Dũng tướng Mạnh Lương dùng mưu bắt sống Đại tướng Liêu Đại Bằng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mạnh Lương là một dũng tướng dưới trướng của Dương Diên Chiêu, ông có võ học gia truyền, sức mạnh vô song, giỏi sử dụng đôi bản phủ (búa) lớn, trên chiến trường hiếm gặp địch thủ. Trong tiểu thuyết bình thư, Mạnh Lương chỉ là một chiến sĩ dũng mãnh, thiếu tài năng của tướng quân. Tuy nhiên trong truyền thuyết dân gian, Mạnh Lương xử sự trong thô có tinh, và đã từng có lần một mình dẫn quân bắt sống Đại tướng Liêu Đại Bằng.

Dương Diêu Chiêu là danh tướng Bắc Tống chống quân Liêu, được ghi chép trong Tống Sử. Ông trấn thủ biên cương hơn 20 năm, người Liêu (tức người Thiết Đan) vô cùng sợ ông. Người Liêu cho rằng ngôi sao Lục Lang là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu trí dũng thiện chiến, giống như Lục Lang hạ phàm, nên gọi ông là Dương Lục Lang.

Dương Diên Chiêu và Dương Gia ở phủ Thiên Ba đã bảo gia vệ quốc, cả nhà trung nghĩa. Bắt đầu từ thời Nguyên, các phiên bản dưới các thể loại hí khúc, tiểu thuyết và bình thư về Dương Gia được lưu truyền, được đông đảo người dân yêu thích.

***

Trước tiên cần nói về chiến thuật của Hàn Xương đánh lén Dương Diên Chiêu, bị Vương Lan Anh ngăn cản nên đã thất bại. Đại tướng Đại Bằng của quân Liêu phụ trách thực hiện kế hoạch đánh lén đó, không những bị hao binh tổn tướng, mà còn bị Vương Lan Anh đánh bại, và bản thân Đại Bằng bị thương, khiến ông ta luôn nghĩ cách để lấy lại thể diện.

Một lần, Tiêu Thiên Tá (cũng gọi là Tiêu Thiên Tả), Tả lộ Nguyên soái của quân Liêu, chuẩn bị dẫn đại quân tấn công ải Ngõa Kiều. Đại Bằng dũng mãnh xin đi tiên phong mở đường, Tiêu Thiên Tá quyết định cho Đại Bằng dẫn 2 vạn binh mã đi ứng chiến, thăm dò thực lực của quân Tống.

Tiêu Thiên Tá - tranh “Tú tượng Nam Bắc Tống chí truyện”. (Miền công cộng)

Về phía quân Tống, Dương Diên Chiêu nhận được tin tình báo của thám tử, được biết quân Liêu chuẩn bị tấn công ải Ngõa Kiều, bèn vời các tướng sĩ đến bàn bạc đối sách. Trong cuộc họp, Mạnh Lương đứng ra xin làm tiên phong. Dương Diên Chiêu suy nghĩ rồi quyết định để Mạnh Lương dẫn 5 nghìn tinh binh làm tiên phong, còn ông tự mình dẫn quân chủ lực trấn thủ ở ải Ngõa Kiều.

Trước khi Mạnh Lương xuất phát, Dương Diên Chiêu căn dặn rằng: “Trong khu rừng cách ải Ngõa Kiều 40 dặm về phía bắc có một thôn trang nhỏ. Sau khi quân Liêu chiếm được đất Yên Vân, cư dân vì tránh loạn lạc nên đã di cư về phía nam rồi. Hiện nay trong thôn này không còn người cư trú, đệ hãy tận dụng nó. Lần xâm phạm này, tướng tiên phong của Liêu là Đại Bằng anh dũng thiện chiến, vũ lực không hề kém đệ. Ông ta còn có đội quân sử dụng ám khí, đệ cần phải cẩn thận đề phòng. Ta đã lệnh cho thợ chế tạo một loạt cung nỏ mạnh, có thể đánh tan đội quân ám khí”.

Dương Diên Chiêu lại nói: “Tướng địch Đại Bằng là người manh động dễ nổi giận, “Binh pháp Tôn Tử” có viết rằng: ‘Mạnh thì tránh, tức giận thì chọc tức’, mấu chốt phá địch là ở đó, đệ nên tận dụng. Nhưng tình thế chiến trường biến đổi nhanh chóng, giả sử tiền tuyến không thể cố thủ được thì chớ gắng sức tử thủ, vừa đánh vừa lui, hậu phương còn có ta trấn giữ”.

Mạnh Lương ghi nhớ những lời căn dặn của Nguyên soái, dẫn 5 nghìn quân tiên phong xuất phát tiến về phía bắc.

Sắp đặt trong rừng rậm

Sau khi được lệnh, Mạnh Lương dẫn 5 nghìn binh mã, đến thôn trong nhỏ trong rừng ở phía bắc đóng quân. Ông sai tướng sĩ dựng một chiếc đài quan sát cao hơn 10 trượng để quan sát tình hình quân địch, đồng thời sắp đặt hầm bẫy trong rừng.

Ông lại lệnh cho các cung thủ lấy cây làm bia, không ngừng luyện thuật bắn cung. Đồng thời, ông còn dạy các binh sĩ lợi dụng đặc thù rừng rậm để hỗ trợ tác chiến, và làm hỗn loạn phương hướng tấn công của quân Liêu.

Chân dung Mạnh Lương, nguồn “Tú tượng Dương Gia Tướng toàn truyện” phiên bản đời Thanh. (Miền công cộng)

Hôm đó, Mạnh Lương đang đứng trên đài quan sát, phát hiện ra một nhóm quân trinh sát của Liêu đan tiến đến gần. Ông hạ lệnh phái một nhóm nhỏ quân khinh kỵ tập kích, thuận đường dẫn dụ chúng đến thôn trang nhỏ này. Quân Liêu quả nhiên trúng kế, đuổi theo tiến vào trong rừng.

Sau khi quân Liêu tiến vào sâu trong rừng, Mạnh Lương lợi dụng địa lợi, dẫn quân vây đánh từ 2 đầu, đánh cho quân Liêu trở tay không kịp. Đội quân trinh sát của quân Liêu thất bại thảm hại, chỉ có một số ít người chạy thoát trở về.

Mạnh Lương nhận định rằng, lần này quân chủ lực của Tướng tiên phong Đại Bằng sẽ tấn công nơi này trước tiên. Quả nhiên không lâu sau, Đại Bằng dẫn 2 vạn quân đến tấn công. Mạnh Lương đã dân binh sĩ bố trí thế trận trong rừng từ trước, đợi quân địch đến.

Hai quân vừa chạm trán liền nghe thấy Mạnh Lương thét lớn với quân Liêu rằng: “Đại Bằng, lần trước ở trong thành trống, đại nạn may mà không chết, sau lại đánh lén thất bại, thua nữ tướng quân ta. Lần này ngươi lại đến tìm cái chết sao?”

Đại Bằng là chủ tướng tiên phong, bị Mạnh Lương kích trước mặt quân sĩ như thế này thì tức giận nói: “Mạnh Lương, ngươi chẳng qua chỉ là một tên thất phu bổ củi, lại huênh hoang như thế này ư. Lần này ta không nhổ hết doanh trại của người thì thề không dừng lại”.

Mạnh Lương đáp lại: “Thách ngươi đấy! Lần trước ngươi đánh lén đại ca của ta không thành, thù này ta sẽ trả lại ngươi gấp bội, để ngươi nếm sự lợi hại của đôi rìu này của ta”.

Nói rồi, Mạnh Lương đánh ngựa xông về phía Đại Bằng. Đại Bằng cũng không chịu thua kém xông lên đánh trả. Hai người ra chiêu qua lại, kịch chiến một hồi. Mạnh Lương sử dụng bản lĩnh gia truyền, Đại Bằng cũng không chịu lép vế. Hai người đại chiến với nhau mấy hồi mà vẫn chưa phân thắng bại. Mạnh Lương thừa cơ có không gian, liền quay ngựa bỏ chạy, và quay đầu lại nói: “Đại Bằng, ta mệt rồi, không tiếp ngươi nữa, ngày mai tái chiến”.

Đại Bằng thét lên: “Chỉ sợ ngươi ngày mai không dám đến”.

Hai người ai nấy dẫn quân mình trở về trại.

Sáng sớm hôm sau, Đại Bằng lại dẫn quân ra khỏi doanh trại bày trận, sai tướng sĩ gióng trống mắng chửi. Tuy nhiên đợi rất lâu mới thấy Mạnh Lương dẫn tướng sĩ ra khỏi rừng.

Đại Bằng nói: “Mạnh Lương, ta cho là ngươi đã sợ ta rồi. Tại sao bây giờ mới ra?”

Mạnh Lương đáp: “Ai sợ ngươi chứ? Tối qua ta mệt, ngủ nhiều một chút. Hôm nay nhất định phải bắt sống ngươi”.

Đại Bằng nói: “Được, hôm nay nhất định cho ngươi thấy sự lợi hại của ta. Hãy xem đao!”.

Nói rồi, Đại Bằng vung đại đao xông lên. Mạnh Lương giơ đôi rìu nghênh chiến. Hai người lại kịch chiến với nhau, đánh mấy trăm hợp mà vẫn không phân thắng bại.

Hai người đang kịch chiến thì Đại Bằng bỗng nhiên rút ra lá cờ hiệu vẫy một cái, chỉ thấy một nhóm binh sĩ mặc đồ đen đánh ngựa xông đến. Mạnh Lương trông thấy, liền lập tức lùi lại. Đại Bằng và đội quân áo đen tiến lên áp sát. Lúc này, Mạnh Lương cũng rút ra lá cờ đen vẫy, là tay kia rút từ dưới bụng ngựa ra một chiếc khiên.

Khi khoảng cách 2 bên đã gần thì đội quân áo đen tới tấp xông lên trước, ngắm vào Mạnh Lương phóng ám khí, nhưng tất cả đều bị tấm khiên của Mạnh Lương ngăn chặn. Mạnh Lương được Dương Diên Chiêu chỉ bảo, nên đã sớm biết trước Đại Bằng sẽ xuất chiêu này.

Chiếc khiên trên tay Mạng Lương được chế tạo bằng thép, ám khí không có tác dụng. Mạnh Lương vẫy lá cờ đen, đội quân cung tên của quân Tống được lệnh, ai nấy đều đem cung tên dài ra, đứng cách xa ngoài trăm thước bắn tên. Không những bắn xa, mà tốc độ tên cũng rất nhanh. Đội quân ám khí áo đen của quân Liêu tới tấp trúng tên ngã ngựa, thương vong nặng nề.

Mưu trí bắt sống Đại Bằng

Đại Bằng trông thấy đội quân ám khí do chính ông ta huấn luyện bị thương vong nặng nề, thì hạ lệnh toàn quân tiến công, muốn nhất quyết bắt Mạnh Lương phải trả nợ máu. Trong lúc nổi giận, Đại bằng lại múa cây đại đao xông đến đánh Mạnh Lương. Thế đao như cơn gió lốc, càng đánh càng hăng. Mạnh Lương dần dần khó chống đỡ.

Lúc này Đại Bằng dùng hết sức lực bổ một đao. Mạnh Lương vội vàng né tránh, nhưng sợi tua đỏ trên mũ trụ bị chém đứt. Mạnh Lương thét lớn một tiếng, rồi lập tực lui về trong trại trong rừng phía sau. Đại Bằng đắc thắng thừa cơ dẫn quân đuổi theo. Mạnh Lương vừa đánh vừa chạy, và lệnh cho quân cung tên dài tiếp lục bắn tên, yểm hộ quân Tống rút lui vào trong rừng.

Đại Bằng thét lớn: “Mạnh Lương, chớ làm con rùa rụt đầu, ta hôm nay sẽ mổ bụng ngươi và đội quân cung tên đó để tế cho quân sĩ của ta”.

Ngựa của Đại Bằng có tốc độ rất nhanh, chớp mắt là đã tiến vào con đường nhỏ trong rừng rồi. Đại Bằng càng đuổi thì thấy đường càng nhỏ, sợ có mai phục nên ghìm cương ngựa dừng lại. Lúc này, Mạnh Lương đứng trên một ngọn cây lớn ở bên thét lớn: “Đại Bằng, có gan thì đánh đi. Ông nội ngươi đang chờ ngươi đây”.

Nói rồi, Mạnh Lương cầm dây leo đu về phía sau và hạ xuống lưng ngựa, sau đó chạy sâu vào trong rừng. Đại Bằng bị Mạnh Lương chọc tức, bèn tung ngựa đuổi theo. Quân Liêu cũng theo sau xông lên, khoảng cách 2 bên dần thu hẹp. Đúng lúc sắp đuổi kịp Mạnh Lương, thì chiến mã của Đại Bằng đột nhiên bị vướng dây thừng ngã nhào. Quân sĩ mai phục bên hầm bẫy xông lên, chế phục Đại Bằng.

Rừng cây rậm rạp, quân sĩ Liêu theo Đại Bằng tiến vào rừng, dọc đường bị quân Tống mai phục tấn công, rối loạn không còn phân biệt được phương hướng nữa. Sau khi Đại Bằng rơi vào hầm bẫy và bị bắt, Mạnh Lương lấy chiếc mũ trụ đoạt được của Đại Bằng, lớn tiếng nói với quân Liêu rằng: “Đại Bằng đã bị ta bắt sống, các ngươi thua rồi”.

Quân Liêu nghe thấy chủ tướng đã bị bắt, sĩ khí sụp đổ, tới tấp tháo chạy. Mạnh Lương đã đánh một trận thắng đẹp.

Sau trận chiến, Mạnh Lương còng tay khóa chân Đại Bằng để ngăn ông ta trốn thoát, đồng thời sai người báo tin cho chủ soái, xin ý kiến xử lý Đại Bằng. Dương Diên Chiêu được tin thì dẫn quân đến, nói với Mạnh Lương rằng: “Có thể dùng sức của mình mà đánh bại quân Liêu, lập chiến công, quả là làm rất tốt. Nghe nói đệ bắt sống được Đại Bằng, đệ trước tiên hãy sai người cho ông ta ăn uống, ta trước tiên thị sát việc phòng ngự và tướng sĩ, sẽ xử lý ông ta sau”.

Sau khi hỏi thăm úy lạo tướng sĩ xong, Dương Diên Chiêu trở về doanh trại, rút bảo đao bên hông ra và chạy đến chỗ Đại Bằng. Đại Bằng thầm nghĩ, lần trước đánh lén, đã đánh Dương Diên Chiêu trọng thương. Lần này trong kiếp nạn thì khó thoát rồi. Xong rồi”.

Đại Bằng nhắm mắt chờ chết.

Nhưng Dương Diên Chiêu vung bảo đao, lại chặt đứt còng tay và xích chân của Đại Bằng. Dương Diên Chiêu nói: “Đại Bằng, ông hãy đi đi. Đừng xuống phía nam xâm phạm biên cương quan ải nữa, mong Tống Liêu sau này có thể trở thành quốc gia anh em, cùng sống hòa thuận”.

Dương Diên Chiêu lại bỏ qua cho ông ta sao? Đại Bằng không dám tin, ông ta nghi ngại một lúc, cảm kích hành lễ rồi nhảy lên chiến mã phóng về hướng bắc.

Mạnh Lương không hiểu, bèn hỏi: “Đại ca, thả hổ về rừng như thế này, giả sử sau này ông ta lại đem quân đến xâm phạm, thì làm thế nào?”

Dương Diên Chiêu trả lời: “Nếu thật sự là như thế, thì cũng là Thiên ý. Nhưng nếu ta thực sự giết ông ta, thì những tướng Liêu khác cũng sẽ đến xâm phạm. Hai bên giao chiến, tử thương là khó tránh khỏi. Nhưng nếu không phải là kẻ đại gian đại ác, thì ta đều nguyện ý cho họ cơ hội tự thay đổi”.

Lúc này, mặt trời đã dần dần lặn xuống phía tây, Dương Diên Chiêu và Mạnh Lương leo lên đài quan sát. Nhìn những ngôi sao trong bầu trời đêm, Dương Diên Chiêu nói: “Ta có dự cảm, ngày nay tuy biên cương chiến loạn không ngừng, nhưng vật cực tất phản, tương lai ắt sẽ có ngày thái bình, các huynh đệ hãy ghi nhớ, chớ coi ngoại tộc là thù địch”.

Đại Bằng trở về đến doanh trại quân Liêu, đến gặp Nguyên soái Tiêu Thiên Tá, nói dối là thừa lúc quân Tống không phòng bị, đã giết chết lính canh rồi chạy thoát, và nói, quân Tống binh cường mã tráng, đã sớm phòng bị nghiêm cẩn, tấn công khó giành được chiến thắng. Tiêu Thiên Tá suy nghĩ mấy ngày, cân nhắc thế cục, cảm thấy mình khó thắng được Dương Diên Chiêu, vì thế đã quyết định lui binh. Như thế, vùng biên cương tạm thời hòa bình trong một khoảng thời gian.

Nguồn tư liệu:

  • “Dương Gia phủ thế đại trung dũng tục diễn nghĩa” của tác giả khuyết danh đời Minh.
  • “Dương Gia Tướng ngoại truyện”

Ngưỡng Nhạc - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Dũng tướng Mạnh Lương dùng mưu bắt sống Đại tướng Liêu Đại Bằng