Lưu Bị chiếm Thục là Thiên ý, mưu sĩ Tôn Quyền thấu Thiên cơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các triều đại cổ xưa đều có rất nhiều những năng nhân dị sĩ. Họ trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giỏi việc suy đoán Thiên tượng, biết trước vận mệnh hưng suy. Sự xuất hiện của họ cũng là an bài của Thiên Thượng. Thiên Thượng thông qua họ để truyền đạt Thiên ý tới thế nhân, để nhân thế tin rằng: Vạn sự đều do Thượng Thiên an bài từ trước. 

Họ sống ẩn dật trong dân gian hoặc ở nơi miếu đường để vén mê phá giải nghi hoặc cho bậc đế vương. Thời Tam Quốc, trừ vị quân sư danh chấn giang hồ Gia Cát Lượng phò tá cho Lưu Bị ra, bên phía Đông Ngô cũng có một vị dị sĩ bên cạnh Tôn Quyền, tên gọi Ngô Phạm.

“Tam Quốc Chí” ghi: Ngô Phạm, tự Văn Tắc, người quận Cối Kê, huyện Thượng Ngu. Ông có Đạo thuật nên cả quận đều biết đến. Cuối thời Đông Hán, Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông, Ngô Phạm thuận ứng Thiên tượng ra phò trợ cho Tôn Quyền. Mỗi khi gặp việc cát hung, Ngô Phạm đều thông qua thuật số suy đoán mà đưa ra dự ngôn cùng lời giải thích, nhiều lần được ấn chứng.

Một lần, Tôn Quyền dự định thảo phạt Hoàng Tổ. Hoàng Tổ là đại tướng của Kinh Châu Mục Lưu Biểu. Cha Tôn Quyền là Tôn Kiên bị thuộc hạ của Hoàng Tổ đâm trúng đầu mà chết. Về sau anh trai Tôn Quyền là Tôn Sách dẫn theo Tôn Quyền và Chu Du triển khai chiến trận với Hoàng Tổ vào năm Kiến An thứ 4 (năm 200), quân Hoàng Tổ gần bị tiêu diệt toàn bộ, vợ con bị bắt làm tù binh, Hoàng Tổ trốn thoát.

Sau khi Tôn Sách chết, Tôn Quyền nắm binh lực, nhậm chức Thái thú Cối Kê. Năm 207, có đại thần kiến nghị Tôn Quyền tiến đánh Hoàng Tổ. Lý do là lúc này Hoàng Tổ đã già, thực lực yếu nhược, quân lương thiếu thốn, lại thêm quân sĩ oán hận, đánh tất thắng, sau đó có thể tiến đánh Ba Thục. Tôn Quyền rất tán đồng, nhưng Ngô Phạm lại nói: ‘Năm nay đánh vẫn chưa phải là hay, để sang năm thì hơn, sang năm Mậu Tý, Kinh Châu Lưu Biểu sẽ mất nước thân vong.’

Nhưng Tôn Quyền sau khi cân nhắc vẫn quyết định xuất binh, quả nhiên đúng như lời Ngô Phạm dự đoán, chiến trận không giành thắng lợi. Người anh họ của Tôn Quyền là Từ Côn cũng bị trúng tên mất mạng trong trận giao chiến với quân Hoàng Tổ.

Năm 208, Tôn Quyền lại xuất binh chinh thảo Hoàng Tổ. Khi quân đội hành quân tới bến Tầm Dương, Ngô Phạm sau khi quan sát Thiên tượng, tới chiến thuyền của Tôn Quyền chúc mừng rằng trận này nhất định thắng lợi, đồng thời hối thúc quân đội tăng tốc hành quân. Quả không sai, quân Ngô đánh bại Hoàng Tổ, Hoàng Tổ lợi dụng đêm tối trốn mất.

Tôn Quyền lo lắng vì lại để Hoàng Tổ trốn thoát. Ngô Phạm khuyên không cần lo nghĩ, Hoàng Tổ trốn không xa, sẽ bị bắt sống.

Trời vừa mờ sáng, đã có binh sĩ tới báo đã bắt được Hoàng Tổ. Tôn Quyền báo được thù nhà, triệt để chiếm cứ thành trì của Hoàng Tổ.

《三國誌像》之「孫權跨江戰黃祖」。(公有領域)
Tranh minh họa Tam Quốc Chí - Tôn Quyền vượt sông đánh Hoàng Tổ. (Miền công cộng)

Sau đó không lâu, tin truyền đến Lưu Biểu bệnh chết, Kinh Châu bị chia cắt. Dự ngôn của Ngô Phạm chuẩn xác khiến Tôn Quyền cùng quân binh bội phục.

Tôn Quyền phái Lỗ Túc lấy cớ hỏi thăm chia buồn dò xét biến động của Kinh Châu. Khi Lỗ Túc chưa tới Kinh Châu, con trai thứ của Lưu Biểu là Lưu Tông đã đầu hàng Tào Tháo.

Từ đây, Tôn Quyền cùng Lưu Bị liên hiệp kháng Tào. Trận chiến Xích Bích nổi danh trong lịch sử xảy ra đã đặt định cục diện chân vạc thiên hạ chia ba.

Sau đó, Ngô Phạm lại nói với Tôn Quyền: ‘Năm Giáp Ngọ, Lưu Bị sẽ đoạt được Ích Châu.’

Tôn Quyền nửa tin nửa ngờ. Vừa vặn đại tướng Lã Đại trở về từ đất Thục, kể lại với Tôn Quyền rằng, đích thân gặp Lưu Bị ở thành Bạch Đế, quân Lưu Bị tan tác điêu linh, tử vong quá nửa, nên khó có thể lấy được Ích Châu.

Tôn Quyền căn vặn Ngô Phạm, ông trả lời: ‘Lời hạ thần nói là Thiên ý, còn Lã Đại thấy đó chỉ là việc người thường mà thôi!’

Sự thực của lịch sử là: Lưu Bị sau trận Xích Bích đóng quân ở Kinh Châu. Dưới sự hoạch định mưu lược của Gia Cát Lượng, Lưu Bị lần lượt chiếm lĩnh bốn quận Trường Sa, Linh Lăng, Vũ Lăng, Quế Dương, sau đó lại mượn Tôn Quyền thêm Nam Quận, chiếm hữu phần lớn Kinh Châu.

Từ năm 211 tới năm 214, Lưu Bị đánh bại Lưu Chương, chiếm lấy Ích Châu. Lưu Bị là vị được Thượng Thiên giao phó sứ mệnh, cuối cùng chiếm được đất Thục.

Năm 219, Lưu Bị tiếp tục đoạt được Hán Trung, tự xưng là Hán Trung Vương. Đồng thời, Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, xuất binh tấn công Tương Phàn, đánh bại quân Tào, uy chấn phương Bắc. Lúc này, thế lực của Lưu Bị phát triển tới đỉnh cao.

Nhưng Tôn Quyền ở Giang Đông bắt đầu tranh đoạt với Lưu Bị vùng Kinh Châu và Giang Hoài. Quan Vũ lớn mạnh ở Kinh Châu khiến Tôn Quyền bất an, nên phái Lã Mông tập kích Quan Vũ, đẩy lùi thế lực của Lưu Bị ra khỏi Kinh Châu. Từ đây, cục diện chân vạc của ba nước được hình thành rõ rệt.

Trước khi Tôn Quyền cùng Lã Mông mưu hoạch tấn công Quan Vũ, họ cùng bàn bạc với các đại thần thân cận, số đông cho rằng việc không thành.

Tôn Quyền hỏi Ngô Phạm, ông đáp: ‘Trận này bắt sống được Quan Vũ.’

Sau đó Quan Vũ bại trận chạy về Mạch Thành, phái sứ giả xin đầu hàng. Tôn Quyền hỏi Ngô Phạm: ‘Quan Vũ có thể đầu hàng không?’

Ngô Phạm nói: ‘Ông ta có lối chạy thoát, nói đầu hàng là giả đó!’

Thế là tôn Quyền phái khiển Phan Chương chặn đường tháo chạy của Quan Vũ.

Trinh sát báo về Quan Vũ đã đi rồi, nhưng Ngô Phạm vẫn bảo: ‘Tuy đã rời đi, nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi bị bắt!’

Ông còn nói ngày mai lúc chính ngọ Quan Vũ sẽ bị bắt.

Tôn Quyền liền cho dựng cột nhìn bóng nắng, đặt đồng hồ cát để đợi giờ chính ngọ (12 giờ trưa). Đến giờ ấy, quả nhiên tin truyền đến đã bắt sống Quan Vũ, sau đó ông bị hại chết - Vị anh hùng trung nghĩa một thời đã khuất bóng từ đây.

Quan Vũ tự Vân Trường, là đại tướng của Thục Hán thời Tam Quốc, do làm người trung nghĩa mà được hậu thế tôn sùng. (Tranh Epoch Times)

Do lo rằng Lưu Bị báo thù, nên Tôn Quyền tính nước kết giao với Tào Ngụy, xưng thần với nhà Ngụy. Thế nhưng Ngô Phạm lại khuyên, Tào Ngụy trên bề mặt là giao hảo với Đông Ngô, trên thực tế là có âm mưu, vẫn cần phòng bị cẩn thận. Còn đối với việc Lưu Bị suất lĩnh đại quân báo thù, ông lại đưa ra dự ngôn rằng, tương lai hai nước sẽ hòa mục thân cận.

Dự ngôn của Ngô Phạm sau đó đều ứng nghiệm chuẩn xác. Năm 223, Lưu Bị bị bệnh qua đời, Hậu chủ lên ngôi, Gia Cát Lượng được phong làm Vũ Hương Hầu, được xây phủ Thừa tướng để tiện bề xử lý vụ việc triều chính, kiêm nhiệm Ích Châu Mục. Khi đó, tất cả việc lớn nhỏ trong nước từ quân đội, triều chính, ngân khố… đều do Gia Cát Lượng quyết đoán. Việc lớn đầu tiên là ông muốn khôi phục quan hệ giao hảo với Đông Ngô. Gia Cát Lượng phái Thượng thư Đặng Chi đi sứ Đông Ngô, thuyết phục Đông Ngô liên hiệp với nhà Thục, đoạn tuyệt quan hệ với Tào Ngụy.

Do Ngô Phạm dự ngôn chuẩn xác, nên Tôn Quyền bổ nhiệm Ngô Phạm làm Kỵ Đô Úy, kiêm nhiệm Thái Sử Lệnh. Tôn Quyền còn nhiều lần khom người thỉnh giáo, muốn tìm hiểu về bí quyết xem Thiên tượng, dự tri vận mệnh. Thế nhưng Ngô Phạm đều không truyền cho yếu lĩnh. Có lẽ do không thể truyền cho người ngoài, hoặc do Tôn Quyền không có duyên phận ấy, do đó Tôn Quyền không hài lòng.

Ban đầu, khi Tôn Quyền vẫn còn là tướng quân, Ngô Phạm đã nói với Tôn Quyền rằng, đất Giang Nam có khí tượng đế vương, sẽ xuất hiện đế vương trong khoảng từ năm Kỷ Hợi đến năm Canh Tý. Ông có ý ngầm bảo Tôn Quyền có mệnh đế vương. Tôn Quyền bảo: ‘Nếu đúng như lời ông nói, nhất định phong hầu cho ông.’

Năm 222, Tôn Quyền xưng Ngô Vương. Tôn Quyền nguyên định phong Ngô Phạm làm Đô Đình Hầu, nhưng trước khi ban chiếu, do Ngô Phạm không trao truyền bí quyết Đạo thuật nên Tôn Quyền xóa tước hầu. Năm 229, Tôn Quyền chính thức xưng đế, là Ngô Đại Đế, kiến đô ở Kiến Nghiệp (Giang Tô Nam Kinh), quốc hiệu là ‘Ngô’.

Ngô Phạm cá tính cương trực, đối đãi bạn thân thủy chung trước sau như một. Ông giao hảo thân thiết với Ngụy Đằng, cũng là người đồng hương cương trực khí khái. Sau đó Ngụy Đằng mắc tội, Tôn Quyền rất giận, lệnh ai dám can gián thì xử tử người ấy. Ngô Phạm nói với Ngụy Đằng: ‘Tôi đi chết cùng ông!

Ngụy Đằng nói: ‘Chết mà vô ích, sao phải tống tiễn chứ?’

Ngô Phạm trả lời: ‘Tôi có thể ngồi nhìn ông chết mà không quản được sao?’

Thế là ông cắt tóc, tự trói mình tới trước cung Hoàng đế, bảo thị vệ báo tin, thị vệ không dám vào tâu, nói: ‘Báo tin khẳng định là chết đó, cho nên tôi không dám đi.’

Ngô Phạm nói: ‘Ông có con không?’

Thị vệ đáp: ‘Có’.

Ngô Phạm bảo: ‘Nếu ông vì ta mà bị chết, thì các con có thể phó thác lại cho ta.’

Thị vệ nói: ‘Vậy thì được.’

Thế là thị vệ đẩy cửa bước vào.

Thị vệ chưa nói hết câu, Tôn Quyền nổi giận, muốn cầm kích đâm chết. Thị vệ vội chạy vọt ra, Ngô Phạm nhân dịp tiến vào, rập đầu đến chảy cả máu, khóc lóc kêu than.

Một lúc sau, Tôn Quyền nguôi nguôi giận, miễn tội chết cho Ngụy Đằng.

Sau khi được thả, Ngụy Đằng bái kiến Ngô Phạm, thành thực cảm tạ nói: ‘Cha mẹ sinh thành dưỡng dục, nhưng không thể xin miễn tội chết cho tôi. Đại trượng phu có được một người tri kỷ, có được ông là đủ lắm rồi!’

Năm 226, Ngô Phạm bị bệnh rời dương thế, hoàn thành sứ mệnh của Thượng Thiên. Con trai cả của ông đã chết, con thứ còn nhỏ nên Đạo thuật cũng thất truyền.

Sau khi ông mất, Tôn Quyền rất thương tiếc, cho người đi kiếm tìm khắp Kinh Châu, Dương Châu, Giao Châu, tìm người có thể nắm vững Đạo thuật như Ngô Phạm, hứa phong hầu ngàn hộ, cuối cùng không tìm được ai.

Cần hiểu rằng, Thiên Thượng an bài nhân vật như Ngô Phạm tới trợ giúp Tôn Quyền, đó là ý Trời, chứ Tôn Quyền cũng không có cách gì để tìm ra nhân vật ấy, tất cả đều do Thiên Thượng an bài cả mà thôi!

Lưu Hiểu - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Lưu Bị chiếm Thục là Thiên ý, mưu sĩ Tôn Quyền thấu Thiên cơ