Loạt doanh nghiệp 'bé hạt tiêu' trả cổ tức khủng, vượt cả tỷ phú Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ “dốc hầu bao” trả cổ tức khủng, loạt doanh nghiệp này còn tạo ra hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm vượt xa nhiều tỷ phú Việt.

Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng sở hữu đất vàng hoặc hoạt động kinh doanh hiệu quả, 1 vốn 4 lời, vượt xa cả tỷ phú Việt. Thu nhập người lao động rất cao, cổ đông được trả cổ tức mức khủng.

"Gã khổng lồ" cảng biển trên vai doanh nghiệp "tí hon"

Viconship là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng có quy mô và tuổi đời hàng đầu Việt Nam. Viconship cũng là đơn vị có công suất lớn nhất tại khu vực cụm cảng Hải Phòng với 3 cảng container chính là Green, VIP Green và Nam Hải – Đình Vũ (NHDV). Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 2.668 tỷ và vốn hóa thị trường gần 6.000 tỷ đồng.

Không chỉ "dốc hầu bao" trả cổ tức, VGR còn đóng góp hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm cho Viconship. Năm 2023 ghi nhận lần đầu tiên lợi nhuận của VGR vượt Viconship. Doanh nghiệp này lãi ròng 271 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm trước trong khi lợi nhuận sau thuế của Viconship giảm mạnh gần 49% về mức 202 tỷ đồng. Tạm tính theo tỷ lệ chi phối, ở một góc độ nào đó, VGR đang "gánh" lợi nhuận của "gã khổng lồ" Viconship.

Viconship hiện vẫn đang trong chiến lược mở rộng quy mô thông qua M&A. Trong năm 2023, doanh nghiệp đã hoàn tất mua mới 35% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng), với giá trị khoảng 1.049 tỷ đồng, tương ứng mua với giá gần 75.000 đồng/cổ phiếu, chuyển sang hạch toán là khoản đầu tư vào công ty liên kết.

Hiện nay, Viconship đang có kế hoạch dùng 1.320 tỷ để nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, với giá 75.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, Viconship sẽ nâng sở hữu từ 35%, lên tối đa 79% vốn điều lệ, qua đó chuyển từ hạch toán đầu tư vào công ty liên kết sang công ty con. Thời gian chuyển nhượng dự kiến từ quý 4/2023 đến năm 2024.

Việc sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ giúp Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU và chiếm 30% thị phần. Viconship cũng cho biết Cảng Nam Hải Đình Vũ đã bắt đầu đóng góp lợi nhuận vào hệ thống của doanh nghiệp này.

Khu vực cảng Hải Phòng là 1 trong 3 khu vực (Vũng tàu, Hồ Chí Minh) có lượng hàng container thông qua cảng biển lớn nhất, chiếm 27% tổng lượng container. Trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng hàng hóa container thông qua cảng biển ước đạt hơn 4 triệu Teu, tăng 27% so với cùng kỳ. Riêng khu vực Hải Phòng ước tính tăng trưởng 40-60% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo phân tích công bố mới đây, Mirae Asset cho rằng, Thông tư 39/2023/TT-BGTVT được thông qua nâng toàn bộ mức phí sàn dịch vụ của cảng biển trung bình lên khoảng 10%, sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp vận hành cảng biển, trong đó có Viconship.

Bến xe Miền Tây sở hữu "đất vàng"

CTCP Bến xe Miền Tây (mã WCS) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 14.400 đồng, cao hơn so với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Ngày đăng ký cuối cùng để nhận tạm ứng cổ tức là 15/3 và ngày thanh toán là 28/3.

Với quy mô vốn khá nhỏ, ở mức 25 tỷ đồng, ước tính Bến xe Miền Tây sẽ chi 36 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông.

Như vậy, ngay trong tháng 3 này, các cổ đông lớn nhỏ của Bến xe Miền Tây sẽ thu về một lượng tiền khá lớn cổ tức. Các cổ đông lớn sẽ là người hưởng lợi chính, với những cái tên như Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (sở hữu 51%); quỹ đầu tư America LLC (23,08%); CTCP Đầu tư Thái Bình (10%).

Bến xe Miền Tây là doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất đầu năm mới 2024, vượt xa so với các doanh nghiệp đứng tiếp sau như: CTCP Sữa Quốc tế - mã IDP (tạm ứng đợt 1 năm 2023 với 85%), Thủy điện Thác Mơ - mã TMP (tạm ứng cổ đợt 3 năm 2023 với 38,83%); Traphaco - mã TRA (tạm ứng đợt 1 năm 2023 với 20%)...

Tuy nhiên, tỷ lệ cổ tức 144% của Bến xe Miền Tây (tạm ứng cho năm 2023) chưa phải là mức cao nhất của doanh nghiệp này.

Trước đó, trong năm 2018 và năm 2019, Bến xe Miền Tây gây xôn xao khi trả cổ tức lên đến 400% và 516%, dẫn đầu thị trường chứng khoán, vượt xa và gấp 10-50 lần so với các tập đoàn lớn trên thị trường như Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, nhóm cổ phiếu Vingroup, Vinhomes... của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang,... Nhiều ông lớn như Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh nhiều năm không trả cổ tức.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lớn trả cổ tức rất thấp, nợ cổ tức, thậm chí nhiều năm không trả cổ tức. CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) công bố lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền các năm 2016-2017 sang 31/12/2024 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. CTCP Sông Đà 9 (SD9) nợ cổ tức nhiều năm liền, đây là lần thứ 8 doanh nghiệp này lùi lịch trả cổ tức 2017. Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh nhiều năm không trả cổ tức.

Sở dĩ Bến xe Miền Tây trả cổ tức cao là bởi doanh nghiệp này liên tục có kết quả kinh doanh tốt, kể cả trong thời kỳ Covid-19.

Trong năm 2023, WCS ghi nhận doanh thu thuần tăng 49% lên mức cao kỷ lục, hơn 140 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng mạnh 73% lên gần 67 tỷ đồng.

Là một trong những bến xe lớn nhất TP. HCM, Bến xe Miền Tây còn có mảnh đất vàng diện tích hơn 4,7ha. Công ty hoạt động từ năm 1973. Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở GTVT TP.HCM. Năm 2006, Bến xe Miền Tây chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, tới năm 2020 niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trên thực tế, khó có thể so sánh giữa một doanh nghiệp "bé hạt tiêu" với các tập đoàn lớn về hiệu quả hoạt động dựa trên mức trả cổ tức. Bởi nhiều tập đoàn hướng tới các mục tiêu rất lớn. Để phát triển thành các đế chế, có thể vươn ra thế giới hay đứng đầu ngành ở thị trường trong nước, lãnh đạo các tập đoàn và cổ đông có thể hy sinh lợi ích trước mắt. Cổ tức có thể ít nhưng quy mô doanh nghiệp sẽ lớn mạnh, thực hiện được các dự án lớn, giá cổ phiếu có thể bay xa về dài hạn.


Loạt doanh nghiệp 'bé hạt tiêu' trả cổ tức khủng, vượt cả tỷ phú Việt