cán, sau khi ông mất, con trai là Lỗ Mục được thừa tập tước vị thống lĩnh binh mã.

Lã Mông - Tình nghĩa quân thần

Đại tướng Lã Mông tuy xuất thân bần hàn, nhưng trí dũng song toàn, được Tôn quyền rất mực kính trọng, khen ông là “Trù lược kỳ chí” (Cực kỳ mưu lược). Ông một đời tận lực phò tá Tôn Quyền, lập nhiều chiến công, như tiêu diệt Hoàng Tổ, chiếm lĩnh vùng Giang Hạ; cùng Chu Du, Trình Phổ đại phá Tào quân ở Xích Bích; lập kế lấy ba quận; tiến quân Giang Lăng, phối hợp với Lục Tốn tập kích Kinh Châu, đánh bại Quan Vũ v.v mở rộng phạm vi thế lực của Đông Ngô.

4126
Đại tướng Lã Mông tuy xuất thân bần hàn, nhưng trí dũng song toàn, được Tôn quyền rất mực kính trọng, khen ông là “Trù lược kỳ chí”(Cực kỳ mưu lược). Tranh vẽ Lã Mông, thời nhà Thanh (Miền công cộng).

Để mở rộng kiến thức cho Lã Mông, Tôn Quyền từng kiến nghị Lã Mông nên đọc nhiều sách, nhưng Lã Mông lo việc quân bận rộn không có thời gian học hành. Tôn Quyền nêu ví dụ Lưu Tú rồi Tào Tháo, dù bận việc quân nhưng tay không rời sách, để cổ vũ ông dụng tâm đèn sách, đồng thời chuẩn bị cho ông các sách như “Tôn Tử binh pháp”, “Lục Thao”, “Tả truyện”, “Quốc Ngữ”, “Sử Ký”, “Hán Thư”, “Đông Quan Hán ký” v.v. Thế là Lã Mông bắt đầu ra sức học tập, tích lũy tháng ngày, đọc thông không ít sách, kiến thức ngày càng cao.

Sau khi Chu Du mất, Lỗ Túc thay thế tiếp quản phòng thủ Lục Khẩu, chế ước Quan Vũ ở Kinh Châu. Có một lần, Lỗ Túc đi gặp Lã Mông. Lã Mông mở tiệc khoản đãi, đương lúc rượu nồng, Lã Mông hỏi Lỗ Túc: “Ông đảm đương quốc gia trọng nhiệm, lại ngay gần Quan Vũ, có kế gì đề phòng bất trắc chăng?”

Lỗ Túc đáp: “Tùy cơ ứng biến.

Lã Mông nghiêm nghị nói: “Hiện nay tuy Ngô, Thục cùng trận tuyến, nhưng thái độ Quan Vũ như hổ, đối phó với ông ta lẽ nào không có kế sách dự trù?”

Nói xong, Lã Mông liền trình bày 5 sách lược đối phó Quan Vũ. Lỗ Túc nghe xong, ngạc nhiên thốt lên: “Tôi chỉ nghĩ ông có vũ dũng, không ngờ ông lại có kiến thức cao đến mức này.”

Tiếp theo, Lỗ Túc tán dương: “Hiện nay ông học thức uyên bác, khác hẳn anh chàng Lã Mông ngày xưa.”

Từ đó hai người trở lên hết sức thân thiết.

Trong trận Giang Lăng, Lã Mông lập công lớn, Tôn Quyền cho ông nhậm chức Thái thú Nam quận, phong làm Lăng Hầu, ban cho 10 vạn tiền, 500 cân vàng. Lã Mông từ chối ba lần, không nhận vàng tiền, Tôn Quyền không chấp thuận. Tước phong chưa ban bố thì Lã Mông lâm trọng bệnh, Tôn Quyền đưa vào cung điện, treo thưởng ngàn vàng tìm danh y trong thiên hạ. Tôn Quyền muốn đến thăm, nhưng ngại kinh động bệnh nhân cần yên tĩnh dưỡng bệnh, bèn cho đục một lỗ nhỏ trên tường để nhìn vào. Khi Lã Mông có thể ăn được chút canh, Tôn Quyền vui mừng khôn xiết. Khi Lã Mông không ăn uống được gì thì ông âu sầu ủ dột. Bệnh Lã Mông hơi đỡ, ông liền cho đặc xá tù nhân, biểu thị chúc mừng. Lúc Lã Mông bệnh nặng, ông ngồi luôn bên giường, còn mời Đạo sĩ cầu phúc cho Lã Mông.

Lúc sinh thời, tất cả tiền vàng bảo vật được ban tặng, Lã Mông đều cho cất vào kho trong phủ, dặn dò thuộc hạ, sau khi ông mất thì đem tất cả hoàn trả triều đình, tang sự tiết kiệm, không được xa xỉ.

Tôn Quyền biết tin lại càng thêm bi thương. Sau này, Tôn Quyền cho con Lã Mông kế tục chức vị của cha, đồng thời ban cho ba trăm hộ chăm sóc mộ phần, miễn thu lợi tức hoa màu màu cho 5 nghìn mẫu đất. Ân nghĩa quân thần như vậy, khiến hậu nhân tấm tắc khen ngợi.

Lục Tốn: Ra ngoài là Đại tướng, trong triều làm Thừa tướng

Lục Tốn là một nhân tài rường cột của Đông Ngô sau thời Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông. Năm 203, ông gia nhập mạc phủ của Tôn Quyền. Kinh qua chiến trận, Lục Tốn dần hiển lộ ra tài năng quân sự xuất chúng, rất được Tôn Quyền trọng dụng. Từ đó ông phò tá Tôn Quyền hơn 40 năm. Tôn Quyền còn gả cháu gái là con Tôn Sách cho Lục Tốn, thường tìm ông để bàn soạn sách lược.

20129268319
Lục Tốn phò tá Tôn Quyền hơn 40 năm. Tôn Quyền còn gả cháu gái là con Tôn Sách cho Lục Tốn, thường tìm ông để bàn soạn sách lược-Tranh vẽ Lục Tốn thời nhà Thanh (Miền công cộng)

Tôn Quyền coi Lục Tốn là tâm phúc tin cẩn, ông còn giao cho Lục Tốn giữ một chiếc ấn tín, mỗi khi trao đổi thư từ với Thục Hán đều đưa Lục Tốn xem qua, nếu thấy có chỗ chưa thỏa đáng thì có thể tự sửa, xong dùng ấn đóng lên gửi đi.

Năm 222, Lục Tốn đánh bại đại quân Lưu Bị ở Di Lăng, một trận thành danh. Trận Di Lăng cũng là một trận kinh điển về phòng ngự thành công trong lịch sử quân sự. Năm 228, Đại tư mã Tào Hưu của Ngụy quốc dẫn đại quân đánh phía nam, Lục Tốn lĩnh binh nghênh chiến, ông đích thân ra trận xông pha. Lục Tốn sau khi giành thắng lợi, được phong làm Đại Tướng Quân, thống lĩnh quân đội nước Ngô hơn 10 năm. Về sau, Lục Tốn lại được Tôn Quyền cho phò tá thái tử Tôn Đăng trấn thủ Vũ Xương, đồng thời giao trách nhiệm cai quản quân đội quốc gia, có thể thấy sự tin cậy và ưu ái của Tôn Quyền dành cho Lục Tốn.

Năm 244, Tôn Quyền mời Lục Tốn Làm thừa tướng. Tôn Quyền viết trong chiếu thư: “Trẫm lấy thân phận kẻ vô đức, thừa ứng thiên mệnh mà lên ngôi cao, thiên hạ vẫn chưa thống nhất, lũ gian loạn lại đang cản đường, trẫm ngày đêm lo lắng, không dám nghỉ ngơi. Duy có ngài thiên tư thông dĩnh, đức độ hiển rõ, đảm nhiệm chức vụ cao trọng, phò tá triều đình trừ loạn. Có công lao cái thế, nên được nhận vinh diệu lớn lao, người có tài văn võ song toàn, được định ra là đảm đương trọng nhiệm của xã tắc. Khi xưa Y Doãn giúp nhà Thương hưng thịnh, Lã Thượng phò tá Tây Chu, như nay việc đại sự trong ngoài, thực do ngài một mình gánh vác. Nay mời ngài làm thừa tướng, giao ấn tín cân đai, ngài hãy tự mình hoằng dương mỹ đức mà thành tựu cơ nghiệp tốt đẹp, tuân phục vương mệnh mà an ủi vỗ về an định bốn phương.”

Lục Tốn sau khi đảm nhận chức Thừa tướng, tận chức tận trách giúp Tôn Quyền, các hoạch định suy đoán của ông, không việc nào không ứng nghiệm. Khi đó, thái tử Tôn Hòa và Lỗ vương Tôn Bá đang tranh đoạt vị trí thái tử mà lập ra cung riêng, quan viên trong ngoài triều, đại đa số cho con em ủng hộ hoặc Tôn Hòa hoặc Tôn Bá, Lục Tốn lựa chọn thái độ trung lập, nhưng vẫn bị lôi vào tranh chấp ngôi vị, còn bị Tôn Quyền trách cứ vô lý. Lục Tốn uất ức khó xuôi, vào tháng 2 năm 245 ông qua đời, hưởng dương 63 tuổi.

Về sau, Tôn Quyền mới biết rõ chân tướng Tôn Bá hãm hại Tôn Hòa, Lục Tốn thực sự bị oan, ông vô cùng hối hận, ông nói với con trai Lục Tốn là Lục Kháng rằng: “Ta khi xưa nghe lời sàm tấu, mà mắc lỗi với cha con, vi phạm chính đạo. Nay mang tất cả những tài liệu liên quan đốt hết đi, không để người ta nhìn thấy.

Lục Tốn sau được truy thụy hiệu là Chiêu Hầu.

Lời kết

Khổng Tử nói: “Quân đối thần dĩ lễ tương đãi, thần vi quân tố sự tận trung.” (Bậc quân vương lấy lễ đối đãi bề tôi, bề tôi tận trung làm việc cho quân vương).

Có những câu cổ ngữ tương tự: “Sĩ vi tri kỷ giả tử”(kẻ sĩ chết vì người tri kỷ); “Trích thủy chi ân, đương dũng tuyền tương báo” (chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng) v.v.

Hàng ngàn năm trước, Tôn Quyền tương ngộ Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông và Lục Tốn, chính là những câu chuyện sống động được ghi vào dòng sử, để nói với thế nhân rằng: Thế nào là đạo quân thần ân nghĩa chân chính.

Thái Bình
Theo Lưu Hiểu - Epochtimes

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Có thể bạn chưa hiểu về Tôn Quyền: Quân thần ân nghĩa lưu thiên cổ