Hàn Tú (2): Sự nghiệp văn chương và nhân sinh quan nhờ vốn văn hóa truyền thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cô bé 2 tuổi người Mỹ đến Trung Quốc, rồi bị mắc kẹt ở đó 30 năm mới may mắn sống sót trở về Mỹ, làm thế nào lại trở thành một nhà văn khá nổi tiếng?

Bắt đầu sự nghiệp văn chương

Là một học sinh rất giỏi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, mong muốn trở thành kỹ sư đóng tàu, cơ duyên nào khiến Hàn Tú trở thành nhà văn?

Do sống trong xã hội đóng kín của Trung Quốc trong 30, và may mắn sống sót, là người Mỹ đầu tiên trở về, nên Hàn Tú đã trở thành một người nổi tiếng, mọi người tìm đến cô hỏi các thông tin Trung Quốc, kể cả tạp chí National Geographic danh tiếng. Hàn Tú dạy ở Học viện Ngoại giao Mỹ, và còn dạy bán thời gian ở Johns Hopkins vào buổi tối. Ngoài ra cô cũng học tiếng Anh rất chăm chỉ. Lịch trình của cô luôn bận bịu, không có chút thời gian nhàn rỗi nào.

Năm 1982, Hàn Tú kết hôn với Jeff - một viên chức ngoại giao, phải theo chồng đi công cán khắp nơi, từ nước này sang nước khác. Hàn Tú phải từ chức ở cả 2 trường mà cô đang dạy. Tự nhiên, cô có nhiều thời gian rảnh rỗi. Lúc đó sức khỏe của cô rất tệ, lại bị đau lưng, đau đến mức cô không thể xỏ giày vào được.

Trong hoàn cảnh như vậy, Hàn Tú đã viết tác phẩm đầu tay "Khúc xạ", bởi cô cảm thấy nếu cô không nói ra thì sẽ không ai biết, không ai viết về những gì đã xảy ra ở Tân Cương, Sơn Tây và Cách mạng Văn hóa.

Năm 1982, Hàn Tú theo chồng đến Đài Bắc và sẽ ở đó 1 năm. Cô bèn đến Đại học Văn hóa chọn khóa học 1 năm, khóa học về trào lưu văn hóa nghệ thuật ở Trung Quốc vào những năm 1930 của giáo sư Lý Siêu Tông. Giáo sư Lý đã giới thiệu các nhà văn nổi tiếng ở Đài Bắc cho Hàn Tú, trong đó có nhà thơ Á Huyền - tổng biên tập báo Liên Hợp.

Năm 1983 cô theo chồng đến Bắc Kinh, và bắt đầu viết truyện ngắn gửi cho báo Liên Hợp qua các bưu kiện ngoại giao. Bút danh Hàn Tú cũng bắt đầu từ đây. Các truyện ngắn của Hàn Tú đều viết về Bắc Kinh, về Trung Quốc, và về tất cả các loại hắc ám mà cô vẫn nhớ rất rõ ràng.

Có người ở Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc ở Bắc Kinh hỏi cô: “Này, Teresa, cô có biết một người tên là Hàn Tú không? Người này viết truyện ngắn trên báo Liên Hợp, và biết rất nhiều về chúng ta”.

Hàn Tú nói: “Tôi chưa bao giờ nghe nói về người này”.

Ba năm sau, Jeff chuyển đến làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc. Hàn Tú cùng chồng rời khỏi Bắc Kinh đến Hong Kong. Khi đó, người của Hội Nhà văn tiễn cô ở ga xe lửa và nói: “Tạm biệt! Hàn Tú”.

không xác định
Tòa nhà tòa soạn báo Liên Hợp, nơi đăng tải các truyện ngắn đầu tiên của Hàn Tú. (Ảnh wikipedia/ [email protected]/ SA-4.0)

Viết thư cho Hoa Quốc Phong

Bài viết trước có nói về việc Hàn Tú bị đánh bất tỉnh 3 ngày ở Tân Cương. Trong sách cô mô tả đó là luyện ngục. Cô nói: “Thể chế Trung Quốc này có thái độ như thế. Nó muốn tất cả mọi người phải cúi đầu và trở thành công cụ của nó. Nếu bạn từ chối, nó sẽ cải tạo bạn về mặt tư tưởng. Phương pháp cải tạo của nó là đưa bạn vào nhà tù, các lữ đoàn cải tạo lao động, các nông trường cải tạo lao động, và nhiều phương pháp khác. Nếu bạn vẫn từ chối chấp nhận nó, nó sẽ khiến bạn khuất phục nó về mặt tinh thần. Nếu bạn từ chối, nó sẽ hủy hoại bạn về mặt thể xác.

Đây là lý do tại sao nhân viên đồn cảnh sát Bắc Kinh hỏi câu đầu tiên của họ là làm thế nào cô có thể sống sót trở lại?”.

Để khuất phục tư tưởng, họ ép cô phải viết giấy hối lỗi (hối quá thư). Cô không viết, họ bắt cô đưa đến sở Công an, bắt phải viết giấy hối lỗi. Họ quy cho cô đủ các tội danh như: xông vào Phòng liên lạc Mỹ, chống Đảng, chống xã hội chủ nghĩa… là hành động phản cách mạng.

Họ cảnh cáo: “Nếu cô không viết thì cô đừng nghĩ đến việc bước ra khỏi cánh cửa này”.

Thế là Hàn Tú viết, cô nói: “Bức thư đầu tiên tôi viết là cho Hoa Quốc Phong, tôi tố cáo sở Công an vô lý và khốn nạn, sau đó tôi nói với Chủ tịch Hoa Quốc Phong rằng, tôi là người Mỹ, tôi chỉ muốn về nhà, làm ơn cho tôi về nhà”.

“Bức thư thứ hai gửi cho Hoàng Hoa - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tôi nói với ông ấy rằng, tôi là công dân Mỹ, tôi đã ở Trung Quốc được 30 năm, tôi đã trải qua mọi khó khăn, và bây giờ tôi muốn về nhà”.

Sau khi viết xong, Hàn Tú trao cho họ - Phòng Đối ngoại của Văn phòng Công an thành phố Bắc Kinh. Thế là họ không dám không chuyển thư đi.

Mấy ngày sau, Hoa Quốc Phong có thư trả lời, nói rằng “thư này rất tốt, sẽ xử lý theo chính sách”.

Hoàng Hoa cũng trả lời, nhưng rất nham hiểm. Ông ta viết: “Chúng tôi đã đọc bức thư này, nếu một người muốn đến Hoa Kỳ, trước tiên người đó phải từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, làm thủ tục từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, nộp đơn xin quốc tịch Mỹ, thì chúng tôi có thể để người đó đi”.

Hàn Tú nói: “Đây không phải là một cái bẫy sao? Nếu tôi nói rằng tôi làm đơn từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, thì chẳng phải rõ ràng là bằng chứng chứng minh mình là người Trung Quốc, là công dân Trung Quốc đó sao? Tôi sẽ không rơi vào cái bẫy này. Tôi không làm điều đó, tôi phớt lờ ông ấy. Cho dù có ở trong phòng thẩm vấn của sở Công an, tôi cũng sẽ không viết, đây là câu trả lời của tôi”.

Khi còn là học sinh phổ thông trung học 17, 18 tuổi, bí thư đảng ủy nhà trường cũng đã yêu cầu cô viết giấy vạch rõ ranh giới với cha cô (tức từ bỏ cha), thì sẽ cho cô học đại học, nếu không sẽ bị đến đội sản xuất ở Sơn Tây làm ruộng. Hàn Tú cũng nhất quyết giữ vững phẩm giá, nhân cách con người.

Hàn Tú nói: “Máu của cha vẫn còn trong máu tôi, nên tôi không thể vạch rõ ranh giới được. Ngoài ra, bà ngoại tôi đã gặp cha tôi khi tôi còn nhỏ, và bà cũng biết về công việc của cha tôi tại tuyến huyết mạch Himalaya. Bà tôi luôn nói với tôi rằng, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chúng ta đã thắng cuộc chiến, phải không? Bà nói rằng cha của con không phải là kẻ thù của nhân dân Trung Quốc, mà là một người bạn, và người ủng hộ thực sự của nhân dân Trung Quốc. Bà tôi đã nói với tôi điều này khi tôi còn nhỏ, bà nói rằng đừng để tâm đến những điều điên rồ mà con gặp phải ở bên ngoài, hãy nhớ điều gì là đúng và điều gì là sai”.

“Làm sao tôi có thể phản bội cha tôi? Làm sao tôi có thể làm theo những điều vô lý của họ và nói rằng cha tôi là kẻ thù của nhân dân Trung Quốc, nếu tôi viết như vậy thì đó sẽ là một thảm họa và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Con người không thể, không thể làm những điều phản bội lại công lý, không thể phản bội điều gì đó thực sự đúng đắn”.

Không vì vì danh lợi mà làm trái nguyên tắc làm người

Hàn Tú nói: “Bà ngoại tôi là một người phụ nữ rất thông minh, bà nói dù là ai, thuộc đảng phái chính trị nào cũng đều ghét những kẻ phản bội, ngay cả Đảng Cộng sản cũng ghét những kẻ phản bội, phải không? Cho nên nếu phản bội lại chính mình, đi ngược lại chính mình và thỏa hiệp, thì thực sự không có tương lai. Bà nói có nhiều việc bây giờ có thể chúng ta chưa nhìn thấy, nhưng chúng ta có thể phấn đấu làm được, không thể làm những việc trái với lương tâm, chỉ đơn giản vậy thôi, thực ra đây chỉ là đạo đức truyền thống mà thôi”.

“Bạn không thể nói vì lợi, vì danh lợi hay vì điều gì đó mà phản bội những nguyên tắc sống của mình, điều này là không được phép nên tôi sẽ không làm”.

Lúc đó Bắc Kinh đã cố gắng hết sức để cấp hộ chiếu Trung Quốc cho Hàn Tú, nhưng cô không muốn hộ chiếu Trung Quốc này. Cuối cùng cô nhận được một lá thư của David Dean: “Bất kể chính phủ Trung Quốc trao cho cô giấy thông hành gì thì cô hãy nhận lấy, chỉ cần cô rời khỏi Trung Quốc là được”.

Nếu không có hộ chiếu Trung Quốc này thì Hàn Tú không thể qua cầu La Hồ sang Hong Kong được. Thế là cô nhận hộ chiếu và rời đi.

Một cô gái tốt nghiệp phổ thông, đứng trước lựa chọn do bí thư đảng ủy nhà trường đưa ra: Vạch rõ ranh giới với cha thì vào đại học, nếu không thì bị đi đày lao động khổ sai ở nông thôn.

Về việc này, Hàn Tú nhìn nhận: “Bạn biết đấy, nếu việc này (vạch rõ ranh giới với cha) thành công vào năm 1964, thì liệu tôi có còn là con người của ngày hôm nay không? Chẳng phải tôi đã trở thành công cụ của họ sao? Họ vẫn cho tôi cơ hội trở thành kẻ xấu của họ phải không? Nhưng tôi không muốn trở thành con ốc vít đó, tôi muốn trở thành một cánh chim và bay đi, tôi muốn được tự do”.

“Hôm nay tôi dám nói gì, nói gì cũng được, vì tôi chưa bao giờ nói dối, và cũng chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với người khác”.

Một cô gái trẻ trong môi trường khắc nghiệt như thế, lại có được sự lựa chọn đúng đắn, và tinh thần mạnh mẽ vượt qua mọi đe dọa uy hiếp và muôn vàn gian nan trong những năm tháng sóng gió, với bao kiếp nạn như vậy, điều gì đã làm nên một con người như vậy?

Học văn hóa truyền thống và viết chữ Hán chính thể

Hàn Tú cho biết, từ nhỏ, bà ngoại đã dạy cô “Tam Tự Kinh” và “Thiên Tự Văn”, là những sách giáo khoa cơ bản trong nền giáo dục truyền thống.

Hàn Tú nói: “Có một câu chuyện về bà ngoại tôi trong cuốn sách "Người thừa" của tôi. Bà tôi sinh ra trong một gia đình trí thức ở phía nam sông Dương Tử, trong một gia đình đông con. Cha bà có sáu người vợ, mỗi người vợ đều có nhà riêng, đất đai riêng và cuộc sống riêng. Bà là con thứ hai của người vợ thứ sáu. Bà có một anh trai. Nhiều người và giới trẻ ở thời hiện đại có thể đọc tiểu thuyết của Ba Kim, và cho rằng những đại gia tộc này là gia tộc tội lỗi, hoàn toàn không phải như vậy”.

“Trên thực tế, mọi người đều khá bình yên và tốt đẹp, không có chuyện gì rắc rối xảy ra. Mẹ của bà tôi có truyền thống sửa sách, nên kỹ năng độc đáo này cũng được truyền lại cho bà ngoại. Vì vậy, năm 18 tuổi, bà kết hôn và chuyển đến Vô Tích, mẹ của bà ngoại cũng đưa cho bà tất cả những dụng cụ cần thiết để mang theo bên mình. Cuộc hôn nhân của họ là hôn nhân truyền thống, hai người trẻ chưa từng gặp nhau và được cha mẹ chỉ định”.

Sau đó bà ngoại của Hàn Tú cùng ông ngoại học tiếng Nhật và theo ông ngoại sang Nhật du học. Sau khi về nước, bà ngoại làm ở ngân hàng, còn ông ngoại ở nhà viết văn, vẽ tranh, hát Kinh kịch.

Ông bà ngoại của Hàn Tú thân quen với rất nhiều người trong giới văn học nghệ thuật, như nghệ sĩ kinh kịch nổi tiếng Mai Lan Phương, văn hào Lão Xá…

Sống trong môi trường như vậy nên Hàn Tú có vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống khá sâu sắc, hơn hẳn những người Trung Quốc khác cùng thời kỳ.

Hàn Tú nói: “Tôi thật may mắn vì việc học của tôi đều rất tốt, và tôi bắt đầu học khá sớm. Khi 4 tuổi, tôi bắt đầu học Tam Tự Kinh, Thiên Gia Thi, Thiên Tự Văn. Bà ngoại tôi là một người phụ nữ rất trí tuệ”.

Bà không bao giờ làm việc ở đơn vị, bà giúp sửa sách ở các hiệu sách Trung Quốc. Khi đó cuộc nội chiến vừa kết thúc, các sách cổ được chuyển đến tận nhà bà ngoại trong các bao tải. Sau đó bà tôi lấy ra, sách cổ không có ngắt câu hay dấu câu, phải biết chia câu thì mới sửa lại được. Sau khi sửa chữa xong sẽ được gửi đến hiệu sách Trung Quốc.

Hàn Tú nói: “Vì thế những sách cũ nát đó trong quá trình sửa chữa đều là sách giáo khoa của tôi, thật tuyệt. Tôi ngâm nga đọc thuộc lòng câu này, rồi chép lại, rồi học viết. Vì vậy, khi chính phủ Trung Quốc ban hành chữ Hán giản thể vào năm 1956, tôi đã biết viết biết đọc rồi, tôi đã tiếp thu được tất cả những điều tốt đẹp”.

“Sau đó bà tôi nói với tôi rằng, chữ giản thể này là ‘khi sư diệt tổ’, nó chắc chắn không phải là điều tốt, chắc chắn là một sai lầm. Bà ngoại bảo, ở trường viết chữ giản thể thì phải viết, còn ở nhà thì tiếp tục viết chữ chính thể”.

Người Trung Quốc hiện nay học chữ Hán giản thể, nhưng Đài Loan vẫn dùng chữ chính thể, và rất nhiều thư tịch, tranh vẽ, thư pháp cổ đều là chữ chính thể. Thế là chính quyền Trung Quốc đưa ra bản đối chiếu chữ hán giản thể và chữ hán phồn thể. Tại sao họ lại gọi là phồn thể, chứ không gọi là chính thể?

Hàn Tú giải thích: “Chữ Hán phồn thể là gì? Chữ Hán phồn thể chỉ được tạo ra vào năm 1956 (sau khi tạo ra chữ giản thể), trong khi chữ Hán chính thể có lịch sử 1.800 năm”.

“Chữ Hán giản thể và phồn thể là tương phản nhau. Tất nhiên, khiến người ta nghĩ sự đơn giản thì tốt hơn sự phức tạp phải không? Nó đã có sẵn định kiến ​​đó rồi. Chữ Hán giản thể ra đời là năm 1956. Đã sáu mươi bảy mươi năm rồi, là hai thế hệ. Những người trẻ chưa bao giờ thấy chữ chính thể. Khi sang Mỹ, anh ta có khó khăn không, nếu anh ấy muốn đọc World Journal thì anh ấy sẽ có vấn đề phải không? Phải tìm một cuốn từ điển”.

“Người biết chữ Hán chính thể, chuyển sang chữ giản thể rất đơn giản dễ dàng, nhưng người biết chữ giản thể, chuyển sang chính thể thì gặp rất nhiều khó khăn”.

“Những tác phẩm kinh điển như Luận Ngữ, Tư Trị Thông Giám, tất cả ngày nay đều được xuất bản bằng chữ Hán giản thể, không còn là nguyên gốc nữa, đều bị cắt giảm đi rất nhiều rồi. Nhị Thập Tứ Sử ngày xưa là một chồng lớn như vậy, nhưng bây giờ chỉ là vài quyển nhỏ như vậy. Những thứ đó đã đi đâu? Tại sao nó lại biến mất? Bởi vì nó không phù hợp với chủ nghĩa cộng sản. Hãy thử nghĩ xem, nền văn hóa truyền thống này đã gặp phải tai họa gì?”

Giản hóa chữ Hán đã hủy đi rất nhiều văn hóa truyền thống, rất nhiều điều tốt đẹp trong nền văn hóa truyền thống đã bị phá hủy, đặc biệt là đối với một con người. Văn hóa truyền thống dạy con cái phải kính trọng cha mẹ, cha mẹ yêu thương con cái.

Hàn Tú nói: “Nhưng trong Cách mạng Văn hóa, họ nói cha mẹ bạn là những người phản cách mạng, bạn phải vạch ra ranh giới rõ ràng, phải đứng trên sân khấu mắng họ. Bạn sẽ giải quyết những di chứng do những điều này để lại sau này như thế nào?”

“Những đứa trẻ ngày xưa từng chỉ trích cha mẹ này, khi lớn lên nếu vẫn cảm thấy tội lỗi thì vẫn còn tạm ổn. Nếu không cảm thấy tội lỗi, liệu anh ta có còn là một con người không?”

Con người có tín ngưỡng là một điều vô cùng hạnh phúc

Tại sao con người cần có tín ngưỡng, Hàn Tú chia sẻ:

“Con người có tín ngưỡng là một điều rất hạnh phúc, nếu con người không có tín ngưỡng thì trên không có trời và dưới đất, không có gì cả, phải không? Con người cần phải có một chút tín ngưỡng, bất kể họ tin vào điều gì, thì điều này rất quan trọng”.

“Dù bạn nói là người theo đạo Cơ Đốc, người Công giáo, người theo đạo Phật, hay Pháp Luân Công, họ đều có tín ngưỡng. Khi họ có tín ngưỡng thì họ biết mình nên làm gì, họ không tin vào chủ nghĩa cộng sản, đó là mấu chốt. Tôi đã từng sống 30 năm trong một xã hội không hề có tín ngưỡng, và đã xóa bỏ tín ngưỡng một cách cực kỳ triệt để”.

“Nhưng sau khi trở về Mỹ, tôi tự nhiên đi nhà thờ. Mẹ chồng tôi đến nhà thờ Công giáo vào Chủ nhật, các con bà không ai đi cùng bà. Bà đã mặc quần áo chỉnh tề, đội mũ, xách túi, và sẵn sàng đi nhà thờ vào Chủ nhật. Khi đó chồng và các con của bà đều cầm báo che mặt, chỉ có tôi nhìn bà và nói: “Mẹ ơi, con đi cùng mẹ”. Thế là tôi đi cùng mẹ chồng”.

Hàn tú nói: “Mối quan hệ giữa con người và Thần là một phần rất quan trọng của nền văn minh nhân loại. Mối quan hệ giữa con người với thế giới vật chất, mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với Thần, ba mối quan hệ chính này cấu thành nên nền văn minh nhân loại”.

(Bài viết từ nội dung phỏng vấn của MC Phương Phi và nữ nhà văn Hàn Tú trên tiết mục "Phương Phi phỏng đàm" của NTD tháng 8 năm 2022)

(Còn tiếp)

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Tú (2): Sự nghiệp văn chương và nhân sinh quan nhờ vốn văn hóa truyền thống