Lễ chùa đầu năm, có ‘hữu cầu tất ứng’ hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đi lễ đầu xuân - một truyền thống của người Á Đông

Vào mỗi dịp đầu năm mới âm lịch, ở Việt Nam và Trung Quốc không hiếm thấy cảnh khách thập phương ùn ùn đổ về những ngôi chùa, ngôi đền để hành lễ. Ở Việt Nam, đây là một tập tục văn hóa đã có từ lâu. Chẳng hạn như trong cuốn “Hội hè lễ Tết người Việt”, học giả Nguyễn Văn Huyên viết rằng năm mới được đánh dấu bằng những “cuộc đi lễ đền chùa” từ đêm giao thừa.

Ông viết: “Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ, đến dâng lên chư Phật cùng những Thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên.

Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm”.

Đi lễ đầu năm vì vậy cũng là một hoạt động phù hợp với tập quán các nước Á Đông, miễn sao nó được sắp xếp vào thời gian phù hợp, không gây trì hoãn công việc, hoặc ảnh hưởng bất lợi đến sinh hoạt cá nhân hay cộng đồng. Người Á Đông đi lễ chùa cũng có nhiều mục đích, chẳng hạn như để vãn cảnh, du ngoạn, tìm hiểu văn hóa, lịch sử hay tìm chút bình an trong tâm hồn v.v. thì cũng không có gì đáng nói, nhưng nếu là đi cúng để cầu, thì có mấy điều cần lưu ý dưới đây.

“Hữu cầu tất ứng” là gì?

Trong giới cầu cúng, người ta hay truyền nhau một câu nói này: “Hữu cầu tất ứng”. Tạm dịch là, “Có cầu sẽ ứng”, cụ thể hơn sẽ là: ở nơi đền chùa thờ Thần Phật thì, hễ có cầu xin thế nào cũng được đáp ứng”. Không rõ câu nói này xuất phát từ đâu và khi nào, nhưng đa phần người ta vẫn hiểu rằng, muốn gì thì cứ xin với Thần Phật là có. Dễ dàng vậy sao?

Có nhiều người đi chùa lễ Phật chỉ để cầu những điều như thăng quan phát tài, tình duyên may mắn, sức khỏe dồi dào, vạn sự hanh thông v.v. nhưng rồi chẳng thấy đời thay đổi, thì cho là chùa không thiêng, tượng Phật không linh, bèn theo chùa khác, bái tượng khác. Năm này qua năm khác cầu cúng tứ phương mà chẳng thấy “hữu cầu tất ứng”, chỉ có gia sản đội nón ra đi, gia cảnh càng thêm chật vật, bệnh tật chẳng dứt hoặc tình duyên vẫn lận đận như xưa… Lúc này có nhiều người đã mất lòng tin, quay ra oán Trời trách Phật, thế là vô tình lại mắc thêm tội báng bổ. Thực ra người ta đi chùa lễ Phật nhưng không nhất định là ai cũng hiểu về Luật Nhân - Quả, là nhận thức của nhà Phật về một quy luật bất biến của vũ trụ.

Dân gian hay dẫn lời giảng của đức Phật đại ý rằng: “Ta không ban phúc, không gieo tai giáng họa cho ai mà chính các người lãnh kết quả do mình gây ra”. Làm việc tốt, thì hái quả ngọt; làm việc xấu, thì nhận quả đắng. Vũ trụ sẽ có cơ chế để cân đối những việc này và dù là sinh mệnh nào - con người hay Thần Phật - cũng không thể chiểu theo ý muốn cá nhân để thay đổi luật lệ đó. Vậy thử hỏi cầu Phật để thêm Danh, phát Lợi, hữu Tình có tác dụng gì không?

Luật Nhân - Quả có khi triển hiện ngay lập tức, gọi là Nhân - Quả nhãn tiền, quả báo nhãn tiền ngay trong đời này, người Trung Hoa còn gọi là “hiện thế hiện báo”. Chẳng hạn, có thể thể coi án phạt dành cho những quan chức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Phó Chính Hoa, Tôn Lập Quân, Lý Đông Sinh v.v. trên danh nghĩa thì là để bài trừ tham nhũng, nhưng ẩn sau đó là thiên lý triển hiện, là một loại quả báo nhãn tiền cho những tội lỗi họ đã gây ra, trong đó đặc biệt là tội bức hại môn tu luyện Phật gia là Pháp Luân Công. Nhưng đa phần thì quả báo cách đời mới triển hiện. Tỷ dụ như chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi đã tu thành vẫn phải chịu nhận quả báo đau đầu vì một cái Nhân ở một kiếp sống xa xưa, khi đó Ngài là một cậu bé xem người ta sát sinh cá trong hồ với lòng vui thích.

Có thể xem Nhân - Quả như một tài khoản ngân hàng, ghi nợ hoặc ghi có, mà đa phần là không thể rút ra ngay trong đời này.

Vậy thì người ta bái tượng Phật làm gì? Nếu không am hiểu văn hóa tu luyện, khó có thể trả lời câu hỏi này.

Người ta bái tượng Phật từ khi nào và tại sao phải khai quang cho tượng?

Khi Đức Phật tại thế, Ngài đã cấm đồ đệ, tín chúng vẽ chân dung, làm tượng Ngài vì không muốn các đệ tử sa vào sùng bái hình tượng, mà quên dành thời gian thực tu. Chính Đức Phật cũng phê phán tình trạng sùng bái ngẫu tượng của Bà La Môn Giáo thời đó. Sau thời Đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 300 năm, khi Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha-gaya) được xây dựng, trong Đạo tràng cũng chỉ có bệ Phật chứ không có tượng Phật. Đây là thời cực thịnh của Phật giáo Ấn Độ, các tín đồ vẫn nghiêm khắc tuân thủ di huấn của Đức Phật là không vẽ chân dung, không tạo tượng Ngài.

Mãi cho đến thế kỷ thứ 2, 3, khi đức Phật nhập Niết Bàn đã được 600, 700 năm, ở nước Kiện Đà La (vùng Pakistan ngày nay) mới bắt đầu xuất hiện hình tượng Phật, có dáng vẻ chịu ảnh hưởng của văn hóa cổ Hy Lạp từ những người địa phương. Lúc này ở Ấn Độ, Phật giáo bước vào suy thoái, người ta đã bắt đầu không tuân theo lời dạy của Đức Phật.

Seated Buddha Statues
Tượng Phật ở Gandhara, Pakistan, được coi là tượng Phật sớm nhất thế giới - thế kỷ thứ 2, 3. (Ảnh Flickr)

Còn tại các nước Tây Vực (Trung Á) là cửa ngõ giao lưu Á - Âu, Phật giáo đã tiếp nhận hình tượng Phật từ văn hóa Hy Lạp cổ đại, và bắt đầu vẽ chân dung, tạo tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Và sau khi Phật giáo Đại thừa được truyền vào Trung Quốc, dần dần xuất hiện nhiều vị Phật và các vị Bồ Tát, thì đã không còn là Phật giáo nguyên thủy như thời Phật Thích Ca Mâu Ni nữa, do đó, về giáo lý và giới luật đã có những biến đổi, trong đó cho phép cả việc tạo tượng Phật.

Một khi bức tượng Phật được tạo ra, nếu không khai quang, hoặc làm lễ “hô Thần nhập tượng”, thì đó chỉ là một pho tượng gỗ, kim loại hay tượng đất vô tri. Chỉ sau khi khai quang thành công cho bức tượng, thì mới có Pháp thân của Phật ngự trên đó. Pháp thân này sẽ giúp săn sóc bảo hộ người chân chính tu luyện thì mới gọi là “có cầu sẽ ứng”, và cũng chỉ có thể bảo hộ nếu người tu làm theo lời dạy của vị Phật trong môn tu luyện đó, vì người ấy đã thực sự thực hành theo lời dạy của Phật.

Như vậy, trong tất cả các loại cầu khẩn, Phật không ban phúc, không giáng họa cho ai, chỉ đáp ứng người cầu Đạo, giúp người cầu Đạo tu luyện, hoặc khi người ta cầu với mục đích tu dưỡng thành người tốt và ngày càng tốt hơn mà thôi.

Người quân tử cầu ở mình

Đức Phật đã nói đại ý rằng “chính các người lãnh kết quả do mình gây ra”, vậy thì chỉ có thể trông đợi ở bản thân mình. Trong tu luyện Phật gia, nếu ai hướng ra ngoài mà cầu, thì được cho là đã lệch ra ngoài chính Đạo.

Nho gia cũng có quan niệm tương tự. Trong sách Luận Ngữ, đức Khổng tử viết: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân.”

Tạm hiểu là: “Người quân tử yêu cầu ở bản thân mình, kẻ tiểu nhân yêu cầu ở người ngoài.”

Người quân tử kiểm điểm bản thân mình, thấy có lỗi thì sửa, tìm ra điểm yếu thì khắc phục và tu dưỡng để càng ngày càng hoàn thiện nhân cách và rèn luyện nội tâm để trở nên mạnh mẽ. Như vậy thì ngày càng có thể trông đợi ở chính mình, cầu ở chính mình. Kinh Dịch cũng viết đại ý rằng: “Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử cũng tự cường không ngừng nghỉ”. Vì sao cần phải thế? Vì Chu Dịch cũng lại cho rằng: "Tự giúp mình thì có Trời giúp, may mắn không có bất lợi nào".

Phật Thích Ca khi xưa cầu điều gì?

Phật Thích Ca khi chưa xuất gia vốn là Thái tử Tất Đạt Đa của nước Ca Tỳ La Vệ. Ngài cao lớn, khỏe mạnh, đẹp đẽ, trí tuệ, văn hay võ giỏi, vợ đẹp con khôn và sẽ cai trị cả một vương quốc. Hỏi Ngài còn tìm cầu điều gì nữa? Chỉ duy nhất một điều.

Đó là sau mấy lần đi chơi ra ngoài kinh thành, thái tử Tất Đạt Đa đã thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ. Từ đó Ngài thấm thía quy luật sinh-lão-bệnh-tử, thấu hiểu lẽ vô thường. Kể từ đó Ngài chỉ tìm cầu sự giải thoát khỏi khổ ải. Tất cả quyền lực, sự giàu có, vinh hoa, tình cảm nam nữ v.v. là những vật cản trên con đường đi đến giải thoát mà Thái tử Tất Đạt Đa quyết tâm từ bỏ. Nhờ vậy mà Ngài mới tu thành chính quả.

Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ kinh thành đi tìm con đường thoát khỏi luân hồi. Ảnh: Miền công cộng

Trong “Phật thuyết Phạm võng kinh Bồ-tát tâm địa phẩm” của Phật giáo Bắc tông có câu nói được cho là lời của Phật Thích Ca Mâu Ni: “Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành”. Thử hỏi, Danh - Lợi - Tình là điều Phật Thích Ca đã quyết tâm từ bỏ, Tham - sân - si là Tam độc mà Ngài cảnh báo chúng sinh đừng nên mắc vào, liệu Ngài có ban cho những điều ấy theo nguyện vọng của chúng sinh hay không?

Đến đây, hẳn vẫn có một số người không đồng ý bởi vì thật sự đã có một số người đi cầu cúng mà linh nghiệm. Nhưng điều này không hẳn đã đáng vui mừng.

Phật không cho thì ai cho?

Ở trên chúng ta đã đề cập đến nghi thức khai quang cho tượng Phật. Khai quang chân chính là người hành lễ mời được một Pháp thân của Thần, Phật ngự trên tượng, thì mới thiêng thật sự. Vấn đề là ai đủ khả năng mời được một Pháp thân của các sinh mệnh cao cấp ấy? Hãy nói về đạo hạnh. Muốn có đạo hạnh, trước hết phải có đức hạnh, muốn đức hạnh càng sâu dày, thì càng phải dày công tu dưỡng. Nên đạo hạnh, chính là công phu tu vi, nhấn mạnh vào sự tu tâm dưỡng tính, chứ không phải phụ phẩm của nó là phép thuật.

Người có đạo hạnh, phẩm cách trong sáng, lực lượng tinh thần lớn mạnh và thuần khiết, tu đến tầng thứ rất cao, mới có khả năng khai quang. Người tu Phật chân chính, chỉ lo buông bỏ chưa hết, chứ không ham cầu cúng gì nữa. Pháp thân trên tượng Phật chỉ là giúp họ trong việc tu luyện mà thôi.

Những bức tượng bị khai quang sai cách, hoặc không khai quang mà vẫn có người cầu cúng, sẽ chiêu mời tà ma và rắc rối từ đó mà ra. Chuyện này xưa nay đều có.

Trong tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" của danh sĩ Nguyễn Dư có "chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều". Xin được kể tóm tắt như sau:

Khi xưa ở nước ta vào đời Trần cũng có dạo chùa, sư rất nhiều, lẫn lộn hỗn tạp. Dân gian cúng vái nhộn nhịp, nhiều người cho là linh ứng lạ thường. Quả là có thờ có thiêng.

Một thời gian sau vì nước Việt có họa binh lửa, nên trong chùa hương lạnh khói tàn, người cúng thưa thớt, nhưng trong dân thấy mất cắp rất nhiều đồ ăn thức uống, nhiều người bị trêu ghẹo. Mãi sau người ta mới phát hiện ra là Phật giả, Thần giả trên tượng làm ra.

Hiện nay, cũng không hiếm những câu chuyện tương tự về sự tác oai tác quái của tà ma trên tượng Phật.

Ở thành phố Đài Trung, Đài Loan có bác sĩ Ôn Tần Dung là Giám đốc Phòng khám Đông y Minh Huệ. Bà đã có nhiều năm kinh nghiệm trong Đông y, hàng ngày tiếp xúc chữa trị cho những con bệnh muôn hình vạn trạng. Ngoài việc chữa bệnh, bà còn phân tích từ nông cạn đến thâm sâu cho bệnh nhân, để tìm ra gốc rễ của bệnh. Bà có trước tác “Cửu cửu quy chân - Thượng thiện nhược thủy”, thu lục 36 câu chuyện sinh động trong quá trình chữa bệnh. Trong số đó có một câu chuyện như sau:

Một bệnh nhân nam 55 tuổi giàu có, thành đạt, nhưng bệnh tật đầy thân, được bác sĩ Ôn Tần Dung điều trị bằng châm cứu. Mỗi lần châm cứu xong, bệnh nhân thấy dễ chịu, nhưng hễ quay về nhà thì bệnh tái phát. Sau 4 tháng chữa trị, bệnh có thuyên giảm đôi chút, nhưng bất cứ khi nào bệnh nhân có những triệu chứng đặc biệt, sẽ có một luồng âm khí làm lạnh ngón tay bác sĩ Ôn khi bắt mạch, hoặc sẽ có một luồng âm khí cắn vào kim trong lúc châm cứu. Lúc này, khi bác sĩ châm cứu các huyệt Trấn tà bát quái, triệu chứng biến chuyển ngay.

Một hôm, bác sĩ Ôn hỏi bệnh nhân này rằng nhà ông ta có đặt Phật đường không? Ông này trả lời là cả ở nhà và công ty đều có, tượng Phật ở đó do bạn bè mang tới và ông không chắc chúng đã được khai quang hay chưa. Bác sĩ Ôn nói với ông: “Tượng Phật mà chưa được khai quang thì trên đó không có pháp thân của Phật. Có thể có một loại linh thể khác đã nhập vào, và sẽ phát ra năng lượng xấu. Nếu anh cầu khấn nó, hữu cầu hữu ứng, nó sẽ đáp ứng, nhưng đổi lại sẽ hấp thụ tinh hoa của cơ thể người. Kỳ thực, nếu anh thiện lương, Thần Phật tự khắc bảo hộ cho anh".

Bệnh nhân này ban đầu không tin, nhưng về sau bệnh chuyển nặng nên thử làm theo lời bác sĩ Ôn, đó là dừng việc lễ bái trong một tuần xem sao. Đúng như dự liệu của bác sĩ Ôn Tần Dung, bệnh nhân ban đầu đau không chịu nổi, nhưng khi ông kiên trì theo cách này, bệnh đã dần dần thuyên giảm. Mặc dù ngày nào cũng có cảnh báo xấu về sức khỏe, nhưng ông ta vẫn khỏe mạnh trong 3 ngày liên tiếp, thậm chí còn đi du lịch miền Đông 4 ngày. Cuối cùng, bệnh nhân cũng đã thoát khỏi rắc rối do linh thể trên tượng Phật gây ra.

Dâng hương cúng Phật, tích đức giúp mình

Có người nói rằng: chẳng sao cả, tôi cứ biết cầu được là tốt. Nhưng trên đời không có gì miễn phí, đó là luật “không mất thì không được, được thì phải mất” của vũ trụ. Chỉ mất chút đồ lễ mà mong được nhận lại tiền tài, địa vị, sức khỏe… là một điều không tưởng. Như đã nói, Phật nhìn thấy cái tâm không sáng của người cầu cúng thì Phật có đáp ứng hay không? Rốt cuộc chỉ có tà ma đáp ứng mà thôi, và cái mà nó đoạt lại là những tinh hoa của cơ thể người, là tác phẩm tuyệt xảo của tạo hóa mà chúng rất thèm khát. Câu chuyện của bệnh nhân bác sĩ Ôn Tần Dung là một minh chứng.

Người Việt vẫn có câu: “có phúc ắt có phần” hoặc là “có đức mặc sức mà ăn”. Người ta giàu có là nhờ đức, có danh vọng, địa vị, sức khỏe, tuổi thọ, hạnh phúc, may mắn v.v. cũng là nhờ đức, không phải cưỡng cầu mà có được. Đức là tích lại không phải chỉ trong một đời, đa phần từ các kiếp trước, thể hiện của đức cũng là phù hợp với lẽ Nhân - Quả của nhà Phật.

Vậy thì thay vì cầu cúng, sao không tích đức, dưỡng tài, tự cường không ngừng nghỉ để phát triển nội lực?

Có người hỏi: Vậy còn đi lễ chùa làm gì? Để dâng hương hoa cúng tượng Phật bên ngoài nhân đó cảm ứng tâm Phật trong mình, để tâm niệm và làm theo lời Phật dạy, qua đó trả lại giá trị chân chính của hoạt động đi lễ đầu năm.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Lễ chùa đầu năm, có ‘hữu cầu tất ứng’ hay không?