Hòa thượng cướp dâu, lẽ vì đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong dòng sông đằng đẵng của lịch sử có biết bao truyền thuyết và Thần thoại huy hoàng. Những câu chuyện về một thời “Nhân - Thần đồng tại” ấy đã in sâu vào tâm khảm, khiến người ta say mê khao khát, tựa hồ như vừa bước vào thế giới Thần Tiên chân thực. Bài viết dưới đây kể về một vị thánh tăng từng vận dùng thần thông cứu người khỏi kiếp nạn trời xanh.

Tế Công, tức Tế Điên hòa thượng, tục danh Lý Tu Duyên, còn gọi là Lý Tâm Viễn, là một nhân vật truyền kỳ trong lịch sử. Ông sinh ra vào thời Nam Tống ở Thai Châu, Chiết Giang, nay là thôn Vĩnh Ninh, huyện Thiên Thai, thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tế Công nổi tiếng trong dân gian vì là hòa thượng nhưng lại ăn thịt, uống rượu, không tuân thủ theo giới luật thiền môn. Ông là bậc chân tu đắc Đạo, thần thông quảng đại, thích hành thiện và thường hay làm những việc mà người ta không ngờ tới.

Sau khi hòa thượng Tế Công rời khỏi chùa Linh Ẩn, ông cầm bát hóa duyên đi khắp nơi vân du, tâm thái tiêu diêu tự tại như một bậc Thần Tiên. Đối với ông, bốn biển là nhà, chân trời góc bể đâu đâu cũng là chốn dừng chân.

Buổi sớm mai kia Tế Công đến một vùng sơn cước, nơi ấy non xanh nước biếc, cảnh vật nên thơ trông thật hữu tình. Xa xa thấp thoáng một ngôi làng nhỏ xinh tọa lạc giữa núi non trùng điệp, trước mặt là thung lũng xanh xanh, sau lưng là tòa núi chọc trời, cổ thụ non cao, mây trời lãng đãng, thực là chốn tiên cảnh Bồng Lai.

Tế Công đang thung dung thưởng ngoạn thì đột nhiên nghe thấy hai ngọn núi đối thoại cùng nhau.

Ngọn núi lớn nói: “Ai chà, ngẫm thấy thật đáng tiếc, vào giờ Ngọ ba khắc hôm nay, thôn trang nhỏ dưới chân núi này sẽ biến mất không còn dấu vết”.

Ngọn núi nhỏ hỏi: “Đại huynh, rốt cuộc là chuyện gì thế?”

Ngọn núi lớn đáp: “Tiểu đệ không biết đấy thôi, hôm qua ta nghe thấy Sơn Thần tiết lộ với Thổ Địa rằng, vào đúng giờ Ngọ ba khắc hôm nay, tòa núi lớn mà thôn làng dựa lưng vào kia sẽ sụp lở, toàn bộ ngôi làng sẽ bị chôn vùi dưới đất đá. Nói như vậy há chẳng phải là hết thảy sẽ không còn gì nữa sao?”

Dứt lời, tòa núi lại thở dài một tiếng.

Tế Công vốn là một vị thánh tăng đã tu luyện đắc Đạo, công năng được khai mở, có thể cảm ứng được vạn sự vạn vật. Vì thế cuộc trò chuyện của hai ngọn núi kia ông đều nghe thấy rõ ràng. Ông thầm nghĩ: “Trời cao có đức hiếu sinh, hôm nay ta nghe được chuyện này hẳn không phải là điều ngẫu nhiên, há có thể thấy chết mà không cứu sao? Được rồi, ta hãy cứ đi xem xem thế nào”.

  • Câu chuyện "Tế Công cướp dâu" được tái hiện chân thực và sống động trên sân khấu của Đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun:

Vừa đến cổng thôn đã nghe thấy tiếng nói cười rộn rã, người đi kẻ lại vô cùng náo nhiệt. Tế Công liền bước tới hỏi một người trong thôn: “Xin hỏi thí chủ, đây là đâu? Không khí nhộn nhịp như thế này chẳng hay đang có chuyện vui gì đó sao?”

Người kia đáp: “Trưởng lão, ngài không biết đó thôi, chỗ chúng tôi đây gọi là Vạn Gia Trang, trưởng thôn là ngài Vạn viên ngoại, là một bậc quý nhân rất được trọng vọng, thôn dân chúng tôi gọi ông ấy là Vạn Thiện Nhân. Hôm nay là ngày cưới của nhị công tử nhà Vạn lão gia, toàn bộ người trong thôn đều đến chúc mừng, vì thế nên mới có cảnh náo nhiệt đến như vậy”.

Tế Công nghe xong liền tìm đến nhà họ Vạn, nhưng không ngờ lại bị người giữ cổng cản lại: “Lão hòa thượng điên kia từ đâu đến? Lão gia chúng tôi đang có hỷ sự, quan khách đầy nhà, sao có thể để những kẻ bẩn thỉu nhếch nhác như ông vào dự cơ chứ. Đi đi, đi đi!”

Nói rồi, anh ta liền đuổi Tế Công ra ngoài.

Nhưng Tế Công đâu có chịu nghe, cứ thế xông thẳng vào trong. Người bên ngoài hăm hở tiến vào, kẻ ở trong ra sức đẩy lui, hai bên giằng co, tranh cãi om sòm, tiếng cãi cọ ầm ĩ làm kinh động đến Vạn viên ngoại ở trong nhà. Vạn viên ngoại liền bước ra, chỉ thấy ngoài cổng là một hòa thượng điên điên rồ rồ, áo quần rách rưới, giày dép tả tơi trông thật là đáng thương. Nghĩ vậy, ông liền ngăn người hầu lại và bảo anh ta hãy dẫn vị hòa thượng lang thang này đến phòng bếp ăn một bữa cơm chay.

Tế Công nào có bụng dạ ăn cơm? Vừa thấy vị lão gia, ông liền đi tới trước mặt, một tay lập chưởng nói: “Bần tăng đến đây không phải vì miếng cơm hớp trà, mà là để báo với trưởng thôn ngài đây, rằng vào đúng giờ Ngọ ba khắc hôm nay ngọn núi phía sau làng sẽ đổ xuống, cả thôn đều bị hủy diệt. Thỉnh trưởng thôn thí chủ hãy dẫn tất cả dân làng mau mau rời khỏi đây!”

Vạn viên ngoại nhìn Tế Công bằng ánh mắt xót xa, chỉ cảm thấy rằng vị hòa thượng này thực sự rất đáng thương, có thể ông ấy đã mắc bệnh tâm thần nên mới thốt ra những lời ngớ ngẩn như vậy. Thôi thì, ta cũng không nên tranh luận với kẻ điên làm gì.

Vạn viên ngoại lại sai người dẫn hòa thượng xuống bếp ăn cơm chay. Người hầu kéo Tế Công phăng phăng lôi đi, còn Tế Công thì nhất quyết không chịu rời nửa bước. Trong tâm ông như có lửa đốt: Sắp đến giờ Ngọ rồi, rất nhanh sẽ tới ba khắc, việc gấp thế này ta phải làm sao đây?

Tiếng huyên náo ồn ào làm kinh động tới người trong nhà, cô dâu cũng nghe thấy người ta đồn rằng bên ngoài có hòa thượng điên đang gây náo loạn. Thời ấy con người vẫn còn tin vào Thần Phật, ngày thường họ vẫn cúng dường Phật tượng, kính trọng tăng ni, cho rằng người đã xuất gia không phải kẻ thế tục, vậy nên coi tăng ni Phật tử như Thần Tiên mà đối đãi.

Cô dâu nghĩ: “Vị hòa thượng đến đây đúng vào ngày hỷ sự của ta, chẳng hay cũng là nhân duyên? Ta nên ra ngoài cúng dường cơm chay cho ngài ấy mới đúng”.

Nghĩ rồi, vị tân nương liền bước ra, trong tay bưng một bát cơm dâng lên cho hòa thượng Tế Công.

Tế Công đang bồn chồn lo lắng nghĩ xem nên làm sao cho thỏa đáng, vừa hay nhìn thấy cô dâu ông liền nảy ra một ý. Thế là ông gạt bỏ đám đông, chạy thẳng đến chỗ tân nương, một tay vác cô dâu trên vai, một tay phe phẩy chiếc quạt ba tiêu đã rách rồi chạy ra ngoài. Một mình thoăn thoắt sải bước, ông vận dụng công năng thần túc thông nên chỉ một loáng đã chạy xa hơn trăm trượng. Những người chứng kiến đều tròn mắt vì kinh ngạc. Người thì trầm trồ: “Oa, thật là khủng khiếp!”. Kẻ thì than thở: “Khiếp chưa kìa! Khiếp chưa kìa!”. Lại có người hô hoán: “Hòa thượng cướp dâu chạy mất rồi! Làng nước ơi, mau mau đuổi theo!”

“Hòa thượng cướp mất cô dâu rồi! Hòa thượng cướp mất cô dâu rồi!”, tiếng hò hét ầm ĩ khắp cả thôn. Những người nghe thấy đều buông hết mọi thứ trong tay, bỏ lại việc đang dang dở, lập tức chạy đuổi theo. Có anh chàng tên là Lý Nhị nghe thấy, cũng vứt bỏ cái cuốc trong tay chực chạy theo đám đông. Chị vợ liền túm chặt anh ta lại và nói: “Hứ, chàng đi làm gì chứ? Chàng quên là họ Vạn đang cãi nhau với chúng ta à?”

Lý Nhị quay đầu trừng mắt nhìn vợ, mắng rằng: “Nàng nói gì thế? Đây là lúc nào rồi mà còn so đo để bụng? Cứu người thì phải gấp gáp, còn quan tâm đến những chuyện vặt vãnh ấy làm gì?”

Vợ Lý Nhị mặt đỏ bừng, nghe chồng nói vậy chị ta cũng vứt bỏ cuốc và chạy theo ra ngoài…

Chẳng mấy chốc, khắp cả Vạn Gia Trang già trẻ gái trai trên dưới trăm người đều lũ lượt đuổi theo hòa thượng. Nhìn từ xa sẽ thấy một hòa thượng điên mặc chiếc áo cà sa màu đen rách rưới, trên lưng vác vị tân nương rực rỡ gấm hoa chạy thẳng ra khỏi làng, sau lưng là đoàn quân nhốn nháo hơn trăm người. Kẻ thì cầm nồi, người thì mang xẻng, ai cũng bỏ dở công việc để truy đuổi hòa thượng điên, vừa chạy vừa hò hét làm kinh động cả đất trời.

Đột nhiên, đất dưới chân rung chuyển, trên không trung vang lên tiếng long trời lở đất. Ầm ầm ầm! Rầm rầm rầm! Chỉ trong khoảnh khắc một màn đen che lấp cả thiên khung, tưởng như cả bầu trời đen kịt vừa ập xuống. Chỉ thấy bên tai cát bay mù mịt, đá văng tứ tung, cát và bụi bắn vào thân, bay vào mặt khiến mọi người ai nấy đều kinh hãi. Không biết đã có bao nhiêu người vấp ngã xuống đất, chồng chất lên nhau như đống rạ. Lẽ nào trời sập thật rồi sao? Các thôn dân ai cũng bàng hoàng gần như chết lặng.

Một lúc lâu sau mây đen mới dần dần tản đi, trời cũng dần dần quang đãng trở lại. Mọi người đứng dậy, kinh hồn bạt vía, ai cũng dụi mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Chỉ thấy vị hòa thượng vẫn ở đó, miệng khẽ mỉm cười, vẻ mặt an nhiên tự tại, tay phe phẩy chiếc quạt ba tiêu rách nát. Lại quay đầu nhìn phía sau, chao ôi, còn đâu những ngôi nhà nhỏ xinh nép mình dưới chân núi? Tòa núi đồ sộ kia vừa đổ sập xuống, chỉ trong khoảnh khắc đã không còn bóng dáng thôn trang nữa rồi.

Các thôn dân sững sờ tới mức không thốt nên lời. Cuối cùng họ cũng hiểu ra rốt cuộc là chuyện gì. Họ thành kính chắp tay hợp thập, cảm tạ Thần Phật, cảm tạ Thượng thiên, cảm tạ vị hòa thượng đã khổ tâm cứu độ. Nhưng hòa thượng ngài ở đâu? Giờ chỉ còn lại một bóng ảnh xa xăm, cưỡi trên đám mây lành ngũ sắc từ từ bay lên, chầm chậm phiêu đãng về phía chân trời…

Trên đây là truyền thuyết Tế Công cứu người được lưu truyền trong dân gian. Quả thực, cứu nhân độ thế vốn là việc không hề dễ dàng, bởi vì con người ta chỉ tin vào những thứ mắt thấy tai nghe, điều không thấy thì không tin, điều siêu thường thì cho là mê tín, là ngu muội. Vậy nên, bậc Thánh nhân đôi lúc cũng cần vận dụng thần thông, mượn biện pháp siêu thường, triển hiện chút công năng đặc dị, nếu không sao có thể cứu được người đây?

Theo Tử Quân - Sound of Hope
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hòa thượng cướp dâu, lẽ vì đâu?