Mẹ của Thánh nhân sao lại trèo tường chạy trốn, điều gì đã khiến bà sợ đến như vậy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu cổ đại có một bà lão không những hiền thục đức hạnh mà còn nuôi dạy được một người con vô cùng hiếu thảo. Người con ấy là ai?

Đó là vị Thánh nhân được hậu thế kính trọng gọi là Tông Thánh - Tăng Tử. Tên của Tăng Tử là Tăng Sâm, tự là Tử Dư, được người đời gọi là Tăng Tử.

Tăng Tử không phải là người bình thường mà chính là học trò của Khổng Tử. Tăng Tử là một nhà tư tưởng thời Xuân Thu, là một trong những nhân vật tiêu biểu của học phái Nho gia, là một trong 72 học trò giỏi nhất (Thất thập nhị hiền) của Khổng Tử, là một trong năm vị Thánh nhân của Nho giáo, là một trong bốn vị "Tứ phối" vinh dự được thờ trong điện Đại Thành ở miếu Khổng Tử. Cháu nội đích tôn của Khổng Tử là Khổng Cấp (tự là Tử Tư) đã theo học Tăng Tử, sau đó cũng trở thành một trong bốn vị "Tứ phối", và một trong năm vị Thánh nhân của Nho giáo.

Tăng Tử từng tham gia biên soạn cuốn sách "Luận ngữ" vô cùng nổi tiếng. Ông đã trình bày và phân tích những đạo lý làm người và hiếu thảo, cũng như những đạo lý của trời đất và vạn vật, được tập hợp trong cuốn sách "Tăng Tử" gồm có 18 chương, hay trong cuốn "Tăng tử 10 chương”.

Sự hiếu thảo và trung thực của Tăng Tử vô cùng nổi tiếng với những câu chuyện nhà nhà đều biết. Ví dụ như câu chuyện "Mẹ cắn ngón tay, con đau lòng" (Một trong những câu chuyện về Nhị thập tứ hiếu thời cổ đại), "Tăng tử giết lợn" (Cha mẹ dạy cho con biết giữ chữ tín, thì đầu tiên bản thân phải biết giữ chữ tín), đều là những câu chuyện tiêu biểu về Tăng Tử, khiến mọi người không ngớt cảm thán.

Tranh vẽ Tăng Sâm (Tăng Tử).
Tranh vẽ Tăng Sâm (Tăng Tử). (Ảnh trong sách "Chí Thánh Tiên Hiền bán thân tượng" thời nhà Nguyên, được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Đài Loan)

Phải nói rằng, mẹ của Tăng Tử thật biết cách nuôi dạy con trai, đã tạo nên một "tấm gương hiếu thảo" thời cổ đại. Thế nhưng trong "Chiến quốc sách - Tần sách nhị" có ghi lại một câu chuyện, khi ấy, mẹ của Tăng Tử sợ đến mức trèo tường chạy trốn. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

 

Mọi việc là như thế này:

Khi ấy, gia đình của Tăng Tử ở một vùng gọi là "Phí". Có một người cùng họ cùng tên với Tăng Tử đã giết người. Sau đó, có người chạy đến nói với mẹ của Tăng Tử rằng: "Tăng Sâm giết người rồi".

Lúc đó, mẹ của Tăng Tử đang dệt vải ở nhà, bà thản nhiên nói: "Con trai của tôi sẽ không giết người".

Nói rồi, bà lại tiếp tục dệt vải. Một lát sau lại có người chạy đến nói: "Tăng Sâm giết người rồi".

Mẹ của Tăng Tử vẫn không phản ứng gì, tiếp tục dệt vải.

Thế nhưng, một lúc nữa, lại có một người khác chạy đến nói: "Tăng Sâm giết người rồi".

Lúc này, bà không ngồi yên được nữa, ném con thoi xuống, trèo tường chạy trốn.

Tăng Sâm rõ ràng là một người có đạo đức tốt. Tục ngữ có câu: "Không ai hiểu con bằng mẹ". Thế nhưng nếu người khác đều nói giống nhau, có đến tận ba người như vậy, thì mẹ của Tăng Tử cũng không còn tin con nữa.

Trong bài thơ "Đáp Vương thập nhị hàn dạ độc chước hữu hoài", nhà thơ Lý Bạch thời nhà Đường đã viết rằng:

"Tăng Sâm khởi thị sát nhân giả? Sàm ngôn tam cập từ mẫu kinh"

Tạm dịch:

Tăng Sâm há là kẻ sát nhân sao? Nhưng ba người nói sai sự thật cũng làm người mẹ hiền lành thất kinh".

Chính là để ví von rằng, nhiều người nói xói chảy vàng, lời nói của con người rất đáng sợ.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những tin đồn thất thiệt của một người chưa phải là điều đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất chính là các kênh truyền thông không lành mạnh lan truyền những lời nói dối. Quy mô và ảnh hưởng của điều này đối với xã hội và tư tưởng của con người là vô cùng to lớn. Biết bao nhiêu người bị những lời nói dối này đầu độc, mấy chục năm vẫn không tỉnh ngộ, dựa trên những lời nói dối này để làm việc có hại cho mình, có hại cho người khác. Đó mới chính là điều đau xót nhất!

Trình Thư Ngữ - Soundofhope
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mẹ của Thánh nhân sao lại trèo tường chạy trốn, điều gì đã khiến bà sợ đến như vậy?