Dựa núi - Chỗ dựa vững chắc nhưng không vững: Phò mã được sủng ái bước lên tuyệt lộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dựa núi (kháo sơn) - Chỗ dựa vững chắc là chỉ thứ nâng đỡ phía sau người ta, chỉ thế lực trợ giúp, viện trợ.

Trong những năm Khai Nguyên, thiên hạ thái bình, anh tài chen chúc, Trương Chi là một vị có danh tiếng trong đó. Trương Chi là con thứ của tể tướng Trương Thuyết triều Đường, ông kết hôn với công chúa Ninh Thân trở thành phò mã (con rể của vua), anh cả của ông là Hàn lâm học sĩ Trương Quân. Đường Huyền Tông hết sức ân sủng phò mã, cho phép ông đặt phòng riêng trong cung cấm. Huyền Tông thích ông hầu hạ văn chương, số lần ban thưởng nhiều không đếm được. Trương Chi thường mang châu ngọc vua ban ra khoe với anh cả, Trương Quân cười đùa bảo: ‘Đây là bố vợ cho con rể, chứ không phải là Thiên Tử ban cho Hàn lâm học sĩ đâu.’

Trong những năm Thiên Bảo, Huyền Tông từng đến tận nơi ở của Trương Chi trong nội cung, nói với Trương Chi: ‘Hi Liệt nhiều lần xin từ chức vụ Cơ yếu, ta đang tìm người thay, con xem xem ai là người phù hợp?’

Trương Chi kinh ngạc quá, chưa đợi phò mã trả lời, Huyền Tông tiếp lời: ‘Không ai so được với con rể yêu quý của ta.’

Trương Chi quỳ xuống lạy tạ. Thật là phúc lớn như mơ đối với anh em nhà họ. Nhưng sau khi biết chuyện, Dương Quốc Trung tỏ ra bất mãn, tiến cử Vi Kiến Tố thay cho Trần Hi Liệt, Trương Chi vì tâm nguyện không thành nên sinh oán hận.

Giao du với An Lộc Sơn

Tháng giêng năm Thiên Bảo thứ 13, Phạm Dương Tiết độ sứ An Lộc Sơn được nhập triều. Khi ấy do An Lộc Sơn đánh bại sơn tặc Hề Tộc, Khiết Đan… công huân hiển hách, nên được đãi ngộ cực lớn. An Lộc Sơn có dã tâm, yêu cầu thăng quan lên chức Bình Chương Sự. ‘Trung thư môn hạ Bình chương sự’ là chức vụ của Tể tướng. Huyền Tông giao thỉnh cầu đó cho cận thần thảo luận. Tể tướng Dương Quốc Trung đưa ra ý kiến: ‘An Lộc Sơn tuy có công lao lớn, nhưng lại không biết chữ, giao cho chức vụ lớn như vậy, thần e là ngoại bang sẽ khinh thị nước ta.’

Do vậy Huyền Tông không thăng chức này, mà chỉ phong làm Tả Bộc Xạ cùng phong ấp ngàn hộ, mười phòng nô tỳ, biệt phủ cùng chuồng ngựa quý, năm phường với vườn hoa cây cảnh.

‘Bộc Xạ’ là chức quan đặt ra từ thời nhà Tần. Thời cổ trọng quan võ, dùng người thiện xạ (giỏi bắn cung) để giám sát sự vụ, từ triều Hán về sau đều có chức quan này. Trong “Hán quan nghi chú” viết: ‘Bộc, chủ dã. Cổ giả trọng võ sự, mỗi quan tất hữu chủ xạ đốc khóa chi, cố danh.’ (Tạm dịch: Bộc là chức vụ lớn. Thời cổ trọng võ nghệ, mỗi chức quan đều do các bộc xạ trông coi, nên gọi như vậy.)

Thời cổ đại dùng quan võ bộc xạ để giám sát các quan viên, sau triều Hán, chỉ còn chức Thượng thư bộc xạ, chức vụ bên dưới Thượng thư lệnh, triều Đường cũng như vậy. An Lộc Sơn được chức Tả bộc xạ là chỉ đứng sau Tể tướng, tâm nguyện vẫn chưa thành. Khi đó, Trương Chi kết giao với An Lộc Sơn, nhà Trương Chi ở trong cung, biết được chuyện này nên tiết lộ cho An Lộc Sơn.

“Dựa Sơn” sinh họa loạn

Khi đó Thánh thi Lý Bạch cũng nhậm chức trong triều. Một lần, Trương Chi đem chuyện giao hảo với An Lộc Sơn kể cho Lý Bạch. Lý Bạch thẳng thắn khuyên: ‘Tôi thấy An Lộc Sơn có mưu phản nghịch, dã tâm rất lớn, khi ấy sẽ bị liên lụy, ông vạn nhất chớ có ‘dựa Sơn’ (Sơn: chỉ An Lộc Sơn), cần đứng về bên Hoàng thượng!’

Khi An Lộc Sơn rời kinh đô quay về cố thổ, Hoàng đế cho hoạn quan Cao Lực Sĩ bày tiệc ở Ngạn Pha đưa tiễn. Sau đó Huyền Tông hỏi Cao Lực Sĩ: ‘An Lộc Sơn có vừa ý không?’

Lực Sĩ đáp: ‘Nhìn bộ dạng u uất của ông ấy, nhất định là đã biết chức Tể tướng sẽ không đến tay rồi.’

Huyền Tông nói lại cho Dương Quốc Trung, Dương Quốc Trung nói: ‘Việc nghị bàn này người ngoài không thể biết, nhất định là Trương Chi đã bảo cho An Lộc sơn.’

Đường Huyền Tông nổi giận, đuổi cả hai anh em họ Trương ra khỏi triều, Trương Quân thì đi xa làm Thái thú Kiến An, Trương Chi làm Tư Mã quận Lư Khê, Trương Thúc làm Tư Mã quận Nghi Xuân. Không lâu sau, cũng trong năm đó, Hoàng thượng lại cho vời Trương Chi vào triều, thăng chức Thái Thường Khanh.

Đất bằng nổi sóng, nhân tâm phản trắc

Không lâu sau, An Lộc Sơn khởi binh tạo phản, Đường Huyền Tông phải lánh nạn sang đất Thục.

南宋 佚名《唐玄宗避蜀图》,纽约大都会艺术博物馆藏。(公有领域)
Tranh của họa sĩ khuyết danh thời Nam Tống “Đường Huyền Tông lánh nạn trên đất Thục” Bảo tàng New york (Miền công cộng)

Khi ấy còn có Tể tướng Vi Kiến Tố, Dương Quốc Trung cùng Ngự sử đại phu Ngụy Phương Tiến đi theo, nhưng cũng có nhiều cận thần không đi. Khi tới thành Hàm Dương, Hoàng đế hỏi Cao Lực Sĩ: ‘Hôm qua vội vàng rời kinh thành, quan viên triều đình nhất thời không biết hành tung của trẫm, hôm nay ai sẽ đến trước tiên đây?’

Cao Lực Sĩ đáp: ‘Anh em Trương Chi luôn được hưởng ân hệ quốc gia, lại còn là hoàng thân quốc thích, nhất định sẽ đến trước tiên. Còn về Phương Quản, ông ta cũng có danh vọng như tể tướng, An Lộc Sơn cũng coi trọng, nên sẽ không đến trước.’

Huyền Tông bảo: ‘Sự tình thật khó dự liệu’.

Ngay hôm ấy Phương Quản đã tới hộ giá, Huyền Tông hết sức vui mừng, hỏi thăm luôn về tình hình anh em họ Trương.

Phương Quản đáp: “Khi hạ thần rời kinh thành, có đi qua nhà họ, hẹn họ cùng xuất hành. Lúc ấy Trương Quân nói với hạ thần: ‘Đã đi Nam thành lấy ngựa rồi’. Xem ra họ cũng không sốt sắng gì.”

Quả nhiên anh em họ Trương không tới hộ giá, trái lại ra nhập doanh trại nghịch tặc An Lộc Sơn, trở thành quan viên trong trại giặc, Trương Chi làm Tể tướng ở đó.

Sau đó, khi Quách Tử Nghi cầm quân theo Quảng Bình Vương (tức Lý Thích con trai trưởng của vương phi của Đường Túc Tông Lý Hanh) tiến vào Đông Đô thu phục Lạc Dương, Trương Chi cùng hơn ba trăm phản thần mặc thường phục quỳ bên đường chịu tội. Đường Túc Tông sau khi lên ngôi, nhớ tới sự ân sủng của tiên đế đối với Trương Chi khi trước, giảm tội hình, ban cho tự vẫn trong nhà ngục Đại Lý Tự.

Chỗ dựa tốt nhất là gì

Trương Chi cùng anh em nhà họ Trương háo danh háo lợi, vứt bỏ phẩm tiết để cấu kết với giặc. Phụ thân của họ là danh tướng Trương Thuyết nhà Đường, cả nhà hưởng ân sủng. Năm Khai Nguyên thứ 17, Trương Thuyết làm Thượng thư Tả thừa tướng, Tập hiền viện học sĩ. Những ngày có sự kiện, Hoàng thượng ban cho ông lều trướng riêng, có âm nhạc diễn tấu mua vui, từ đại nội xuất kho rượu cùng thực phẩm để làm yến tiệc, hoàng thượng còn làm thơ tả về cuộc vui. Về sau, do có công tu sửa lăng tẩm mà được phong làm Khai phủ nghi đồng tam tư. Khi đó, con cả Trương Quân làm Trung thư xá, con thứ là Trương Chi, lấy công chúa Ninh Thân, làm Phò mã đô úy được Đường Huyền Tông ân sủng. Khi đó cả nhà họ Trương vinh hoa phú quý, trong triều không ai bì kịp.

Họ Trương bị dục vọng làm thần trí hôn ám, trở thành lũ vô lại, làm ô nhục cơ nghiệp của tiền nhân, cô phụ ân điển của Hoàng đế, cô phụ sự dưỡng dục của quốc gia, nhập vào quân sơn tặc, dựa vào sơn tặc nhưng cuối cùng bị mất mạng, tự hủy đi đường sống của mình.

Hậu thế nói ‘Dựa núi’ (kháo sơn), từ này xuất phát từ điển tích lịch sử Trương Chi dựa vào An Lộc Sơn. Vô luận sống ở thời thái bình thịnh trị hay là thời loạn thế mạt pháp, làm người có thể bảo trì thiện lương, không bị bó buộc trong danh vọng, không bị lợi ích dẫn dụ, không sợ cường quyền áp bức, không sợ tà ác bức hại, đó mới là bình an thực sự! cho dù nhất thời bị tà ác bức hại, sinh mệnh chuyển sinh sẽ được bồi thường cùng phúc báo. Chỗ dựa vững chắc nhất của đời người chính là sự thiện lương!

Nguồn tư liệu: “Cựu Đường thư”

Dung Nãi Gia - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dựa núi - Chỗ dựa vững chắc nhưng không vững: Phò mã được sủng ái bước lên tuyệt lộ