Giỏi nhìn nhận dùng người (2): Ngụy Văn Hầu trọng dụng Nhạc Dương và Tây Môn Báo 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhạc Dương đánh chiếm Trung Sơn

Sau ba tháng chờ đợi, Nhạc Dương ra lệnh bắt đầu tấn công ác liệt, do đích thân ông chỉ huy, thành trì lập tức trong tình trạng sắp thất thủ.

Các đại thần của Trung Sơn thảo luận biện pháp đối phó. Sau đó, Công Tôn Tiêu nói với quốc vương rằng, ông ta có cách để Nhạc Dương rút quân, đó là trói con trai của Nhạc Dương vào cột cờ, treo anh ta lên, rồi nói với Nhạc Dương rằng: “Nếu không rút lui, sẽ chặt đầu con trai ngay lập tức”.

Nhạc Thư bị kéo lên cột cờ và cầu xin cha cứu mạng.

Nhạc Dương nói: “Đứa con bất tiếu kia, đã cho ngươi thời gian dài như vậy, ngươi không thể giúp quốc vương cai trị đất nước, cũng không thể giúp quốc vương ra quyết định đầu hàng khi nguy cơ ập đến, nay lại khóc như một đứa trẻ, ngươi thực sự đáng chết!”

Sau đó, Nhạc Dương kéo cung buông tên bắn con trai mình. Lúc đó, Nhạc Thư kêu khóc váng trời. Vua Trung Sơn bèn cho hạ xuống.

Sau khi đặt Nhạc Thư xuống, Công Tôn Tiêu nói rằng hãy giết Nhạc Thư, rồi nấu thành canh mang cho Nhạc Dương. Công Tôn Tiêu cho rằng, tình thân nhất là tình cha con, khi người cha nhìn thấy con mình chết thảm như vậy, sẽ rất đau buồn, tinh thần bấn loạn, không còn tâm trạng chỉ huy trận chiến. Nhân cơ hội này, chúng ta phái quân ra khỏi thành để giết chúng, biết đâu sẽ giành chiến thắng.

Cơ Quật nghe theo lời đề nghị của Công Tôn Tiêu, sau khi giết Nhạc Thư, nấu một bát canh thịt cho bưng sang quân doanh của Nhạc Dương, nói rằng đây là thịt của Nhạc Thư.

Nhạc Dương nhận tô canh nói: “Nghịch tử!”, rồi ăn hết bát thịt trước mặt sứ thần, còn nói với sứ thần, hãy quay về nói với quốc vương nhà ngươi rằng, trong doanh trại chúng ta cũng có một nồi lớn, chuẩn bị sẵn cho nhà vua ngươi rồi đó!

Sau khi sứ thần trở về, Trung Sơn không còn phương thức nào khiến thù lui quân nữa, nên nhà vua đã treo cổ tự tử. Sau khi tự sát, thành bị chiếm. Nhạc Dương trở về kinh đô nước Ngụy với kho báu của nước Trung Sơn.

Khi đó, Ngụy Văn Hầu đích thân ra ngoài đón ông, rồi nói: “Ôi, con trai của khanh vì việc quốc gia mà bị giết, ta rất đau lòng”.

Nhạc Dương nói rằng: “Bậc đại trượng phu đều vì chúa mà lập công danh”.

Ông nói rằng: “Con trai hạ thần quả thực đã phò tá một hôn quân vô đạo, nên đáng tội chết. Hạ thần không dám lấy tư tình mà làm hỏng việc công”.

Sau đó Ngụy Văn Hầu mở yến tiệc lớn chiêu đãi Nhạc Dương, cùng quần thần dự tiệc. Nhạc Dương cảm thấy mình đã lập được công trạng cực lớn, hay nói cách khác, rất tự hào kiêu ngạo về thành tích của mình.

Ngụy Văn Hầu nói với Nhạc Dương: "Ta có hai rương đồ muốn tặng cho khanh, ở trong triều không nên mở ra nhìn, ăn tiệc xong đem về nhà hãy mở."

Bởi vì quốc vương đã xây cho ông một ngôi nhà mới, nên Nhạc Dương sau yến tiệc đã mang hai rương về nhà, thấy chúng được niêm phong rất cẩn mật, nên nghĩ rằng nhất định là quốc vương ban cho nhiều đồ quý, sợ người khác trông thấy sẽ sinh lòng đố kỵ, nên bảo phải về nhà mới được xem.

Ông cẩn trọng mở niêm phong rồi nhìn, cả hai rương đều đựng đầy thư từ của các quan đại thần viết cho nhà vua, nói rằng không nên sử dụng Nhạc Dương nữa. Ngày hôm sau, Nhạc Dương đến triều đình và bày tỏ lòng biết ơn với quốc vương. Ông nói rằng: “Nếu không có sự tín nhiệm của quân vương, hạ thần sẽ không thể lập công ở tiền tuyến”.

Ngụy Văn Hầu nói: “Nếu không có khanh, sẽ không thể chiếm được Trung Sơn, nếu không có trẫm giúp, thì việc chiến đấu bên ngoài quả thực là khá khó khăn. Trẫm nghĩ khanh đã vất vả nhiều rồi, vì vậy trẫm sẽ phong cho vùng đất Linh Thọ để khanh cai quản.”

Thế là binh quyền của Nhạc Dương đã bị giải trừ.

Sau khi vương quốc Trung Sơn bị chiếm, vẫn còn có một tình tiết khác. Ngụy Văn Hầu thấy Trung Sơn ở rất xa, và cần được trấn thủ bởi một người rất đáng tin cậy, vì vậy ông đã cử Thái tử tên là Ngụy Kích, tức người sẽ kế vị nhà vua trong tương lai, đến Trung Sơn để cai quản vương quốc đó.

Khi Ngụy Kích rời kinh đô, ông nhìn thấy một Nho sinh tên là Điền Tử Phương đang ngồi trên một chiếc xe tồi tàn, ngang tàng đi tới, trông rất ngạo mạn. Bởi vì Ngụy Kích cũng kính trọng Nho gia, nên Thái tử đứng bên đường hành lễ chào, nhưng Điền Tử Phương phớt lờ, cứ ngạo mạn đi qua.

Lúc đó Ngụy Kích cảm thấy rất khó chịu nên đuổi theo, túm lấy ngựa, nói: “Tôi muốn hỏi ông một vấn đề.”

Điền Tử Phương bảo: “Xin cứ nói”. Ngụy Kích hỏi: “Người phú quý có thể kiêu ngạo với người khác, hay là người nghèo khổ có thể kiêu ngạo với người khác?”

Điền Tử Phương nói rằng: “Nếu là người phú quý, thì sao lại có thể kiêu ngạo với người khác? Nếu vua mà kiêu ngạo với người khác thì đất nước sẽ bị diệt vong, nếu quan lại kiêu ngạo với người khác thì gia đình sẽ bị tan nát. Nhưng đối với một người nghèo như tôi, tôi chẳng có gì cả, nếu vua nghe lời thì tôi cũng cố gắng đưa ra một vài chủ ý, nếu nhà vua không nghe, thì tôi xỏ giày bỏ đi thôi, ai có thể ngăn cản được? Đây là lý do vì sao khi xưa Ân Trụ Vương hùng mạnh có vạn cỗ xe, mà lại bị Chu Vũ Vương tiêu diệt, nhưng Chu Vũ Vương lại không thể thuyết phục nổi Bá Di và Thúc Tề ở núi Thủ Dương theo về, đó là vì Bá Di và Thúc Tề bần cùng, nên chẳng có thứ gì có thể khiến họ không buông bỏ được”.

Những lời này khiến Thái tử lúc đó không nói nên lời, Điền Tử Phương rời đi.

Tôi nghĩ những gì Điền Tử Phương nói thực ra không mấy hợp lý. Dù giàu hay nghèo, bạn cũng nên khiêm tốn và không kiêu ngạo. Loại kiêu ngạo mà Điền Tử Phương nói đến thực ra không phải là kiêu ngạo, mà là lòng kiêu hãnh của một người. Tức là đã làm người thì không nên kiêu ngạo với người khác, nhưng nhất định phải có lòng tự tôn, gìn giữ sự tôn nghiêm của mình.

Chúng ta nói về Nhạc Dương có ba điều tốt: vợ tốt, con cháu tốt và giỏi đánh trận. Trong số con cháu của ông có một vị tướng rất nổi tiếng của nước Yên tên là Nhạc Nghị. Trong Tam Quốc Chí có chép, Gia Cát Lượng “Cung canh Lũng Mẫu, hảo vi lương phụ ngâm, mỗi thường tự tỷ Quản Trọng, Nhạc Nghị.” (Tạm dịch: Tự mình cày cấy đất Lũng Mẫu, thích ngâm khúc Lương Phụ, thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị).

Quản Trọng, Nhạc Nghị đều là danh tướng. Nhạc Nghị là một vị tướng rất nổi tiếng thời Chiến Quốc. Theo “Sử ký: Nhạc Nghị liệt truyện”, ông là hậu duệ của Nhạc Dương.

Tây Môn Báo cai quản Nghiệp Thành

Sau khi chiếm được Trung Sơn, Ngụy Văn Hầu để mắt tới Nghiệp Thành, nay là huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc. Nó nằm ở ngã ba của ba vương quốc Ngụy, Hàn và Triệu vào thời điểm đó. Nước Ngụy ở phía Bắc, nước Triệu ở phía Nam, địa phương ấy thuộc về nước Ngụy. Ngụy Văn Hầu cho rằng Nghiệp Thành cần một người trấn giữ, ai thích hợp để cai quản? Ông hỏi Trạch Hoàng, là người đã tiến cử Nhạc Dương khi trước. Trạch Hoàng nói có Tây Môn Báo là phù hợp. Vì vậy Ngụy Văn Hầu phái Tây Môn Báo đến Nghiệp Thành là quan Thái thú.

"Cổ Thánh hiền tượng truyện lược" Tranh bán thân của Tây Môn Báo. (Phạm vi công cộng)

Ngay khi Tây Môn Báo đến Nghiệp Thành, ông thấy nơi này rất hoang tàn, dân cư thưa thớt. Ông gọi mọi người đến hỏi lý do, dân chúng nói, một trong những điều đau khổ nhất của chúng tôi là cưới vợ cho Thần sông, tức là lấy vợ cho Hà Bá. Tây Môn Báo nói ông chưa bao giờ nghe nói đến chuyện Hà Bá lấy vợ, chuyện gì đã xảy ra ở đây?

Người dân kể rằng nơi đây có một con sông tên là Chương Thuỷ, tưới nước cho đồng ruộng chúng tôi. Nông nghiệp ở khu vực này nhờ vào con sông ấy. Có một thầy mo ở chỗ chúng tôi, như cách chúng ta gọi bây giờ là một phù thủy. Mụ phù thủy nói rằng Hà Bá rất thích gái đẹp, và muốn cưới một người vợ mỗi năm. Nếu không gả cho Hà Bá một người vợ như vậy, Hà Bá sẽ cho lũ lụt nhấn chìm các người. Vì thế người dân vùng chúng tôi hàng năm tốn rất nhiều tiền để tìm vợ cho Hà Bá.

Tây Môn Báo hỏi: “Cưới vợ cho Hà Bá cần bao nhiêu tiền?”

Người ta nói: “Tốn khoảng 20 đến 30 vạn tiền, tiền thì chúng tôi cố gom góp rồi cũng đủ, nhưng khổ sở nhất là mụ phù thủy hàng năm đến soi xét từng nhà, nếu nhà nào có con gái xinh đẹp thì sẽ nói là có thể làm vợ Hà Bá”.

Khi đó, lễ cưới của Hà Bá là cho dựng một lều lớn bên sông, trang hoàng đẹp, đóng một chiếc thuyền và đưa cô gái vào chiếc thuyền được cố tình làm rất mỏng manh đó. Sau khi trôi theo dòng nước một lúc, thuyền sẽ vỡ và cô gái sẽ rơi xuống nước, đương nhiên là sẽ chết đuối. Vì vậy, người dân bình thường không đành lòng để con gái mình chết đuối, nên sẽ đưa một số tiền lớn cho mụ phù thủy, và yêu cầu mụ không chọn con gái họ. Bằng cách này, mụ ta đã kiếm được rất nhiều tiền. Gia đình nghèo không còn cách nào khác là phải cho con gái đi. Nhưng không chỉ mụ phù thủy lấy tiền mà còn có cả Tam lão (chức quan phụ trách giáo dục trong làng lúc bấy giờ), lại còn thêm Đình duyện (tương đương với trưởng thôn), và Lý trưởng (người phụ trách trị an địa phương) v.v., những người này cũng kiếm rất nhiều tiền từ việc đó.

Tây Môn Báo nói: “Hãy cứ làm như vậy đi, năm nay khi Hà Bá kết hôn, ta sẽ đi xem xem.”

Đến lúc làm lễ Hà Bá lấy vợ, Tây Môn Báo đích thân ra bến sông. Lúc này mụ phù thủy đã đến, mụ ta cũng coi thường Tây Môn Báo, vì bà là kẻ cầm đầu ở địa phương, và rất ngạo mạn. Mụ mang theo một số nữ đệ tử của mình, còn có Tam lão, Đình duyện và Lý trưởng, tất cả đều đến.

Tây Môn Báo nói, nghe nói hôm nay Hà Bá sẽ lấy vợ, tôi muốn xem năm nay ai sẽ được chọn làm vợ Hà Bá? Thế là họ đưa một cô gái nhỏ tới. Tây Môn Báo liếc nhìn một cái, nói: "Ồ, cô này không đủ xinh đẹp, Hà Bá cưới vợ thì phải cưới cô gái xinh đẹp nhất, tôi thấy cô này không xứng với Hà Bá."

Tây Môn Báo nói: “Thế này nhé, nhờ thầy phù thuỷ, bà đi xuống nói với Hà Bá chờ một chút, quan Thái thú ta sẽ nhanh chóng chọn một cô đẹp hơn rồi gửi tới ngay”.

Nói xong, ông ra lệnh cho quân lính túm mụ phù thủy lại rồi ném mụ xuống nước, mụ phù thủy vùng vẫy mấy lần rồi chìm nghỉm.

Tây Môn Báo cung kính đứng bên bờ sông nghe ngóng. Một lúc sau, ông mới nói: "Ồ, sao mãi vẫn chưa quay lại thế nhỉ? Có lẽ là do bà đã già quá, nói không rõ ràng. Vậy ta muốn nhờ hai nữ đệ tử kia xuống đó bẩm báo cho rõ ràng hơn."

Sau đó, lệnh cho quân lính túm hai nữ đệ tử và ném họ xuống nước. Một lúc sau, Tây Môn Báo lại nói: "Sao chưa thấy về? Xem ra nữ nhân thật vô dụng, ta muốn nhờ các vị bô lão, trưởng thôn xuống đó cả thể để bẩm báo với Hà Bá cho rõ lẽ!”

Mấy người đó sợ đến mức mặt xám như tro, quỳ xuống đất dập đầu xin tha mạng, biết rằng nhảy xuống sông sẽ chết. Tây Môn Báo chẳng thèm nghe, cho ném tất cả xuống sông. Sau khi ném xuống sông, một lúc sau, Tây Môn Báo lại nói: “Ái chà, sao vẫn chưa quay lại báo cáo gì cả?”

Sau đó ông đưa mắt nhìn quanh, những người đó đều sợ chết khiếp, không biết tiếp theo Tây Môn Báo sẽ ném ai xuống sông. Thế là tất cả những kẻ tham dự vào việc này đều quỳ mọp xuống, dập đầu chảy máu xin tha tội chết.

Tây Môn Báo nói: “Bây giờ các ngươi mới biết việc Hà Bá lấy vợ là giả dối phải không? Không thể nào? Sông dài cuồn cuộn chảy, một vị Thần sông làm sao có thể cưới một nữ nhân trần tục, sao có thể tham luyến mỹ sắc chốn nhân gian?”

Vì vậy, Tây Môn Báo đã dùng cách này để chấm dứt hủ tục lấy vợ cho Hà Bá ở địa phương.

Sau đó Tây Môn Báo bắt đầu cho xây dựng các công trình thủy lợi, con kênh được xây dựng vào thời điểm đó được gọi là Kênh Tây Môn, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, dẫn nước sông Chương tưới bồi cho vùng đó, mang lại mùa màng nông nghiệp bội thu.

Truyện Tây Môn Báo cai quản Nghiệp Thành, câu chuyện Hà Bá cưới vợ, không có trong "Sử ký - Ngụy thế gia", trong "Sử ký - Ngụy thế gia" chỉ ghi một câu về việc Tây Môn Báo cai trị Nghiệp Thành. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện đã được ghi chép đầy đủ trong “Sử ký - Hoạt kê liệt truyện”. Hai từ này ngày nay gọi là “Hoạt kê” (hài hước), vào thời xa xưa chúng được gọi là “Cổ tịch” (thư tịch cổ). Chính Tư Mã Thiên cho rằng, có một số người rất hài hước, chẳng hạn những vị như Tây Môn Báo, Thuần Vu Khôn, Đông Phương Sóc. Tư Mã Thiên đã sưu tầm những câu chuyện của họ và gọi là "Sử ký - Hoạt kê liệt truyện", trong đó đặc biệt nói về một số câu chuyện cười. Tây Môn Báo đã sử dụng phương pháp ‘gậy ông đập lưng ông’ để giải quyết vấn đề. Vì các ngươi đã nói ra một điều hoang đường như vậy, nên ta sẽ làm theo những gì các ngươi nói, đưa ra một kết luận hoang đường, và cuối cùng để các ngươi phải gánh chịu hậu quả mà mình đã gây ra.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 10 - Giỏi nhìn nhận dùng người (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Giỏi nhìn nhận dùng người (2): Ngụy Văn Hầu trọng dụng Nhạc Dương và Tây Môn Báo