Trung Quốc tấn công an ninh Mỹ bằng ứng dụng thương mại điện tử mới ra mắt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi mà những lo ngại về TikTok chưa qua đi, người Mỹ lại đang phải đối mặt với một mối nguy khác từ Trung Quốc: Ứng dụng thương mại điện tử mới ra mắt Temu. Người Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn TikTok từ trong trứng nước, và giờ họ cần làm được điều đó với Temu, nếu không muốn sau này phải trả một cái giá đắt gấp nhiều lần.

Ngay cả khi mối lo ngại về an ninh đang gia tăng đối với TikTok, người Mỹ vẫn đang tải xuống một ứng dụng khác từ Trung Quốc với tốc độ kỷ lục. Ứng dụng thương mại điện tử, được gọi là Temu, phục vụ cho mua sắm trực tuyến. Ứng dụng này cạnh tranh trực tiếp với Amazon thông qua việc bán sản phẩm với mức giá thấp hơn nhiều.

Chẳng hạn, tai nghe không dây của Lenovo có thể được mua với giá chỉ 3 USD trên Temu nhưng có giá hơn 10 USD trên Amazon. Mức giá thấp hơn của Temu chỉ được mở khóa [áp dụng được] thông qua các phiếu giảm giá có được bằng cách quảng cáo cho ứng dụng thông qua các kết nối mạng truyền thông xã hội, điều thúc đẩy sự lan truyền của Temu.

Temu đã có hơn 10 triệu lượt tải xuống tại Mỹ và đang dẫn đầu về lượt tải xuống cho tất cả các danh mục ứng dụng kể từ tháng 11. Ứng dụng này chủ yếu bán các sản phẩm không có thương hiệu được sản xuất tại Trung Quốc.

Temu: Mối nguy mới

Người ta có thể không nghĩ rằng một ứng dụng thương mại điện tử như Amazon hay Temu lại có liên quan đến an ninh quốc gia. Nhiều người Mỹ chỉ muốn sản phẩm rẻ nhất và hữu dụng, từ đồ chơi cho mèo đến máy nghiền khoai tây. Sản phẩm từ Trung Quốc cũng ổn đối với họ.

Nhưng những sản phẩm này làm tăng sự phụ thuộc của người tiêu dùng Mỹ vào Trung Quốc, tăng doanh thu thuế cho Bắc Kinh và gây khó khăn hơn cho việc gây áp lực với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về các vấn đề từ các mối đe dọa quân sự đối với các nước láng giềng đến công bằng thương mại và nhân quyền.

Các thiết bị điện tử của Trung Quốc như điện thoại di động và máy bay không người lái cá nhân có thể được sử dụng để theo dõi người Mỹ hoặc thu thập dữ liệu cho ĐCSTQ.

Trung Quốc tấn công an ninh Mỹ bằng ứng dụng thương mại điện tử mới ra mắt
Máy bay không người lái DJI Mavic Zoom bay trong một sự kiện ra mắt sản phẩm tại Brooklyn Navy Yard ở thành phố New York, Mỹ, vào ngày 23/08/2018. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Mặc dù đồ chơi cho mèo trên Temu có vẻ vô hại, nhưng chúng đang khiến người Mỹ quen với việc mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc hơn là thông qua Amazon và các nhà cung cấp khác của Mỹ (những người vốn đã nhập nhiều hàng từ Trung Quốc và từ chối dán nhãn xuất xứ).

Rõ ràng là từ việc bán phá giá tai nghe nhét tai của Lenovo trên thị trường Mỹ, Temu có thể thúc đẩy hoạt động tiếp thị lan truyền nhằm hạ gục các đối thủ cạnh tranh bằng các sản phẩm có giá thành thấp hơn chi phí phổ biến trong thị trường. Do đó, nó có thể nhắm mục tiêu có chọn lọc vào các nhà sản xuất Mỹ, khiến họ đóng cửa bằng các sản phẩm giá rẻ, sau đó tăng giá lên mức độc quyền hoặc lợi dụng nguồn cung nhằm phục vụ cho các mục đích chính trị. Bắc Kinh đã sử dụng vở kịch đó trước đây.

Temu có thể đang cố gắng thay thế Amazon vào lúc này. Vì vậy, người Mỹ nên cảnh giác với các sản phẩm mà đối thủ hàng đầu của Mỹ đang cố gắng bán và tác động lâu dài của việc tiết kiệm một vài USD cho một cặp tai nghe.

Các nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ nên nhắm mục tiêu vào TikTok, thứ mà họ đang thực hiện với mức độ ngày một gia tăng, mà còn cả Temu. Và họ nên yêu cầu Amazon cung cấp nhãn nhất quán cho các sản phẩm từ các chế độ đối nghịch như Nga và Trung Quốc để người tiêu dùng có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt và có đạo đức.

An ninh quốc gia bị đe dọa

Một số người trong chính quyền Biden đang thúc đẩy việc ép buộc bán TikTok cho một thực thể của Mỹ để đảm bảo rằng nó không thể gây ảnh hưởng hoặc theo dõi người Mỹ. Những người đi đầu trong nỗ lực đó là những người trong Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ, những người hiểu rõ nhất về mối đe dọa an ninh quốc gia từ ĐCSTQ dựa trên những dữ liệu mật.

“Chúng ta đang nói về một chính phủ mà, theo ước tính của cộng đồng tình báo của chúng ta, có mục tiêu chuyển việc sử dụng công nghệ toàn cầu và các chuẩn mực để ưu tiên các lợi ích và giá trị của chính họ, những thứ vốn không phù hợp với chính chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Wall Street Journal.

Cách nhìn đó áp dụng cho Temu cũng giống như với TikTok. Cái sau thuộc sở hữu của ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh và cái trước thuộc sở hữu của Pinduoduo, có trụ sở tại Thượng Hải.

Trung Quốc tấn công an ninh Mỹ bằng ứng dụng thương mại điện tử mới ra mắt
Một người đàn ông đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Như thường lệ, Bộ Tài chính Mỹ là bên chậm chạp trong việc bảo vệ nền kinh tế, dữ liệu và sự liêm chính chính trị của Mỹ khỏi các hoạt động gián điệp, trộm cắp và gây ảnh hưởng do Bắc Kinh chỉ đạo.

Bộ Tài chính bị ảnh hưởng nhiều bởi Phố Wall, nơi chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, với hơn 600 tỷ USD thương mại hàng năm của Mỹ với Trung Quốc và 2,3 nghìn tỷ USD trong các khoản đầu tư từ các tổ chức Mỹ vào Trung Quốc.

Mỗi một USD đó đều là con tin mà ĐCSTQ cố gắng sử dụng để chống lại Mỹ. Nhưng vì Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, nên người Mỹ giống với vai trò là khách hàng. Do đó, Mỹ có nhiều đòn bẩy về thương mại hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ đã không sử dụng nó một cách hiệu quả vì sự ủng hộ quá vội vàng của người Mỹ đối với thương mại tự do. Giới tinh hoa doanh nghiệp Mỹ, và người phát ngôn của họ ở Washington và giới học thuật, có xu hướng ủng hộ phương thức thương mại như vậy ngay cả khi nó trao đi công cụ mạnh nhất của Mỹ, quyền kiểm soát thị trường, và ủng hộ cho mối đe dọa nguy hiểm nhất của thế giới đối với nền dân chủ.

Ít nhất thì chính quyền Trump đã cố gắng cấm TikTok sau khi việc ép buộc bán không thành công. Sau đó, Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ lệnh cấm, nói rằng lệnh cấm là không thể thực thi được. Ông đã hứa một giải pháp toàn diện khác, nhưng đến nay, sau hai năm, ông vẫn chưa thực hiện lời hứa.

Quốc hội và các thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa đang tiếp tục các nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách cố gắng thông qua luật chống lại việc sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Ý tưởng đó được đưa vào dự luật chi tiêu tổng hợp vào tuần trước đã được Thượng viện và Hạ viện thông qua. Nhưng họ vẫn chưa đi đủ xa. Dựa trên vấn đề về an ninh quốc gia, cần phải có giải pháp quốc gia và quốc tế để đạt được mức bảo vệ tối đa.

Cần ngăn chặn Temu ngay từ lúc này

Việc bắt buộc bán TikTok có thể tiêu tốn hàng tỷ USD vì người Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn ứng dụng này từ trong trứng nước nhiều năm trước. Bây giờ Temu đang chớm nở, và người Mỹ nên cắt bỏ nó trước khi việc mua nó trở nên đắt hơn gấp 10 lần, cả về khía cạnh tiền tệ và chính trị.

Với TikTok, việc cấm ứng dụng này sẽ rất không được lòng 100 triệu người dùng Mỹ, nhiều người trong số họ là cử tri. Các doanh nghiệp ngày càng sử dụng ứng dụng này để nhắm mục tiêu quảng cáo đến nhóm nhân khẩu học thanh niên vốn đem lại lợi nhuận.

Việc tách khỏi các nguồn doanh thu đó sẽ khó khăn khi nó đã được phép bén rễ. Nước Mỹ không nên chờ đợi để rơi vào cùng một tình thế khó khăn đối với Temu.

Mỹ nên cấm cả Temu và TikTok, đồng thời yêu cầu phần còn lại của thế giới cũng làm như vậy. Amazon và các công ty thương mại điện tử khác nên được yêu cầu chuyển dần chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc và Nga hoặc ít nhất là dán nhãn quốc gia xuất xứ. Tất cả các sự tự do và chủ quyền của Mỹ đều phụ thuộc vào việc đưa ra các lựa chọn chiến lược này vì sự minh bạch và đạo đức.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tấn công an ninh Mỹ bằng ứng dụng thương mại điện tử mới ra mắt