Giải mã xung đột Hồi giáo với Cơ đốc và Do Thái giáo từ góc nhìn lịch sử tín ngưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính vì vậy, người Hồi giáo tin rằng Thiên Chúa hay Allah mặc khải xuống, thông qua Muhammad để điều chỉnh lại những gì đã sai lệch bằng cuốn Kinh Qur'an của người Hồi giáo - một lần và duy nhất.

Văn minh Hồi giáo vang bóng một thời

Trên một biển cát mênh mông, từ những bộ lạc du mục, rồi thương đoàn buôn chuyến, đã dần dần hình thành một trung tâm thương mại lớn của vùng Trung Đông.

Thế rồi, một tôn giáo mới xuất hiện, một nền văn minh trỗi dậy, những đế chế quật khởi thần tốc như bão cát sa mạc.

  • Năm 634, đế chế đầu tiên đã bao phủ toàn bán đảo A Rập;
  • Năm 636, chiếm lĩnh Iraq và Syria;
  • Năm 637, thôn tính đế quốc Sasanian (Ba Tư) và thành phố lớn nhất của đế quốc Byzantine là Anatolia;
  • Năm 638, chiếm Palestine và thánh địa Jerusalem;
  • Năm 641, chiếm Ai Cập, Algeria, Tunisia và Maroc.
  • Đã từng có thời điểm, lãnh thổ của nó phía đông tới sông Ấn, tây tới Tây Ban Nha, bắc vượt Thổ Nhĩ Kỳ, tràn qua Nam Âu, tiến lên tận vùng Caucasus nước Nga; phía nam lan tới Bắc Phi.

Toán học, thiên văn học, địa lý học, y học và hóa học phát triển cho tới hiện đại, là nhờ cống hiến lớn của nền văn minh này.

Và ngày nay, nó tạo nên một cộng đồng tôn giáo lớn thứ 2 thế giới, với hơn 1 tỷ người.

Đó chính là văn minh Hồi giáo.

Chưa từng có một nền văn minh nào kỳ lạ như thế, vì hết thảy bắt nguồn từ một kỳ nhân người A Rập, sau này có danh xưng: Nhà tiên tri Muhammad.

Trải qua 14 thế kỷ thăng trầm với nhiều diễn biến phức tạp, người ta khó có thể hiểu những gì đang diễn ra trong thế giới Hồi giáo hiện nay, và các biến cố nóng bỏng tại Trung Đông lúc này, nếu không hiểu được nền tảng tinh thần của Hồi giáo từ trong lịch sử.

Và đó là năm 570, khi câu chuyện bắt đầu.

Nhà tiên tri Muhammad và sự ra đời của Hồi giáo

Năm 570, bán đảo A Rập lúc ấy chỉ là một vùng sa mạc với những thành bang và các bộ lạc tự trị, nhưng vây xung quanh nó đều là các đế quốc sừng sỏ như đế quốc Đông La Mã, đế quốc Ba Tư và đế quốc Abyssinia v.v. Ở miền trung tây, gọi là miền Hijaz có thành bang là Mecca. Ở Mecca có nhóm quý tộc cai trị thuộc bộ tộc Quraysh.

Bộ tộc Quraysh ban đầu sống bằng nghề du mục, nhưng đất đai cằn cỗi, cỏ cây khô héo khiến họ phải bỏ nghề du mục để tổ chức những đoàn lữ hành (caravan) buôn chuyến đường dài. Về sau, đoàn người ngựa, lạc đà tăng lên đến con số hàng ngàn, đi ngút tầm mắt. Vì vận chuyển hàng hóa trong sa mạc, họ cần đến mấy loại bản lĩnh: thứ nhất là võ nghệ; thứ hai, là khoa địa lý; thứ ba, là hiểu biết về văn hóa phong tục địa phương và khả năng giao tế… cứ thế, họ trở thành những người đa tài, đa nghệ.

Trong bộ tộc Quraysh này có dòng Hashim chịu trách nhiệm về mặt tế tự và quản lý đền thờ. Và ngài Muhammad là cháu nội của tộc trưởng Hashim đó.

Ngài Muhammad sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên được ông nội đưa về nuôi. Ít lâu sau, ông nội cũng mất nên ngài ở với người chú Abu Talib, một lái buôn kiêm người thu thuế. Nhờ có tính thật thà, ngài được chú cất nhắc thành trưởng đoàn lữ hành và được gọi là El-Amin (người đáng tin cậy). Một lần đi Syria, ngài gặp và được tu sĩ Cơ Đốc giáo Bahira truyền cho khái niệm độc thần giáo, từ đó ngài tham vấn ông ta nhiều lần; ngoài ra ngài còn tiếp xúc với bộ lạc Do Thái Himyarite lúc ấy cai trị Yemen, do vậy mà ngài cũng có khuynh hướng độc thần giáo như Cơ Đốc và Do Thái giáo.

Dù tuổi trẻ, nhưng đứng đắn, có uy tín nên ngài được một góa phụ giàu có hơn ngài 15 tuổi tên là Khadija cảm phục và đề nghị kết hôn, nhờ vậy mà ngài có thể bước chân vào xã hội thượng lưu từ năm 25 tuổi.

Theo lời kể lại của chính Muhammad, khoảng năm 40 tuổi, ngài lên một hang trên núi Hira, ngoại ô Mecca, ngồi tĩnh tâm. Tổng lãnh Thiên thần Gabriel hiện xuống bảo rằng, chính ngài là ngôn sứ của Chúa khiến ngài hoảng sợ. Nhưng dần dần, vị Thiên sứ này tiếp tục đến với những điềm lành và mang đến những lời kinh bảo ngài học thuộc. Sau này, những lời kinh ấy được gọi là kinh Qur'an (Koran), và thế là một tôn giáo mới đã ra đời từ Muhammad, được gọi là đạo Islam, có nghĩa là thần phục Thượng Đế, và những người đi theo Muhammad là Muslim, nghĩa là người thần phục.

undefined
Tổng lãnh Thiên thần Gabriel xuống gặp ngài Muhammad. (miền công cộng)

Còn danh từ “Hồi giáo” mà chúng ta biết hiện nay có xuất xứ từ dân tộc Hồi Hột. Hồi Hột là nước láng giềng phương bắc của Trung Quốc từ năm 616 đến 840, vì họ cũng theo đạo Islam nên người Trung Hoa gọi đó là “đạo Hồi” hay “Hồi giáo”. Chính xác hơn, phải gọi là đạo Islam.

Từ một tôn giáo trở thành đế chế và nền văn minh

Khi Muhammad truyền đạo Islam, ở Mecca đã có tín ngưỡng đa thần giáo, tức là họ thờ các Thần khác nhau. Còn đạo Islam của Muhammad thờ độc thần, tức là chỉ có một Thần duy nhất là Thiên Chúa, hay Thượng Đế, hoặc đấng Allah. Những người đi theo Muhammad càng ngày càng đông, khiến những thế lực địa phương theo đa thần giáo hoảng sợ, hùa nhau đuổi Muhammad và các tín đồ ra khỏi Mecca.

Năm 622, họ cùng nhau di cư tới ốc đảo Yathrib, quê ngoại của Muhammad, cách 250 dặm về phía bắc Mecca. Ở Yathrib có ba bộ tộc Do Thái Himyarite tranh chấp vũ trang. Mohammad đứng ra hòa giải được hai bộ tộc, và theo lời ngài, họ đồng ý rằng các tranh chấp sẽ được “Chúa và Mohammad” giải quyết trong hòa bình. Năm 622 được gọi là “Năm di cư”, là năm đầu tiên theo lịch Hồi giáo. Yathrib về sau được gọi là Medina, cùng với Mecca - nguyên quán của Muhammad, nó trở thành hai thánh địa quan trọng nhất của Hồi giáo, hiện nay nằm trên lãnh thổ của Arab Saudi.

Từ đó, uy tín của Mohammad càng ngày càng tăng, số người đi theo ngài càng ngày càng đông, sự xung đột với các lực lượng địa phương ở Mecca cũng ngày càng lớn. Vô số trận đánh đã diễn ra, nhưng dù có lực lượng lớn hơn, phe Mecca đều thua trong các trận đánh với lực lượng do Muhammad đứng đầu.

Cuối cùng, Mecca cũng chịu thuần phục. Muhammad tiếp quản Mecca, tha tội cho đối phương, thu phục kẻ chống đối, trừ 20 kẻ có thành tích tàn bạo nhất bị xử quyết. Ngài cũng cho dẹp bỏ đa thần giáo và các ngẫu tượng.

Một đế chế theo đạo Islam do Muhammad đứng đầu đã ra đời như thế. Muhammad vừa là lãnh tụ chính trị - cai quản công việc thế tục, lại vừa là giáo chủ đạo Islam - trông nom tinh thần các tín đồ. Tín đồ đạo Hồi tôn xưng ngài là “Đấng tiên tri” hay “ngôn sứ”.

Trước Muhammad, đã từng có rất nhiều ngôn sứ. Tuy vậy, người Hồi giáo vẫn tin rằng ngài là ngôn sứ đặc biệt nhất. Vì sao như vậy? Chúng ta phải tìm hiểu điều này trong mối quan hệ giữa ba tôn giáo cùng thờ phụng chung một Thiên Chúa, đó là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Nhưng trước hết, hãy lưu ý một vài điều giới cấm của Hồi giáo để tiện đối chiếu sau này.

Những điều nghiêm cấm trong giáo lý Hồi giáo

Hồi giáo không có Mười Điều Răn như Cơ Đốc giáo nhưng kinh Qur'an cũng liệt kê mười điều tương tự, trong đó có cấm ngoại tình và cấm giết người. Trường hợp đặc biệt được phép giết người mà không bị trọng tội là:

1) Trong khi kháng cự hoặc chiến đấu chống lại những kẻ lùng giết người đạo mình nhằm cưỡng bách bỏ đạo. Nhưng nếu chiến thắng, phải noi gương thiên sứ Muhammad, tha thứ và đối xử nhân đạo với phần đông kẻ bại trận.

2) Giết những tên sát nhân để trừ hại cho dân lành.

Ngoài ra, còn có những điều cấm đáng chú ý, đó là: Nghiêm cấm gian dâm và trai gái quan hệ xác thịt trước khi cưới hỏi; nghiêm cấm kỳ thị chủng tộc và tôn giáo, tín đồ Hồi giáo không được phép chỉ trích cũng như phán xét người khác. Đó là việc của Allah Đấng Toàn Năng.

Tương đồng và khác biệt cơ bản giữa Hồi giáo với Cơ Đốc và Do Thái giáo

Ở trên đã nhắc đến 2 trong số 3 thánh địa quan trọng nhất của Hồi giáo đó là Mecca và Medina, theo thứ tự thì Mecca quan trọng số 1, Medina thứ 2. Còn thứ 3? Chính là Jerusalem.

Tại sao? Vì Jerusalem là nơi phát tích của ông tổ Abraham của cả người A Rập và Do Thái.

Lại nói từ khi Sáng thế, Thiên Chúa sáng tạo ra Adam, rồi Eva. Adam, Eva phạm tội hái trái cấm, rồi bị đuổi khỏi Thiên đàng Eden. Con cháu họ sinh sôi nảy nở trên mặt đất mãi cho đến thế hệ Noah thì gặp nạn Hồng thủy, nền văn minh bị xóa sạch cùng với những con người tội lỗi thời ấy. Chỉ còn gia đình Noah tiếp tục sản sinh ra các thế hệ con cháu, cho đến Abraham. Từ con trai lớn của Abraham là Ishmael đã sản sinh ra người A Rập, một người con trai khác của Abraham là Isaac sản sinh ra người Do Thái. Do vậy, Abraham là ông tổ của hai tộc Do Thái và A Rập.

Người Do Thái có Do Thái giáo với tiên tri Moses và Kinh Thánh Torah.

Khoảng 2000 năm trước, từ tộc Do Thái sản sinh ra Chúa Jesus Christ, từ Chúa Jesus có Cơ Đốc giáo với Kinh Thánh Cựu Ước (là một phần của Kinh Torah) và Kinh Thánh Tân Ước.

Như thế Hồi giáo xét ra rất gần gũi về mặt nguồn gốc với Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, vì đều là tôn giáo độc thần, cùng thờ phụng một Thiên Chúa. Người Do Thái và người A Rập lại cùng chung một ông tổ Abraham.

Do Thái giáo và Hồi giáo cùng tin rằng có một quy luật Thần thánh chi phối mọi mặt của đời sống, thậm chí đến cả việc ăn uống. Còn Cơ Đốc giáo và Hồi giáo về nhiều mặt là hai nền văn minh anh em, cả hai cùng chung di sản về sự mặc khải của Thiên Chúa của người Do Thái, cả hai đều cùng hưởng dụng khoa học, triết học của Hy Lạp.

Và nói chung, 3 tôn giáo này xét ra rất gần gũi về mặt nguồn gốc, về hình thức đều là tôn giáo độc thần, cùng thờ phụng một Thiên Chúa duy nhất. Người Do Thái và A Rập lại cùng chung một ông tổ Abraham. Như vậy, đây chỉ là 3 biến thể của cùng một truyền thống tôn giáo, lẽ ra phải dễ hòa hợp với nhau.

Tuy vậy, khác biệt lớn đầu tiên nằm ở điểm sau đây.

Người Hồi giáo tôn trọng các vị sứ giả đến trước sứ giả Muhammad, kể từ Adam đến Abraham, Moses, Jesus, v.v. Họ cũng tin rằng Cựu ước và Tân ước của Cơ Đốc là kinh sách của Thiên Chúa, nhưng họ không thi hành theo. Vì sao? Vì Kinh sách của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo được tập hợp rải rác qua các thế hệ, họ cho rằng có thể chứa đựng sai lệch, tam sao thất bản.

Chính vì vậy, người Hồi giáo tin rằng Thiên Chúa hay Allah mặc khải xuống, thông qua Muhammad để điều chỉnh lại những gì đã sai lệch bằng cuốn Kinh Qur'an của người Hồi giáo - một lần và duy nhất. Kinh Qur'an từ lúc xuất hiện cho đến hiện nay gồm có 114 chương, 6236 tiết, không thay đổi.

Tương ứng, Muhammad trong con mắt người Hồi giáo trở thành vị ngôn sứ đặc biệt nhất, và là vị ngôn sứ cuối cùng truyền lời của Thiên Chúa. Sau Muhammad không còn ai nữa.

Kết quả là, người Hồi giáo tin rằng chỉ có họ là những người may mắn được tiếp thu và gìn giữ thông điệp cuối cùng của Thiên Chúa với con người, và họ có sứ mệnh mang lại điều đó cho phần còn lại của thế giới. Chính ở chỗ này, Hồi giáo va chạm với Cơ Đốc giáo, vì Cơ Đốc giáo cũng có một niềm tin tương tự.

Khác biệt lớn thứ hai, đó là quan hệ giữa tôn giáo và thế tục.

Thánh giả Moses chết trên đường dẫn dắt người Do Thái về miền đất hứa Jerusalem. Chúa Jesus tuẫn nạn trên cây thập giá. Sau khi Chúa Jesus chịu nạn, Cơ Đốc giáo chịu 3 trăm năm bức hại từ chính quyền La Mã cho tới khi hoàng đế La Mã là Constantine cải giáo sang đạo Cơ Đốc, từ đó đưa đế quốc La Mã theo Cơ Đốc giáo và ảnh hưởng đến phần còn lại của Châu Âu và thế giới.

Nhưng Nhà tiên tri Muhammad thì khác. Ngài sáng lập ra đạo Hồi và ngay lúc sinh tiền, ngài điều khiển đế chế Hồi giáo, vừa là giáo chủ vừa là vua. Tiên tri Muhammad vừa truyền giáo, vừa cai quản lãnh thổ, dân tộc, ra lệnh nộp thuế và chỉ huy quân đội đánh trận… Do vậy, trong Hồi giáo không cần thiết có một giáo hội, không cần có tầng lớp tăng lữ làm trung gian giữa Allah và các tín đồ, vì thế nhà nước và giáo hội là một.

Ngôn sứ Muhammad không phải chịu tuẫn nạn như Chúa Jesus, tín đồ Hồi giáo cũng không trải qua 3 trăm năm chịu bức hại như Cơ Đốc nhân, và cũng không phải lựa chọn sinh tử giữa tín ngưỡng và chính quyền thế tục. Họ cho rằng họ đang xây dựng đế chế của Thiên Chúa dưới trần gian, Thiên Chúa ban cho họ chiến thắng và sứ mệnh của họ là quảng bá sự mặc khải của Thiên Chúa, cho đến khi toàn thế giới chấp nhận đạo Hồi.

Hé mở nguyên nhân cuộc xung đột Hồi giáo - phương Tây từ góc nhìn văn hóa, tín ngưỡng

Bây giờ, chúng ta hãy quay trở lại những điểm nóng quân sự, những hành động khủng bố của các tổ chức Hồi giáo ở Trung Đông, Trung Á những năm gần đây. Từ cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 của Al-Qaeda ở New York; cuộc chiến giữa Mỹ & liên quân với Iraq từ năm 2003 - 2011; sự sa lầy của Mỹ sau 20 năm can thiệp vào tình hình Afghanistan; cuộc chiến của Mỹ và phương Tây với IS; cuộc chiến ở dải Gaza của Israel và các lực lượng phiến quân Hồi giáo do Iran hậu thuẫn v.v. và mới đây nhất là sự quấy rối của lực lượng Houthi đang khiến cho chiến sự ở khu vực Biển Đỏ nóng lên từng ngày… Dường như chúng ta đã có được ít nhiều manh mối.

Với năng lực không thua sút, một cá tính mạnh mẽ có phần cực đoan của người Hồi giáo, và căn bản của những niềm tin tôn giáo của họ đã ảnh hưởng đến lịch sử vùng Trung Đông, lịch sử thế giới suốt từ thế kỷ thứ 7 cho đến đương đại ra sao? Xin mời quý khán giả đón chờ kỳ sau sẽ rõ.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Giải mã xung đột Hồi giáo với Cơ đốc và Do Thái giáo từ góc nhìn lịch sử tín ngưỡng