Gặp bọn cướp mới biết người ăn xin này là một kiếm khách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một người ăn xin không rõ từ đâu đến, chỉ biết rằng người này từ nhỏ đã luyện tập võ công, tính tình phóng khoáng, thích sống cuộc đời hiệp khách.

Đến tuổi trung niên, gia đình sa sút, cuộc sống túng thiếu nên người này đã phiêu bạt giang hồ, ăn xin sống qua ngày. Anh ta xin chỉ mang chỉ mang theo một cây gậy, ngoài ra trên người không còn vật gì khác. Cây gậy đã được sử dụng đến mức bóng lóng. Ban ngày, người ăn xin không rời cây gậy, tối đến lại dùng gậy để gối đầu.

Những đồ xin được, nếu dư thừa, anh ta sẽ chia cho những người ăn xin khác, không giữ lại gì cho mình. Khi gặp những người ăn xin trẻ trung khỏe mạnh, anh ta thường khuyên họ không nên ăn xin, nên cố gắng đổi nghề khác, làm những việc có ích, chớ nên lãng phí tuổi thanh xuân. Đôi khi, người này còn biểu diễn võ thuật trên phố, dùng tài nghệ để kiếm tiền, hơn nữa còn thường giúp đỡ những người buôn bán nhỏ. Có rất nhiều người đã nhận được sự giúp đỡ của người ăn xin này.

Thiệu Nghệ Châu là người Hàng Châu, tính tính thẳng thẳng, thích giao lưu kết bạn. Có một lần, Thiệu Nghệ Châu vô tình nhìn thấy người ăn xin đang biểu diễn võ nghệ trên phố. Người ăn xin múa đủ các loại đao, kiếm, côn, gậy, kỹ thuật xuất sắc, vô cùng tài tình. Trong lòng Triệu Nghệ Châu biết rằng người này có kỹ năng rất cao, không giống những người ăn xin bình thường, nên đã tặng một túi tiền lớn để người ăn xin có thể phát triển và sáng tạo ở phương diện võ thuật. Người ăn xin vô cùng cảm kích.

Sau đó, người ăn xin hỏi thăm được địa chỉ của Thiệu Nghệ Châu, bèn đến tận nhà để xin gặp. Thiệu Nghệ Châu tiếp đón một cách niềm nở, ân cần, còn cùng người ăn xin bàn luận về những câu chuyện anh hùng hào hiệp xưa nay. Trong lúc nói chuyện, người ăn xin khoa tay múa chân giống như không có ai bên cạnh, thỏa sức thể hiện, hai người nói chuyện rất hợp nhau. Từ đó về sau, hai người thường xuyên qua lại, không ngày nào không gặp nhau.

Một hôm, người ăn xin đến thăm nhà họ Thiệu nhưng người hầu không cho vào. Người ăn xin tức giận hỏi tại sao. Người hầu trả lời rằng Thiệu Nghệ Châu đã lên đường đến Bắc Kinh vào tối hôm qua. Người ăn xin nghe xong rất kinh ngạc, lập tức quay người, vội chạy đi. Anh biết rằng Thiệu Nghệ Châu đến Bắc Kinh chắc chắn phải đi qua Sơn Đông. Ở nơi này có rất nhiều cướp, e rằng Thiệu Nghệ Châu sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Người ăn xin muốn nhanh chóng đuổi theo để bảo vệ, đề phòng Thiệu Nghệ Châu bị bọn cướp làm hại.

Màn đối đầu kịch tính

Không lâu sau, Thiệu Nghệ Châu đến vùng Đăng Châu, chỉ thấy xung quanh một mảng mây mù dày đặc, cỏ mọc um tùm. Mặt trời chiều dần buông, chim muông về tổ, cảnh đẹp vô cùng. Thiệu Nghệ Châu hỏi người đánh xe ngựa rằng, khu vực này có danh thắng hay di tích nào có thể tham quan được hay không.

Lời còn chưa nói xong, bỗng từ trong rừng cây bay ra một mũi tên sắt, nhắm thẳng đến mặt Thiệu Nghệ Châu. Thiệu Nghệ Châu hoảng hốt, trong đầu chỉ còn một ý nghĩ: "Tiêu rồi!"

Đúng lúc vô cùng nguy cấp, bỗng trước mắt lóe lên một ánh sáng trắng, đánh bật mũi tên sắt xuống. Mũi tên sắt thứ hai bay đến nhưng một lần nữa lại bị ánh sáng trắng đánh bật. Tên cướp liền ném phi tiêu nhưng cả hai mũi phi tiêu cũng đều bị đánh bật, bèn tức giận từ trong rừng cây nhảy ra, trừng mắt hét lớn: "Tên nô tài kia dám đánh bật phi tiêu của ta, ta nhất định sẽ không tha cho ngươi, hãy mau nạp mạng!".

Thiệu Nghệ Châu sợ hãi đến mức tim đập thình thịch, tay chân run rẩy, không nói nên lời.

Đột nhiên, có một người nhảy ra, lớn tiếng nói với Thiệu Nghệ Châu rằng: "Huynh không cần sợ, có tôi ở đây".

Thiệu Nghệ Châu nhìn thấy liền nhận ra ngay là người ăn xin. Lúc này, Thiệu Nghệ Châu mới hiểu, ánh sáng trắng đã đánh bật mũi tên sắt vừa rồi phát ra từ người ăn xin. Biết rõ người ăn xin có võ công cao cường nên trong nội tâm của Thiệu Nghệ Châu lập tức yên định trở lại.

Nhìn thấu cảnh tranh quyền đoạt lợi và thói đời bất chấp liêm sỉ, người ăn xin phiêu bạt chốn giang hồ, tự do tự tại nhưng lại nguyện xông pha vì bạn bè tri kỷ (Ảnh: Thanh Ngọc/ The Epoch Times)

Người ăn xin cầm thanh kiếm sắc bén trên tay, đánh nhau quyết liệt với tên cướp hung hãn. Kiếm của người ăn xin nhảy múa như sóng tuyết cuộn trào, chỉ thấy ánh sáng trắng lóe lên, nhưng không nhìn thấy người và kiếm ở đâu. Đánh chưa được mấy hiệp, tên cướp đã bị người ăn xin đánh lui.

Lúc ấy, Thiệu Nghệ Châu nấp trong rừng, thò nửa đầu nhìn ra ngoài, thấy tên cướp bỏ chạy, liền chạy ra để cảm ơn người ăn xin: "Ôi, nếu không có huynh, tôi đã mất mạng rồi? Ơn cứu mạng của huynh làm sao tôi có thể đền đáp được?".

Người ăn xin nói: "Tôi rất cảm kích ân nghĩa của huynh. Huynh không xem tôi là người ăn xin mà còn xem trọng tôi, nên tôi đã âm thầm đi theo để bảo vệ huynh, giúp huynh đi đường xa không gặp phải sự việc ngoài ý muốn".

Thiệu Nghệ Châu thấy người ăn xin vẫn cầm cây gậy trên tay, liền hỏi rằng: "Kiếm quý của huynh đâu rồi? Huynh giấu ở đâu?".

Người ăn xin liền tách cây gậy làm hai, ở giữa là một thanh kiếm sắc bén. Thanh kiếm này sáng lấp lánh, tỏa ra khí lạnh. Người ăn xin nói: "Đây bùa hộ mệnh của tôi".

Thiệu Nghệ Câu cảm thán nói: "Đây quả giống như thanh kiếm thần Can Tương thời xưa! Chỉ có bậc anh hùng như huynh mới xứng là chủ nhân của kiếm. Thế nhưng huynh có võ công cao cường như vậy, tại sao không lập công danh để vang danh khắp bốn biển, mà lại ăn xin để kiếm sống, uổng phí cuộc đời của mình như vậy?".

Người ăn xin nói: "Thói đời ngày nay, người làm quan đều kéo bè kết phái, tranh giành lợi ích, bất chấp liêm sỉ, không còn lễ nghĩa. Nếu cứ như vậy, đất nước diệt vong chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì vậy, tôi chỉ phiêu bạt chốn giang hồ, tự do tự tại, tránh xa những sự việc náo loạn, cũng tránh được rất nhiều ưu sầu phiền não, có thể thực sự hưởng thụ một cuộc sống tự do".

Thiệu Nghệ Châu nghe xong vô cùng thán phục.

Hai người họ cùng đi với nhau. Đến lúc ra khỏi vùng Sơn Đông, người ăn xin nói: "Từ đây đến Bắc Kinh đều là đường lớn bằng phẳng, sẽ không còn nguy hiểm gì nữa. Chúng ta hãy chia tay ở đây".

Thiệu Nghệ Châu hỏi người ăn xin đi đâu, anh ta trả lời rằng: "Tôi đi thăm chùa cầu đạo, không có chỗ ở cố định".

Nói xong, anh ta hiên ngang ra đi. Sau đó, Thiệu Nghệ Châu hỏi thăm tung tích của người ăn xin khắp nơi, nhưng mãi mãi vẫn không có tin tức gì.

Tài liệu tham khảo: "Kỳ văn quái kiến lục"

Thái Nguyên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Gặp bọn cướp mới biết người ăn xin này là một kiếm khách