TikTok đánh chiếm mảng thương mại điện tử của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mục tiêu mới nhất của TikTok là đánh chiếm mảng thương mại điện tử tại Mỹ. Thêm một hồi chuông báo động đối với các nền dân chủ?

TikTok, ứng dụng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, muốn có được tất cả. Mục tiêu mới nhất của nó là trợ cấp thương mại điện tử để cạnh tranh với Amazon, Facebook, Instagram, Google, Temu, Shein và các thương hiệu chợ trực tuyến khác - đặc biệt là Amazon.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, TikTok sẽ bắt đầu bán hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cho người tiêu dùng Mỹ vào tháng 8. Để làm được điều đó, TikTok đang cung cấp cho các nhà cung ứng ở Trung Quốc việc vận chuyển miễn phí và trợ cấp thuế. Tạm biệt các cửa hàng tạp hóa của Mỹ. Xin chào, lao động nô lệ được trợ cấp từ Trung Quốc.

“TikTok Shop” đã ra mắt tại các thị trường toàn cầu khác, bao gồm Ảrập Xêút, Việt Nam, Singapore, Indonesia và Vương quốc Anh.

Đây chính là ứng dụng đang quảng bá cho những lời tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cùng với tự tử và những thử thách nguy hiểm trong giới trẻ. TikTok hiện đang thiết lập các hệ thống hậu cần và thanh toán quốc tế để nhắm mục tiêu vào Mỹ, bao gồm kho bãi, dịch vụ sau bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng.

Liệu nước Mỹ sắp tới cũng sẽ có các xe tải TikTok chạy đua với các phương tiện phổ biến của Amazon và Uber, làm tắc nghẽn đường cao tốc của Mỹ? Hay TikTok Air, cạnh tranh các chỗ đỗ khan hiếm tại sân bay với FedEx và UPS?

Mối nguy hiểm khi TikTok đánh chiếm mảng thương mại điện tử của Mỹ
Logo ứng dụng mạng xã hội TikTok được hiển thị trên màn hình iPhone trước nền cờ Mỹ và cờ Trung Quốc ở Washington, Mỹ, vào ngày 16/03/2023. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)

TikTok có thể thu được lợi nhuận vượt trội nếu nó có được một siêu ứng dụng lý tưởng, thứ còn được gọi là “ứng dụng mọi thứ”. Những ứng dụng này, giống như WeChat ở Trung Quốc, không chỉ cung cấp các blog vi mô mà còn cung cấp toàn bộ trải nghiệm thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, văn hóa điện tử và mọi thứ khác liên quan tới điện tử.

TikTok Air có vẻ rõ ràng là một sự bổ sung tiếp thị hào nhoáng, ngay cả khi nó chỉ có một chiếc máy bay để bay xung quanh những người có ảnh hưởng hàng đầu của ứng dụng. Đây không phải là lời khuyên dành cho TikTok, vốn là một bộ mặt tương đối thân thiện của nhà nước độc tài Bắc Kinh. Không ai nên đưa ra lời khuyên nhằm gia tăng sức mạnh cho một kẻ độc tài, kẻ khủng bố, kẻ giết người hoặc các mối đe dọa khác đối với cuộc sống và quyền tự do của chúng ta.

Thay vào đó, nó là một lời cảnh báo cho các nền dân chủ phải cảnh giác trước những phương thức tuyên truyền mới nhất và mạnh mẽ nhất của ĐCSTQ. Vẻ ngoài càng bóng bẩy và đắt tiền thì càng có nhiều khả năng nó có mối liên hệ nào đó với nền kinh tế độc tài lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở châu Á.

Những mối đe dọa

Mối nguy hiểm khi TikTok đánh chiếm mảng thương mại điện tử của Mỹ
Thành viên Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện, Dân biểu Buddy Carter (Cộng hòa - Georgia) chất vấn Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư trong phiên điều trần của ủy ban tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn House trên Đồi Capitol ở Washington, Mỹ, vào ngày 23/03/2023 (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Rủi ro kinh tế ở đây là rất lớn.

Công ty khởi nghiệp thời trang nhanh Shein của Trung Quốc đã thu về 800 triệu USD lợi nhuận hàng năm. Amazon đã kiếm được 225 tỷ USD vào năm 2022. Trên toàn cầu, TikTok tìm cách tăng gấp bốn lần các giao dịch hàng hóa của mình từ 1 tỷ USD năm ngoái lên 4 tỷ USD vào năm 2023. Đó mới chỉ là khởi đầu cho tham vọng kiếm tiền của nó.

Khi các nền tảng trực tuyến phát triển và mở rộng, họ cố gắng tận dụng hàng tỷ người dùng hiện tại của mình để đạt được sức mạnh thị trường tổng hợp và quy mô kinh tế bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ hơn và trải nghiệm tốt hơn để loại trừ đối thủ cạnh tranh và tạo lợi thế trong vòng cạnh tranh tiếp theo trước các đối thủ siêu ứng dụng còn sống sót.

Cuộc cạnh tranh thế kỷ này nhằm giành giật người dùng từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v. Do tầm quan trọng của mạng xã hội đối với tâm lý của công chúng và các cuộc bầu cử trong các nền dân chủ, mối hằn thù giữa các siêu ứng dụng của Trung Quốc và Mỹ mang tính chất địa chính trị. Ai kiểm soát siêu ứng dụng của tương lai sẽ kiểm soát tương lai.

TikTok đang trong cuộc đua toàn cầu với Twitter (nay là X), Facebook (nay là Meta), Google (nay là Alphabet) và Amazon (ban đầu được gọi là Cadabra) - tất cả đều là các công ty của Mỹ - để độc chiếm thời gian sử dụng thiết bị của bạn. Mặc dù TikTok không phải là ứng dụng lớn nhất tính theo số lượng người dùng, nhưng nó là một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất.

Các công ty như Meta và X đã mất người dùng hoặc chứng kiến tốc độ tăng trưởng của họ giảm sút. Meta đã ra mắt ứng dụng Threads (đối thủ của Twitter) mới trong tháng này, nhưng ngay sau khi đột phá với hơn 100 triệu lượt đăng ký trong năm ngày, nó đã mất 50% lượng tương tác của người dùng. Rốt cuộc thì một người sẽ cần bao nhiêu công ty truyền thông xã hội?

TikTok khác biệt và nguy hiểm hơn vì lòng trung thành của người dùng. Được thành lập vào năm 2016, nó đã có 113 triệu người dùng tích cực tại Mỹ. Cơ sở người dùng thiên về giới trẻ, với khoảng một nửa là thế hệ Z (cuối thanh thiếu niên đến đầu độ tuổi 20). Phần lớn những người còn lại là thế hệ Thiên niên kỷ (cuối độ tuổi 20 đến đầu 40). Nhân khẩu học tương đối trẻ đó là chìa khóa cho doanh thu quảng cáo trong tương lai, với Facebook hiện được coi là phương tiện truyền thông xã hội "ông già", sắp đi theo con đường của AOL.

TikTok rất quan trọng với tư cách là một phương tiện tuyên truyền của ĐCSTQ vì những người dùng trẻ tuổi của nó hiện đang lớn lên với quan niệm lệch lạc về thế giới, bao gồm cả sự thiếu hiểu biết hoặc tệ hơn là việc chấp nhận mối liên hệ của chính quyền diệt chủng với đời sống mạng xã hội của họ. Mối nguy hiểm với các siêu ứng dụng - đặc biệt nếu do Bắc Kinh kiểm soát - là chúng sẽ ngày càng ảnh hưởng đến suy nghĩ của các thế hệ tương lai. TikTok đang đồng thời bình thường hóa sự gây hấn của ĐCSTQ trong khi mô tả về Mỹ với góc nhìn tồi tệ nhất có thể tưởng tượng được.

Con đường này dẫn đến sự phá hủy các giá trị của Mỹ từ bên trong.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

TikTok đánh chiếm mảng thương mại điện tử của Mỹ