Liệu Biển Đỏ có trở thành nơi bùng nổ chiến sự ở Trung Đông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Biển Đỏ đang nóng hơn bao giờ hết. Những vụ tập kích không dứt của lực lượng Houthi khiến tuyến đường đi qua nơi đây bỗng trở nên nguy hiểm nhất thế giới. Tên lửa, UAV phóng vèo vèo qua đầu các tàu chở hàng đã trở thành hình ảnh quen thuộc những ngày qua. Thậm chí lực lượng Houthi còn cảnh cáo rằng bất kỳ quốc gia nào liên quan đến liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đỏ đều có nguy cơ bị nhắm mục tiêu. 

Nếu tên lửa Houthi tấn công vào tàu chiến của Mỹ và đồng minh thì chúng ta có thể tưởng tượng ra những gì sẽ xảy ra sau đó. Nhưng mâu thuẫn nào cũng có nguyên nhân gốc rễ sâu xa của nó. Và câu chuyện ở Biển Đỏ lúc này cũng không ngoại lệ. Chúng ta thử nhìn nhận sự kiện này một cách khách quan nhất từ góc nhìn lịch sử, văn hóa, đặng để giải mã được những sự vụ căng thẳng thời hiện đại này!

Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” hay bảo tiêu thời hiện đại?

Một liên minh hải quân được thành lập, bao gồm 10 nước: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Liên minh quân sự này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lực lượng Đặc nhiệm 153 của Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp (CMF) do Mỹ đứng đầu, chịu trách nhiệm về an ninh Biển Đỏ.

An ninh hàng hải ở Biển Đỏ những năm gần đây không có nhiều bất trắc, nhưng gần đây nó bắt đầu khiến các nước lo ngại. Số là lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen muốn thể hiện sự bênh vực Palestine và Hamas, bằng cách gây tổn hại cho Hoa Kỳ và Israel. Sau một thời gian tấn công Israel bằng tên lửa tầm xa, họ nghĩ lại, chi bằng tấn công tàu hàng của Israel hoặc có liên quan đến Israel chạy trên Biển Đỏ nằm bên hông xứ Yemen nhà họ. Rồi nghĩ thế nào, họ không phân biệt yếu tố Israel hay là không Israel nữa, miễn là tàu hàng băng qua Biển Đỏ thì Houthi không tha. Nghĩa là, không một tàu hàng của nước nào được an toàn.

Houthi là ai mà có thể liều lĩnh như vậy? Đó là một lực lượng vũ trang Hồi giáo theo dòng Shia, vốn đang nắm quyền ở khu vực miền bắc Yemen. Nhưng đằng sau Houthi lại là nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Về bản chất, Houthi ở Yemen không mấy khác biệt với Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, hay các lực lượng phiến quân khác ở Trung Đông do Iran hậu thuẫn.

Houthi quấy nhiễu Biển Đỏ, tàu hàng của thế giới phải chọn con đường vận chuyển khác, chi phí tăng lên càng gây đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang suy kém. Do vậy, Mỹ vội vã phải thành lập liên minh trong Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” bao gồm hải quân của 10 nước để tuần tiễu trên Biển Đỏ, ngăn ngừa những cuộc tấn công của Houthi.

Có thể tạm ví von thế này cho dễ hiểu, ngày trước nhà văn Kim Dung viết tiểu thuyết “Tiếu Ngạo Giang Hồ” trong đó có Phước Oai tiêu cục nổi tiếng, thì ngày nay có “Mỹ Oai tiêu cục” do Mỹ đứng đầu, điểm tương đồng là họ đều làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hóa vận chuyển đường dài, nhưng khác nhau ở chỗ một đằng ở đất Trung Nguyên, một đằng ở đất Trung Đông. Tất nhiên, Mỹ Oai tiêu cục phải oai hơn Phước Oai tiêu cục rồi.

Biển Đỏ đã “nóng” lên như vậy đấy. Nhưng cứ theo lịch sử mà nói, thì Biển Đỏ từ xưa vốn đã chẳng yên bình.

Một lịch sử Biển Đỏ đầy sóng gió

Biển Đỏ còn gọi là Hồng Hải hay Xích Hải, một vịnh biển nằm giữa châu Phi và châu Á. Biển này thông ra Ấn Độ Dương ở phía nam qua eo biển Bab-el-Mandeb và vịnh Aden. Phía bắc Biển Đỏ là bán đảo Sinai, vịnh Aqaba và vịnh Suez (nối vào kênh đào Suez). Biển này dài khoảng 2250 km và chỗ rộng nhất là trên 300 km. Sở dĩ có tên Biển Đỏ có thể là vì sự nở rộ theo mùa của một loại tảo lam có màu đỏ gần với mặt nước.

Bản đồ Biển Đỏ. (Wikipedia/ Eric Gaba/ SA-4.0)

Biển Đỏ có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử vùng Trung Đông. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Biển Đỏ đã mở lối cho Thánh giả Moses dẫn theo toàn dân Do Thái đào thoát khỏi Ai Cập trở về đất hứa, sau đó hai bờ nước dựng đứng bất ngờ khép lại vùi thây binh đoàn hùng hậu làm nhiệm vụ truy đuổi nô lệ Do Thái của Pharaoh.

Vào thế kỷ thứ 6 TCN, Darius Đại đế của đế chế Ba Tư đã có công xây dựng con kênh nối sông Nile với đầu phía bắc của Biển Đỏ tại Suez, còn gọi là kênh đào Suez cổ, tiền thân của kênh đào Suez hiện đại. Nó đóng một vai trò then chốt trong việc cải thiện thương mại và liên lạc giữa Thung lũng sông Nile và Biển Đỏ, và xa hơn là Ấn Độ Dương.

Còn Alexander Đại đế của Hy Lạp cổ cũng rất quan tâm đến tuyến vận chuyển này, do vậy đã cử các đoàn thám hiểm hải quân Hy Lạp xuôi Biển Đỏ tới Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ thứ 4 TCN.

Hy Lạp cổ sụp đổ, La Mã xưng đế, biến Biển Đỏ thành con đường vận chuyển hàng hóa chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc sang La Mã. Khi La Mã suy yếu vào thế kỷ 3, tuyến vận chuyển này bị Đế quốc Aksumite phá vỡ. Thời Trung Cổ, ven bờ Biển Đỏ là nơi giao tranh của hiệp sĩ Thập tự chinh Raynald xứ Châtillon với người Hồi giáo. Năm 1798, Napoleon Bonaparte nước Pháp xâm lược Ai Cập và nắm quyền kiểm soát Biển Đỏ.

Thậm chí, suốt từ thời cổ đại cho đến thế kỷ 20 , Biển Đỏ cũng là tuyến đường buôn bán nô lệ từ Châu Phi đến Trung Đông.

Các đế chế đến rồi đi, nhưng Biển Đỏ chưa bao giờ ngừng sôi động.

Cho tới sau Thế chiến II, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của người Mỹ và Liên Xô trong khu vực, lưu lượng tàu chở dầu đi qua Biển Đỏ cũng tăng lên. Nhưng “Cuộc chiến Sáu ngày” vào năm 1967 giữa Israel và khối Ả Rập khiến Kênh đào Suez bị đóng cửa từ năm 1967 đến năm 1975. Ngày nay, Biển Đỏ là huyết mạch vận chuyển hàng hóa theo đường biển của nhiều hãng vận tải quốc tế.

Thế rồi một ngày, lực lượng Houthi lại khiến cho vùng biển này đột ngột “nóng” lên. Tình huống dường như có phần tương tự với sự kiện Thập tự chinh bắt đầu gần một thiên niên kỷ trước.

Các cuộc Thập tự chinh và vai trò bảo vệ huyết mạch vận chuyển của các Hiệp sĩ Dòng Đền

Vào từ khoảng thế kỷ thứ 7, những người đạo Hồi liên tục mở rộng lãnh thổ, họ xâm chiếm một lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tiến chiếm Tây Ban Nha, thọc sâu vào lãnh thổ nước Pháp, chiếm miền nam nước Ý hiện nay… Đó là mối nguy nghiêm trọng cho người Cơ Đốc phương Tây. Đồng thời, hoạt động hành hương của Cơ Đốc nhân về Đất Thánh Jerusalem có từ thế kỷ thứ 4 lại đang bị đe dọa bởi người Thổ Seljuk theo Hồi giáo. Những người Hồi giáo này không cố ý ngăn cản những đoàn hành hương nhưng họ thu rất nhiều loại thuế, phí gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng Cơ Đốc.

Tình huống này có phần tương tự với hành vi của Houthi trên Biển Đỏ, đều nhắm vào tiền bạc, hàng hóa của lữ khách. Khác biệt ở chỗ, một đằng là sự quấy nhiễu hoạt động tín ngưỡng, một đằng là sự gây rối hoạt động vận tải thương mại quốc tế.

Để ngăn chặn mối họa đến từ người Hồi giáo, các thế hệ Giáo Hoàng lúc ấy đã kêu gọi giới quý tộc đảm nhiệm cuộc viễn chinh vào Đất Thánh. Lời kêu gọi này đã gây tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội phương Tây và dẫn đến cuộc Thập tự chinh đầu tiên mang tính đại chúng với sự tham gia đông đảo của nông dân và người nghèo ở miền bắc Pháp và châu thổ sông Rhine cùng với một số hiệp sĩ và tu sĩ vào tháng 2 năm 1096. Chính là một liên minh của phương Tây, tương tự như tình huống trong thời hiện đại.

Kết quả của cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất là đã lập ra một loạt những Công quốc Thập tự quân như Edessa, Antioch, Tripoli... và đường đã thông đến đất Thánh Jerusalem.

Crusaders riding horses prepare to enter Constantinople, nearby, while another crusader army in the distance also approaches Constantinople.
Đội quân Thập tự chinh. (Miền công cộng)

Sau khi cuộc Thập tự chinh đầu tiên thành công và Thập tự quân chiếm được Jerusalem. Vào năm 1099, nhiều người Cơ Đốc giáo đã hành hương đến và tham quan những gì họ gọi là Thánh Địa. Lúc này, đường biển đã thông suốt, nhưng những đường bộ từ bờ biển vào sâu trong đất liền vẫn còn rất nguy hiểm. Những đoàn người hành hương trong các vùng đồi núi của đoạn đường từ Tel Aviv qua Ramehleh đến Jerusalem đã thu hút nhiều kẻ cướp giật. Lúc này, phần lớn đạo quân các hiệp sĩ Thập tự chinh đã quay trở về châu Âu, vì thế mà gần như không còn ai bảo vệ họ chống lại cướp giật. Thế là một tổ chức bao gồm các thành viên nửa tu sĩ, nửa hiệp sĩ đã ra đời và trở thành tổ chức có ảnh hưởng rất lớn ở Châu Âu và Trung Đông trong 2 thế kỷ sau đó: tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền hay Templar.

Các Hiệp sĩ dòng Đền được vị vua mới của Jerusalem là Baldwin II, nhượng cho dinh thự của ông, được cho là xây dựng trên đất của Đền Thờ của Vua Solomon cũ, do vậy mà họ có cái tên này.

Nhiệm vụ của các Hiệp sĩ dòng Đền chính là bảo vệ những người hành hương đạo Cơ Đốc trên các con đường đến đất Thánh, vai trò gần như liên minh của Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” ngày nay. Tổ chức này chỉ trở nên cường thịnh khi có sự gia nhập và đỡ đầu của những vị quý tộc có ảnh hưởng. Và chỉ khi họ được Giáo hoàng Innocent II công nhận thông qua Sắc lệnh vàng Omne datum Optimum rồi đặt dòng tu này trực tiếp dưới quyền Giáo hoàng, thì tổ chức trở nên siêu quyền lực, xuyên quốc gia và cực kỳ giàu có.

Các Hiệp sĩ Dòng Đền vừa giỏi chiến đấu, vừa giỏi cho mượn tiền. Năm 1150 Templar đã bắt đầu tạo ra thư tín dụng (letters of credit) cho khách hành hương khi họ tiến hành các cuộc hành trình đến Đất Thánh: khách hành hương ký gửi những vật có giá trị của họ cho một Thầy tu Templar ở địa phương trước khi bắt đầu lên đường, nhận được một khế ước thể hiện giá trị bằng tiền của thứ họ gửi, sau đó người hành hương sử dụng khế ước này để lấy tiền của họ khi đã đến Đất Thánh. Vậy là họ an toàn hơn trước quân cướp giật. Các hiệp sĩ Templar đã có các hệ thống chính thức ban đầu hỗ trợ cho việc sử dụng Séc (cheques) và có thể được coi như là người khai sinh ra ngành ngân hàng hiện đại.

Nhưng việc uy hiếp và tái chiếm Jerusalem của người Hồi giáo đã dẫn đến một số các cuộc Thập tự chinh tiếp theo, dù không phải tất cả. Thập tự chinh mở màn cho xung đột của phương Tây Cơ Đốc và Trung Đông Hồi giáo mà ảnh hưởng của nó còn kéo dài đến tận ngày nay.

Sự bảo lưu thú vị về phong cách chiến đấu từ lịch sử đến hiện tại

Trong các cuộc Thập tự chinh, các hiệp sĩ phương Tây thông thường trang bị những bộ giáp rất dày và nặng cho cả người lẫn ngựa, với vũ khí hạng nặng chẳng hạn như những thanh gươm lớn, đến mức những người Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó đã gọi họ là Người Sắt. Đây là những trang thiết bị đắt tiền, và nói chung những cuộc Thập tự chinh là cỗ máy ngốn tiền bạc của người phương Tây.

Trang bị tốt cùng với thể lực to khỏe khiến các hiệp sĩ phương Tây có thể phòng thủ rất tốt, nhưng sự nặng nề lại cản trở họ khi cần truy đuổi hay chạy trốn. Trên địa hình cát lún ở Trung Đông, sự linh hoạt thuộc về những kỵ sĩ Hồi giáo với trang bị nhẹ nhàng, tay cầm gươm cong, đến và đi nhanh như gió, có thể tấn công rồi rút lui ngay lập tức. Ngoài ra, các cung thủ Hồi giáo có thể phóng ra những làn mưa tên gây tổn thất nặng nề cho bộ binh và ngựa không mặc giáp của đối phương.

Văn hào Walter Scott khi viết tác phẩm văn học sử để đời là “Ivanhoe” đã đề cập đến sự kiện Thập tự chinh lần thứ 3 có sự tham gia của nhân vật nổi danh trong thời đại Thập tự chinh này là vua Richard Sư tử tâm. Trang bị và cách chiến đấu của những hiệp sĩ thi cưỡi ngựa đấu thương trong truyện, cũng chính là phong cách của các hiệp sĩ Thập tự chinh lúc đó.

Ngày nay, thay thế cho áo giáp và gươm lớn, phương Tây có khu trục hạm hiện đại, có hệ thống chiến đấu Aegis, có trực thăng MH-60S/R Seahawk... Còn lực lượng Houthi có lối đánh du kích, tựa như những chiến binh Hồi giáo cổ xưa, thay cho gươm cong, cung tên và kỵ binh nhẹ, là tên lửa đạn đạo chống hạm, tên lửa dạng máy bay không người lái (UAV) Samar 3 hoặc 4… rẻ tiền hơn nhiều so với trang bị vũ khí của Mỹ, nhưng không phải là không hiệu quả.

Lịch sử lặp lại với những chi tiết thú vị, nhưng cũng đáng lo ngại với với nguy cơ tái hiện của những cuộc chiến hao người tốn của.

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh quy mô lớn, mối lo ngại khi nhìn từ lịch sử

Những nghiên cứu trên đây cho thấy, quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Hồi giáo ở Trung Đông là không phải gần đây mới có. Và nguy cơ của chiến tranh quy mô lớn có thể bắt đầu từ những sự quấy rối như Houthi đang làm, với vai trò giấu mặt của Iran và biết đâu không chỉ có Iran mà thôi.

Đây có thể là kỳ đầu tiên của loạt bài phân tích những sự kiện xoay quanh những điểm nóng chiến sự ở Trung Đông, bắt đầu từ Biển Đỏ. Những sự kiện này liên quan đến mối quan hệ tay ba cực kỳ phức tạp rắc rối bắt đầu từ cả nghìn năm trước giữa các dân tộc Ả Rập theo Hồi Giáo và người Do Thái ở Trung Đông, và cả những lực lượng phương Tây theo Cơ Đốc giáo. Điều này khiến chúng ta không thể không truy tìm nguyên nhân từ trong lịch sử để tạm có được một nhận định hay góc nhìn của riêng mình.

Và có thể phải bắt đầu từ việc tìm hiểu về Hồi giáo hay đạo Islam, tín ngưỡng có từ thế kỷ thứ 7, là nội dung xin được hẹn đến kỳ sau.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Biển Đỏ có trở thành nơi bùng nổ chiến sự ở Trung Đông?