Nguy cơ tiềm ẩn từ những chiếc đũa tưởng chừng như sạch sẽ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước mỗi bữa ăn, chúng ta luôn được nhắc nhở phải rửa tay thật sạch để ngăn vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại bỏ qua yếu tố vệ sinh của chiếc đũa ăn hàng ngày.

Hầu hết mọi người không quan tâm đến mức độ vệ sinh của đũa, họ cho rằng miễn là có thể sử dụng là được.

Tuy nhiên, những chiếc đũa trông khá sạch bên ngoài có thể đã bị nấm mốc ở những khe hở li ti bên trong.

Nhiều gia đình sử dụng đũa trong 1 – 2 năm, thậm chí lâu hơn lên đến 4 – 5 năm. Hầu hết các gia đình ở Châu Á đều sử dụng đũa tre, gỗ... mà những chất liệu này sau khi rửa rất dễ bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi.

Chúng phát triển trong những khe nhỏ này cho đến khi không còn chỗ để chứa thêm, và trở thành những đốm đen mà chúng ta nhìn thấy.

Nghiên cứu cho thấy, đũa dùng lâu ngày có thể sinh ra nhiều loại nấm mốc khác nhau, từ đó gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy truyền nhiễm, nôn mửa...

Hơn nữa, đũa bị mốc nặng có thể sinh ra aflatoxin, chất này đã được chứng minh là có thể gây ung thư.

Ngoài ra, đũa dùng lâu ngày có độ ẩm cao, nghĩa là chúng rất dễ trở thành nơi sinh sản cho vi khuẩn phát triển, chẳng hạn như Staphylococcus aureus và E. coli. Thêm vào đó, việc để đũa trong tủ lâu ngày cũng làm tăng nguy cơ hư hỏng lên đến hơn 5 lần.

Vậy nguyên nhân nào khiến đũa bị mốc? "Thủ phạm" chính là những hành vi sau, vốn là thứ mà hầu hết mọi người đều mắc phải:

  • Sau khi rửa đũa, không đợi nước trên đũa bay hơi hết (khô hẳn). Trong môi trường ẩm ướt này, đũa dễ bị nấm mốc, đốm đen, đây đều là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vi khuẩn đang sinh sôi mạnh mẽ.
  • Dùng khăn lau đũa, tưởng rằng như vậy là sạch, nhưng bản thân khăn lau có thể đã bị nhiễm vi khuẩn, khiến đũa bị nhiễm bẩn thứ cấp.

Vậy làm thế nào để sử dụng đũa đúng cách? Hãy lưu ý những điểm sau:

  • Nên thay đũa ba tháng một lần. Vì theo thời gian sử dụng, màu sắc của đũa sẽ dần thay đổi (sẫm hoặc nhạt màu hơn), điều này liên quan mật thiết đến việc mức độ bám dính của vi khuẩn và các cặn thức ăn sót lại trong các khe hở li ti trên bề mặt đũa.
  • Không cất đũa khi đang ẩm ướt. Nên phơi hoặc sấy khô đũa sau mỗi lần sử dụng, và nếu có điều kiện, hãy sử dụng nước sôi để khử trùng, giảm thiểu nguy cơ cho sức khỏe.
  • Kiểm tra đũa thường xuyên. Đũa tre, gỗ đặc biệt dễ bị mốc trong môi trường ẩm ướt, thông thường chỉ cần một ngày với độ ẩm đạt chuẩn là có thể xuất hiện nấm mốc. Do đó, bạn nên kiểm tra bằng cách ngửi và quan sát bề mặt đũa. Một khi phát hiện có nấm mốc hoặc có mùi mốc, hãy ngừng sử dụng và thay đũa mới.
  • Dùng nước sôi khử trùng và làm sạch. Đũa mới trong quá trình sản xuất và vận chuyển có thể bị nhiễm các chất độc hại, do đó trước khi sử dụng, có thể dùng nước sôi để làm sạch và khử trùng, sau đó rửa lại dưới vòi nước chảy.
  • Nên sử dụng hộp đựng đũa có lỗ thoát nước. Điều này có thể ngăn chặn hiệu quả sự tiếp xúc lâu dài giữa độ ẩm và thân đũa, cũng như thùng đựng đũa. Đồng thời, hãy đặt đầu đũa hướng lên trên, giúp giảm số lượng vi sinh vật bám trên bề mặt thân đũa và giảm thiểu bớt tác hại.
  • Vệ sinh hộp đựng đũa thường xuyên để tránh nấm mốc phát triển. Vì trong quá trình bảo quản, hộp đựng luôn bị dính nước. Theo thời gian, đáy hộp dễ bị ẩm mốc, dẫn đến sự lây lan vi khuẩn, đặc biệt là đũa tre, gỗ.

Tóm lại, chúng ta nên chú ý đến thời hạn sử dụng của đũa và thay thế chúng thường xuyên để đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh. Đồng thời, chú ý đến việc bảo quản đũa để tránh ẩm ướt và vi khuẩn phát triển. Hãy bắt đầu từ những chi tiết nhỏ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Theo Wang He - Aboluowang
Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ tiềm ẩn từ những chiếc đũa tưởng chừng như sạch sẽ